25 năm, một khoảng thời gian đầy khó khăn nhưng cũng nhiều kỷ niệm và vinh quang đối với tập thể những người làm báo - Báo Giáo dục TP.HCM, tiền thân là Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo. Đây như một bản tóm tắt hành trình của đoàn tàu đã vượt qua nhiều chặng đường trắc trở để rồi ổn định và tăng tốc…
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển và các đại biểu chụp hình lưu niệm trước phòng trưng bày Báo Giáo dục TP.HCM tại Khu triển lãm giáo dục đào tạo năm 2005
I. Hình thành (1994-1998)
Giai đoạn này bắt đầu từ ngày có giấy phép xuất bản của Bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT), ngày 24-8-1994, đến khi thay Tổng Biên tập và thực hiện kế hoạch cải tiến tăng kỳ lần đầu, tháng 9 năm 1998.
1. Yêu cầu đổi mới
Sau Đại hội VI, vào những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đất nước chuyển mình đổi mới. Ngành giáo dục cũng không đứng ngoài cuộc. Cùng với khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo được Đảng, Nhà nước xác định là “quốc sách hàng đầu”, cần được ưu tiên đầu tư phát triển… Nghị quyết Trung ương 4 Khóa VII ra đời đã dành cho giáo dục và đào tạo một vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Nhà giáo Tạ Văn Doanh - nguyên Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM (giai đoạn 1998-2012) trao kỷ niệm chương cho PGS.TS Cao Minh Thì - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM và nhà giáo Hoàng Trúc Bào - nguyên Tổng Biên tập (giai đoạn 1994-1998)
Trong bối cảnh đất nước “mở cửa” và trước nhu cầu đổi mới của ngành giáo dục, đề xuất của những nhà giáo tâm huyết tại Câu lạc bộ quản lý giáo dục (CLBQLGD) thuộc Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM được lãnh đạo Sở GD-ĐT chấp thuận và cùng đề nghị Thành ủy, UBND TP.HCM xem xét để xin Bộ VH-TT ra một tờ báo riêng cho ngành giáo dục đào tạo thành phố. PGS.TS Cao Minh Thì, lúc đó là Giám đốc Sở GD-ĐT, chủ nhiệm CLBQL, đã tích cực chỉ đạo thành lập tờ báo.
Ý tưởng trên được thôi thúc mạnh hơn sau Hội thảo khoa học - thực tiễn về “Tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh”, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (19-5-1890/19-5-1990) do CLBQLGD - Trường CBQLGD TP.HCM tổ chức.
Nhà giáo Trương Song Đức, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu trong buổi ra mắt Báo Giáo dục TP.HCM bộ mới năm 2003
Kỷ yếu hội thảo được in ấn cẩn thận, hình thức như một tập san. Rút kinh nghiệm từ tập kỷ yếu, Ban chủ nhiệm CLBQLGD - Sở GD-ĐT, tiếp tục xuất bản những tập san tiếp theo, ba hoặc bốn tháng một kỳ, lấy tên là Giáo dục và Thời đại, sau này đổi tên là Giáo dục & Sáng tạo (do Báo Người giáo viên nhân dân vừa lấy tên này), PGS.TS Cao Minh Thì, Giám đốc Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm xuất bản, nhà giáo Hoàng Trúc Bào, Phó Hiệu trưởng Trường CBQLGD thường trực Ban Biên tập.
2. Hình thành Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo
Ngày 24-8-1994 Bộ VH-TT ký ban hành giấy phép xuất bản báo chí số 2314/ BC-GPXB cho Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo. Từ đó ngành GD-ĐT TP chính thức có riêng một ấn phẩm báo chí - Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo.
Theo giấy phép này, Giáo dục & Sáng tạo xuất bản mỗi tháng một kỳ, hình thức báo cuốn, bìa couché 4 màu, 32 trang nội dung, khổ A4, là diễn đàn của thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh sinh viên TP, Tổng Biên tập là nhà giáo Hoàng Trúc Bào, Phó Hiệu trưởng Trường CBQLGD TP.HCM kiêm nhiệm…
Trên cơ sở giấy phép xuất bản báo chí ủa Bộ VH-TT, UBND TP đã ra quyết định số 4134/QĐ-UB ngày 7-12-1994 công nhận tư cách pháp nhân của Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo. Theo quyết định này, tạp chí hoạt động theo cơ chế tự cân đối thu chi, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định Nhà nước. Trụ sở của báo lúc này đặt tại 20 Ngô Thời Nhiệm quận 3, mượn địa điểm của Trường CBQLGD TP (đến tháng 4-1995 Sở GD-ĐT mới cấp cho báo căn nhà 300 Điện Biên Phủ quận 3 làm trụ sở riêng).
3. Những “thước phim” đầu tiên của Giáo dục & Sáng tạo
Số báo đầu tiên Giáo dục & Sáng tạo phát hành ngày 20-11-1994 được đông đảo thầy cô giáo, CBQL và phụ huynh hưởng ứng nhiệt tình.
Từ đó, hàng tháng Giáo dục & Sáng tạo đến với bạn đọc như một món ăn tinh thần cần thiết! Nội dung tạp chí nặng về chuyên môn, sử dụng nhiều bài viết của các giáo sư, CBQL trường học, thầy cô giáo, chuyên gia tâm lý giáo dục…
Các bài viết trên Giáo dục & Sáng tạo bấy giờ có ưu điểm là chuyên sâu, sử dụng nhiều bài của cộng tác viên là chuyên gia, nhà quản lý… Nhưng cũng vì vậy nên nội dung thường nặng nề, thiếu ngôn phong báo chí, còn lỗi biên tập. Nhìn chung, nội dung và hình thức tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa thoát khỏi dáng dấp một tờ nội san trước đây.
Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo là tờ báo thứ hai của ngành giáo dục cả nước, sau Giáo dục và Thời đại của bộ, là tờ báo đầu tiên và duy nhất của một địa phương có quy mô giáo dục to nhất nước, nên khi ra đời đã được bạn đọc trong và ngoài ngành đặc biệt hưởng ứng.
II. Cải tiến lần đầu (1998-2003)
1. Yêu cầu tăng cường thông tin và thay đổi nhân sự
Tháng 8-1998, Ban Thường vụ Thành ủy nhất trí thông qua đề xuất của lãnh đạo ngành GD-ĐT lấy năm 1999 làm Năm giáo dục. Đây là chủ đề trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội TP năm 1999, là giải pháp đỉnh điểm, lần đầu tiên được đề ra trong phạm vi cả nước, hứa hẹn cho ngành GD-ĐT một sự phát triển vượt bậc!
Chuẩn bị tuyên truyền cho kế hoạch Năm giáo dục 1999 và các năm tiếp theo, hè năm 1998 lãnh đạo ngành GD-ĐT TP đã thông qua phương án củng cố, tăng cường nhân sự cho Ban Biên tập và tòa soạn Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo.
Nhà giáo Tạ Văn Doanh, Phó Hiệu trưởng Trường CBQLGD TP.HCM được Bộ VH-TT nhất trí đề nghị của TP giao sở chủ quản bổ nhiệm Tổng Biên tập thay nhà giáo Hoàng Trúc Bào (thôi chức Tổng Biên tập để chuyên trách Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền). Đảng ủy Sở GD-ĐT cũng chỉ định nhà giáo Tạ Văn Doanh làm Bí thư Chi bộ thay ông Vũ Đình Đức.
Cuối tháng 8-1998 các quyết định bổ nhiệm được triển khai. Tổng Biên tập mới cùng ê-kíp cũ kịp xuất bản số báo chào mừng năm học mới theo hình thức cũ, số tháng 9-1998.
2. Phương án đổi mới lần đầu
Đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên của tạp chí khi Tổng Biên tập Tạ Văn Doanh nhận bàn giao chỉ có 6 người, gồm: Đào Xuân Lan, Lê Ý Cơ, Nguyễn Hoàng Mai, Bùi Việt Dân, Trịnh Thị Nga và Nguyễn Văn Sáu. Thư ký tòa soạn Lê Hoàng Quân là giảng viên Trường CĐ Sư phạm TP làm việc theo chế độ cộng tác viên. Hầu hết các khâu như biên tập, trình bày, dàn trang… đều thuê mướn bên ngoài.
Để tăng cường nhân sự chuyên nghiệp, theo đề nghị của Tổng Biên tập mới, Sở GD-ĐT xin UBND TP tiếp nhận ông Hoàng Thoại Châu (nhà báo Ba Thợ Tiện), nguyên Thư ký tòa soạn tờ Lao động Xã hội chủ nhật, về phụ trách tòa soạn Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo.
Một số cán bộ, giáo viên trong ngành có năng khiếu và kinh nghiệm viết lách tốt xin Sở GD-ĐT chuyển về báo như Nguyễn Tri Chính, Nguyễn Kim Đính, Trần Thanh Quang…
Báo cũng ký hợp đồng tuyển dụng mới với các anh chị Phạm Thanh Phúc, Bùi Kim Oanh, Lương Kim Liên, Nguyễn Thu Mai, Lương Hoàng Hưng, Võ Danh Hải, Lương Đình Mai…
Tổng số CBPVNV cơ hữu lúc này là 21 người, trong đó có 5 đảng viên, 7 biên chế từ ngành, 7 phóng viên đã được cấp thẻ nhà báo.
Giữa năm 2000, Tổng Biên tập đề nghị và được cấp trên đồng ý bổ nhiệm ông Nguyễn Tri Chính, tức nhà văn Trinh Chí - nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông đa cấp Chu Văn An, làm Phó Tổng biên tập.
3. Tăng kỳ, cải tiến nội dung hình thức
Cuối năm 1998 Tổng Biên tập đã lên kế hoạch cải tiến, sau đó thông qua sở chủ quản, Ban Tuyên giáo, Sở VH-TT để xin Bộ VH-TT cấp phép.
Với hồ sơ đầy đủ theo quy định, chẳng bao lâu sau Bộ VH-TT cấp ngay giấy phép điều chỉnh măng-sét, tăng kỳ xuất bản, từ 1 kỳ/tháng lên 3 kỳ/ tháng; sau đó tăng kỳ tiếp thành 4 kỳ/tháng.
Tháng 3-1999, báo tổ chức ra mắt bộ mới cải tiến. So với trước, nội dung và hình thức các số tạp chí bộ mới Giáo dục & Sáng tạo đẹp, hấp dẫn; nội dung phong phú, nhẹ nhàng, đảm bảo tốt các yêu cầu chuyên môn.
Đội ngũ CB-PV-NV ngày càng được bổ sung, chuyên môn hóa và dần dần ổn định làm cho nội dung, hình thức tờ tạp chí cải tiến ngày càng được bạn đọc tin tưởng. Nhiều bài viết có tính chuyên môn cao, bài điều tra có tính phản ánh và phê phán rất mạnh, nhiều trang mục thường xuyên rất hữu ích cho phụ huynh và thầy cô giáo…
4. Hình thành các hoạt động phía sau mặt báo
Nhận thức được tầm quan trọng của các hoạt động phía sau mặt báo, khi củng cố và tăng cường nhân sự cũng như lên kế hoạch hoạt động năm 1999, Ban Biên tập đã chú ý đến vấn đề này.
- Giải bóng đá nam sinh THPT - những năm đầu được BHYT TP tài trợ nên cúp mang tên BHYT. Giải này đã duy trì và ngày càng mở rộng, phát triển mạnh. Đây là sân chơi rèn luyện thể chất, xây dựng môi trường học tập tích cực cho học sinh THPT TP và các tỉnh thành lân cận.
- Cuộc thi Giải quyết tình huống giáo dục, cúp Hanson, Alpha... Đây là sân chơi trao đổi nghiệp vụ sư phạm của thầy cô giáo và bạn đọc cả nước, được thầy cô giáo và bạn đọc tích cực hưởng ứng, duy trì đến lần thứ 11.
- Giải bóng đá mini nam giáo viên khối phòng GD-ĐT duy trì được nhiều năm, là sân chơi giao lưu, rèn luyện thể chất, phát huy phong trào TDTT học đường cho nam giáo viên khối giáo dục quận, huyện.
- Chương trình công tác xã hội - từ thiện cũng hoạt động tích cực. Ngay từ đầu, năm 1999, ban CTXH đã vận động quyên góp hàng và tiền cứu trợ trực tiếp cho học sinh phụ huynh vùng bão lụt các tỉnh miền Trung từ Phú Yên đến Quảng Trị với tổng giá trị tiền hàng hơn nửa tỷ đồng.
Chương trình ca nhạc “Một thời dấu yêu” lần thứ 9
- Chương trình ca nhạc tôn vinh nhà giáo Một thời dấu yêu được triển khai ngay từ đầu năm 2003 và tổ chức biểu diễn tại Sân khấu ca nhạc Lan Anh, truyền hình trực tiếp trên HTV9 đêm 20-11.
- Xuất bản sổ tay năm học 2000-2001. Sổ tay được Giáo dục & Sáng tạo thiết kế nội dung, hình thức cho phù hợp với chỉ thị của bộ về kế hoạch, nhiệm vụ năm học.
III. Đổi mới toàn diện (2003-2008)
Các nghị quyết 40 và 41 của Quốc hội (năm 2000 và 2001) về đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa phổ thông và đổi mới giáo dục ĐH phục vụ công cuộc đổi mới đất nước trong thập niên đầu của thế kỷ mới, vào thời điểm này, đang được triển khai tích cực. Ngành và cả xã hội đang rất kỳ vọng vào chiến lược đổi mới toàn diện giáo dục lần này.
Nội dung, hình thức tờ tuần san Giáo dục & Sáng tạo đến thời điểm này đã là khá tốt, thị phần phát hành được mở rộng; cân đối được thu chi. Nhưng đa số thành viên trong hội đồng cơ quan muốn tờ tạp chí chuyển biến mạnh hơn, mới hơn, không “an phận” với một tờ tuần san đang lặng lẽ “chạy” đều.
Lãnh đạo sở cùng Ban tổ chức chụp hình lưu niệm với đội Nguyễn Thị Định - vô địch giải bóng đá Nam học sinh THPT năm 2014
Một số ý kiến cho rằng, đổi khổ, tăng kỳ vào lúc này là một sự lựa chọn có phần mạo hiểm vì thị trường báo chí trong nước hầu như đã bão hòa, có phần teo tóp do sự bùng phát của báo điện tử. Tuy Ban Biên tập cũng đã chuẩn bị nhiều mặt cho kế hoạch đổi mới toàn diện như nhân sự, hồ sơ giấy phép, ma-két các trang mục…
Đội ngũ CB-PV-NV cơ hữu phục vụ cho kế hoạch đổi mới toàn diện lần này gần 30 người, chi bộ có 7 đảng viên, 15 cán bộ biên tập và phóng viên…
Đầu tháng 9 năm 2003 tờ báo mới ra đời trong niềm vui của anh chị em cơ quan, cán bộ giáo viên trong ngành và bạn đọc gần xa.
Từ đây Báo Giáo dục TP.HCM ra sạp và phát hành phủ gần kín các cơ sở giáo dục ở TP và vài tỉnh thành khác trong cả nước như Phú Yên, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Bình Thuận… tạo được tiếng vang lớn!
Sau gần một năm đổi mới toàn diện, đẩy mạnh phát hành ra sạp, báo rơi vào tình thế rất khó khăn, mất cân đối thu chi, doanh số và thu nhập thấp, một số anh chị em xin nghỉ, chuyển…
+ Làm tốt hơn công tác nhân sự
Do khó khăn, nhất là thu nhập thấp, một số anh chị em nòng cốt xin nghỉ. Còn lại, hầu hết anh chị em thể hiện quyết tâm bám trụ, chịu thương chịu khó. Nhiều anh chị em đã có thành tích đóng góp tốt, giúp báo vượt qua khó khăn như Nguyễn Thanh Tú, Trần Ngọc An, Đặng Hoàng Minh, Trương Tấn Trực, Trần Thanh Quang, Lương Đình Mai, Huỳnh Nguyên Thục Trinh, Bùi Văn Vinh, Nguyễn Thanh Hà, Đỗ Minh Khâm, Nguyễn Kim Đính…
Giai đoạn này báo tuyển một số anh chị em mới là nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí ở TP.HCM như: NB Nguyễn Tùy, Trần Thị Phụng, Văn Công Khánh Linh, NB Chu Uyên, NB Quang Đạt, NB Hòa Triều, Lê Hữu Hùng, Trần Văn Mạnh, Lê Quang Huy, Lâm Tuấn Kiệt…
Trên cơ sở quy hoạch, đầu năm 2004, Tổng Biên tập đề nghị và được cấp trên đồng ý bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Thanh Tú, Trưởng ban Công tác bạn đọc kiêm Chủ tịch Công đoàn, làm Phó Tổng biên tập phụ trách trị sự phát hành.
+ Liên kết xuất bản, bổ sung ấn phẩm phụ
Cũng nhằm giải quyết khó khăn, từ đầu năm 2004, sau khi thống nhất trong hội đồng cơ quan và báo cáo xin ý kiến Giám đốc Sở GD-ĐT, Tổng Biên tập đã quyết định ký hợp đồng liên kết xuất bản một số ấn phẩm phụ.
Tuổi thơ là một thí điểm của chủ trương liên kết khai thác quảng cáo, phát hành và hỗ trợ chế bản giữa báo với doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm đó, báo liên kết để ra đời VTM, Mẹ và con, Trang tin điện tử www.giaoduc.edu.vn, trang quảng cáo, trang giáo dục an toàn giao thông…
+ Tăng thêm nhiều hoạt động phía sau mặt báo
Ngoài các chương trình đã hoạt động tốt ở giai đoạn trước, giai đoạn này thêm các chương trình mới như: Giải Trần Đại Nghĩa dành cho học sinh THPT ôn luyện văn hóa; giải thưởng Ngọn nến sáng tạo nhằm khuyến khích đổi mới hoạt động quản lý, dạy và học; tour tư vấn tuyển sinh ĐH-CĐ ở TP và các tỉnh…
Chương trình liên kết Bảng “Cổng trường em sạch đẹp an toàn” không chỉ ở các trường trên địa bàn TP.HCM mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành phía Nam… góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đồng thời quảng bá cho măng-sét tờ báo!
IV. Ổn định và phát triển (2008 - hiện nay)
Từ đầu tháng 1-2008 đến nay, Báo Giáo dục TP.HCM trở thành tờ báo cách nhật, tất cả các ấn phẩm đều ổn định nhịp xuất bản; tiếp tục củng cố và làm tốt các hoạt động phía sau mặt báo; với Ban Biên tập mới, báo đã có sự chuyển biến mạnh mẽ ở nhiều mặt, đặc biệt là việc cải tiến mạnh mẽ về nội dung và hình thức!
1. Củng cố các ấn phẩm và giữ nhịp xuất bản ổn định
Sau đợt tăng kỳ đầu năm 2008 để trở thành tờ báo cách nhật, có thể nói quá trình tìm kiếm lối đi phù hợp, vừa sức cho Báo Giáo dục TP.HCM đã hoàn tất.
+ Tờ chính được xác định là tờ tập trung nội dung chính trị xã hội nghề nghiệp, ra ngày thứ hai, tư và sáu, dành cho thầy cô giáo, CBQL và phụ huynh. Vì cách nhật nên nội dung tờ báo in này được bổ sung, cập nhật thông tin giữa 2 kỳ báo bằng trang tin điện tử www.giaoduc.edu.vn.
+ Cuối tuần có tờ VTM là Chuyên đề Văn Thể Mỹ (VTM) dành cho học sinh trung học, bạn đọc tuổi teen, nội dung tập trung giáo dục thẩm mỹ, văn hóa văn nghệ…
+ Đầu và giữa tháng có Tạp chí Mẹ và con, nội dung phục vụ giáo viên, bà mẹ trẻ và các bé ở trường mầm non;
+ Mỗi tháng xuất bản thêm phụ san Tuổi thơ dành cho học sinh tiểu học.
Với quy mô như vậy, các ấn phẩm báo chí của Báo Giáo dục TP.HCM đã góp phần đáng kể việc thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền chủ trương đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, của ngành; phản ánh thực tiễn giáo dục và tạo lập các diễn đàn trao đổi nghiệp vụ sư phạm giữa thầy cô, phụ huynh, sinh viên, học sinh và bạn đọc…
2. Nâng chất thông tin
Sau khi định hình quy mô và nhịp xuất bản ổn định, vấn đề Ban Biên tập đặt ra cho giai đoạn từ sau 2008 là nâng chất các hoạt động, trọng tâm là chất lượng thông tin ấn phẩm chính - tờ thường kỳ xuất bản cách nhật vào các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu hàng tuần, là tờ báo ưu tiên cho các vấn đề thời sự - nghề nghiệp - chính trị - xã hội.
Với định hướng tờ chính như trên, nhiều trang mục thường xuyên được thiết kế lại nhằm tăng tính thời sự, tính chuyên môn, tính xã hội… để phục vụ tốt hơn đối tượng bạn đọc là thầy cô giáo, CBQL ngành, học sinh, phụ huynh học sinh… Các trang thời sự cập nhật thông tin thời sự chung với thông tin cả nước và đặc biệt là ngành GD-ĐT. Các chuyên trang sư phạm chuyên sâu hơn, đề cập nhiều hơn các vấn đề xã hội, tổ chức các diễn đàn - cuộc thi trên báo như Giải quyết tình huống giáo dục, Câu chuyện giáo dục, giải đề thi Trần Đại Nghĩa trên báo; mở các diễn đàn về đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học…
Trang tin điện tử www.giaoduc.edu.vn và các ấn phẩm phụ cũng được Ban Biên tập định hướng cải tiến nội dung và hình thức cho phù hợp hơn với đối tượng phục vụ. Trang tin điện tử liên tục tăng số lượng bạn đọc truy cập, có ngày lên tới gần trăm ngàn lượt.
3. Đẩy mạnh hơn các hoạt động phía sau mặt báo
Ngoài các chương trình đã làm tốt trước đây, giai đoạn này Ban Biên tập triển khai các chương trình mới như: Cuộc thi Đi xe đạp vì môi trường văn hóa giao thông; Hội thảo tư vấn du học; Hùng biện tiếng Anh; Tư vấn trực tiếp qua truyền hình về nguyện vọng 2-3 tuyển sinh ĐH; Ngày hội việc làm, Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh lớp 10…
Phụ san VTM, ngoài việc tiếp tục các chương trình trước đây, giai đoạn này, triển khai mới Cuộc thi Tìm kiếm gương mặt áo dài nữ sinh Việt Nam - Tôi yêu áo dài…
Đặc biệt là hàng loạt các chương trình: Cùng bạn chọn nghề cho tương lai, Tiếp bước trường thi, Đúng ngành nghề - Sáng tương lai, Phân luồng hướng nghiệp sau trung học cơ sở - kèm theo là phát hành cẩm nang Tuyển sinh vào lớp 10 bắt đầu từ năm 2015… Mỗi năm có hàng triệu lượt học sinh các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào được tư vấn nghề nghiệp và chọn trường, chọn ngành học phù hợp với bản thân.
4. Thành quả và tầm nhìn mới
Từ đầu năm 2008, báo thực sự đã vượt qua giai đoạn khó khăn do đợt đổi mới toàn diện năm 2003. Đến đầu giai đoạn này, nhiều hoạt động của báo đã ổn định và khá mạnh, đặc biệt là tăng quy mô và năng lực thông tin, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đạt nhiều chỉ tiêu thi đua, được nhiều các cấp khen thưởng.
Trong giai đoạn này, tập thể đơn vị và cá nhân phóng viên nhận hơn 20 giải báo chí các hạng, Bằng khen của Hội Nhà báo VN tặng đơn vị và Tổng Biên tập Tạ Văn Doanh; Bằng khen của Thành ủy tặng chi bộ về đợt tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ tặng cho đơn vị; Báo Giáo dục TP.HCM và nguyên Tổng Biên tập Tạ Văn Doanh nhận Huân chương Lao động hạng III, Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Tú nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…
25 năm, kể từ ngày Giáo dục & Sáng tạo ra số báo đầu tiên đến nay, Báo Giáo dục TP.HCM đã trải qua quãng đường dài có lúc êm ả nhưng cũng có lúc gặp phải gập ghềnh… cuối cùng đã chạy trên con đường rộng phẳng và có khả năng tăng tốc.
Là tờ báo ngành sinh sau đẻ muộn, phải tự lực cánh sinh, nhưng Báo Giáo dục TP.HCM đã tồn tại và phát triển không ngừng. Có thể khẳng định, Báo Giáo dục TP.HCM đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cấp cao. Sự hình thành và tồn tại của báo đã góp phần làm phong phú thêm cho làng báo của TP và cả nước.
Thành quả ấy thuộc về tập thể đã vì sự phát triển của tờ báo mà chịu thương chịu khó, năng động sáng tạo, hết lòng vì nhiệm vụ - từ người làm tạp vụ, kỹ thuật viên cho đến cán bộ biên tập, phóng viên, người phụ trách phòng ban, và quan trọng nhất là vai trò của người quản lý. Đường ray đã xác lập cho con tàu tăng tốc.
Lãnh đạo và tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Giáo dục TP.HCM luôn xác định cần nỗ lực, năng động, sáng tạo… nhiều hơn nữa, cùng hướng về phía trước với những bước đi phù hợp nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ truyền thông của một đơn vị báo chí trong thời kỳ mới. 25 năm không chỉ là một con số mà còn là dấu mốc nhìn lại để vững bước tiến lên. Những thành quả có được ngày hôm nay là sự cống hiến đầy tâm huyết với bao công sức của nhiều thế hệ CB-PV-NV báo. Có những anh chị đã từng công tác ở báo giờ không còn nữa hoặc chuyển sang đơn vị khác; nhưng để có được một thương hiệu Báo Giáo dục TP.HCM như ngày hôm nay - sự đóng góp ấy luôn luôn được chúng tôi - thế hệ đàn em trân quý, khắc ghi…