04/06/2024
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG LÀ NHIỆM VỤ CẦN THIẾT HIỆN NAY
Những năm qua, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hình thức thể hiện tự do ngôn luận có sự biến đổi lớn. Internet, mạng xã hội trở thành công cụ phổ biến để mọi cá nhân, tổ chức bày tỏ quan điểm, tư tưởng, truyền bá thông tin, thể hiện quyền tự do ngôn luận. Lợi dụng sự tiện ích đó, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước ta hòng làm suy giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Chúng triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ nhằm tận dụng đa dạng các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là các mạng xã hội, xuất bản báo chí điện tử ở nước ngoài. Tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chống phá Việt Nam như: VOA tiếng Việt, RFA, RFI, BBC Việt ngữ, HRW...) để tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng, hạ bệ uy tín lãnh tụ, gây nghi kỵ, chia rẽ nội bộ; triệt để khai thác các sự kiện chính trị, ngoại giao, những vấn đề nhân sự, nội bộ với các thông tin chưa được kiểm chứng để mở các chiến dịch tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước ta… Cụ thể như, lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay có không ít cá nhân, tổ chức, các trung tâm truyền thông chống Đảng, Nhà nước Việt Nam đang tập trung tuyên truyền, lập luận rằng “việc xử lý các cá nhân, tổ chức có liên quan đến tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đang làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế”. Luận điệu này được Đài RFA cho rằng “cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng Cộng sản Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu”. Đài VOA tiếng Việt rêu rao, chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam làm tê liệt chuỗi cung ứng đầu tư. Chúng lập luận rằng, chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam đã làm tê liệt nhiều giao dịch thông thường trong nước, gây ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Cùng với đó là các cá nhân, tổ chức chống phá Việt Nam đã chia sẻ bài viết lên các trang mạng xã hội, từ đó đi đến quy kết, xuyên tạc bản chất cuộc chiến chống tham nhũng, hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động vào tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân, nhất là đối với các doanh nhân, cán bộ trong bộ máy Nhà nước.
Thiết nghĩ công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch hiện nay đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do vậy bên cạnh việc áp dụng các quy định của pháp luật để quản lý không gian mạng của các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh các biện pháp giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm, khả năng nhận thức và năng lực tự sàng lọc thông tin của người dân và cộng đồng, hình thành thói quen ứng xử văn hóa trên môi trường mạng của người sử dụng mạng Internet.
Đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị là một trong những nội dung trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được Đảng ta xác định trong Văn kiện Đại hội XIII. Do vậy, tăng cường, đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc không chỉ nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ và sự ổn định của đất nước mà còn nhằm bảo vệ uy tín, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.
NTL