07/05/2024
Đóng góp của quân và dân Kon Tum tiến đến thắng lợi ở Điện Biên Phủ 🇻🇳🇻🇳🇻🇳
Trong Thư chúc mừng chiến thắng của quân và dân Kon Tum, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Thắng lợi Kon Tum là một thắng lợi lớn của ta trên chiến trường miền Nam, nó cũng là một trong những thắng lợi to lớn của ta trong mùa Xuân này trên chiến trường toàn quốc”.
Sau hơn 8 năm từ khi thực dân Pháp xâm lược Kon Tum lần thứ hai, đến năm 1953 cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Kon Tum đã phát triển từ thế bị động lên thế chủ động tiến công địch, vùng kháng chiến mở rộng. Làng, xã kháng chiến được xây dựng khắp vùng rừng núi Kon Tum. Trên chiến trường toàn quốc, cục diện chiến tranh thay đổi, nghiêng hẳn về phía ta, bất lợi cho địch. Nhằm cứu vãn tình thế, tháng 5-1953, Chính phủ Pháp cử tướng Nava (Navarre) - Tổng Tham mưu trưởng khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy Quân viễn chinh Pháp. Nava đến Đông Dương với tham vọng thay đổi tình thế quân sự có lợi cho Pháp bằng kế hoạch tác chiến, gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Trong Thu Đông năm 1953 và Xuân năm 1954, giữ thế phòng ngự ở miền Bắc, tiến công chiến lược ở miền Nam nhằm chiếm đóng tất cả các vùng tự do còn lại ở miền Nam, nhất là vùng tự do Liên khu 5 và vùng Hậu Giang (Nam Bộ). Giai đoạn 2: Vào Đông Xuân năm 1954-1955, tập trung toàn bộ lực lượng trên chiến trường miền Bắc, giành thắng lợi quyết định.
Thực hiện giai đoạn 1 của kế hoạch Nava, quân Pháp tiến hành cuộc hành quân At-lăng (Atlante) do tướng Đờ Bô Pho (De Beaufort), Tư lệnh Quân khu Tây Nguyên trực tiếp chỉ huy gồm 3 bước: (1) Đánh chiếm Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên theo 3 hướng: từ biển vào, Khánh Hòa ra và Đăk Lăk xuống; (2) Sau khi đánh chiếm xong Phú Yên, sẽ tăng lực lượng đánh chiếm Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định theo 3 hướng: Phú Yên ra, An Khê xuống và từ biển vào; (3) Đây là bước quyết định, tập trung toàn bộ lực lượng đánh chiếm tỉnh Quảng Ngãi theo 4 hướng: Quảng Nam vào, Bình Định ra, Kon Tum xuống và từ biển lên, lấy thị xã Quảng Ngãi làm hợp điểm; hoàn thành kế hoạch đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5..
Trước âm mưu của địch, cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp, nhận định: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn...” và đề ra chủ trương: “Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ tiêu diệt địch ở những hướng chúng có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta”. Đây là định hướng chỉ đạo chiến tranh quan trọng của Đảng để lãnh đạo quân và dân ta phá kế hoạch Nava. Chấp hành chủ trương chiến lược của Đảng, trong Đông Xuân 1953-1954, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo quân và dân ta phối hợp chặt chẽ cùng với quân, dân hai nước bạn Lào và Campuchia mở liên tiếp 5 đòn tiến công chiến lược trên khắp chiến trường Đông Dương, buộc địch phải điều động lực lượng đối phương.
Đối với Liên khu 5, Tổng Quân ủy xác định phương hướng chiến lược của ta và đã được Bộ Chính trị thông qua là “Tích cực và mạnh bạo phát triển vào Tây Nguyên, trước hết là ở phía Bắc". Như vậy, nhiệm vụ quan trọng bậc nhất lúc này của Liên khu 5 là tiến lên Bắc Tây Nguyên phá vỡ thế trận của quân Pháp, mở rộng vùng giải phóng. Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch Bắc Tây Nguyên được thành lập do đồng chí Nguyễn Chánh, Bí thư Liên khu ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch. Giữa tháng 12-1953, Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu chính thức thông qua kế hoạch tiến công lên Bắc Tây Nguyên. Địa bàn Kon Tum được chọn làm hướng chính, hướng phụ là đường 19 An Khê (Gia Lai). Thực hiện nhiệm vụ do Liên khu uỷ giao, lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum (thời điểm này chung tỉnh Gia-Kon) cùng hàng trăm cán bộ được tăng cường và hàng nghìn dân công được huy động phục vụ chiến dịch.
Ngày 20-01-1954, quân Pháp bắt đầu càn vào Phú Yên nhưng bị ta đánh trả quyết liệt. Ngày hôm sau, Bộ Chỉ huy chiến dịch Bắc Tây Nguyên hạ quyết tâm tiêu diệt 3 cứ điểm Măng Đen, Măng Búk và Kon Praih chỉ trong vòng một đêm. Ngày 26-01-1954, Ban Bí thư Trung ương Đảng điện chỉ đạo Liên khu uỷ 5 “Kiên quyết tập trung lực lượng thực hiện kế hoạch đã định; đó là cách tốt nhất phá âm mưu của địch và bảo vệ vùng tự do!".
Phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ, Trung Lào, Hạ Lào, Bình Trị Thiên, Quảng Nam…Đêm 27-01-1954, tiểu đoàn độc lập của Liên khu 5 cùng bộ đội địa phương huyện An Khê tiến công chớp nhoáng tiêu diệt đồn Ktung-Buple thu súng đạn và đồ quân dụng. 01 giờ sáng ngày 28-01-1954, bộ đội địa phương và du kích Đăk Pớt (Gia Lai) nổ súng đánh đồn Babah, diệt và bắt gần 40 tên địch, thu toàn bộ súng đạn và đồ quân dụng. Trên hướng chính tỉnh Kon Tum, đúng 23 giờ 23 phút đêm 27-01-1954, Tiểu đoàn 79 và 19 của Trung đoàn 108 nổ súng tấn công cứ điểm Măng Đen, một cứ điểm kiên cố nhất, xương sống của cụm cứ điểm phía Bắc tỉnh Kon Tum, cách thị xã Kon Tum 60km. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch gay go, ác liệt suốt tám giờ liền. Đến sáng ngày 28-01-1954, bộ đội ta làm chủ hoàn toàn trận địa. Cùng đêm 27 rạng sáng ngày 28-01-1954, Tiểu đoàn 97 của Mặt trận Miền Tây phối hợp với Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 108) tấn công tiêu diệt cứ điểm Măng Bút; Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 803) hạ đồn Kon Praih.
Trận then chốt mở màn chiến dịch thắng lợi, cùng với các trận diệt cứ điểm Măng Búk và Kon Praih, lực lượng vũ trang Liên khu 5 và quân dân Kon Tum đã đập tan cụm phòng ngự của quân Pháp ở Bắc Tây Nguyên. Từ ngày 29-01 đến ngày 03-02-1954, Trung đoàn 108 phát triển tấn công địch ở Đăk Tô, Đăk Glei, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên. Phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội tỉnh Kon Tum mở rộng hoạt động trên hướng Đăk Glei, Đăk Tô. Các mũi công tác chính trị, các đội vũ trang cơ sở triển khai vận động Nhân dân, giải tán chính quyền tay sai địch, thu vũ khí... Đến ngày 03-02-1954, toàn bộ khu Bắc của tỉnh Kon Tum hoàn toàn được giải phóng.
Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 803) sau khi tiêu diệt đồn Kon Praih đã chốt chặn phía nam thị xã, cắt đường 14 đoạn Kon Tum đi Pleiku. Địch đưa quân nống ra xung quanh thị xã Kon Tum, hòng giải tỏa sức ép của ta. Ngày 01-02-1954, tại Kon Xăm Lũ (nay thuộc xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy), Trung đoàn 803 diệt gọn 1 đại đội của Binh đoàn 100 từ Phú Yên lên tiếp viện cho tỉnh Kon Tum khi đang trên đường từ thị xã Kon Tum lên hướng Kon Praih. Cùng đêm đó, bộ đội đặc công đột nhập thị xã đánh sở chỉ huy của 1 tiểu đoàn địch. Ngày 04-02-1954, Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 803) phục kích đoàn xe tiếp tế của địch trên đường 14 phía Nam thị xã Kon Tum, diệt 7 xe vận tải quân sự.
Quân địch ở thị xã Kon Tum hoang mang cực độ, nơm nớp lo sợ bị tiêu diệt. Tranh thủ thời cơ thuận lợi, Ban Cán sự tỉnh kịp thời lãnh đạo cơ sở nội thị tổ chức công nhân đấu tranh bảo vệ nhà máy điện, công sở, không cho địch phá hoại; lãnh đạo cơ sở vùng ven vận động Nhân dân các làng đi dân công tiếp đạn, tải thương, dẫn đường bộ đội tiến công đồn bốt, phá các ổ vũ trang của địch ở làng xã vùng ven, truy quét địch. Khí thế tiến công địch giải phóng quê hương bừng bừng khắp núi rừng Kon Tum.
Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, Bộ Chỉ huy Quân viễn chinh Pháp quyết địch cho Đờ Bô Pho bỏ thị xã Kon Tum rút chạy về phòng ngự Pleiku (Gia Lai), tạm dừng kế hoạch Át-lăng, tăng cường lực lượng phòng thủ đường 19 và Nam Tây Nguyên. Ban Cán sự tỉnh lãnh đạo quân dân toàn tỉnh, phối hợp với bộ đội chủ lực, chớp thời cơ tiến công địch. Ngày 07-02-1954, thị xã Kon Tum được hoàn toàn giải phóng. Sau gần chín năm, quân và dân Kon Tum đã vượt qua gian khổ, chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, cùng bộ đội chủ lực giải phóng thị xã và toàn tỉnh Kon Tum.
Sau thắng lợi giải phóng Kon Tum, ta tiến công bao vây Pleiku, buộc địch phải điều động quân từ Tuy Hòa về Pleiku. Đến đây, kế hoạch Nava của Pháp bước đầu phá sản, buộc chúng phải phân tán lực lượng và giam chân ở miền núi. Ở miền Bắc, ngày 13-3-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, đến ngày 07-5-1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xem là "bất khả chiến bại" đã bị quân và dân ta đánh bại. Quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu".
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để Nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975. Trong niềm tự hào chung của dân tộc, quân và dân Kon Tum vinh dự đã góp phần làm nên chiến thắng quan trọng ở mặt trận Bắc Tây Nguyên, góp phần tiến đến chiến thắng lịch sử ở mặt trận Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. “Thắng lợi Kon Tum là một thắng lợi lớn của ta trên chiến trường miền Nam, nó cũng là một trong những thắng lợi to lớn của ta trong mùa Xuân này trên chiến trường toàn quốc”- trong Thư chúc mừng chiến thắng của quân và dân Kon Tum, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết. Đây cũng là lý do mà Ban Tuyên giáo Trung ương đã dự kiến chọn Kon Tum là một trong những điểm cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ (07/5/1954-07/5/2024).
Trần Thị Sáu