21/05/2024
Hiện tượng “Thích Minh Tuệ”
-------
Trong những ngày vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về hiện tượng “Thích Minh Tuệ” tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981, tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (gia đình cư trú tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), đi bộ từ Nam ra bắc và ngược lại, đã tạo ra sự hiếu kỳ và quan tâm của rất nhiều người dân trên địa bàn các tỉnh có “Thích Minh Tuệ” đi qua, dẫn đến trong xã hội đã xuất hiện nhiều luồng dư luận, thông tin trái chiều. Với tư cách là một công dân, là người hóng chuyện, bản thân tôi nhận thấy một số vấn đề, cũng cần bóc tách và làm sáng tỏ theo sự hiểu biết của mình, đó là.
Thứ nhất, Lê Anh Tú, mọi người dân gọi là “sư Thích Minh Tuệ”, là công dân bình thường, thực hiện hành khất, tu tập theo Pháp môn của Phật giáo. Xin nói rằng Pháp môn tu tập của Phật giáo thì có rất nhiều con đường tu tập. Theo “Chân pháp” của đức Phật Thích Ca, khi rời bỏ ngai vàng, vợ, con để xuất gia, Thích Ca đã đi khất thực khắp thiên hạ để tận mắt chứng kiến cuộc sống của chúng sinh, thấu hiểu nỗi thống khổ của mọi tầng lớp người dân trong xã hội và suy nghĩ đến con đường lớn “đạo” để giúp cho chúng sinh có cuộc sống được no ấm, hạnh phúc, giải thoát được sự đau khổ “Niết bàn ngay tại trần thế”, một trạng thái “viên mãn”, Thích Ca đã hồi tưởng và giảng giải căn nguyên của sự khổ đau, cách thức, phương pháp để giải khổ đau, tìm đến hạnh phúc “viên mãn”. Xết đến Lê Anh Tú, đi khất thực “tu tập” là chuyện bình thường trong đời thường, không có động cơ, không có mục đích cụ thể cho tương lai “phải làm gì, làm cho ai, làm như thế nào” đi trong vô định và thực tế vẫn chỉ là người bình thường và phải khẳng định đây không phải là “thánh nhân”, vì lẽ đó, mọi người hãy để cho mọi sự được diễn ra bình thường và để Lê Anh Tú được thực hành việc tu tập như lâu nay vẫn làm (5 năm qua), được tự do lựa chọn, thực hành tín ngưỡng tôn giáo của mình, không vi phạm pháp luật.
Thứ hai, vẫn biết rằng một số người dân ở một số địa phương có duyên, có tín ngưỡng Phật giáo hoặc là tín đồ Phật giáo có thiện cảm, mến phục việc “khất thực, tu tập” của “Thích Minh Tuệ” những ngày qua đi theo, “động viên khích lệ, giúp đỡ “Thích Minh Tuệ”” dọc những chặng đường “Thích Minh Tuệ” đi qua, đây có lẽ cũng là sự mến, trọng, kính phục đức rèn luyện trên con đường tu tập của “Thích Minh Tuệ”, đây cũng là một lẽ thường về đạo lý người Việt, giúp đỡ, che chở, tương trợ lẫn nhau trong khó khăn, vất vả của người hướng thiện... Điều đáng nói, đáng phê phán ở đây là một số người thay vì “trân quý”, động viên “khiêm nhường” để “Thích Minh Tuệ tu tập thành chánh quả” thì lại tạo ra một hiệu ứng tâm lý đám đông, tò mò, hiếu kỳ “thần thánh hóa”, hiện tượng “Thích Minh Tuệ” lôi kéo, tuyên truyền, làm cho một số người tụ tập đông người, quay phim, livestream đưa lên Tiktok, Youtube, đăng tải trên các trang mạng xã hội và hiển nhiên trở thành hiện tượng “Thích Minh Tuệ”, gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dự luận xã hội và không tránh khỏi có cả mục địch vụ lợi; bên cạnh đó, còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; không ngoại trừ tạo điều kiện cho một số đối tượng xấu len lỏi vào đám đông, trộm cắp, cướp giật gây nguy hiệu đến tài sản và tính mạng của những người đi theo, làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; mất đi sự tự do của “Thích Minh Tuệ” trong việc giải quyết những vấn đề, nhu cầu vệ sinh cá nhân trên con đường “khất thực”. Vì vậy, có lễ mọi người dân có thiện cảm, mến phục “Thích Minh Tuệ” hãy có cái nhìn, có cách đánh giá và thể hiện sự yêu mến “Thích Minh Tuệ” một cách “thông minh” và có trách nhiệm, không để dư luận xã hội, các phần tử xấu, cơ hội làm tổn thương chính niềm tin tôn giáo của bản thân mình mà trong đó mình cũng có tác nhân đóng góp.
Thứ ba, một số người, một số “tu sỹ” vội phán xét sự đúng, sai của “Thích Minh Tuệ”, đã có những phát ngôn gây dậy sóng cộng đồng mạng trong thời gian qua, làm tổn thương đến niềm tin tín ngưỡng của một bộ phận đồng bào theo Phật giáo, ảnh hưởng đến đạo hạnh, uy tín của chức sắc, chức việc và Giáo hội Phật giáo Việt nam cũng cần phải soi xét lại bản thân mình trong việc thực hành nghi lễ tu tập của Phật giáo “chánh pháp, chánh nghiệp, chánh ngôn”, theo phương châm “đạo pháp, dân tộc, Chủ nghĩa xã hội”; xã hội kịch liệt phê phán và lên án những biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức xã hội; hãy thể hiện đúng quan điểm của đảng và nhà nước về quyền tự do tín ngưỡng của mọi người tuân thủ theo quy định của Pháp luật nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và hãy là một công dân có trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư, phải khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay là Giáo hội duy nhất được đồng bào Phật tử và nhân dân có niềm tin tín ngưỡng với Phật giáo thừa nhận, được nhà nước tạo điều kiện và đảm bảo các hoạt động của Phật giáo theo đúng hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt nam, Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các quy định của pháp luật hiện hành. Từ hiện tượng “Thích Minh Tuệ” Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các chức sắc, tăng ni, đồng bào phật tử hãy sáng suốt, tỉnh táo trong mọi tình huống, xử lý thông tin một cách chính xác, hợp tình, hợp lý, đúng mực, đảm bảo đúng quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để không lún sâu, xa đà, dễ mắc mưu của các phần tử xấu, đối tượng phản động lợi dụng hiện tượng “Thích Minh Tuệ” chống phá Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chia rẽ đồng bào Phật tử ở các vùng miền, mưu đồ chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở các địa phương.
Thứ năm, đối với chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội các cấp phải chủ động, tích cực tổ chức tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, đồng bào theo các tôn giáo nói chung, đồng bào Phật tử nói riêng đề cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở các địa phương; hãy dừng lại khi chưa quá muộn và không nên tổ chức cổ vũ, không tập trung đông người, không quay phim, livestream, chia sẻ đưa lên Tiktok, Youtuber, đăng tải trên các trang mạng xã hội để tạo làn sóng, tạo ra những dư luận trái chiều trong xã hội. Hãy để hiện tượng “Thích Minh Tuệ” trở về trạng thái bình thường, là người bình thường đang học tập cách tu tập theo đức Phật Thích Ca, đây là sự lựa chọn của riêng cá nhân “Thích Minh Tuệ”, không có sự tác động, không có sự điều hướng từ bất cứ một ai, bất cứ một thế lực nào. Vì thế, hãy để nó diễn ra một cách tự nhiên “tự sinh, tự diệt”.
Thứ sáu, đối với danh xưng “Thầy”, “Sư”, đây là một danh xưng thật vô cùng cao quý, thiêng liêng, “Thầy”, “Sư” được xem như cùng vai với “cha, mẹ” người sinh thành, dưỡng dục, nuôi dạy ta lớn khôn, trưởng thành, người có công lao vô cùng lớn trong cuộc đời một con người, cả đời một con người luôn luôn kính trọng “thầy, sư, cha, mẹ” và không bao giờ báo đáp hết được công dưỡng, dục này. Bởi lẽ đó, đối với chúng ta cũng cần phải suy nghĩ đúng đắn về “đạo nghĩa” không bao giờ dễ dãi, xử dụng tùy tiện hai từ danh xưng “Thầy”, “Sư” trong bất kỳ trường hợp và tình huống nào. Đạo đức và văn hóa Việt Nam mãi trường tồn và là cái gốc của sự phát triển trong xã hội hiện đại ngày nay.
Hiện tượng “Thích Minh Tuệ” làm nóng diễn đàn mạng xã hội trong ngày qua, nhiều người cũng đã khá tốn giấy mực để bàn luận, chia sẻ, mục đích tốt có, mục đích xấu có, mục đích thông qua mạng xã hội để kiếm tiền khi các lượt chia sẻ và like tăng lên có, bây giờ có lẽ cũng đến lúc dừng lại, mọi người hay tôn trọng sự lựa chọn cá nhân của “Thích Minh Tuệ”, để mọi việc trở lại bình thường, tập trung hướng đến xây dựng một Giáo hội Phật giáo chính pháp theo đúng hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thực hiện nghiêm luật Tín ngưỡng tôn giáo, để góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc đất nước Việt Nam ngày càng cường thịnh và trường tồn.
Vô Thường
Nguồn: KoNia ĐạThường