Nắng cao nguyên

Nắng cao nguyên Vì sự phát triển bền vững của đất nước !
(1)

10/10/2023

ĐẢNG VIÊN, CÁN BỘ Ở ĐÂU TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Mạng xã hội Facebook ở nước ta phát triển rất nhanh và ngày càng lan rộng, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia. Trong đó, tỷ lệ cán bộ, đảng viên sử dụng facebook hiện nay chiếm khá cao. Hầu như ai cũng có tài khoản cá nhân facebook, thậm chí có người sở hữu 2, 3 tài khoản. Tuy nhiên, bên cạnh một số ít cán bộ đảng viên mạnh dạn đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin, hình ảnh từ các trang chính thống thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về một vấn đề nào đó thì vẫn còn đại đa số người còn thờ ơ, phớt lờ những vấn đề xã hội đang quan tâm. Vậy thì vai trò của họ ở đâu trên không gian mạng này?
Cái tư duy thấy đúng cũng không bảo vệ, thấy sai cũng không lên án, phê phán đã và đang tồn tại ở nhiều cơ quan, đơn vị. Và chính tư duy cá nhân ấy cũng được nhiều người áp dụng khi tham gia mạng xã hội. Họ lẳng lặng vào mạng, dò đọc, rồi lẳng lặng, âm thầm trở ra như chiếc bóng. Đối với những bài viết hay, tích cực, nguồn dẫn chính thống đàng hoàng, báo đài rầm rộ đưa tin nhưng cũng không thấy họ tham gia chia sẻ, bình luận, like bài. Hay đối với những thông tin tiêu cực, bức xúc, xã hội đang quan tâm cũng chẳng thấy họ biểu thị cảm xúc gì. Tốt cũng được, chẳng khen động viên, mà xấu cũng mặc kệ, chẳng thèm phê phán, phản ứng. Ôi, một thái độ dửng dưng, vô cảm đến lạ lùng.
Tôi nghĩ thế này, đã là cán bộ, đảng viên thì ít ra cũng phải nhận thức được thông tin nào đúng, sai, tích cực, tiêu cực chứ. Khi tiếp xúc với một bài đăng mà bản thân thấy hay, đúng, nguồn đăng rõ ràng thì cũng nên thể hiện cảm xúc của mình, đó có thể là “thích”, “thả tim”, "thương thương". Hay hơn nữa là thêm comments động viên, khen ngợi để cổ vũ nhau. Còn nếu bạn nhận thấy rằng thông tin sai, lệch lạc hoặc còn nghi ngờ độ chính xác thì ít ra cũng có cảm xúc “ngạc nhiên”, “buồn” hoặc “phẫn nộ”. Xem, đọc xong mà vô cảm đến mức lặng lẽ cho qua, thế thì khác nào bạn đã đồng tình, ủng hộ thông tin xấu đó rồi. Bởi trong một số trường hợp được mặc nhiên rằng “im lặng là đồng ý”.
Hãy để cái tốt đẹp được lan tỏa, đồng thời cũng phải đẩy lùi những cái xấu, tiêu cực, đó không chỉ là trách nhiệm của cộng đồng mạng nói chung mà đó còn là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội facefook đó các bạn à!
Thiết nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình đối với xã hội, đất nước. Là cán bộ, đảng viên trước hết phải có lập trường, tư tưởng, quan điểm rõ ràng ở mọi lúc, mọi nơi. Trên không gian mạng lại rất cần thể hiện vai trò đó. Hãy là những nhân tố mang tính nòng cốt, tích cực trong xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân.
TIÊN PHONG TRONG MỌI MẶT TRẬN CHÍNH LÀ NGƯỜI ĐẢNG VIÊN CHÂN CHÍNH, LÀ NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN TRUNG!

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ BÀI HỌC VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘCCách mạng tháng Tám năm 1945 tạo ra bước ngoặt lịch sử của dân tộc...
17/08/2023

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ BÀI HỌC VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
Cách mạng tháng Tám năm 1945 tạo ra bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám để lại nhiều bài học quý giá, trong đó có bài học về đại đoàn kết dân tộc
Đại đoàn kết - nội dung quan trọng trong đường lối, chủ trương giải phóng dân tộc của Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến đại đoàn kết dân tộc từ rất sớm. Ngay từ tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Người đã nêu rõ vai trò của nhân dân trong cách mạng: “cách mệnh là việc chung của dân chúng, chứ không phải là việc của một hai người”.
Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, người chỉ rõ đối tượng rộng rãi và nòng cốt của khối đại đoàn kết: “Trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”.
Bàn đến đại đoàn kết trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, Người khẳng định: “Nhờ đại đoàn kết mà trong bao nhiêu thế kỷ, nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng tháng Tám thành công và đã kháng chiến đến thắng lợi”.
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Thật vậy, do vị trí địa lý và đặc điểm của nền kinh tế nước ta nên trong lịch sử dân tộc ta liên tục phải đương đầu với những thử thách cam go - chống ngoại xâm và chống thiên tai, làm thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, với cây lúa nước là cây trồng chủ yếu. Từ nhu cầu đó xuất hiện yêu cầu cố kết cộng đồng, trong mối quan hệ ba tầng nhà-làng-nước một cách chặt chẽ.
Truyền thống đại đoàn kết quý báu của dân tộc ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định như một quy luật: Khi nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta được độc lập, tự do. Trái lại, khi nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Trước khi Đảng ra đời, với truyền thống yêu nước, nhân dân ta đã liên tục nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, nhưng chưa giành được thắng lợi. Một trong những nguyên nhân thất bại là chưa phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn tộc.
Khi Đảng ra đời, lãnh đạo cách mạng giai đoạn 1930-1945, đường lối, chủ trương đại đoàn kết đã được triển khai, kiểm nghiệm trong xây dựng lực lượng cách mạng và phát động quần chúng nhân dân đấu tranh.
Đường lối đại đoàn kết được Đảng xác định ngay từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên. Trong văn kiện quan trọng này, khi đề cập tới lực lượng cách mạng Đảng ta đã mở tới biên độ rộng nhất, với mẫu số chung là yêu nước. Khối đại đoàn kết toàn dân, nòng cốt là liên minh công nhân, nông dân.
Chủ trương đại đoàn kết của Đảng còn được tiếp tục bổ sung, phát triển trong Hội nghị Trung ương tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương tháng 10/1936 và đặc biệt là Hội nghị Trung ương tháng 5/1941.
Từ chủ trương của Đảng, để đoàn kết và tập hợp lực lượng, Đảng đã chỉ đạo thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất với các tên gọi khác nhau. Hội phản đế đồng minh (11/1930), Phản đế liên minh (3/1935), Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế (10/1936), Mặt trận dân chủ Đông Dương (6/1938), Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (11/1939), Mặt trận Việt Minh (5/1941).
Đại đoàn kết – cội nguồn thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945
Chủ trương đại đoàn kết trong Cách mạng Tháng Tám được Đảng ta quán triệt, chỉ đạo thực hiện trong Hội nghị toàn quốc của Đảng (13-15/8/1945), rõ nhất là quyết định tổng khởi nghĩa – huy động sức mạnh của cả dân tộc.
Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Thực hiện chủ trương đại đoàn kết của Đảng và Thư kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 20 triệu đồng bào Việt Nam đã vùng lên, lật đổ ách thống trị của Pháp, Nhật và chế độ phong kiến trong thời gian ngắn. Điều này được thể hiện rõ ở mấy điểm lớn sau đây:
Thứ nhất, lực lượng tham gia Cách mạng tháng Tám là toàn dân. Lực lượng cách mạng gồm 2 bộ phận: lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Trong đó, lượng chính trị là chủ yếu và đấu tranh chính trị là cơ bản làm nên thắng lợi. Lực lượng chính trị bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân yêu nước, không phân biệt già - trẻ, gái - trai, giàu -nghèo, dân tộc, tôn giáo, đảng phái. Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã một lần nữa khẳng định rõ điều này: “Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” 4 và “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.
Thứ hai, trong chủ trương của Đảng và quá trình chỉ đạo thực hiện, về mặt phương pháp, là khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc. Vì thế, từ khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa tất yếu phải huy động sức mạnh của cả dân tộc vào cuộc đấu tranh sống còn với kẻ thù.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có kinh nghiệm: “Toàn dân nổi dậy trên nền tảng liên minh công – nông”. “Cách mạng tháng Tám thắng lợi là nhờ cuộc đấu tranh yêu nước anh hùng của hơn 20 triệu người Việt Nam. Nhưng cuộc nổi dậy của toàn dân chỉ có thể thực hiện được khi có đạo quân chủ lực là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đạo quân chủ lực này được xây dựng, củng cố qua ba cao trào cách mạng và lớn mạnh vượt bậc trong tổng khởi nghĩa. Dựa trên đạo quân chủ lực làm nền tảng, Đảng xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc, động viên toàn dân tổng khởi nghĩa thắng lợi”.
Giá trị bài học đại đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Trong tình hình mới, Đảng ta xác định phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Điều đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải hết sức nỗ lực, luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch. Công tác giáo dục tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc phát huy cao nhất thế trận lòng dân để gần 100 triệu người dân Việt Nam là bấy nhiêu chiến sỹ.
Việc thực hiện xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục được phát huy. Nhờ vậy, toàn dân tiếp tục đoàn kết, sức mạnh của cả dân tộc được huy động tới mức tối đa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới, công nghiệp hoá, hiện hại hoá và hội nhập quốc tế.
Trong thời gian qua, tình trạng tham nhũng, mất dân chủ... xảy ra ở một số cơ quan, chi bộ, địa phương; tác động của mặt trái cơ chế thị trường (lối sống ích kỷ, thực dụng, quá coi trọng lợi ích vật chất...) và nguy hiểm hơn là âm mưu chia rẽ, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch bằng con bài dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc…nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc ta. Vì thế, tiếp tục phát huy bài học đại đoàn kết trong Cách mạng Tháng Tám là hết sức cần thiết và cấp thiết.
Để thực hiện thắng lợi bài học đại đoàn kết, thời gian tới, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cần làm tốt một số nội dung chủ yếu sau đây:
Đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, học tập về cội nguồn thắng lợi của bài học đại đoàn kết trong lịch sử dân tộc, trong đó có thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.
Tiếp tục thực hiện thật tốt đại đoàn kết, trước hết là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa Đảng với nhân dân, đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết giữa người Việt Nam trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.
Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm làm cho đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao.
Lãnh đạo đẩy mạnh công tác đối ngoại, theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, trên cơ sở đó, mở rộng và tăng cường quan hệ đối ngoại của Việt Nam với bè bạn khắp năm châu, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bảy mươi tám năm qua, bài học đại đoàn kết dân tộc trong Cách mạng tháng Tám đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phát huy cao độ, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng rằng, trong những năm tới, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy được sức mạnh đoàn kết vĩ đại của cả dân tộc, giành nhiều thắng lợi hơn nữa trên con đường tiến lên: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Văn Minh

Đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống pháLợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm kích ...
16/08/2023

Đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá
Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm kích động ly khai ở các vùng dân tộc thiểu số, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc là âm mưu mà các thế lực thù địch thường xuyên thực hiện nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Ngày 11/6/2023 vừa qua, tại Đắc Lắk một nhóm đối tượng có tổ chức, manh động, dùng vũ khí quân dụng, hung khí nguy hiểm tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Ktur và UBND xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin sát hại 4 cán bộ Công an, 2 cán bộ xã, 3 người dân và làm bị thương một số người khác…
Đến nay, lực lượng công an xác định phía sau vụ việc này có sự xúi giục, giật dây của thế lực khủng bố, phản động từ bên ngoài.
Tự vụ việc một lần nữa cho chúng ta thấy bản chất ngoan cố, thù địch của những đối tượng cầm đầu các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, chúng không từ một âm mưu, thủ đoạn nào để chống phá, với dã tâm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Trong đó thủ đoạn điển hình lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo” như một vũ khí đặc biệt để xuyên tạc, vu khống, kích động, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết hòng làm mất ổn định chính trị - xã hội tại Việt Nam.
Liên quan đến vụ tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, đến ngày 10/7, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam hơn 90 đối tượng.
Trong đó, đã khởi tố 76 bị can về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và khởi tố các bị can còn lại về các tội “không tố giác tội phạm”; tội “che giấu tội phạm” và tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.
Đến nay, cơ quan Công an đã thu giữ 20 khẩu súng các loại; lựu đạn, thuốc nổ, đạn các loại, 10 cờ FULRO cùng nhiều chứng cứ liên quan khác.
Qua đấu tranh khai thác, phần lớn các đối tượng khai nhận do bị những đối tượng Fulro lưu vong xúi giục qua không gian mạng và bị kích động chia rẽ giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số.
Theo Cục An ninh nội địa, Bộ Công an, 2 đối tượng cầm đầu của tổ chức hỗ trợ người Thượng là Y Mút Mlô và Tổ chức “Người Thượng vì công lý” là Y Quynh Bdăp đã cung cấp tài chính, chỉ đạo số thành viên trong nước tập hợp lực lượng, phương tiện, vũ khí; hướng dẫn cách thức thực hiện tấn công.
2 đối tượng đầu sỏ này còn có quan hệ chặt chẽ với tổ chức Ủy ban cứu người vượt biển” một tổ chức phản động lưu vong do Nguyễn Đình Thắng cầm đầu.
Dù tổ chức phản động Fulro đã bị ta đấu tranh làm tan rã hoàn toàn, song với vỏ bọc “dân tộc – tôn giáo” những tàn dư của tổ chức này ở ngoài nước đã khoác lên mình những tấm áo mới hòng “đánh lừa dư luận” với nỗ lực “tìm kiếm, lôi kéo sự ủng hộ”. Dù khác về tên gọi nhưng bản chất và đích chúng hướng đến vẫn là khuấy động cuộc sống bình yên trên các buôn làng, phá hoại thành quả cách mạng, gây thù hận và chia rẽ giữa các dân tộc.
Đó là những tổ chức với tên gọi: “Hội những người miền núi” (MFI); “Nhân quyền người Thượng” (MHRO); “Người Thượng thống nhất” (UMP)...
Hay chúng tạo ra các tổ chức bất hợp pháp nhưng mang danh nghĩa tôn giáo để tập hợp lực lượng tìm kiếm sự ủng hộ như: Tin lành Đề ga; “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam”; “Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”.
Tuy nhiên với những nỗ lực không mệt mỏi trong công tác đấu tranh và công tác tuyên truyền, đến nay đại đa số đồng bào vùng Tây Nguyên đã hiểu rõ bản chất chống phá của những tổ chức tàn dư phản động và bất hợp pháp này.
Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, an ninh quốc phòng, cũng là nơi hội tụ của nhiều cộng đồng dân tộc anh em sinh sống. Vậy nên nơi đây luôn là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch lợi dụng.
Trong 15 năm gần đây, các cấp các ngành, chính quyền địa phương, trong đó nòng cột là lực lượng công an đã đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa trên 45 đợt FULRO lưu vong kích động, biểu tình, bạo loạn; bóc gỡ, xử lý hơn 12.000 đối tượng với những vỏ bọc dân tộc, tôn giáo…Những kết quả đấu tranh này đã góp phần xây dựng một Tây Nguyên yên bình trong nhiều năm qua.
Cảnh giác trước những âm mưu lợi dụng dân tộc tôn giáo
Không chỉ vùng Tây Nguyên, xảy ra các vụ bạo loạn, biểu tình, chống phá mà tại một số địa phương cũng xảy ra những vụ việc tương tự. Các lực lượng chức năng mà nòng cốt là lực lượng công an các cấp đã dập tắt, điều tra, bóc gỡ, làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn, hành vi kích động, gây rối biểu tình, bạo loạn của các thế lực thù địch, phản động.
Một điểm chung, đáng chú ý của phần lớn các vụ việc này là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu kích động gây rối, bạo loạn đều lấy vấn đề “dân tộc, tôn giáo” làm cái cớ để lôi kéo tập hợp quần chúng.
Ảo tưởng lập lên “nhà nước Mông” xuất hiện từ những năm 2003, 2004 tại tỉnh Điện Biên do những đối tượng cầm đầu sống lưu vong ở Mỹ gieo rắc, truyền bá trong cộng đồng bà con dân tộc Mông tại Điện Biên, sau đó nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh miền núi phía bắc. Ảo tưởng vô vọng này đã bị lực lượng công an kịp thời đấu tranh, ngăn chặn và đại đa số đồng bào dân tộc không tin, không nghe những giọng điệu dụ dỗ, lừa phỉnh của chúng.
Lấy danh nghĩa tôn giáo, từ năm 2015-2016, từ ảo tưởng “nhà nước Mông”, các đối tượng phản động, chống phá lại biến đổi dưới các vỏ bọc tinh vi hơn, đó là các tổ chức bất hợp pháp "Giê Sùa", "Bà Cô Dợ" hòng thu hút, tập hợp lực lượng là đồng bào dân tộc tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai,Sơn La.
Lực lượng Công an đã phối hợp các đơn vị chức năng tiến hành đấu tranh bóc gỡ, xử lý nhiều đối tượng cộm cán. Đồng thời tích cực gặp gỡ, giáo dục, vận động bà con, củng cố địa bàn…Hiện nay, tình hình an ninh chính trị tại các tỉnh miền núi phía bắc ổn định, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện.
Còn ở khu vực Tây Nam Bộ, người Khmer với Phật giáo Nam tông từ lâu đã bị các thế lực thù địch, phản động nhắm tới với chiêu bài thành lập quốc gia “Khmer Krôm tự trị”... Ở ngoài nước, nhiều tổ chức phản động của người Khmer như:“Hội Ái hữu Khmer Campuchia Krôm” (AKKK), “Hội sư sãi Khmer Campuchia Krôm”,... qua không gian mạng chúng ráo riết đẩy mạnh hoạt động, kích động lôi kéo sư tăng...
Tuy nhiên những chiêu bài đó đã không qua mắt được lực lượng chức năng.
Nhận định rõ thủ đoạn của các đối tượng, lực lượng công an bên cạnh nắm chắc địa bàn không để đối tượng xấu xâm nhập gây rối an ninh trật tự còn làm tốt công tác tuyên truyền vận động để người dân và các tín đồ tôn giáo không tin theo lời dụ dỗ của những đối tượng chống phá.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Đồng thời phải “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.
Phương châm rõ ràng nên những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục căn bản tình trạng chênh lệch phát triển, tạo sự chuyển biến rõ nét trong đời sống của đồng bào.
Không chỉ tập trung giải quyết vấn đề kinh tế mà các vấn đề xã hội như giáo dục, y tế, cơ sở sinh hoạt tôn giáo...cũng được Đảng, Nhà nước đặc biệt chú trọng.
Đảng, Nhà nước ta luôn xác định vấn đề dân tộc và tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt. Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thì phải đoàn kết được toàn dân, trong đó có vai trò rất quan trọng của đồng bào tôn giáo. Giải quyết tốt vấn đề tôn giáo sẽ tạo tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu đại đoàn kết dân tộc, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển.
ANTV

Thấy gì qua thỏa thuận Việt Nam, Vatican vừa ký kết?Chính phủ Việt Nam và Tòa thánh Va-ti-căng vừa ký kết Thỏa thuận về ...
31/07/2023

Thấy gì qua thỏa thuận Việt Nam, Vatican vừa ký kết?
Chính phủ Việt Nam và Tòa thánh Va-ti-căng vừa ký kết Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú Tòa thánh Vatican và Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam nhân chuyến thăm Tòa thánh Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Đây được cho là một bước tiến rất quan trọng trong lịch sử quan hệ có nhiều thăng trầm giữa Nhà nước Việt Nam với Giáo hội Thiên chúa trong suốt nhiều năm qua.
Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo cùng tồn tại lâu đời trong lịch sử của dân tộc. Với hơn 7 triệu tín đồ, Thiên chúa giáo là một tôn giáo lớn ở Việt Nam, có ảnh hưởng nhất định trong đời sống văn hóa-xã hội của dân tộc và những đóng góp không nhỏ trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân. Điều này được quy định rõ rnagf trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Những người nước ngoài và đã từng đến Việt Nam đều có thể cảm nhận rõ ràng về không khí tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt trong dịp lễ Giáng sinh hàng năm.
Ở một số giai đoạn lịch sử, quan hệ giữa chính quyền và những người theo đạo Thiên Chúa ở Việt Nam không tránh khỏi những trắc trở, bất đồng do bị một số quốc gia phương Tây và tổ chức nhân quyền quốc tế, các đối tượng cơ hội, thù địch tìm mọi cách xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở trong nước, đặc biệt là về Thiên chúa giáo. Họ rêu rao rằng, ở Việt Nam không có tự do tôn giáo; Nhà nước Việt Nam cố tình hạn chế, đàn áp tôn giáo; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bị vi phạm, bóp nghẹt. Chính phủ Mỹ đã nhiều lần đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như thông tin không chính xác về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp ngày 27-7 vừa qua với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đại diện của Tòa thánh Vatican là Hồng y Paronlin đã đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm tự do tôn giáo cho tất cả các tôn giáo, trong đó có Công giáo. Hồng y Parolin khẳng định, Giáo hội Công giáo Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng đối với Giáo hội Công giáo nói chung, Tòa thánh Vatican luôn khuyến khích giáo dân và chức sắc Công giáo tại Việt Nam thực hiện đường hướng “đồng hành cùng dân tộc”, “người giáo dân tốt cũng là người công dân tốt”, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
Với việc ký kết Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú Tòa thánh Va-ti-căng và Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam cũng như những đánh giá tích cực về tình hình tôn giáo của Việt Nam từ phía Tòa thánh Vatican, những quốc gia phương Tây và những tổ chức tôn giáo quốc tế hay tự cho mình cái quyền chỉ trích các nước khác có lẽ sẽ cảm thấy “khó xử” về chính những đánh giá thiếu khách quan của họ về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Nhưng tất nhiên, sẽ không có chuyện các thế lực nói trên từ bỏ các hoạt động chống phá, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, lợi dụng các vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định trong nước nhằm thực hiện các mưu đồ chính trị của họ.
Thực tế khách quan về tự do tôn giáo ở Việt Nam là sự bác bỏ thuyết phục nhất đối với những thông tin sai sự thật và luận điệu xuyên tác của các thế lực cơ hội, thù địch. Có thể nói rằng, chưa bao giờ đời sống tôn giáo ở Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ và phong phú như hiện nay. Việc ký kết Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú Tòa thánh Vatican và Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam trong chuyến thăm Tòa thánh Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là thêm một minh chứng rõ ràng cho việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam./.
HSV

31/07/2023
28/07/2023

Tối 27/7, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (Tp. Pleiku) đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Giữ trọn lời thề” năm 2023 với chủ đề “Tây Nguyên xanh”. Chương trình do Bộ Công an và Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực mi....

26/07/2023

Fulro, dưới bàn tay giật dây của các thế lực thù địch với nước ta, là một tổ chức phản động cực kỳ nguy hiểm. Cái tên của tổ chức ấy gắn với sự đen tối, là bóng ma hãi hùng ám ảnh vùng đất Tây Nguyên trong nhiều thập niên ...

Truy nã đặc biệt đối với bị can Y Huăl Êban (SN 1970, ngụ thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) với tội danh "K...
05/07/2023

Truy nã đặc biệt đối với bị can Y Huăl Êban (SN 1970, ngụ thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) với tội danh "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" theo Điều 113, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo quyết định truy nã, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã phải báo ngay cho Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk. Địa chỉ: 58 Nguyễn Tất Thành, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; điện thoại: 0694389133.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ĐỐI TÁC, ĐỐI TƯỢNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI HIỆN NAY                     ————————————-TCCS - Xác định đối tá...
05/07/2023

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ĐỐI TÁC, ĐỐI TƯỢNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI HIỆN NAY
————————————-
TCCS - Xác định đối tác, đối tượng trong quan hệ quốc tế luôn là vấn đề nhạy cảm, quan trọng đối với các quốc gia - dân tộc. Trong hơn 35 năm đổi mới đất nước, việc nhận diện đối tác, đối tượng, xử lý mối quan hệ giữa đối tác, đối tượng luôn được Đảng ta quan tâm, chú trọng. Đây chính là cơ sở để Việt Nam hoạch định đường lối đối ngoại, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Đối tác trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia là thuật ngữ dùng để chỉ mối quan hệ cộng tác, hợp tác nhưng ở mức độ cao hơn và cụ thể hơn. Đối tác bao gồm hai hoặc nhiều bên cùng hành động nhằm: Tăng cường hợp tác, hướng đến những mục tiêu chung; xây dựng những kênh cơ bản, cơ chế giải quyết bất đồng, tranh chấp; triển khai các biện pháp thúc đẩy quan hệ; thỏa thuận phương hướng đánh giá mức độ tiến bộ; chia sẻ thành tựu hợp tác. Mối quan hệ đối tác thể hiện sự gần gũi, bình đẳng, có đi có lại. Các quan hệ đối tác khá linh hoạt về hình thức, tùy thuộc mức độ phát triển quan hệ giữa các bên.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tham gia vào quá trình hội nhập, liên kết, vì chính sự phát triển của đất nước mình. Do đó, đối tác có thể hiểu là thuật ngữ chỉ mối quan hệ cộng tác, hợp tác, liên kết, phối hợp với nhau giữa hai hay nhiều bên để cùng hành động, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện mục tiêu chung hay tương đồng của các bên. Tùy từng mức độ quan hệ mà chia thành các cấp độ khác nhau, như đối tác song phương, đối tác khu vực, đối tác quan hệ đặc biệt, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện…
Đối tượng là thuật ngữ chỉ mối quan hệ đối kháng, đối chọi, chống đối, thù địch nhau… gây bất lợi cho việc bảo đảm lợi ích của các bên tham gia vào hoạt động nào đó. Đối tượng cũng có những quy mô, phạm vi, cấp độ khác nhau. Đối tượng của toàn nhân loại, của mỗi quốc gia, trong mỗi lĩnh vực, trong mỗi thời gian, địa điểm với những quan điểm, động thái cụ thể khác nhau.
Quan điểm của Đảng ta về đối tác, đối tượng trong chính sách đối ngoại
Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, việc xác định rõ “đối tác” và “đối tượng” có sự kế thừa từ truyền thống lịch sử của ông cha ta cũng như tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh về “thêm bạn, bớt thù”, là sự tiếp nối chính sách đối ngoại nhất quán đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ mà Việt Nam tiến hành từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay. Truyền thống, tư tưởng, quan điểm, chính sách đó là dòng chảy xuyên suốt, qua các thời kỳ, giai đoạn khác nhau, được vận dụng, xử lý linh hoạt với từng đối tác, đối tượng cụ thể. Tư tưởng hòa hiếu, thêm bạn, bớt thù của ông cha ta đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, vận dụng linh hoạt trong chính sách đối ngoại sau này.
Mười năm trước đổi mới (1976 - 1986), mối quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, trong đó Liên Xô là “bạn đồng minh hùng mạnh và vững chắc nhất của Việt Nam”, là các nước Lào, Cam-pu-chia, các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, các nước Á-Phi, Mỹ La-tinh, là các phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào Không liên kết, các lực lượng cách mạng trên thế giới. Các đối tượng cần phải đấu tranh trong quan hệ quốc tế là các nước đế quốc, tư bản.
Có thể thấy, sự phân định đối tác, đối tượng của Đảng trong thời kỳ trước đổi mới phản ánh bối cảnh lịch sử lúc đó, khi trật tự thế giới hai cực phân tuyến bạn - thù, ta - địch, Đông - Tây rõ ràng. Do vậy, việc đánh giá về đối tác - đối tượng của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi tư duy ý thức hệ. Đến Đại hội VI của Đảng (năm 1986) và nhất là từ Đại hội VII (năm 1991), Đảng ta đã kịp thời đổi mới tư duy, xác định đúng đắn tầm quan trọng của quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng cùng khu vực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư duy về đối ngoại đa phương của Đảng được định hình ngày một rõ nét, phát triển có hệ thống và liên tục được hoàn thiện.
Nghị quyết số 13/NQ-TW, ngày 20-5-1988, “Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới” là văn kiện đầu tiên của Đảng mang ý nghĩa nền tảng cho chủ trương “đa dạng hóa, đa phương hóa”; đồng thời thể hiện một bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy và mục tiêu đối ngoại của Việt Nam, chuyển cuộc đấu tranh từ tình trạng đối đầu sang đấu tranh và hợp tác cùng tồn tại hòa bình. Nghị quyết này đánh dấu bước chuyển chiến lược về tư duy bạn - thù, là tiền đề để Đại hội VII của Đảng chính thức khẳng định phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa” quan hệ đối ngoại. Nhờ đó, lần lượt qua các kỳ Đại hội về sau, chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ được bổ sung, hoàn thiện, phù hợp với tình hình mới, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước. Thực tiễn triển khai chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam là một minh chứng cho thấy chủ trương đó là kịp thời, đúng đắn, sát hợp tình hình, thể hiện đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng, góp phần từng bước nâng cao vị thế, vai trò Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Bước chuyển đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng ta xuất phát từ các yếu tố:
Trước hết, nhu cầu đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam với các nước. Trước Đại hội VI của Đảng, Việt Nam rơi vào khủng hoảng toàn diện về kinh tế - xã hội; đất nước bị bao vây, cô lập; quan hệ với Trung Quốc chưa được cải thiện. Để thoát khỏi tình thế hiểm nghèo, Đảng ta đã quyết định tiến hành đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từng bước khai thông quan hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc giải quyết vấn đề Campuchia năm 1989 đã giúp Việt Nam gạt bỏ trở ngại quan trọng trong quá trình tìm kiếm thêm bạn bè và trên thực tế đã tạo sự xoay chuyển căn bản trong quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam. Hơn nữa, trong hoàn cảnh hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đang gặp khó khăn, ngoài nhu cầu thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận, Việt Nam còn có thêm nhu cầu mở rộng quan hệ với cả các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa. Tuyên bố của Đại hội VII (năm 1991): Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển, là sự khẳng định mong muốn đó.
Thứ hai, tình hình thế giới, khu vực cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX đã tác động sâu sắc đến việc đổi mới tư duy của Đảng về quan niệm đối tác - đối tượng. Sự kết thúc của Chiến tranh lạnh tạo ra những điều kiện khiến xu thế hòa dịu, hòa hoãn trở nên chiếm ưu thế trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới; tạo những tiền đề cho sự hình thành xu thế đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế. Một trật tự thế giới mới theo hướng đa cực đã dần hình thành. Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và công nghệ đã tạo ra những thay đổi lớn trong đời sống quốc tế. Toàn cầu hóa trở thành một xu thế tất yếu, khách quan mà không một nước nào trên thế giới có thể đứng ngoài lề nếu không muốn bị tụt hậu.
Thứ ba, các nước trên thế giới đều điều chỉnh chiến lược quốc gia, chuyển hướng chính sách đối ngoại để thích nghi và giành chủ động ở mức độ nhất định trong môi trường quốc tế mới. Lý do sự chuyển hướng này là bởi những biến động to lớn từ sự thay đổi chế độ xã hội ở một loạt nước Đông Âu và Liên Xô, dẫn tới phá vỡ cục diện hai phe, hai cực. Trong giai đoạn chuyển tiếp từ trật tự thế giới cũ sang trật tự thế giới mới, các nước xuất phát từ lợi ích quốc gia - dân tộc, đều điều chỉnh lại chính sách, tìm kiếm điều kiện thuận lợi nhằm tối đa hóa lợi ích của mình. Các nước lớn chủ trương tăng cường hợp tác và chủ động cải thiện quan hệ với nhau; đều tìm kiếm cơ hội riêng cho mình trong bối cảnh mới, tránh xung đột, đối đầu. Một số khuôn khổ hợp tác đã được hình thành, được sử dụng để chế ngự phát sinh mâu thuẫn và xung đột lợi ích mới.
Thứ tư, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có những thay đổi tích cực theo hướng thiết lập và tăng cường liên kết, mở rộng hợp tác để phát triển; xu hướng vừa hợp tác, vừa đấu tranh, giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình ngày càng trở nên rõ nét.
Tất cả những yếu tố trên đây là những điều kiện để từ đó Việt Nam có những bước đổi mới tư duy đối ngoại, triển khai đường đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, trong đó có đổi mới tư duy về đối tác - đối tượng. Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX (năm 2003) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đã khái quát thành nguyên tắc, thể hiện cách nhìn nhận mới và thống nhất về đối tác, đối tượng, đã đưa ra một số phương châm chỉ đạo trong việc xác định đối tác - đối tượng, cụ thể là: Phải trên tinh thần thêm bạn, bớt thù, phân hóa, cô lập các thế lực thù địch chống đối, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Mười năm sau, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” (năm 2013) đã đưa nguyên tắc trên thành quan điểm: Đối tác là những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác. Tuy nhiên, trong đối tác cần phân rõ thành các nhóm để có chủ trương và sách lược quan hệ, hợp tác. Đối tượng là “bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”.
Trên cơ sở nhận thức về đối tác, đối tượng ngày càng sáng rõ, linh hoạt, uyển chuyển, biện chứng hơn, Nghị quyết số 28-NQ/TW nhấn mạnh cần có cách nhìn biện chứng trong sự tồn tại đan xen và chuyển hóa lẫn nhau giữa đối tác và đối tượng. Theo đó, trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh; trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt đồng thuận cần tranh thủ hợp tác. Nhận thức biện chứng trong xác định đối tác, đối tượng đó đã mở ra điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác quốc tế, bảo đảm tranh thủ ngày càng tốt hơn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, biên giới, biển đảo, nhất là ở Biển Đông diễn ra gay gắt; các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, việc xác định rõ đối tác, đối tượng là cơ sở để xác định đường lối đối ngoại cụ thể, phù hợp tình hình.
Có thể thấy, từ chỗ phân định rạch ròi theo khái niệm “địch - ta”, Đảng ta chuyển sang cách tiếp cận biện chứng, sang tư duy đối tác và đối tượng trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc; thấy rõ sự đan xen, chuyển hóa giữa đối tượng, đối tác; xác định lấy đối tác làm cơ sở để thiết lập quan hệ quốc tế; đồng thời, đấu tranh với đối tượng, với mặt đối tượng. Phương châm “đối tác - đối tượng” là cơ sở để xử lý một cách hiệu quả các quan hệ lợi ích đa chiều, phức tạp hiện nay. Khi đã là bạn, là đối tác tin cậy với các nước, để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, cần nhận thức rõ trong đối tác có đối tượng và trong đối tượng có đối tác. Phương châm này giúp ta tận dụng cơ hội hợp tác; đồng thời, thấy rõ hơn sự khác biệt về lợi ích để tìm các giải pháp đưa quan hệ phát triển, không bỏ lỡ cơ hội hợp tác nhưng cũng không lơ là, mất cảnh giác. Đây cũng là một định hướng quan trọng để nhiệm vụ đối ngoại gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ mục tiêu lý tưởng cách mạng Việt Nam.
Một số vấn đề đặt ra hiện nay trong xử lý mối quan hệ giữa đối tác - đối tượng
Hiện nay, sự va chạm, cọ xát lợi ích giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt. Đồng thời, những chuyển động trong quan hệ giữa các nước lớn chi phối sự vận động, phát triển của cục diện khu vực và thế giới. Sự hợp tác đan xen cạnh tranh đều xoay quanh trục lợi ích, lấy lợi ích là thước đo cao nhất trong quan hệ giữa các nước, nhất là các nước lớn, khiến quan hệ quốc tế trở nên khó dự báo, tạo ra cơ hội lẫn thách thức đối với các nước trong thúc đẩy quan hệ hợp tác và hội nhập quốc tế. Điều này thể hiện rõ trong nhận định của Đại hội XIII của Đảng: “Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới”(1).
Bối cảnh tình hình thế giới cùng những thay đổi trong nhận thức của các quốc gia đã đưa đến việc hình thành nhiều loại hình quan hệ đối tác, đồng minh; đồng thời, cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong xử lý quan hệ giữa các quốc gia.
Trong bối cảnh các nước lớn cạnh tranh với nhau ngày càng gay gắt, sự đổi ngôi của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, xu thế tập hợp lực lượng để tranh giành ảnh hưởng, trở thành các cực trong một cục diện thế giới mới, cùng với đó là các quốc gia - dân tộc đều đặt lợi ích của mình lên trên hết, khiến việc xác định đối tác, đối tượng, các mặt đối tác trong đối tượng và các mặt đối tượng trong đối tác trên thực tế rất khó khăn, phức tạp. Thêm vào đó, việc xác định đối tượng, đối tác còn là vấn đề tương đối “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế.
Ở trong nước, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tiềm lực, cơ đồ, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định. Việc thiết lập được một mạng lưới 30 đối tác chiến lược và toàn diện, đảm nhận thành công nhiều trọng trách trong các tổ chức thế giới và khu vực đã mang lại cho đất nước một diện mạo mới, sức vóc mới. Tuy nhiên, tình hình trong nước vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn đan xen và diễn biến phức tạp. Trong quan hệ với một số đối tác, chúng ta vẫn còn phải đối phó với những tình huống phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục là trọng điểm trong chiến lược chống phá của các thế lực thù địch, thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ…
Trong bối cảnh mới của thế giới, khu vực, để có chính sách xử lý đối với đối tác, đối tượng, cần thiết nhận dạng hai yếu tố này trong mối quan hệ biện chứng, để từ đó có những định hướng chính sách phù hợp.
Thứ nhất, xem xét hai yếu tố đối tác, đối tượng cần đặt trong chỉnh thể thống nhất. Đối tác, đối tượng là hai mặt của một vấn đề, trong một số đối tác vẫn có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn; và trong mỗi đối tượng vẫn có những mặt có thể tranh thủ, hợp tác. Do vậy, việc xác định đối tác, đối tượng tùy theo từng tình huống, hoàn cảnh, thời điểm cụ thể, không cứng nhắc.
Khi đã nhận thức về đối tác và đối tượng trong cùng một chủ thể thì phải lấy mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc làm tiêu chuẩn để quyết định mức độ quan hệ hợp tác. Nghĩa là, trong khi mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác cần nêu cao tinh thần cảnh giác phát hiện các mâu thuẫn có thể nảy sinh để kịp thời đấu tranh. Đồng thời, trong đấu tranh với đối tượng không có nghĩa là phân tuyến đối đầu mà cần tranh thủ mọi cơ hội tìm hiểu, tạo lòng tin để đi đến tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và mở rộng hợp tác bình đẳng cùng có lợi.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi chúng ta phải hết sức tỉnh táo, nhạy bén. Ngay trong những đối tác cũng có cấp độ quan hệ khác nhau, như đối tác, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện. Ngay với đối tượng cũng có đối tượng trong thời điểm nhất định, có đối tượng cơ bản, lâu dài. Thực tế cho thấy, trong quan hệ quốc tế, với một quốc gia cụ thể, ở thời điểm, giai đoạn, lĩnh vực này là đối tượng, nhưng vào thời điểm, giai đoạn, lĩnh vực khác lại có thể trở thành đối tác. Thậm chí giữa những nước có thể chế chính trị khác nhau hoặc giữa những nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với nhau lại có thể thành đối tác, đối tác chiến lược. Ngược lại, không ít quốc gia, tuy trước đây là đồng minh nhưng ở vào thời điểm cụ thể, lĩnh vực nhất định vẫn có thể là đối tượng của nhau.
Thứ hai, việc xác định tính chất đối tượng ngày nay cũng “mềm” hơn, uyển chuyển hơn, không cứng nhắc dựa vào ý thức hệ như trước, xem mọi mối quan hệ theo khuôn khổ “địch - ta”. Trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, đối tác của chúng ta không chỉ khuôn hẹp trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, các nước cùng “phe” với ta, mà đa dạng, mở rộng quan hệ đối ngoại với tất cả các nước trên thế giới có chế độ chính trị khác nhau. Do vậy, có những nước vừa là đối tác của ta, nhưng đồng thời vừa là đối tượng mà ta cần đấu tranh trên một số lĩnh vực cụ thể.
Trên thực tế, tính chất “đối tượng” ngày nay cũng “cởi mở” hơn đối với các nước. Trong những năm gần đây, do tác động của cạnh tranh, tranh giành quyền lực nước lớn và một số nhân tố nội bộ các nước, xu hướng tập hợp lực lượng vận động theo các hướng phức tạp khác nhau, tác động nhiều chiều đến cục diện, cấu trúc khu vực cũng như mỗi quốc gia trong khu vực. Mối quan hệ giữa các quốc gia hiện nay ngày càng đa dạng, phức tạp. Xu hướng tập hợp lực lượng, liên kết đồng minh, từ cấp độ tiểu khu vực đến toàn cầu, từ hai bên đến nhiều bên, từ chặt chẽ đến lỏng lẻo, từ chiến lược đến ngắn hạn… ngày một rõ nét, chi phối các mối quan hệ giữa các nước trên thế giới. Tập hợp lực lượng xuất phát từ các mục tiêu khác nhau. Do vậy, để có thể liên minh, liên kết với nhau, các nước không nhất thiết phải có cùng hệ thống chính trị. Những liên kết kinh tế - thương mại trở thành công cụ quan trọng trong cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn nhằm giành quyền dẫn dắt, tập hợp lực lượng ở các khu vực.
Việc xác định tính chất “mở” trong các đối tượng sẽ giúp chúng ta có cách nhìn nhận, xử lý linh hoạt hơn, tạo cơ sở cho hoạch định đường lối phát triển. Đồng thời với đó, để giành được lợi ích tối đa trong quá trình hợp tác với các đối tác, Việt Nam cũng phải là đối tác tin cậy, có trách nhiệm đóng góp vào công việc chung của khu vực và thế giới, bởi trong quan hệ quốc tế, sự “có đi, có lại” là cơ sở tạo lập mối quan hệ bền vững, lâu dài.
Thứ ba, đối tác - đối tượng là mối quan hệ có tính chất mềm dẻo, đan xen, chuyển hóa lẫn nhau. Do vậy, cần thấy rõ tính biện chứng, cũng như sự linh hoạt giữa hai mặt đối tác và đối tượng, nhận thức rõ sự “chuyển hóa mềm” trong cặp quan hệ đối tác - đối tượng. Trong khi đấu tranh đẩy lùi mặt đối tượng cần tận dụng mặt đối tác, dù là nhỏ nhất, tạm thời nhất để có thể hạn chế mặt đối tượng, từng bước biến đổi đối tượng thành đối tác. Tuyệt đối tránh cách nhìn nhận, đánh giá phiến diện về đối tác, đối tượng. Nếu chỉ coi trọng xác định mặt tích cực mà không thấy mặt tiêu cực cùng những mâu thuẫn của đối tác là không đúng. Tương tự, chỉ thấy mặt tiêu cực, những mâu thuẫn, bất đồng, không thấy mặt tích cực, tương đồng trong từng đối tượng cũng là nhận thức sai. Đây là một nhận thức hết sức quan trọng giúp chúng ta thúc đẩy quan hệ, đổi mới trong xác định hình thức, nội dung quan hệ của các nước. Đặc biệt, trong quan hệ với các nước phát triển, nhận thức này là cơ sở để ta thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các mặt quan trọng đối với công cuộc đổi mới của đất nước, như tranh thủ nguồn vốn, khoa học, công nghệ, kinh nghiệm xử lý các vấn đề toàn cầu, quản lý đất nước. Sự “chuyển hóa mềm” này xuất phát từ chính mục tiêu, lợi ích của nước đó, đồng thời cũng được thúc đẩy bởi chính sách đối ngoại của Việt Nam. Do vậy, về phía Việt Nam, để có thể thúc đẩy sự “chuyển hóa mềm”, tận dụng mặt thuận lợi của “đối tượng”, giảm tính chất “đối tượng”, nâng cao hiệu quả của quan hệ “đối tác”, cần tăng cường nội lực, bản lĩnh, độc lập, tự chủ, kiên quyết không để đất nước rơi vào thế bị động, bất ngờ hoặc đối đầu, cô lập. Tận dụng cơ hội để khai thác những điểm tương đồng; đồng thời, nhận rõ những điểm còn tồn tại, bất đồng, thách thức để hóa giải, chủ động đối phó. Tính chất đan xen, sự chuyển hóa giữa đối tác và đối tượng đòi hỏi phải vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo quan điểm của Đảng vào thực tiễn, vừa trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc, vừa phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể, tránh áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc làm tổn hại tới quan hệ với các nước, qua đó, tổn hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc.
Thứ tư, trong đối tác cần phân rõ thành các nhóm để có chủ trương và sách lược quan hệ, hợp tác. Cần xác định rõ và có đối sách mềm dẻo, để vừa tăng cường hợp tác, tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn, các nước có quan hệ đối tác chiến lược, các nước láng giềng, bạn bè truyền thống...
Thứ năm, trên cơ sở nhận diện rõ đối tác, đối tượng, cần có cách ứng xử khôn khéo, linh hoạt, tùy thời điểm, tình thế, tùy từng đối tác, đối tượng cụ thể, vừa hợp tác, vừa đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp. Hợp tác nhưng vẫn giữ độc lập, chủ quyền; đấu tranh nhưng vẫn phải bảo đảm duy trì cục diện ổn định - phát triển, cục diện chính trị - ngoại giao tổng thể cũng như quan hệ hợp tác. Đối với các đối tượng, chúng ta vừa kiên trì, mềm dẻo, biết người, biết mình, giữ hòa hiếu, nhưng kiên quyết, cứng rắn trong giữ vững chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. “Thực tiễn cho thấy, giữa các đối tượng trên thế giới thường không phải lúc nào lợi ích cũng trùng hợp nhau, và khi không trùng hợp, mỗi đối tượng tìm cách bảo vệ lợi ích của mình. Vì vậy, trong quan hệ quốc tế, với bất cứ đối tượng nào đều có hai mặt hợp tác và đấu tranh. Hợp tác một chiều hoặc đấu tranh một chiều đều dẫn đến tình huống thua thiệt, bất lợi” (2). Với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, Việt Nam sẵn sàng hợp tác, là đối tác tin cậy, tranh thủ những mặt thuận lợi trong mối quan hệ song phương để phục vụ công cuộc phát triển đất nước. Trong khi tăng cường quan hệ đối tác, chúng ta vẫn kiên trì đấu tranh, giải quyết thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, các tình huống phức tạp, mâu thuẫn, bất đồng, góp phần giữ vững và củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Xử lý mối quan hệ đối tác, đối tượng trên quan điểm tổng thể, lấy lợi ích cơ bản, lâu dài của quốc gia, dân tộc làm nền tảng; không vì lợi ích cục bộ, trước mắt mà làm tổn hại đến lợi ích lâu dài.
Thứ sáu, nhận thức về đối tác, đối tượng là vấn đề cơ bản, lâu dài, thường trực, đòi hỏi phải luôn có sự chuẩn bị, có chiến lược và chính sách tổng thể và cho từng giai đoạn. Để có nhận thức đúng về đối tác, đối tượng, chúng ta cần coi trọng công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, nhất là nghiên cứu, nắm vững tính chất, đặc điểm của từng đối tác, đối tượng, các khả năng, nguy cơ, thách thức có thể tác động trực tiếp tới hòa bình, ổn định của đất nước (cả trước mắt và lâu dài); từ đó, có những chính sách ứng phó hiệu quả.
Mục tiêu cơ bản, lâu dài trong nhận thức và vận dụng quan điểm về đối tác, đối tượng là nhằm không ngừng tăng cường đoàn kết, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với bè bạn quốc tế, khai thác mặt đối tác, ngăn ngừa, hạn chế, thu hẹp mặt đối tượng. Đấu tranh phê phán, bác bỏ quan điểm, tư tưởng nhận thức máy móc, khô cứng, khi xem đối tác chỉ là để hợp tác và coi đối tượng chỉ là để cô lập, đấu tranh. Nhận thức đúng mối quan hệ đối tác, đối tượng là định hướng rất quan trọng để chúng ta xử lý các vấn đề, các tình huống trong quan hệ hợp tác quốc tế một cách đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo. Qua đó, tăng mặt đồng thuận, giảm thiểu bất đồng trong quan hệ quốc tế nhằm mục tiêu vì lợi ích quốc gia, dân tộc, đưa nước ta không ngừng phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới./.
Nguồn: Tạp chí Cộng Sản
-----------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t I, tr. 105-106

(2) Hồng Hà: “Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của ta”, Tạp chí Cộng sản, số 12-1992, tr. 13

Address

186 Nguyễn Huệ/Đak Đoa
Pleiku

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Nắng cao nguyên posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Videos

Share