27/11/2024
Kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số vào bến (28/11/1964 - 28/11/2024): Huyền thoại Tàu Không số và bến Vũng Rô
Đường Hồ Chí Minh trên biển là một mắt xích quan trọng trong hệ thống vận tải quân sự chi viện chiến trường miền Nam, một nét độc đáo sáng tạo của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông, biển do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo. Nó đã trở thành huyền thoại trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Trước yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, cùng với đường bộ 559 vượt dãy Trường Sơn, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Đoàn vận tải thủy, có nhiệm vụ chi viện vũ khí trang bị và cán bộ, chiến sỹ cho miền Nam bằng đường biển mang tên Đoàn 759 “Đoàn tàu Không số” - tiền thân của Lữ đoàn 125 tàu vận tải Quân sự Hải Quân ngày nay. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đoàn 759 đã nhanh chóng ổn định tổ chức và tích cực chuẩn bị nhân lực, phương tiện, bến bãi, trinh sát và thực nghiệm cho các chuyến đi vào Nam. Trung tuần tháng 8 năm 1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược biển. Bắt đầu từ đây, Đoàn 759 bước vào giai đoạn vận chuyển làm nên con đường huyền thoại trên Biển Đông - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Qua 14 năm (từ 1961 - 1975) cán bộ, chiến sỹ “Đoàn tàu Không số” đã đi hàng trăm nghìn hải lý trong điều kiện sóng to, gió lớn, vượt qua hàng chục cơn bão và hàng trăm cuộc vây ráp tinh vi, xảo quyệt của kẻ thù. Đoàn 125 đã vận chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí và hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam ở những nơi mà đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới được, góp phần to lớn lập nên những chiến công vang dội như: Ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài, Mậu Thân 1968; làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy và góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại, trọn vẹn của dân tộc mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Đồng hành với cán bộ, chiến sỹ “Đoàn tàu Không số”, có công lao, sự hy sinh, thành tích và chiến công to lớn của các lực lượng vũ trang và nhân dân các bến bãi đầu cầu thuộc các tỉnh thành trong cả nước, nhất là các tỉnh thành phía Nam. Trong mỗi lần đưa, đón tàu, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các địa phương đã phải chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, vượt qua mọi sự phong tỏa, ngăn chặn, truy lùng, vây ráp, khủng bố dã man của kẻ thù, chiến đấu để bảo vệ người, tàu, hàng, bảo vệ bí mật con đường vận tải và chuyển hàng an toàn, kịp thời chi viện vũ khí đến những chiến trường nóng bỏng nhất của cách mạng miền Nam… Trong đó tiêu biểu là các bến: Vàm Lũng (Cà Mau), Lộ Diêu (Bình Định), Vũng Rô (Phú Yên), Đạm Thủy, Ba Làng (Quảng Ngãi), Bình Đạo (Quảng Nam), Hòn Hèo (Khánh Hòa) và các bến thuộc các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh…
Bến Vũng Rô là nơi được Khu 5 và Trung ương chọn để một số chuyến tàu “Không số” từ miền Bắc theo đường Hồ Chí Minh trên biển tiếp tế hàng, vũ khí vào Liên tỉnh 3 (Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk). Tháng 10/1964, Trung ương giao Tỉnh ủy Phú Yên chuẩn bị mở bến tiếp nhận vũ khí. Ngày 16/11/1964, Tàu 41 thuộc đoàn 125 chở 63 tấn vũ khí, thuốc men do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh (người con Phú Yên) và Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy rời cảng Hải Phòng. Đúng như kế hoạch, 23 giờ 50 phút ngày 28/11/1964, Tàu 41 cập bến Vũng Rô (Phú Yên). Ngay khi tàu cập bến, Ban Chỉ huy bến huy động hơn 1.000 cán bộ, đảng viên, dân công, du kích, thanh niên xung phong khẩn trương bốc dỡ hàng hóa. Từng chuyến thuyền câu được ngụy trang chở vũ khí chi viện vào Khánh Hòa và chiến trường Tây Nguyên.
Trong thời gian từ cuối năm 1964 đến đầu năm 1965, bến Vũng Rô đã tổ chức 4 lần đón các chuyến tàu “Không số” cập bến. Trong đó 3 lần đón tàu 41 (tàu vỏ sắt do người con Phú Yên, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh lúc đó làm thuyền trưởng) vào bến thành công, tiếp nhận 200 tấn vũ khí; và 1 lần đón tàu 143 (tàu vỏ sắt do Thuyền trưởng Lê Văn Thêm phụ trách chở 63 tấn hàng) vào bến nhưng chưa kịp rời bến thì bị địch phát hiện, quân ta cho nổ chìm tàu để xóa dấu vết. Các chuyến hàng đã cung cấp vũ khí, thuốc men… tạo điều kiện cho quân dân Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lắc… liên tục đánh thắng kẻ thù Mỹ - ngụy trên chiến trường, giải phóng nhiều vùng rộng lớn. Cụ thể ở Phú Yên, đến đầu năm 1965, ta trang bị vũ khí cho các đơn vị tập trung của tỉnh, huyện và dân quân du kích; riêng lực lượng du kích có khoảng 7.000 người được trang bị gần 3.000 khẩu súng các loại. Xưởng quân giới bảo đảm được nguyên vật liệu để sản xuất các loại lựu đạn, mìn, thủ pháo. Số vũ khí đó đã làm cho lực lượng vũ trang của huyện, xã mạnh lên. Chiến sĩ, bộ đội, dân quân du kích ta bừng bừng khí thế, tổ chức nhiều trận đánh hiệu quả ngay sau đó như: Trong trận Núi Quéo, quân và dân xã Hòa Hiệp đánh tan 1 tiểu đoàn Mỹ - ngụy có xe tăng, máy bay và pháo tàu yểm trợ, tiêu diệt 80 tên (có cố vấn quân sự Mỹ), bắn rơi 1 máy bay của địch; hay các trận đánh giải phóng Xuân Sơn, An Định, bao vây thị trấn La Hai, tấn công vào đại đội bảo an chốt giữ hòn Một - Củng Sơn…
Việc vận chuyển vũ khí bằng đường biển vào bến Vũng Rô mang một dấu ấn rất đặc biệt. Bởi trên vùng biển Khu 5 từ tháng 11/1964 đến 11/1968 ta sử dụng 9 lượt tàu vào các bến: Vũng Rô (Phú Yên), Đức Phổ (Quảng Ngãi), Hòn Hèo (Khánh Hòa) nhưng thành công chỉ có 3 chuyến vào bến Vũng Rô, 6 chuyến còn lại đều bị địch phát hiện buộc ta phải chiến đấu và phá hủy tàu. Vì vậy, Đảng bộ, quân và dân Phú Yên càng thêm tự hào về lịch sử bến Vũng Rô, với 4 lần đoàn tàu Không số cập bến, chuyên chở hàng trăm tấn vũ khí, hàng phục vụ cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần tô thắm thêm huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Với những chiến công ấy, bến Vũng Rô được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
(Hồng Thái)