18/08/2023
CÁ TRA VÀ CÁ BASA – EM LÀM CHỊ LÃNH ĐỦ!
Vũ Thế Thành
Vào khu hàng đông lạnh ở siêu thị, thấy đâu cũng toàn là basa, nào là basa fillet, basa xiên que, basa tẩm bột, basa há cảo, basa muối ớt, basa đậu hũ, basa chả giò… Cá basa đâu ra mà lắm thế?
Các basa và cá tra cùng họ pangasiidae, cùng giống phụ pangasius (giống như tên đệm), nhưng loài (tên) thì khác nhau. Cá basa gọi theo tên khoa học là pangasius bocourti, còn cá tra là pangasius hypophthalmus.
Về độ ngon (nếu dễ tính), thì cá basa và cá tra đều ngon ”mười phân vẹn mười”, nhưng cá basa có phần nhỉnh hơn.
Cả basa và tra đều tìm thấy ở hạ nguồn sông Mekong. Vào độ tháng tư, cá tra bơi ngược dòng về Biển Hồ (Kampuchia), còn cá basa ngược dòng xa hơn, về tận vùng Pắc Xế (hạ Lào). Những nơi này có điều kiện thích hợp để cá sinh sản. Sau khi nở, cá con lội xuôi dòng về hạ lưu. Trước đây, người dân Châu Đốc, Hồng Ngự, Đồng Tháp vớt cá con, rồi nuôi trong ao hoặc bè. Hiện nay, trong nước đã chủ động được việc cho đẻ nhân tạo hai loại cá này.
Cá tra nhờ có cơ quan hô hấp phụ nên có thể nuôi được ở ao (môi trường oxy thấp hơn nuôi bè), mật độ nuôi cao hơn. Cá tra ăn tạp và ăn bạo, nên chóng lớn. Thời gian từ lúc nuôi đến khi lên thớt cũng nhanh hơn (lợi về kinh tế).
Cá basa đầu ngắn bụng bự, nhiều mỡ, nên còn gọi là cá bụng. Cá basa thuộc loại khó nuôi, đòi hỏi môi trường oxy nhiều hơn, nên phải nuôi bè. Nuôi bè thì phải đóng bè, thức ăn rơi vãi, trôi theo dòng nước, lại phải nuôi lâu, năng suất xả fillet kém, nên giá thành cao. Bù lại, cá nuôi bè, nước chảy liên tục không bị hãm, nên thịt trắng, thơm tho (không mùi bùn).
Hồng nhan còn bạc mệnh, huống chi cá ngon mà lại rẻ, nên cá tra dính “chưởng” chống phá giá của Mỹ cũng là chuyện đời.
Thưở còn bị cấm vận (trước năm 1994), VN chủ yếu xuất cảng fillet cá basa sang các nước Âu Mỹ qua ngõ Hồng Kông. Khi nhu cầu tăng, mới xuất thêm cá tra. Cá tra nuôi dễ, giá rẻ, thịt thà cũng gần giống như basa, nên dần dần lấn lướt.
Ở thời điểm bị kiện phá giá (năm 2002), 90% fillet cá xuất cảng là cá tra, nhưng tên ghi trên nhãn thì loạn xà ngầu. Tử tế thì gọi tên chung là pangasius, còn không, thì cứ mập mờ là basa fillet, basa pangasius, basa Mekong, basa catfish, thành thử vụ kiện được báo chí gọi là “Basa antidumping” (chống phá giá cá basa). Em làm, chị lãnh đủ.
Cả hơn chục năm nay, 100% fillet cá xuất cảng là cá tra. Ở Đồng bằng Mekong lúc này chẳng còn ai nuôi cá basa cho mục đích thương mại vì giá thành cao. Giới khoa học quốc tế cũng nhập cuộc, yêu cầu phải ghi nhãn phải rõ ràng, phụ chú cá tra theo danh pháp khoa học: Pangasius hypophthalmus.
Chơi nhập nhằng tên gọi với thế giới không được, thì nhập nhằng với anh em trong nhà. Các siêu thị trong nước bán cá tra nhưng vẫn ghi nhãn là fillet cá basa, đậu hũ ba sa, cá viên basa…
Người tiêu dùng bị xí gạt ngọt xớt, mà cơ quan hữu trách vẫn vô tư. Dễ tính thiệt!
Vũ Thế Thành (trích bộ sách “Ăn để sương hay ăn để sợ?”, Tập IV – Giải mã tin đồn
https://saigonthapcam.wordpress.com/.../ca-tra-va-ca.../...