08/09/2024
THANK YOU, VIETNAM VETERANS.
CẢM ƠN CÁC CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM.
Nguyễn Khắp Nơi.
Vào lúc 10 giờ 15 sáng Chủ Nhật 25 tháng 8 năm 2024 vừa qua, hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cùng với Hội Biệt Động Quân tiểu bang Victoria và Hội Cựu Quân Nhân Úc (RSL) của thành phố Dandenong, đã phối hợp với nhau để tổ chức buổi lễ “Cám Ơn Các Cựu Quân Nhân Úc – Thank you, Vietnam Veterans” tại Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Chiến Tranh Việt Nam, đặt tại trụ sở của hội RSL Dandenong, 44-50 Clow Street, Dandenong VIC 3175.
Mặc dù thơ mòi chỉ được gởi ra hai tuần lễ trước ngày làm lễ, nhưng các Cựu chiến binh Úc tham chiến tại Việt Nam (gọi tắt là Vietnam Veterans) từ khắp nơi trong tiểu bang cũng đã nhiệt tình tham dự.
Đúng 10 giờ 15, ông Nguyễn Hữu An OAM – Hội trưởng Hội Biệt Động Quân, cũng là xướng ngôn viên của buổi lễ - đã lên tiếng chào mừng quan khách và giới thiệu tên và chức vụ của những khách danh dự đến tham dự buổi lễ.
Buổi lễ bắt đầu với nghi lễ chào quốc kỳ Úc Việt. Quan khách được mời đứng lên để đón chào toán Quốc Quân Kỳ bắt đầu diễn hành từ cổng chính RSL Dandenong tới khán đài.
Toán Quốc Quân Kỳ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (gồm có: ông Nguyễn Khắc Thi - Đại úy Biệt Cách 81 - Các cựu học sinh của trường Thiếu Sinh Quân (Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Đức Văn và Nguyễn Minh Tuấn), ông Nguyễn Văn Nhiên (Trung úy Truyền Tin), ông Nguyễn Văn Dũng (Thiếu úy Không Quân) và một số các cựu quân nhân khác) bắt đầu diễn hành theo tiếng nhạc quân hành, trong tiếng vỗ tay vang dội của quan khách.
Lễ chào quốc kỳ bắt đầu,
Bác sĩ Hoàng Trang hát Quốc Ca Úc,
Tiếp theo là Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa, cũng do bác sĩ Hoàng Trang hát.
Phút mặc niệm bắt đầu: ông Lance McDermott (Chủ tịch hội RSL Dandenong) đọc Lời Tiễn Đưa Vong Hồn Tử Sĩ – The Ode to the fallen:
“They shall grow not old, as we that are left grow old:
Age shall not weary them, nor the years condemn.
At the going down of the sun and in the morning
We will remember them.
Tiếng kèn đồng trổi lên những nốt nhạc báo cho mọi người biết đây là nơi yên nghỉ của những người lính (The Last Post).
Những người lính còn sống đứng nghiêm đưa tay chào tiễn đưa các chiến hữu của mình về bên kia thế giói.
Kết thúc phút mặc niệm, một hồi kèn đồng nữa vang lên dồn dập (Reveille), thúc đẩy những người lính còn lại trở lại việc làm thường ngày của họ.
Lễ chào cờ và phút mặc niệm chấm dứt, MC mời quan khách an tọa.
MC cám ơn bác sĩ Hoàng Trang và Đinh Hiếu đã hát và điều khiển dàn âm thanh cho buổi lễ, bác sĩ Ian Nguyễn và toán kéo cờ Úc, Tân Tây Lan và RSL, toán kéo cờ Việt Nam Cộng Hòa, Đại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân và Hoa Kỳ. và mời mọi ngưởi trở về địa điểm tập trung của họ. MC cũng đồng thòi cảm ơn nhóm Nhiếp ảnh gia (anh Peter Nguyễn và chị Anne Nguyễn) đã chụp hình cho buổi lễ và mời họ tiếp tục chụp hình cho những phần tiếp theo của buổi lễ (hình ảnh đầy đủ của buổi lễ có kèm theo).
Nói về chủ để Cám Ơn Người Lính Úc, ông Nguyễn Hữu An cho khán giả biết, đây là lần đầu tiên hội Cựu Quân Nhân và hội Biệt Động Quân QLVNCH tại Victoria tổ chức một buổi lễ tại trụ sở của hội RSL Dandenong để cảm ơn đoàn quân ANZAC (Úc và Tân Tây Lan), nay là các Cựu chiến binh Việt Nam, đã đến Nam Việt Nam để chiến đấu cùng những người lính Việt Nam Cộng Hòa chống lại cuộc xâm lược của quân Cộng sản Bắc Việt, gọi tắt là Việt Cộng.
Kể từ năm 1962, khi lực lượng ANZAC đầu tiên đến Việt Nam, vì số lượng ít và vì nhiệm vụ bí mật của họ, người Việt Nam không biết nhiều về những người lính Úc đang đồn trú tại Vũng Tàu.
Đột nhiên, vào ngày 18 tháng 8 năm 1966, một tin tức rất đặc biệt được phát trên đài phát thanh Sài Gòn và được đăng trên mọi tờ báo Việt Ngữ:
Hai trung đoàn lính chính quy Việt Cộng với khoảng 2.500 tên, đã bao vây vói mục đích tấn công tiêu diệt đại đội D của tiểu đoàn 6 Úc Đại Lợi tại làng Long Tân, Vũng Tầu. Tuy nhiên, mặc dù với quân số ít ỏi 150 nguòi, đại đội D cố gắng giữ vững đội hình và phản công dữ dội. Sau 3 ngày giao tranh ác liệt, bọn Việt Cộng đã hoàn toàn thất bại, hứng chịu thương vong nặng nề (hơn 200 tên tử trận và gần 1000 tên bị thương), đám tàn quân Việt Cộng đả phải rút lui về căn cứ trong rừng sâu.
Đến lúc đó, người dân Việt Nam mới biết đến những người Lính ÚC, và khả năng chiến đấu phi thường của họ. Người dân Việt đã coi những người lính Úc là anh hùng của họ. Mọi người, kể cả tôi, đều muốn gặp họ để bắt tay, cảm ơn họ đã đánh bại quân xâm lược Việt Cộng, mang lại tự do và an lành cho người dân Vũng Tàu nói riêng và Miền Nam Việt Nam nói chung. Nhưng quân đội Úc vẫn phải tiếp tục hành quân diệt cộng, không có thời gian để gặp những người dân ngưỡng mộ họ.
Năm 1972, tôi gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa, và được đào tạo để trở thành một người lính Biệt Động Quân. Tuy nhiên, tôi lại được điều lên Pleiku để chiến đấu chống cộng sản ở đó, chứ không phải ở Vũng Tàu, do đó, tôi vẫn chưa có cơ hội để gặp những người anh hùng Úc Đại Lợi của mình.
Miền Nam Việt Nam đã thất bại kể từ ngày 30/04/1975, nhưng mãi đến năm 1981, tôi mới trốn thoát khỏi chế độ cộng sản vô nhân và định cư tại Melbourne. Lần đầu tiên tham dự lễ kỷ niệm Ngày Long Tân, tôi mới có cơ hội gặp gỡ những người anh hùng Úc của mình và cảm ơn họ đã giúp chúng tôi đạt được ự do và hạnh phúc, cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Hầu hết những người anh hùng của chúng tôi đã rời bỏ quân ngũ để trở thành Cựu chiến binh Việt Nam,
Và hôm nay, đây là một ngày đặc biệt để chúng ta được nhìn thấy những người anh hùng của mình, ngay trước mặt đây.
Xin cảm ơn những người lính Úc, giờ đây rất tự hào là Cựu chiến binh Việt Nam.
DIỄN VĂN KHAI MẠC.
Với tư cách là Hội trưởng Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại tiểu bang Victoria, ông Đặng Văn Đạt, Trung úy Phi công trực thăng võ trang của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đã đọc diễn văn khai mạc buổi lễ.
Sau lời chào hỏi các Cựu quân nhân Úc, ông Đạt cho biết:
“Là một phi công trực thăng võ trang, tôi đã có nhiều dịp bay hành quân ngang qua phi trường trực thăng của quý vị tại Núi Đất và đã vài lần được mời vào phi trường nói chuyện với một số phi công trực thăng Úc. Tôi thấy họ là những phi công gan dạn và rất thiện chiến. Qua chiến công thần diệu ở Long Tân, tôi càng ngưỡng mộ quý vị vì tinh thần chiến đấu dũng cảm và sự thiện chiến của quân đội Úc.
Nhưng cho đến khi vượt biên và được định cư tại Úc, tôi mới biết rằng, những người Lính Úc khi trở về từ chiến trường Việt Nam, các bạn đã không được tiếp đón xứng đáng với mồ hôi, nước mắt và máu xương của quý vị đã đổ ra tại Việt Nam.
Trong cuộc chiến ở Việt Nam, khoảng 60.000 người Úc đã phục vụ trong cuộc chiến, trong đó có 501 người tử trận và hơn 3.000 người bị thương.
Hôm nay, trong buổi lễ "Cảm ơn, Cựu chiến binh Việt Nam" này, chúng tôi không chỉ tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn mà còn tự hào về thực tế rằng những người lính Úc đã có những chiến thắng to lớn trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược Việt Cộng. Đặc biệt là trong trận Long Tân năm 1966, hai trung đoàn Việt Cộng gồm khoảng 2.500 người đã bao vây và tấn công một đơn vị nhỏ của Úc gồm khoảng 150 người, nhưng người Úc đã phản công mạnh mẽ, khiến Việt Cộng phải chịu tổn thất nặng nề và buộc phải rút lui.
Thay mặt cho các Cựu chiến binh Việt Nam Cộng hòa, tôi xin cảm ơn tất cả các Cựu chiến binh Úc và đặc biệt là ông Lance McDermott, chủ tịch RSL Dandenong, đã cho phép chúng tôi sử dụng địa điểm này cho buổi lễ hôm nay và đã kiến tạo một góc trưng bầy Quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa, Sách Lịch sử Thủy quân Lục chiến và Đồng phục Thủy quân Lục chiến trong tủ kính của RSL Dandenong mà chúng ta sẽ khai mạc góc triễn lãm này lát nữa đây.
Xin chào quý vị, chúc mọi ngưởi một ngày vui vẻ.”
Đáp từ, ông Lance McDermott, chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Úc (RSL) Dandenong đã nói:
“Tôi biết, người Việt Nam đã chịu nhiều khổ đau và mất mát rất nhiều trong cuộc chiến, nhưng chỉ thật sự được tiếp xúc với quý vị từ năm 1976, khi những người Việt Nam Tỵ Nạn đầu tiên đến định cư tại Melbourne. Các bạn Việt Nam, nhất là các cựu chiến binh Việt Nam, quý vị đã để lại mọi thứ ở Việt Nam và bắt đầu lại cuộc sống từ hai bàn tay trắng, nhưng vẫn nhớ đến chúng tôi và làm một buổi lễ trang trọng ngày hôm nay để cám ơn những người lính úc, nay là những cựu chiến binh, chúng tôi cám ơn quý vị nhiều lắm.”
Ông Lance nói ngắn gọn nhưng thật xúc tích, người lính Việt Nam còn muốn nghe ông nói nữa, nhưng ông đã kết thúc bài nói chuyện của mình. Thật là đáng tiếc, đến nỗi ông An đã phải than:
“Lance, chúng tôi vẫn đang muốn nghe ông nói tiếp, hơn nữa, sở thuế đâu có đánh thuế ông đâu, mà sao ông lại nói ngắn thế!
Diễn giả kế tiếp là ong Ray McCarthy, Chủ tịch Hôi Cựu chiến binh Việt Nam VVAA và RSL Noble Park. Ông nói:
“Trước khi đến Việt Nam, tôi được huấn luyện về chất nổ và tháo gỡ mìn, tôi cũng được học chút út tiếng Việt về chất nổ. Do đó, khi đến Việt Nam, tôi đã được điều đi nhiều nơi để gỡ mìn cho cả Úc, Mỹ và Việt Nam nữa. Tôi muốn nói nhiều hơn nữa, nhưng vì chất nổ đã làm hư một phần đầu óc của tôi rồi, tôi không còn nhớ gì nhiều nữa.Thật sự mà nói, tôi cảm thấy vui khi được phục vụ tại Việt Nam.”
Tới phiên của ông Richard Lim OAM - Phó thị trưởng Hội đồng thành phố Greater Dandenong. Ông Richard không phải là người Việt, cũng không phải là cựu chiến binh Úc, ông là người tỵ nạn Cam Bốt. Ông phát biểu như sau:
“Tôi ở Căm Bốt, mặc dù nước tôi có bị nạn Cộng Sản, nhưng Lính Úc không tham chiến ở Căm Bốt, tuy nhiên, tình hình an ninh của Việt Nan ảnh hưởng rất nhiều tới Căm Bốt, do đó, khi Lính Úc tới giúp Việt Nam, tức là cũng gián tiếp giúp Căm Bốt, do đó, tôi cũng xin có lời cám ơn tới những cựu chiến binh Úc.”
Tới phiên cô Vi Nguyễn – Phó chủ tịch Cộng Đồng Người Việt phát biểu, cô cho biết vì sinh sau đẻ muộn, nên cô chỉ biết đến chiến tranh Việt Nam qua sách vở và các bác các chú cựu quân nhân mà thôi. Cô Vi cám ơn các cựu quân nhân Úc, đã đến Việt Nam tham chiến để giúp người Việt còn được hưởng tự do hạnh phúc cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Diễn giả kế tiếp là Bà Nguyễn Bích Cẩm OAM – Chủ tịch Hội Phụ nữ Úc Việt. Bà Cẩm cho biết:
“Tôi không ở Việt Nam nhiều, nhưng cũng có nghe tới lực lương Úc chiến đấu tại Việt Nam, tôi cám ơn những cựu chiến binh Úc đã giúp người Việt chúng tôi với tinh thần vô vụ lợi. Cám ơn quý vị rất nhiều.
LỄ ĐẶT VÒNG HOA.
Tiêp theo chương trình là lễ đặt vòng hoa tưởng nhớ những người lính Úc và Nam Việt Nam đã hy sinh cho sự tự do và dân chủ của Việt Nam Việt Nam.
Ông Đặng Văn Đạt và toàn thể quan khách hiện diện đã đặt vòng hoa tưởng niệm có ghi dòng chữ:
Let we forget.
Nếu hiểu theo nghĩa của tiềng Anh cũng như dịch ra tiếng Việt, có nghỉa là chúng ta hãy quên đi, nhưng thực sự, câu thơ này có nghĩa chính xác là: “Đừng bao giờ quên những người Lính”
Trong số người đặt vòng hoa tưởng niệm, có hai cô gái rất trẻ: Đó là Jasmine Nguyễn và Emily Nguyễn, hậu duệ đời thứ ba của Hội Biệt Động Quân VIC.
KHAI TRƯƠNG KHU TRIỂN LÃM CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA
Buổi lễ “Cám ơn các Cựu Quân Nhân Úc” đã được chấm dứt lúc 11 giờ 30 sáng.
Quan khách được mời vào trong khu trưng bầy kỷ niêm của hội quán RSL Dandenong để dự lễ khánh thành Khu Triển Lãm của Việt Nam Cộng Hòa. Đây là phần đầu của dẫy tủ trưng bầy dành riêng cho những kỷ niệm của người Lính Việt Nam Cộng Hòa mà đích thân ông chủ tịch Lance McDermott với kìm búa và những đồ nghề của một Handyman, đã tự tạo dựng và trưng bầy. Ông cho biết là vừa mới gắn màn che vào lúc 8 giờ sáng nay.
Khi quan khách đã đứng vây quanh, quý ông Lance McDermott và Ông Đạt Văn Đặng đã cùng đưa tay kéo bức màn che mầu đen, để lộ ra phần triển lãm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Lance giới thiệu các kỷ niệm được trưng bày:
“Thưa quý vị, đây là tủ kiếng trưng bầy những kỷ vật của Việt Nam Cộng Hòa. Phần nền của tủ là Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của Việt Nam Cộng Hòa, do Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trao tặng.
Kế đến là bộ sách mầu xanh này, gồm hai cuốn sách, mỗi cuốn dầy 400 trang, tựa đề “Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến – History of ARVN Marine Corporation” do Cố Thiếu tá Bác sĩ Trần Xuân Dũng viết bằng hai thứ tiếng Anh và Việt. Bác sĩ Dũng viết ra cuốn sách này với mục đích để cho mọi người đọc và biết về Thủy Quân Lục Chiến, một trong những binh chủng thiện chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Gia đình bác sĩ Dũng đã đem tới đây tặng cho RSL Dandenong, chúng tôi rất hân hạnh nhận và trưng bầy tại góc triển lãm này.
Và đây là bộ quân phục của ông Bùi Văn Đại, Binh Nhì của Tiểu Đoàn 4, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa. Ông Đại là hội viên hơn 20 năm của Hội RSL Dandenong, ông coi hội RSL này là nơi đóng quân của ông tại thành phố Dandenong, và luôn luôn có mặt tại hội quán trong bất cứ buổi lễ nào của Hội Cựu Quân Nhân Úc cũng như Việt. Trước khi qua đời, ông đã nói với bạn bè và gia đình rằng, ông muốn tặng bộ quân phục lại cho Hội RSL Dandenong. Chúng tôi rất hân hạnh nhận bộ quân phục của ông Đạt và trưng tại đây.
Ông Đặng Văn Đạt tiếp theo đó đã giới thiệu hai gia đình của bác sĩ Dũng và Binh nhì Đại với mọi người.
Lễ khai mạc khu triển lãm của Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt, MC mời mọi nguời vào sân khấu ANZAC Room ở phía trong để tiếp tục chương trình.
GIỜ CỦA CÁC CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM:
MC Nguyễn Hữu An đã giới thiệu chương trình “Giờ của các cưu chiến binh Úc”, như sau:
“Thưa Quý vị,
Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây hơn 49 năm; Nhưng hôm nay, các cựu chiến binh Việt Nam sẽ ôn lại ký ức, quay ngược thời gian để trở lại thời còn đang là một người lính đầy nhiệt huyết để kể cho chúng ta nghe những câu chuyện thời chinh chiến của họ.
Người lính đầu tiên, quý vị đón chào anh Geoff Tobin.
Ông Geoff đã kể lại như sau:
“Lúc đó, vào khoảng năm 1969, tôi chưa học hết lớp 12, được gọi trình diện đơn vị ở Queensland và được huẩn luyện khoảng ba tháng về căn bản quân sự và mìn bẫy. Tới Vũng Tầu, tôi ở trong căn cứ Núi Đất và được điều đi khắp mọi nơi khi các dơn vị ở đó cần người gỡ những trái mìn lớn chống chiến xa do Trung cộng chế ra hoặc đôi khi là những trái mìn do Việt cộng tự chế bằng đạn đại bác hoặc lựu đạn. Mỗi khi làm nhiệm vụ, tôi mặc giáp chống miểng đạn và chỉ làm việc một mình chứ không làm chung với ai cả. Do đó, kỷ niệm với Việt Nam và người Việt, tôi hầu như không có. Tôi chỉ nhớ có những lần đi phép, tôi có ghé Vũng Tầu và đôi khi đi tắm biển ở gần thành phố.
Sau hai “Tour of Duty”, tôi trở về Úc, đi học lại lớp 12. Tốt nghiệp trung học rồi tôi học đại học luôn một lượt để trở thành Luật Sư và hành nghề từ đó cho tới năm 2012 thì về hưu.
Bác sĩ Hoàng Trang đã tặng ông Geoff bài hát “You raise me up”.
Bài hát này do Brendan Graham sáng tác và đã được hơn một trăm nghệ sĩ khác thu âm, đáng chú ý nhất là ca sĩ người Mỹ Josh Groban vào năm 2003 và nhóm nhạc Ireland Westlife vào năm 2005. Nội dung bài hát kể lại, khi một người bị tổn thương và mất hy vọn, sẽ được Chúa tới đỡ anh ta dậy và truyền hy vọng để anh ta có thể vượt qua những gian nguy trước mặt.
Ông Đặng Văn Đạt – Hội trưởng hội Cựu Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa đã tiến lên để gắn tặng ông Geoff huy hiệu kỷ niệm 50 năm định cư tại Úc của người dân tỵ nạn Việt Nam. Huy hiệu gồm có hai lá cờ Úc Việt đúc ghép vào nhau bằng con số 50 ở dưới. Huy hiệu này do Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria sáng tạo, đáng lý ra, sẽ do cô Vi Nguyễn gắn tặng cho các cựu quân nhân Úc có mặt trong buổi lễ ngày hôm nay, nhưng vì cô có nhiệm vụ khác phải làm, nên ông Đạt đã thay thế để gắn tặng cho ông Geoff.
Người lính kế tiếp là ông John Wells và vợ tên Val cùng đi.
Ông John nói rằng, từ năm 1976, ông đã gặp nhiều thuyền nhân gốc cựu quân nhân Việt Nam đã đến sinh sống tại Dandenong, ông đã nói truyện và làm quen với họ, đã kể cho nhau nghe những câu truyện về đời lính của mình. Khi chiến đấu ở Việt Nam, mỗi khi có dịp viết thơ cho nhau, vợ chồng ông thường hát vào trong thơ bản nhạc “Dedicated to the one I love” cho nhau nghe. Khi trở về Úc và giải ngũ, vợ chồng ông cũng vẫn thường hát cho nhau nghe bài hát này.
Anh chị Thinh và Bạch Yến Ngô đã hát tặng vợ chồng ông John và Val bài hát này, do anh Nguyễn văn Nhân đệm đàn guitar.
Nếu dịch tên bản nhac ra tiếng Việt, tôi có thể dịch là “Thơ cho vợ hiền”. Nhạc và lời rất chân thành, mộc mạc và đầy tình yêu thương của cặp vợ chồng trè, vì chiến tranh mà phải chia cách nhau, nhưng lúc nào cũng nhớ đến nhau và cầu nguyện cho nhau được bình yên. Bài hát này do ban nhạc The Mamas and The Papas trình bầy vào năm 1967.
Người lính tiếp theo, Ray McCarthy. Ông kể lại những lần đi gở mìn đầy nguy hiểm nhưng không có ai ở bên cạnh để chia xẻ nỗi gian nguy nhọc nhằn, nhưng khi về đến căn cứ thì bạn bè đển hỏi thăm, an ủi, làm cho ông vui lắm.
Bác sĩ Hoàng Trang hát tặng ông Ray bản nhạc “What a wonderful world” để chia sẽ nỗi vui của ông khi nhớ tới thời gian ở Việt Nam.
Ông Steve Lowes, một cựu quân nhân Úc. Ông cho biết, đã tập nói tiếng Việt từ khi ông còn đang đóng quân tại Vũng Tầu và đã có lần cùng với vài người Việt hát bài “Em ơi nếu mộng không thành thì sao?”. Mặc dù vui nhưng ông ta cũng nhớ nhà nhiều lắm.
Bác sĩ Hoàng Trang đã hát tặng ông bài hát “I still call Australia home”.
Tiếp theo ông Steve là ông Dave Mathers. Ông cho biết cảm tưởng khi ở Vũng Tầu là thấy cô đơn lắm, mặc dù có nhiều bạn bè ở chung quanh. Có vài lần ông đi tuần tra chung với những Quân cảnh và Cảnh sát Việt Nam để ngăn chặn Việt cộng giả dạng thường dân trà trộn vào Vũng Tầu.
Anh Nhân Nguyễn đã hát tặng ông Steve bài hát “The Boxer” Lời bài hát nói về sự nghèo đói và cô đơn, thích hợp với tâm trạng của người lính xa nhà, nên đã được nhiều nguời lính Úc thích nghe và thích hát.
Bác sĩ Hoàng Trang đã hát bài Fly Me To The Moon và chị Bạch Yến cũng đã hát bài “The Sound of Silence” để chấm dứt buổi văn nghệ giúp vui.
Sau đó, các cựu chiến binh Úc cũng như Việt đã cùng nhau thưởng thức bữa ăn trưa nhẹ do hội Phụ Nữ Việt Úc, hội Cựu Quân Nhân VNCH và Hội Biệt Động Quân khoản đãi.
Lần đầu tiên các cựu chiến binh Việt cũng như Úc được gặp nhau, tha hồ mà nói chuyện. Hôm nay mới là dịp để họ nhớ lại những kỷ niệm hơn 50 năm trước đây mà họ hầu như đã quên, gặp lại những bạn bè mà họ đã không gặp lại từ khi rời quân ngũ. Ai cũng muốn ban tổ chức tiếp tục tổ chức những ngày họp mặt như hôm nay, vì cũng chẳng còn bao lâu nữa để người cựu quân nhân lìa xa bạn bè để về miền viên miễn.
Cũng nhân dịp này, anh Nguyễn Bé, thủ quỹ của Hội Cựu Quân Nhân VIC đã kể một câu chuyện thật là vui nhưng cũng toát mồ hôi trán:
“Sáng nay, trên đường lái xe từ St. Albans xuống Dandenong tham dự buổi lễ, trên đường đi, tôi có ghé đón anh Thi, Tý, Thanh, rồi theo Princess Highway tới Dandenong. Vừa ra khỏi vùng Albert Park, tôi đã bị Cảnh sát chận lại bắt thổi b**g bóng tùm lum hết. Tôi ngạc nhiên vì mới 8 giờ rưỡi sáng có ai uống rượu bao giờ? Sau khi thổi rượu xong, không có nồng độ gì cả, người Cảnh sát mới cho biết, tôi đã chạy xe quá tốc độ. Đây là vùng 40km nhưng tôi đã chạy tới 45km, anh ta sẽ phạt và bị trừ điểm lái xe của tôi. Tôi hoảng quá, nhưng không biết nói sao, vì máy ghi tốc độ có ghi rõ ràng rồi. Buồn quá đi thôi.
Nhìn vào trong xe, người cảnh sát thấy toàn những ông già mặc quân phục, râu tóc bạc trắng hết trơn, ông ta ngạc nhiên hỏi tôi là từ đâu tới đây, và tính đi đâu mà toàn mặc đồ lính vậy?
Tôi trả lời, tôi là Vietnamese Veterans, từ St. Albans xuống, đi ngang đây đón anh em cựu quân nhân để cùng tới RSL Dandenong làm lễ chào cờ cho buổi lễ “Thank you, Vietnam Veterans”. Vì không quen với khu vực này, và cũng vì sợ trễ giờ làm lễ, nên chạy xe hơi quá tốc độ.
Người cảnh sát nhìn người cảnh sát thứ hai ra chiều hỏi ý kiến gì đó. Sau một hồi bàn thảo, anh ta trở lại với tôi mà nói:
“Chúng tôi thông cảm cho những lý do anh vừa trình bầy, anh từ ở xa đi ngang đây, để dự lễ “Thank you Vietnam Veterans”. Đó là một việc đáng làm! Thôi, chúng tôi thông cảm cho anh mà bỏ qua vụ này, nhưng hãy nhớ là phải chạy đúng tốc độ cho phép, người cảnh sát khác sẽ không nương tay cho anh nữa đâu.”
Nói xong thì người cảnh sát chào tôi và đưa tay ra dấu cho tôi đi. Tôi vội vàng lái xe đi ngay lập tức, nhưng không dám nhấn ga mà chỉ rà rà cho chạy đúng 40km mà thôi. Vừa đi tôi vừa mừng nhưng cũng toát mồ hôi trán. Ba vị khách ngồi trong xe cũng im lìm từ lúc ngừng xe, bây giờ mới bừng tỉnh mà nói:
“Mình hơn hết sức vậy đó. Chạy quá 5km là bị phạt ít nhất cũng $450.00 và bị trừ cũng 2 điểm đó.”
“Tại sao mà người cảnh sát . . . lại tha mày vậy Bé?”
“Mày hỏi ổng chớ sao lại hỏi tao?”
“Chắc là tại . . . mấy ông Tử Sĩ Úc phù hộ mày đó. Mình đi làm lễ cám ơn mấy ổng, hổng lẽ mấy ổng để mày bị phạt!”
Tôi không biết là số tôi hên, hay tại mấy ông Tử Sĩ Úc phù hộ cho tôi, đâu mấy anh trả lời thử tôi nghe coi.
Buổi lễ kết thúc vào lúc 12:20pm cùng ngày. Ban tổ chức đã cám ơn Bác sĩ Hoàng Trang, Đinh Hiếu, anh chị Tim và Bạch Yến Ngô, anh Nhân Nguyễn đã phụ giúp phần văn nghệ, và anh Phúc Nguyễn và chị Phúc An đã thâu hình cho buổi lễ.
Nếu có dịp, sẽ hẹn gặp nhau vào năm tới.
NGUYỄN KHẮP NƠI.
Ghi chú: Tôi viết phóng sự theo trí nhớ, có thể có vài thiếu hoặc sai sót. Nếu có, xin quý độc giả cho ý kiến để sửa sai.