04/06/2024
HẠNH ĐẦU ĐÀ (Dhutaṇga)
Dhutaṇga = Tàu âm đọc là Đầu Đà.
Dhutaṇga có nghĩa loại trừ.
Loại trừ gì?
Loại trừ tham lam, loại trừ tham ái, loại trừ biếng nhác, loại trừ u mê,...nói chung là loại trừ những cấu uế của tâm.
Đầu Đà không phải là Khổ Hạnh mà là lối sống "thiểu dục tri túc và tinh cần kham nhẫn".
Theo Phật Giáo Nam Truyền Có 13 hạnh Đầu Đà:
1. Hạnh mặc y vải lượm.
Tức là lượm vải bị quăng bỏ về cắt ra từng mảnh giống hình thửa ruộng, bờ ruộng rồi may lại giống cánh đồng nhiều thửa ruộng sau đó nhuộm lại một màu chứ không tùm lum màu chắp vá luộm thuộm như kiểu bá nạp.
- Lợi ích của hạnh này là đoạn trừ lòng tham y đẹp, y xịn, y sang.
2. Hạnh chỉ 3 у.
Tức là chỉ sử dụng 3 y là y nội, y vai trái và y Saṇghati chứ không sử dụng cất giữ nhiều hơn.
- Lợi ích của hạnh này là đoạn trừ lòng tham cất giữ và sử dụng nhiều y.
3. Hạnh nuôi mạng bằng đi khất thực.
Tức là nuôi mạng bằng đi khất thực, không nhận lời thỉnh mời cúng dường vật thực ở tư gia của thí chủ.
- Lợi ích của hạnh này là đoạn trừ sự biếng nhác thụ động và ngăn trừ lòng tham đối với thức ăn ngon cũng như nhiều lợi ích khác.
4. Hạnh đi khất thực từng nhà.
Tức là khi đi khất thực tuần tự theo từng nhà chứ không bỏ nhà này đi đến nhà kia. Nếu nhận đủ ăn rồi thì về chứ không được đi tiếp đến nhà khác với ý kiếm thêm đồ ăn ngon.
- Lợi ích hạnh này là loại trừ tâm tham chọn lựa thức ăn ngon cũng như nhiều lợi ích khác.
Ví dụ như, khi mình đi khất thực biết nhà kia thường có đồ ăn ngon, còn nhà này đồ ăn dở rồi bỏ nhà này đến nhà kia. Do vậy, hành pháp này để loại bỏ tâm ham thích đồ ăn ngon.
5. Hạnh ăn ngồi một chỗ (nhất tọa thực)
Tức là một khi đã ngồi xuống ăn thì đứng dậy vì bất kỳ lý do gì cũng không được ăn tiếp.
- Lợi ích của hạnh này là loại trừ tâm tham ăn cũng như nhiều lợi ích khác.
6. Hạnh chỉ ăn trong bát.
Tức là sau khi lấy đủ thức ăn bỏ vào bát ăn rồi thì không được lấy thêm dù ăn chưa no, hay ai cho thêm đồ ăn dù ngon cũng không được.
- Lợi ích của hạnh này là loại trừ tâm tham thích ăn thêm và thêm đồ ăn ngon, cũng như nhiều lợi ích khác.
7. Hạnh không nhận đồ ăn thêm.
Tức là một khi đã xác định ăn xong rồi thì không được nhận ăn thêm dù ăn chưa no hay người khác có cho đồ ăn ngon.
- Lợi ích của hạnh này là ngăn lòng tham ăn, cũng như nhiều lợi ích khác.
8. Hạnh chỉ ở gốc cây.
Tức là chỉ ở dưới gốc cây thôi. Không ở trong mái che.
- Lợi ích của hạnh này là tự do, không tham đắm vào chỗ ở như cốc liêu, nhà cửa và cũng như nhiều lợi ích khác.
9. Hạnh ở giữa trời.
Tức là chỉ ở ngoài chỗ trống dù nắng hay mưa, không được ở trong mái che dù mái nhà hay bóng cây.
- Lợi ích của hạnh này là ngăn chặn tâm hôn trầm biếng nhác và nhiều lợi ích khác.
10. Hạnh ở nơi nghĩa địa.
Tức là hạnh này chỉ ở nơi bãi tha ma mộ địa.
- Lợi ích của hạnh này là tâm thường xuyên thấu hiểu bản chất phù du giả tạm của mạng sống dẫn đến tâm thường trực buông bỏ. Và nhiều lợi ích khác nữa.
11. Hạnh ở trong rừng.
Tức là hạnh này chỉ ở trong rừng chứ không được ở trong làng mạc.
- Lợi ích của hạnh này rất nhiều nhưng lợi ích cơ bản là không thân cận với những người trong xóm làng, không bị nhiều người phiền nhiễu, rừng núi là nơi thanh vắng yên tĩnh mát dịu thuận tiện cho thiền tịnh.
12. Hạnh ở đâu cũng được.
Tức là ai sắp xếp ở đâu thì ở đó, không chọn lọc chỗ tốt chỗ xấu. Người ta chỉ chỗ tốt thì ở chỗ tốt, không được đòi hỏi ở chỗ xấu. Nếu người ta chỉ chỗ xấu thì ở chỗ xấu, không được đòi hỏi chỗ tốt. Đòi chỗ tốt cũng là dính, đòi chỗ xấu cũng là dính. Do vậy, hạnh này làm cho tâm tùy thuận ở đâu cũng được, không đòi hỏi chỗ xấu chỗ tốt.
- Lợi ích của hạnh này là ngăn trừ tâm tham chọn lọc dính mắc chỗ tốt chỗ xấu.
13. Hạnh ngăn oai nghi nằm.
Tức là không nằm.
- Lợi ích của hạnh này là đoạn trừ lòng tham dục trong lạc nằm dài, lạc ngủ nghỉ. Và cũng ngăn chặn si mê ngái ngủ, thất niệm. Làm tăng thêm sự tinh tấn tỉnh giác, chánh niệm.
***Trong 13 hạnh đầu đà, người trong khi đang thực hành thì tối đa chỉ thực hành 9 hạnh thôi. Vì trong khi hành hạnh ở nghĩa địa thì những hạnh ở rừng, ở gốc cây, ở nơi trống vắng, và ở chỗ ngụ tuỳ nghi sắp xếp không được thực hành. Và ngược lại.
Trong 13 hạnh đầu đà này, những vị tỳ khưu Theravāda ( Nam Truyền ) đều thực hành tùy theo khả năng, có người 1 hạnh, có người hành 2 hạnh, có người hành 3 hạnh, có người hành đủ 13 hạnh.
Trong Phật Giáo Nam Truyền các tỳ khưu đều thực hành hạnh đầu đà nhưng tại sao không thấy?
=> Chúng ta không thấy là bởi vì điểm đặc biệt của hạnh đầu đà là không được cho người khác biết dù là vị đồng phạm hạnh với nhau.
Vì sao vậy?
Vì như đã nói, hạnh đầu đà là pháp đoạn trừ lòng tham. Vì hạnh đầu đà là pháp đoạn diệt lòng tham nên đó là pháp cao thượng. Do vậy, những ai hành hạnh đầu đà đúng thật sự thì là người cao thượng, đáng kính, đáng cúng dường, người ta tìm đến đảnh lễ, cúng dường tấp nập. Do vậy, một khi để người khác biết thì họ sẽ tôn kính, trọng vọng, tán thán, ngợi khen, đảnh lễ, cúng dường.... Và như vậy, do việc tôn kính, trọng vọng, tán thán, đảnh lễ, cúng dường ấy khiến cho lòng tham, ưa thích, tự mãn, cái tôi cao ngạo sẽ sanh trưởng. Do vậy, người hành hạnh đầu đà không được cho người khác biết dù là chỉ khởi lên ý nghĩ. Như Đức Phật nói: ngay cả người khởi lên ý nghĩ: “hãy để cho người ta biết ta là kẻ ở rừng”. Chỉ như vậy thôi phạm tội dukkata (tội dukkata nghĩa xấu, tồi, lỗi lầm, sai trái,...)
Nếu một người hành đầu đà có ý cho người khác biết, hoặc nói cho người khác biết, hoặc làm ra vẻ (hiện tướng) cho người khác biết là phạm lỗi. Và như vậy, việc hành đầu đà ấy bị ô uế, bị sai trái, bị phạm lỗi, vì nó là động cơ của lòng tham, tay sai cho tâm tham, làm theo lòng tham. Là phản tác dụng vì nó đi ngược lại tác dụng của hạnh đầu đà là thiểu dục, là đoạn tham.
Và sự thọ nhận cung kính, thọ nhận cúng dường, sự nuôi mạng do sự cúng dường ấy là tà mạng, là thấp hèn. Vì vật ấy có được do pháp thượng nhân từ người khác biết được.
Do vậy, việc hành đầu đà ấy là thấp kém vì nó bị hành động bởi động cơ thấp kém là lòng tham. Cũng giống như một người mượn danh nghĩa Thánh Thiện để kêu gọi ủng hộ rồi chiếm đoạt.
Đức Phật dạy: có 5 hạng người sống hạnh đầu đà này:
1. Hạng người sống hạnh đầu đà vì ngu dốt.
2. Hạng người sống hạnh đầu vì ác dục, do lòng tham thúc dục mưu cầu để được ngợi khen, được trọng vọng, được cúng dường,...
3. Hạng người sống hạnh đầu đà do tự cao, ngã mạn, ta đây là cao thượng.
4. Hạng người sống hạnh đầu đà do nghĩ “được Đức Phật tán thán".
5. Hạng người sống hạnh đầu đà do muốn đoạn diệt lòng tham, tầm cầu thiện pháp.
=> Trong 5 hạng người này, hạng người thứ 5 mới là hạng người hành hạnh đầu đà chân chính.
(Phẩm Rừng, Tăng chi 5 pháp)
*** Những người tại gia có hành hạnh đầu đà được không? Người tại gia có thể hành 10 hạnh đầu đà (trừ hạnh mặc vải lượm, hạnh 3 y, và hạnh đi khất thực).
Nguồn: Internet.