Mô hình mỗi tháng một câu chuyện pháp luật

Mô hình mỗi tháng một câu chuyện pháp luật tuyên truyên pháp luật thông qua các mẫu chuyện về cuộc sống hàng ngày

Góc cảnh giác
01/10/2024

Góc cảnh giác

Điều 471 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của ...
01/08/2024

Điều 471 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên; việc tổ chức hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật; trường hợp việc tổ chức hụi có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này; nghiêm cấm việc tổ chức hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ cũng đã quy định việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về hụi; không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Hiện nay, hành vi vi phạm quy định về hụi sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1) Không thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi;
2) Không thông báo đầy đủ về số lượng dây hụi, phần hụi, kỳ mở hụi hoặc số lượng thành viên của từng dây hụi mà mình đang làm chủ hụi cho người muốn gia nhập dây hụi;
3) Không lập biên bản thỏa thuận về dây hụi hoặc lập biên bản nhưng không có các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật;
4) Không lập sổ hụi;
5) Không giao các phần hụi cho thành viên lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi;
6) Không cho các thành viên xem, sao chụp sổ hụi và cung cấp các thông tin liên quan đến dây hụi khi có yêu cầu;
7) Không giao giấy biên nhận cho thành viên khi góp hụi, lĩnh hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1) Không thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100.000.000 đồng trở lên;
2) Không thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức từ hai dây hụi trở lên.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đối với một trong những hành vi sau đây:
1) Lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;
2) Tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luậtTheo quy định tại Điều 25 Nghị định 19/2019/NĐ-CP về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm khi bị giật hụi như sau:

Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm
1. Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Chủ họ, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về họ.
Như vậy đối với trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết.

14/08/2023
25/04/2023

Hướng dẫn cách đăng ký tài khoản định danh điện tử cấp (mức) 1 và cấp (mức) 2 theo quy định của Bộ Công an.

GẶP CHỦ TỊCH XÃ Một ngày, ông lên Ủy ban nhân dân xã để yêu cầu được gặp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thì hôm đấy, Chủ tị...
17/04/2023

GẶP CHỦ TỊCH XÃ

Một ngày, ông lên Ủy ban nhân dân xã để yêu cầu được gặp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thì hôm đấy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã lại đi họp ở Ủy ban nhân dân huyện, được một cán bộ hướng dẫn ông có thể đến vào ngày tiếp dân hàng tuần để gặp Chủ tịch và trình bày sự việc.
Ông An ra về nhưng trong lòng vẫn chưa thực sự yên tâm. Chiều hôm đấy, ông An có sang nhà hàng xóm, gặp được cháu Kha – là công chức xã. Nhân cơ hội, ông An hỏi Kha: Cháu ơi, pháp luật có quy định về việc tiếp công dân không hả cháu?
Anh Kha: Dạ, có bác ạ.
Ông An: Cháu đọc cho bác nghe xem luật quy định như thế nào về việc tiếp công dân nào?
Anh Kha: Theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013 thì tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 của Luật này đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Ông An: Cháu đọc bác nghe về tiếp công dân của Ủy ban nhân dân cấp xã đi.
Anh Kha: Dạ vâng. Điều 15 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định:
Việc tiếp công dân của cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân ở cấp xã và thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Ban hành nội quy tiếp công dân;
- Bố trí địa điểm thuận lợi và các điều kiện cần thiết khác cho việc tiếp công dân tại Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Phân công người tiếp công dân;
- Trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã ít nhất 01 ngày trong 01 tuần và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất (Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội);
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân;
- Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Ông An: Thì ra hôm trước mấy anh, chị trên Ủy ban nhân dân nói đúng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân có tiếp dân hàng tuần. Thế để hôm đó bác lên để trình bày một sự việc, bác đang rất bức xúc cháu ạ.
Mà còn có ban hành cả nội quy tiếp công dân à, thế mà hôm trước bác không biết để xin 1 bản về đọc, sau này cần còn dùng nữa.
Anh Kha: Dạ vâng ạ.
Ông An: Mà cháu ơi, bác có phải viết sẵn đơn tố cáo không hay là lên đấy có người hướng dẫn hả cháu?
Anh Kha: Bác ạ, Điều 25 Luật Tiếp công dân quy định:
- Khi công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân có trách nhiệm đón tiếp, yêu cầu họ nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc hướng dẫn người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày nội dung vụ việc.
- Nội dung trình bày phải được ghi vào sổ tiếp công dân gồm; số thứ tự, ngày tiếp, họ tên, địa chỉ, nội dung sự việc, quá trình xem xét, giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền (nếu có); yêu cầu, đề nghị của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tiếp nhận, xử lý vụ việc.
- Trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn viết đơn hoặc ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bằng văn bản và yêu cầu họ ký xác nhận hoặc điểm chỉ; trường hợp nội dung trình bày chưa rõ ràng, đầy đủ thì người tiếp công dân đề nghị người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày bổ sung hoặc bổ sung tài liệu, chứng cứ.
- Trường hợp trong đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh viết thành đơn riêng để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị hoặc phản ánh với cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.
Vì vậy, bác có thể viết đơn sẵn từ nhà hoặc đến nơi trình bày thì người tiếp công dân sẽ hướng dẫn bác viết đơn hoặc ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bằng văn bản và yêu cầu họ ký xác nhận hoặc điểm chỉ bác ạ.
Ông An: Thế thì để đến hôm đấy bác trình bày luôn. Nếu vậy, trong bao lâu thì sẽ thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hả cháu?
Anh Kha: Dạ, theo quy định tại Điều 28 Luật Tiếp công dân thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một trong các nội dung sau đây:
- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được thụ lý để giải quyết;
- Việc xem xét khiếu nại, tố cáo để thụ lý cần kéo dài thời gian do cần xác minh thêm theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo;
- Từ chối thụ lý đối với khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc không đủ điều kiện thụ lý;
- Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cho người khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Ông An: Bác hiểu rồi. Cảm ơn cháu. Bác phải hỏi trước để đến hôm đó có gì còn xử lý cháu ạ.
Anh Kha: Dạ vâng ạ. Bác có muốn biết gì nữa không ạ, để cháu tìm quy định giúp bác ạ.
Ông An: Tạm thời là thế cháu ạ. Sau này cần gì Bác sẽ nhờ cháu nữa nhé.
Anh Kha: Dạ vâng ạ.
Hôm sau ông An lên Ủy ban nhân dân xã đã được gặp Chủ tịch ủy ban nhân dân xã. Ông đã trình bày sự việc và được ghi chép lại đầy đủ. Và khoảng 10 ngày sau đó thì có thông báo về việc giải quyết vụ việc. Ông An cảm thấy Ủy ban nhân dân nơi xã mình làm việc nghiêm túc và có thái độ tốt khi tiếp công dân, ông tỏ ra hài lòng.

CÂU CHUYỆN HƯỞNG THỪA KẾHôm nay thời tiết ngoài trời có 22 độ C mà ông Nam thấy trong người cứ nóng rừng rực, cũng chỉ t...
27/02/2023

CÂU CHUYỆN HƯỞNG THỪA KẾ
Hôm nay thời tiết ngoài trời có 22 độ C mà ông Nam thấy trong người cứ nóng rừng rực, cũng chỉ tại mấy anh em nhà ông, cùng chung giống nòi mà đối xử với nhau cứ như người ngoài xã hội. Vừa nghĩ đến đây ông Nam đã thấy ông Việt là em trai kế với ông đi từ đầu đường vào, vừa đi vừa nói:
- Tình hình thế nào rồi anh? Cô Vui và cô Bắc có đồng ý không?
Chả là ông Vinh và bà Hạnh sinh được 4 người con, 2 trai 2 gái thì ông Vinh đi bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị rồi hy sinh, mãi không thấy trở về. Bà Hạnh ở nhà tảo tần nuôi 4 người con khôn lớn, tuy không tham gia công tác xã hội nhưng cả 4 người con đều ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó làm ăn.
Cách đây 5 năm bà Hạnh mất đi không để lại di chúc, chắc bà nghĩ tài sản để lại chỉ là mấy gian nhà gỗ, mấy mảnh đất, mà quê bà đất thiếu gì mà phải tranh nhau. Nhưng mọi việc lại không đơn giản như bà nghĩ.
Ngồi xuống bộ bàn ghế kê giữa nhà đã lên màu thời gian, ông Việt thấy anh trai ngồi trầm ngâm, bèn hỏi:
- Không được hả anh?
Ngẩng khuôn mặt rầu rĩ nhìn em, ông Nam buồn bã:
- Hai cô ấy không nghe chia di sản của bố mẹ để lại như thế. Ngày xưa đất cát chả có giá trị gì, giờ có đường xá chạy qua thì ganh nhau từng centimet…
Ông Việt sốt ruột cắt ngang:
- Hôm trước họp gia đình em đã nói rồi: các cô ấy là phận gái, đi lấy chồng rồi là hết. Anh em mình còn trách nhiệm thờ cúng tổ tông.
Nhấp ngụm nước trà, ông Việt đứng lên nói dứt khoát:
- Chỗ đất bố mẹ để lại anh em mình chia đôi, anh là anh hai ở đây để thờ cúng tổ tiên, để xem 2 cô kia làm gì được.
Vừa bước chân ra đường thì ông Nam gặp bà Vui và bà Bắc chân thấp chân cao bước vào, tay cầm tập giấy, mặt hừng hực khí thế bất chấp cái lạnh tê tái ngoài trời. Nhìn thấy anh trai đi ra, bà Bắc kéo tuột ông Việt quay lại, vừa kéo vừa nói:
- Anh vào đây, em cho anh xem cái này, rồi quyết định ai đúng ai sai cũng chưa muộn.
Kéo cái ghế ngồi gần cửa cho sáng, vừa giở tập giấy bà Bắc vừa nói:
- May có đứa cháu bên chồng em học Luật ở Sài Gòn nó bảo mới biết đấy, không thì 2 anh truất quyền thừa kế của bọn em là trái luật đấy.
Bà Bắc chỉnh lại tư thế ngồi cho ngay ngắn rồi dõng dạc đọc to mấy dòng chữ trên tờ giấy trắng: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Cầm cốc nước làm một hơi cạn sạch, bà Bắc bắt đầu nói:
- Đấy, họ quy định rất rõ nhé, em với chị Vui không phải là con đẻ của bố mẹ là gì? Vậy lý do gì mà hai anh không cho chúng em hưởng thừa kế của bố mẹ?
Ngồi nghe nãy giờ ông Nam và ông Việt đã rõ nội dung, nhưng vẫn cố vớt vát:
- Các cô đi lấy chồng thì làm ma nhà chồng, có phải chịu trách nhiệm gì với cái gia đình này nữa đâu, tôi là anh lớn trong nhà, trách nhiệm cao cả và nặng nề. Các cô tranh giành với chúng tôi, sau này có việc lớn cô đi mà lo cho cả họ hàng nhé.
Thấy anh em tranh luận, biết sẽ chẳng đi đến đâu, bà Vui nhẹ nhàng lên tiếng:
- Các anh ạ, việc này mà làm lớn chuyện ra chỉ làm trò cười cho thiên hạ, bố mẹ dưới suối vàng cũng chả yên tâm. Anh em ruột thịt vì chút tài sản mà tương tàn. E thiết nghĩ thế này các anh xem có hợp lý không ạ?
Ngừng lời một lát không thấy ai nói gì, bà Vui tiếp tục:
- Thôi thì em với cái Bắc là phận gái, về mặt pháp luật chúng em bình đẳng như hai anh, nhưng góc độ gia đình, đã đi lấy chồng phải lo lắng cho nhà chồng nên cũng không quán xuyến được việc nhà mình, mọi việc lớn nhỏ đều cậy nhờ hai anh. Thế nên về di sản bố mẹ để lại theo em nên chia làm 5 phần, mỗi anh em một phần bằng nhau, phần còn lại để hương khói ông bà, tổ tiên…
Bà Vui chưa kịp dứt lời thì ông Nam đã đứng phắt lên:
- Tôi là tôi không đồng ý, ở đâu cái kiểu đàn bà, con gái ngồi lên đầu người khác thế? Cô có giỏi ra xã hội mà phân xử. Nhà này không có chỗ cho đàn bà, con gái bàn chuyện đại sự, cô hiểu chửa?
Bà Bắc cũng đứng lên phản đối:
- Em cũng không đồng ý chia 5, phải chia làm 4, trong đó 1 phần là của em. Bây giờ đường to đi qua, đất nhà mình giá trị như đất mặt phố, hai anh định giữ lại để ăn tất à. Còn lâu em mới nghe nhé.
Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, bà Bắc liền đứng lên về, trước khi ra cửa bà quay lại nói:
- Họp gia đình đến 3, 4 lần rồi mà không quyết định được việc này, em nghĩ nên để pháp luật giải quyết, anh em khỏi mất lòng, hàng xóm không cười chê mà quan trọng nhất là bình đẳng giữa các anh em trong nhà. Bố lại là Liệt sỹ, anh em mình nên cư xử với nhau thế nào để hàng xóm còn tôn trọng. Xưa nay họ vẫn lấy nhà mình làm gương để dạy dỗ con cái, giờ không nhẽ…
Không để bà Bắc nói hết câu, ông Nam đã quát ầm lên:
- Cô không phải thách, tôi sẽ làm đến nơi đến chốn cho cô xem
Các em ông Nam đã về hết, trả lại cho ngôi nhà vẻ tĩnh lặng vốn có của một miền sơn cước. Ông Chiến bước từng bước nặng nhọc vào buồng nghỉ, ông thấy mệt mỏi kinh khủng cứ như vừa đi gánh hàng tấn lúa về nhà. Cuộc sống an lành trước đây bỗng chốc bị đảo lộn, những câu nói tình cảm yêu thương không còn, thay vào đó là những hằn học, trách móc, xỉa xói nhau.
Càng nghĩ đầu óc ông càng rối tung lên, kiểu gì cũng phải có cách giải quyết chứ, chắc phải nhờ pháp luật can thiệp thôi và phải làm càng sớm càng tốt nếu không có hậu quả gì xảy ra ông biết ăn nói thế nào với bố mẹ ông.
Dậy ăn vội bát cơm, lấy các giấy tờ cần thiết, ông chuẩn bị quần áo ấm đi lên Tòa án nhân dân huyện để hỏi cụ thể về việc chia di sản của bố mẹ ông để lại. Ngồi đối diện với vị Thẩm phán tóc hoa râm, ông Nam chậm rãi trình bày chi tiết về nguồn gốc tài sản của gia đình mà khi chết bố mẹ ông không để lại di chúc, cũng như nguyện vọng của ông là để lại khối tài sản đó cho ông và em trai ông quản lý còn lo hương hỏa cho ông bà.
Kiên nhẫn ngồi nghe ông Nam trình bày, sau khi nghe hết câu chuyện vị Thẩm phán già mới nhẹ nhàng giảng giải:
- Gia đình ông là gia đình chính sách, Đảng và nhân dân mang ơn cụ nhà đã vì hòa bình, độc lập của đất nước mà hy sinh xương máu, chúng ta là thế hệ con cháu phải giữ gìn và phát huy bản sắc của dân tộc, việc đó được thể hiện từ sự đoàn kết trong gia đình, vì gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có tốt thì xã hội mới phát triển.
Dừng lời một lát, ông nói tiếp:
- Trường hợp chia di sản thừa kế của gia đình bác, Bộ luật Dân sự đã quy định rất cụ thể thế nào là thừa kế theo pháp luật (vì ông bà không để lại di chúc); những trường hợp được thừa kế theo pháp luật, ai là người được thừa kế theo pháp luật, đồng thời quy định cả việc thanh toán và phân chia di sản…
Với tay lấy quyển sách trên bàn, ông đọc to:
Những người được thừa kế theo pháp luật quy định tại điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Thấy vị Thẩm phán vừa đọc xong, ông Nam thắc mắc ngay:
- Nhà tôi có hai cô em gái đã đi lấy chồng thì 2 cô ấy có được hưởng di sản như 2 anh trai không ạ?
Vị Thẩm phán mỉm cười, nhẹ nhàng nói:
- Con trai hay con gái, con đẻ hay con nuôi đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong các quan hệ về thừa kế, hôn nhân gia đình…trừ trường hợp pháp luật có quy định cụ thể khác. Bác mà còn có quan niệm đối xử phân biệt con trai, con gái là vi phạm pháp luật đấy.
Nghe thấy vậy ông Nam vội thanh minh:
- Ấy chết, không dám, là tôi chỉ hỏi cho rõ thôi ạ, chứ con nào, cháu nào tôi cũng quý như nhau.
Thu lại đống tài liệu trên bàn, vị Thẩm pháp kết luận:
- Để giải quyết vấn đề chia di sản của gia đình bác, có hai cách: Một là 4 anh em thống nhất thỏa thuận chia cụ thể mỗi người bao nhiêu, khi thống nhất được rồi thì lập biên bản thỏa thuận của những người có quyền thừa kế sau đó đến công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng. Hai là làm đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Anh cứ về suy nghĩ, bàn bạc thật kỹ với anh em trong nhà và anh cũng biết rồi đấy, luật quy định đối với thừa kế theo pháp luật thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Vì vậy anh không thể truất quyền thừa kế của 2 cô em gái được, như vậy là trái pháp luật đấy.
Chào vị Thẩm phán ra về, trong đầu ông Nam cứ văng vẳng mấy câu sau cùng vị Thẩm phán nói, có lẽ nào ông và ông Việt đã sai? Đường quang ông không đi lại đâm quàng vào bụi rậm? Khi còn sống, mẹ ông từng dạy: dù nghèo nhưng phải có tự trọng không được để tham, sân, si làm mờ lối. Vậy mà vì đâu ông đối xử với hai cô em gái không khác người dưng nước lã, tranh giành, đấu đá nhau như thế còn ra cái thể thống gì.
Mãi nghĩ thế mà ông đã về đến nhà, trời mờ tối, bà vợ sốt ruột chờ ông từ đầu ngõ, trời giá buốt thế này mà không biết ông đi đâu. Dắt cái xe vào nhà ông thả mình xuống ghế thở phào nhẹ nhõm, như thể vừa trút được tảng đá lớn đè nặng lên trái tim ông bao ngày qua.
Đi xuống bếp, ông bảo vợ:
- Sáng mai bà qua nhà chú Việt, cô Vui, cô Bắc gọi các cô chú ấy sang đây tôi nhờ chút việc.
Không hỏi lại chồng nhưng nhìn gương mặt ông thanh thản chứ không nặng nề như mấy tháng qua, bà biết có một niềm vui lớn đang đến với gia đình bà.
Sáng hôm sau đang thắp nén hương cho ông bà báo cáo việc hệ trọng thì ông Nam thấy 3 người em đi vào. Không để mọi người thắc mắc ông vào nội dung chính luôn:
- Giấy rách phải giữ lấy lề các cô, chú ạ. Nhà mình bao đời nay ấm êm, yên ổn, anh em yêu thương, đùm bọc nhau để giữ được gia phong của dòng họ. Nay vì chút của cải mà lại lôi nhau ra tòa tôi thấy không ra cái thể thống gì. Các cụ bảo rồi “vô phúc đáo tụng đình”. Với vai trò là trưởng họ, là anh cả, tôi đề nghị chia di sản của bố mẹ làm 4, mỗi người con một phần bằng nhau, các cô, chú sử dụng thế nào được toàn quyền quyết định. Đều là anh em ruột thịt trong nhà cả, một giọt máu đào hơn ao nước lã, lọt sàng thì xuống lia…
Ông Nam dừng lời để các em suy nghĩ, hơn cả mong đợi của ông, các em ông đều cho rằng ông tính như thế là phải, cái quan trọng nhất là gìn giữ được tình cảm, của cải có thể làm ra nhưng tình anh em mà mất đi thì không tiền bạc nào có thể mua lại được.
Mùa xuân đã về gần lắm, hoa mận hoa mơ nở trắng đồi, báo hiệu một năm mới đoàn viên, an lành, hạnh phúc sắp về với gia đình nhà ông Nam./.

CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT THÁNG 01/2023HẠNH PHÚC GIẢN ĐƠN  Anh Trần Văn H và chị Lương Thị B yêu nhau từ thời sinh viên. Hai ...
31/01/2023

CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT THÁNG 01/2023
HẠNH PHÚC GIẢN ĐƠN

Anh Trần Văn H và chị Lương Thị B yêu nhau từ thời sinh viên. Hai anh chị học chung trường Đại học, ai nhìn vào cũng nói anh chị là cặp trời sinh. Chị B duyên dáng, xinh đẹp, anh H là một người đàn ông với vẻ bề ngoài điển trai và sự chững chạc, đầy nam tính. Đến khi ra trường, anh H và chị B đều xin đi dạy trường cấp 2 gần nhà. Đi dạy được hơn 1 năm, hai anh chị kết hôn với nhau, tình yêu đã đơm hoa kết trái, cả hai đã về chung một nhà và mong ước một cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Thời gian đầu mới cưới, anh H và chị B sống với nhau rất hạnh phúc. Anh chị được bố mẹ hai bên mua cho một căn nhỏ tại thành phố gần trường để đi dạy. Hơn một năm sau mãi hai anh chị vẫn chưa có con. Chị B bắt đầu thấy lo lắng, chị bàn với anh H để hai vợ chồng đi khám kiểm tra xem thế nào, nhưng anh H không đồng ý vì anh cho rằng mới thời gian ngắn chưa có con cũng là đều bình thường, với lại vợ chồng mình còn trẻ, còn có thời gian để dạy thêm tăng thu nhập, tiết kiệm, dành dụm tiền để nuôi con. Chị B nghe vậy cũng thấy đỡ lo hơn và nghĩ chồng mình nói vậy cũng đúng. Thế là ngày ngày hai vợ chồng đi dạy, chiều tối và cuối tuần còn dạy thêm nên thời gian cứ thế trôi qua. Đến nay hai anh chị cưới nhau cũng được 3 năm, đến giờ vẫn không có con. Chị B một lần nữa bàn chuyện đi khám để kiểm tra sức khỏe của hai vợ chồng thế nào. Lần nay, anh H cũng thấy sốt ruột nên đồng ý việc đi khám.
Sáng hôm sau, hai vợ chồng anh H đến bệnh viện Đại học Y để khám. Sau quá trình khám bệnh, làm một số xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ kết luận chị B không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Nghe tin này chị như chết lặng cả người, thiên chức làm mẹ của một người phụ nữ vô cùng thiêng liêng và cao quý, nhưng chị lại không có. Hai hàng nước mắt tuôn rơi, chị đau lòng đến tột độ. Nhìn thấy chị như vậy anh H cũng rất đau lòng, anh chỉ biết ôm chị vào lòng để an ủi.
Anh H rất buồn, nhưng cũng không biết phải làm như thế nào. Một ngày, anh H đọc được bài báo liên quan đến vấn đề mang thai hộ. Anh sẽ về bàn với vợ về việc mang thai hộ cho hai vợ chồng. Nghe chồng nói về vấn đề nhờ người mang thai hộ cho hai vợ chồng, chị B thấy vui lắm. Và điều đầu tiên hai vợ chồng chị B nghĩ đến là sẽ nhờ ai là người mang thai hộ. Chị B nói với chồng sẽ nhờ em gái của chị mang thai hộ, nhưng anh H lại không đồng ý. Anh H muốn nhờ người ngoài mang thai hộ để có gì dễ yêu cầu hơn. Hai vợ chồng không thống nhất về nhờ người mang thai hộ, dẫn đến mâu thuẫn và tranh cãi nhau. Mỗi lần bàn đến vấn đề mang thai hộ, hai anh chị lại tranh cãi, không thống nhất được, đôi lúc cả hai cảm thấy mệt mỏi và không biết có thể tiếp tục thực hiện việc làm này.
Chị B nhớ đến chị có quen chị Phạm Thị M, là hòa giải viên và là một người rất am hiểu pháp luật. Chị cùng với chồng tìm đến chị M để hỏi về vấn đề mang thai hộ. Đến nhà chị M, hai vợ chồng đã trình bày lại toàn bộ sự việc cho chị M biết và hỏi chị về pháp luật quy định về người mang thai hộ, về mang thai hộ như thế nào? Chị M giải thích để cho hai vợ chồng chị B hiểu về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.”
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: “Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ”.
Một nội dung quan trọng nữa là giữa bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ phải lập Thỏa thuận về mang thai hộ, thỏa thuận phải có các nội dung cơ bản sau đây: thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan quy định tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và gia đình; cam kết thực hiện các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 97 và Điều 98 của Luật Hôn nhân và gia đình; việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa; hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ khác có liên quan; trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thỏa thuận. Thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý (theo quy định tại Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Như vậy, người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ. Nghe xong, vợ chồng chị B và anh H đã hiểu và việc chị B nhờ em gái chị mang thai hộ là đúng theo quy định của pháp luật về mang thai hộ.
Hai vợ chồng cảm ơn chị M và xin phép ra về, hai người như được trút đi gánh nặng trĩu trên đôi vai. Hy vọng phép nhiệm màu sẽ đến với anh chị, điều hạnh phúc giản đơn mà anh chị luôn mơ ước sẽ sớm thành hiện thực. Tương lai đang còn ở phía trước nhưng đã có cánh cửa mang tên niềm tin và hạnh phúc mở ra chào đón anh chị. Anh nắm lấy bàn tay của chị, tiếp thêm sức mạnh để hai vợ chồng quyết đồng lòng tìm đến hạnh phúc.

Address

Lộ đá
Tân An

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Mô hình mỗi tháng một câu chuyện pháp luật posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Share