Tin Tức Tổng Hợp - News

Tin Tức Tổng Hợp - News Tổng hợp tin tức thế giới và Việt Nam trên 50 báo

Nước sông Hồng lên toTừ nhỏ tôi đã say sưa ngắm sông Hồng qua bức tranh nổi tiếng “Bến thuyền sông Hồng” của họa sĩ An S...
11/09/2024

Nước sông Hồng lên to

Từ nhỏ tôi đã say sưa ngắm sông Hồng qua bức tranh nổi tiếng “Bến thuyền sông Hồng” của họa sĩ An Sơn Đỗ Đức Thuận, họa sĩ thuộc những khóa đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương.

Cụ An Sơn và ông nội tôi là hai bên thông gia. Bố tôi có việc gì bận lại mang gửi tôi lên nhà cụ An Sơn để nhờ trông giúp. Ở nhà cụ, tôi chỉ trông ngóng ra phố Hàng Bột đợi bố đón về, hoặc là ngắm bức tranh bến sông Hồng nhộn nhịp cảnh mua bán trên bến dưới thuyền đó.

Nhìn bức tranh thấy ngay ngày đó sông Hồng ăn sát vào bờ đê phía nội thành, thuyền buôn lớn cặp mạn mép đê, rồi bốc dỡ sản vật qua đê lên các phố liền đấy, là các phố Hàng Tre, Hàng Gạo, Hàng Chĩnh, Hàng Mắm, chợ Đồng Xuân... Các bãi ven sông lúc này nhỏ và ít người ở. Nhà cửa ở bãi lúc ấy cũng đơn giản, chỉ tranh tre nứa lá.

Người Hà Nội xưa còn gọi sông Hồng là sông Cái. "Cái" là một từ cổ chỉ người mẹ, đồng thời cũng chỉ sự to lớn mênh mang. Người Mẹ ấy nhiều khi nổi giận, thì những người con hai bên bờ chỉ biết chịu trận, chờ cơn thịnh nộ qua đi.

Ai một đời người sống ở Hà Nội cũng vài lần chứng kiến nước sông Hồng lên to như thế nào. Bà ngoại tôi kể khi bà còn con gái, có năm nước sông lên to, bà lên đê xem, lấy chân té được cả nước sông.

Một trong những trận lụt đi vào lịch sử là trận lụt tháng 8 năm 1945. Khi đó mưa liên tiếp, vỡ đê gần như tất cả sông ở miền Bắc. Tổng cộng có 52 chỗ vỡ đê, gây ngập lụt 11 tỉnh, không kể các tỉnh trung du và miền núi. Ở Hà Nội nước sông Hồng lên tới độ cao 12,68 m.

Qua nhiều trận lụt lớn, nước sông Hồng mấp mé mặt đê, nhưng chưa bao giờ vỡ đê vào Hà Nội, mà toàn vỡ đê trên phía thượng nguồn như Sơn Tây, Phú Thọ... hoặc phía hạ nguồn như Thanh Trì, Hưng Yên... Có thể do đoạn đê nội thành Hà Nội là đê trọng yếu bậc nhất của quốc gia nên được bao đời nay tu bổ.

Nhưng có lần đê Hà Nội suýt vỡ. Đấy là trận lụt năm 1971. Sau này các nhà khí tượng thế giới đánh giá đó là một trong những thiên tai lớn nhất của thế kỷ 20 và là trận lụt lớn nhất trong 250 năm qua ở miền Bắc.

Lúc đó mưa liên miên, nước sông Hồng liên tục dâng lên. Người trong phố chốc chốc lại chạy ra đê xem nước lên tới đâu, rồi về kể nước ngập lút toàn bộ bãi Phúc Xá, mặt sông mênh mông cuồn cuộn xa tít tận bên Gia Lâm. Nước sông mấp mé mặt cầu Long Biên, nhà nước phải cho đoàn tầu chở toàn đá hộc lên đỗ trên cầu để giữ cho cầu không bị trôi mất.

Tôi lúc này đã lớn cũng muốn lên đê xem nhưng mẹ tôi cấm tiệt, lên đấy nhỡ rơi xuống sông thì làm sao. Người lớn rầu rĩ lo lắng, bảo, nếu vỡ đê thì trong phố nhà ba tầng cũng ngập lút. Có lúc trong phố nhớn nhác vì có tin "Vỡ đê rồi, vỡ đê chỗ phố Chợ Gạo rồi". Cơn hoảng loạn truyền dọc các phố như một con sóng. Một lúc sau mới rõ là không phải vỡ đê, mà là nước tràn qua mặt đê, đã được hộ đê đắp bao cát chặn lại rồi.

Mấy ngày sau có "phân lũ" phía trên Hà Nội nên nước rút dần. Hà Nội an toàn, nhưng cả một vùng Hà Tây cũ tan hoang vì lụt.

Sau này lớn lên, tôi có một số năm đi dạy học ở bãi Phúc Xá, thấy hàng năm nước cũng lên, nhưng chỉ xâm xấp đường đi ngoài bãi. Năm nào cao nhất thì ngập lưng tường, thầy trò tôi lại mất mấy ngày dọn dẹp phù sa đỏ bám trên bàn ghế. Không bao giờ thấy nước lên to như hồi năm 1971.

Từ những năm 1990 nước sông không lên nữa, có thể do các hồ thủy điện phía thượng nguồn bắt đầu phát huy tác dụng tích nước ngăn lũ. Từ ngày nước sông không lên nữa tự nhiên đất bãi Phúc Xá, bãi An Dương trở nên đắt giá. Từ chỉ là mảnh đất ở tạm bợ, năm nào cũng chạy lũ lụt, giờ thành đất của quận trung tâm. Nhà kiên cố xây cao tầng ken dày đặc. Nhìn từ ảnh chụp trên cao, các khối nhà cao tầng chen chúc từ bờ đê ra đến tận mép sông. Lòng sông Hồng về đến đoạn nội thành này thì bị thít chặt bởi khối nhà cao tầng. Không còn chỗ cho thoát lũ nữa.

Giờ đã thành một lỡ làng của quy hoạch. Theo pháp lệnh đê điều, ai cũng biết là bên ngoài đê không được xây dựng công trình kiên cố. Để mọc lên cả mấy phường cùng hàng nghìn ngôi nhà cao tầng thời gian không phải một sớm một chiều mà xong được. Biết quy trách nhiệm cho ai bây giờ. Chỉ biết là sức hấp dẫn của khu vực trung tâm đã góp phần quyết định. Còn dịch lên phía trên một chút, như Tứ Liên, Phú Thượng, bãi sông Hồng vẫn là đất thoát lũ, là vườn đào vườn quất của Thủ đô.

Các công trình trị thủy sông Hồng, các hồ chứa thủy điện phía thượng nguồn mấy chục năm nay đã cắt lũ sông Hồng. Những trận lũ lớn như chỉ còn trong ký ức. Thậm chí gần đây người ta còn lo lòng sông Hồng tụt sâu quá, sông Hồng không còn dòng chảy.

Nhưng trận siêu bão Yagi mới đây đã làm mưa lớn trên thượng nguồn, gây nên lũ lụt từ các tỉnh phía trên. Lũ đang lan dần về xuôi. Mấy chục năm qua, bây giờ Hà Nội mới chứng kiến sông Hồng cuồn cuộn đỏ nặng phù sa. Và chúng ta mới chợt thấy con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Mẹ sông Hồng còn nhiều bí ẩn mà đàn con chưa hiểu hết.

Hà Nội, theo đúng tên, là thành phố ở trong sông. Ông cha ta đã xây dựng một thành phố mở lòng ra với con sông. Hà Nội dựa vào con sông mà phát triển thành trung tâm giao lưu của cả vùng châu thổ. Con cháu nay lại quay lưng với dòng sông, lấn chiếm tranh chấp với sông từng mét đất.

Tôi mong ngày nào đó có được quy hoạch sông Hồng phù hợp với tự nhiên, để cho Hà Nội xứng danh là thành phố ở trong sông, lại trên bến dưới thuyền nhộn nhịp như bức tranh nổi tiếng xưa đã mô tả.
Quan Thế Dân
Bác sĩ, Tiến sĩ Y học

Đề tài thời sự buổi sáng của các bà nội trợ trong công viên, các ông hưu trí ở quán cà phê vỉa hè quanh khu phố nhà tôi ...
09/06/2023

Đề tài thời sự buổi sáng của các bà nội trợ trong công viên, các ông hưu trí ở quán cà phê vỉa hè quanh khu phố nhà tôi mấy ngày nay chỉ xoay quanh chuyện điện.

Các "thượng đế" ngành điện lực có chung nỗi khổ: nắng nóng, giá điện đã tăng, nhưng điện vẫn không đủ dùng, cắt luân phiên.

Điện, nước, xăng dầu là những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, là đầu vào quan trọng tạo ra giá thành sản phẩm và dịch vụ. Mỗi biến động nhỏ của các mặt hàng này đều có thể làm xáo trộn cuộc sống hàng chục triệu con người.

Khách hàng chưa bao giờ là "thượng đế" trong ngành điện. Với cơ chế độc quyền bán hiện nay, người tiêu dùng là bên yếu thế. Khách hàng mua nhiều không được khuyến khích bằng cơ chế giá mà còn phải gánh giá điện cao để "bù chéo" cho sản xuất công nghiệp thâm dụng năng lượng.

Với cơ chế hiện tại, Việt Nam khó có thể thoát ra khỏi tình trạng tăng giá để bù lỗ và cắt điện luân phiên vào mùa nóng. Nhưng Quy hoạch điện VIII có thể là chương mới của ngành điện với hai định hướng nổi bật: Chuyển dịch năng lượng và khuyến khích sự tham gia của tư nhân.

EVN cho biết đang rất khó khăn về tài chính với khoản lỗ năm 2022 đã vượt 26,2 nghìn tỷ đồng. Giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí tăng cao là một trong những nguyên nhân được đưa ra để lý giải. Trong đó, giá than tăng gấp 3 lần, thậm chí có thời điểm tăng gấp 4-5 lần và giá dầu tăng gấp đôi. Nhưng điều này cũng phản ánh cơ cấu nguồn phát điện của Việt Nam vẫn nghiêng về phía các nguồn điện hóa thạch với chi phí biến động và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như môi trường.

Trong khi đó, đang tồn tại một nghịch lý là hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư lại gặp nhiều vướng mắc liên quan cơ chế mua - bán, phải cắt giảm công suất. Ban hành cơ chế thuận lợi là trách nhiệm của Chính phủ nhưng cơ quan tham mưu cơ chế là EVN - lại là người mua độc quyền. Nếu không sớm tháo gỡ nút thắt này thì dòng vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo - vốn được đánh giá là có nhiều tiềm năng và ngày càng rẻ - sẽ tắc nghẽn.

Thực tiễn không phải không có những mô hình hay, nhưng đang vướng phải rào cản độc quyền ngành. Mô hình "điện sau côngtơ - behind the meter" đã được nhiều nước áp dụng, cho phép cơ chế "tự sản tự tiêu" năng lượng và đóng góp vào nguồn điện quốc gia. Mô hình này nếu được hỗ trợ phát triển sẽ góp phần đáng kể khắc phục tình trạng thiếu điện. Loại bỏ các yếu tố tiêu cực do con người lợi dụng chính sách, thì sự phát triển bùng nổ của điện mặt trời và điện mặt trời áp mái vừa qua, hay các mô hình sản xuất điện phân tán chính là bước đi mới trong chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

Với ngành điện, việc "mở cửa" hay phá bỏ thế độc quyền để người mua trở thành khách hàng đúng nghĩa, tức là được chọn lựa sản phẩm tiêu dùng, là không dễ, nếu không muốn nói là không thể thực hiện trên bình diện tổng thể. Những đặc thù rất riêng của ngành năng lượng cực kỳ quan trọng với an ninh quốc gia là rào cản không nhỏ cho việc tư nhân hóa lĩnh vực này. Dù vậy vẫn có thể đưa tư nhân vào một số khâu, một số khu vực không được xem là trọng yếu của ngành điện và không bắt buộc phải duy trì độc quyền nhà nước.

Việt Nam vẫn chưa có một thị trường điện cạnh tranh khi nhà nước vẫn phải gồng mình bù lỗ cho các đơn vị sản xuất để bù đắp khoảng trống giữa giá thành với giá bán. Nhưng sự can thiệp vào thị trường bằng mệnh lệnh hành chính cần được đặt trong tổng thể lợi ích của người dân, xã hội, tránh tạo ra cú sốc lớn. Trong đó, tăng giá điện là bài toán khó, dù đây là việc gần như không thể trì hoãn bởi giá thành đã cách khá xa so với giá bán lẻ. Bài toán khó giải này cũng giúp nhìn thấy ngày càng rõ hơn một thực tế: là lĩnh vực yêu cầu vốn đầu tư khổng lồ, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, ngành điện lực sẽ không thể đáp ứng kịp nhu cầu tiêu thụ của một quốc gia đã 100 triệu dân, có nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh; và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và mục tiêu phát triển bền vững.

Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt đang được kỳ vọng thực thi nghiêm túc để nuôi dưỡng "giấc mơ thượng đế" thành hiện thực. Quy hoạch này đã cụ thể hóa Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, trong đó có các định hướng quan trọng về việc xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng...

Các mục tiêu đặt ra cũng rất tham vọng: Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng của Việt Nam thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.

Chuyển dịch năng lượng công bằng và hiệu quả theo hướng khuyến khích năng lượng sạch; tạo cơ chế để tư nhân tham gia vào quy trình cung ứng điện sẽ là những bước đột phá để ngành năng lượng quan trọng này đáp ứng không chỉ nhu cầu hiện tại mà còn cả mai sau.

Đây cũng chính là cơ sở để hy vọng một ngày người tiêu dùng trở thành "thượng đế" thực sự.

Tháng trước, gia đình tôi đăng ký cho các con tham gia hoạt động ngoại khóa vào dịp nghỉ mùa xuân ở Pháp. Hồ sơ yêu cầu ...
11/04/2023

Tháng trước, gia đình tôi đăng ký cho các con tham gia hoạt động ngoại khóa vào dịp nghỉ mùa xuân ở Pháp. Hồ sơ yêu cầu chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự mang tên bọn trẻ.

Loại bảo hiểm này bảo đảm gia đình tôi có khả năng chi trả bồi thường cho những rủi ro mà bọn trẻ có thể gây ra, gồm cả hậu quả lên cơ sở vật chất lẫn con người xung quanh. Hàng tháng, ngoài các khoản bảo hiểm bắt buộc với người lao động, chúng tôi còn phải chi trả nhiều loại bảo hiểm khác liên quan tới phương tiện giao thông, nhà ở, các khoản vay... Ngân sách dành cho bảo hiểm chiếm tỷ trọng khá lớn trong ngân sách gia đình hàng tháng, nên chúng tôi luôn tìm hiểu kỹ hợp đồng: chi phí mỗi tháng, phạm vi bao phủ của bảo hiểm, chất lượng đền bù (tính thuận tiện khi khai báo rủi ro và thẩm định, thời hạn hoàn trả bồi thường, số tiền bồi thường).

Theo Từ điển Oxford, bảo hiểm là khái niệm liên quan tới một dàn xếp nhằm trả cho một công ty khoản tiền đều đặn, đổi lại việc được thanh toán một khoản chi phí khi xảy ra tử vong, bệnh hoạn hay mất mát thứ gì. Rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kèm theo thiệt hại không biết trước, mà chi phí cho nó có thể vượt quá khả năng chịu đựng của người gánh rủi ro. Vì vậy, bảo hiểm - theo một cách đơn giản nhất, dưới góc độ bên được bảo hiểm - là cách biến chi phí không kiểm soát được khi rủi ro đến (trong trường hợp lý tưởng, cũng là chi phí được đền bù), thành chi phí kiểm soát được theo định kỳ. Theo sự phát triển của xã hội, nhu cầu bảo hiểm ngày càng đa dạng. Các công ty có thể giới thiệu nhiều loại sản phẩm, cũng như có những sản phẩm dạng gộp (combo). Các gói bảo hiểm nhân thọ liên quan các vấn đề của chính bản thân con người là một ví dụ. Vì là dạng gộp nên giá trị các hợp đồng bảo hiểm loại này thường cao hơn.

Trở lại với trường hợp gia đình mình, tôi nhận thức rõ không đủ khả năng tài chính để đền bù hàng nghìn euro cho chủ nhân một chiếc xe hạng sang nếu lỡ bất cẩn va quẹt phải. Chuyện này rất dễ xảy ra vào giờ cao điểm. Tôi cũng không đủ khả năng tài chính để chăm nuôi một bé khác chẳng may bị tai nạn do xô đẩy khi chơi cùng con tôi. Vì vậy, tôi phải chia nhỏ những chi phí ngoài khả năng tài chính của mình thành những khoản "mất mát" đều đặn hàng tháng mà tôi có thể chi trả.

Tại Việt Nam, các loại bảo hiểm đơn lẻ ít được chú ý cũng như ít mang lại nguồn thu lớn cho các công ty. Do đó, sản phẩm dạng gộp như bảo hiểm nhân thọ - loại hình không bắt buộc dành cho cá nhân - thường được giới thiệu nhiều nhất. Loại sản phẩm này có giá trị hợp đồng cao nên cũng gây ra nhiều biến tướng.

Cách đây vài năm, vì nể nang, tôi theo chân người bạn đến gặp trưởng phòng một công ty bảo hiểm tại TP HCM để nghe tư vấn sản phẩm nhân thọ. Đầu tiên, tôi được giới thiệu nhanh về các rủi ro và lợi ích của bảo hiểm khi gặp rủi ro. Sau đó, trưởng phòng nhanh chóng chuyển sang nói về các quyền lợi đi kèm như dịch vụ thăm khám sức khỏe định kỳ hay phần tiền lãi tôi có được sau một khoảng thời gian thực hiện hợp đồng. Đây là phần anh nhấn mạnh nhất. Tuy nhiên, khi tôi thực hiện một bảng tính tại chỗ để làm rõ các con số thì hóa ra vị trưởng phòng chỉ sử dụng phần mềm có sẵn của công ty để đưa ra các con số chung chung, hấp dẫn. Các câu hỏi và thắc mắc chi tiết của tôi không được giải thích hoặc cam kết rõ ràng. Mức độ chi trả, phạm vi bảo hiểm cũng như điều kiện bảo hiểm không hề được tư vấn. Vì vậy, tôi không quan tâm đến bất kỳ buổi tư vấn kế tiếp nào dù được liên hệ lại ráo riết.

Quan sát bạn bè và người thân xung quanh, tôi cho rằng, nhiều người mua bảo hiểm ở Việt Nam đã quá dễ tính, cả tin; còn người bán bảo hiểm đã cố tình hời hợt. Chẳng hạn, anh chị tôi cũng có bảo hiểm trách nhiệm nhân sự bắt buộc khi đi xe máy, nhưng chưa bao giờ họ biết phải gọi đến ai khi gây hoặc bị tai nạn, mà thường tự dàn xếp.

Luật Bảo hiểm năm 2022 (luật số 88/2022/QH15) quy định khá rõ về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với quyền lợi và trách nhiệm cụ thể của mỗi bên. Trong phần mở đầu của Luật này, "rủi ro" và "tổn thất" kèm những cụm từ liên quan sự kiện rủi ro đã được nhắc đến. Điều này khẳng định giá trị cốt lõi của bảo hiểm chính là quản lý rủi ro.

Nhưng trong quá trình mua bán bảo hiểm ở Việt Nam, các câu hỏi liên quan đến chuyện người được bảo hiểm cần làm gì và sẽ được gì khi rủi ro xảy ra, là điều được đề cập quá ít. Ngược lại, nhân viên tư vấn "tung hỏa mù" và "bẻ lái" người mua tới những quyền lợi ngoài lề, dù các lợi ích này, nếu suy nghĩ kỹ, sẽ thấy khó/ ít xảy ra trong thực tế, hoặc đi kèm với các điều kiện mà người mua khó đáp ứng đến cùng.

Tóm lại, bảo hiểm là sản phẩm tài chính nhằm giảm thiểu mất mát do các sự kiện rủi ro bất ngờ xảy ra. Bảo hiểm không phải là kênh đầu tư tự có khả năng sinh lời.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam bị đẩy đến tình trạng bát nháo hiện nay là do các công ty bảo hiểm, suốt một thời gian dài, đã đẩy khách hàng vào kênh đầu tư tài chính thay vì quan tâm tới giá trị cốt lõi của sản phẩm bảo hiểm. Những tố cáo liên tục của khách hàng đối với các công ty bảo hiểm vừa qua, bất luận phần đúng thuộc về phía nào, cũng khiến người tiêu dùng mất mát niềm tin, thậm chí hoang mang về những sản phẩm bảo hiểm, mà đáng lẽ hữu ích cho mỗi gia đình.

Người tham gia bảo hiểm không bắt buộc chắc chắn là những người biết lo lắng cho tương lai cũng như có điều kiện tài chính nhất định. Do đó, gốc của bảo hiểm là thứ nên được quan tâm trước nhất. Cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Tài chính, cần sớm rà soát lại nội dung các hợp đồng bảo hiểm, cũng như hoạt động tư vấn bảo hiểm, để bảo đảm sự minh bạch cho thị trường này, nhằm tránh tình trạng "bán bia kèm lạc" mà "lạc" lại nhiều hơn "bia" cả về số lượng lẫn giá trị kinh tế.

Võ Nhật Vinh
Tiến sĩ, Chuyên gia Nghiên cứu và Phát triển

Từ hy vọng bảo hiểm nhân thọ sẽ trở thành tấm khiên tài chính vững chắc, bảo vệ trước rủi ro về sức khỏe, tính mạng, diễn viên Ngọc Lan lại rơi vào cảnh hụt hẫng, ấm ức, cho rằng đã bị tư vấn mập mờ.

Ngụ ngôn của phởTôi thức dậy vào cuối tuần. Ở trong bếp dưới lầu, mẹ đang hát. Chiếc muôi của bà kêu vang bên chiếc nồi ...
28/12/2022

Ngụ ngôn của phở

Tôi thức dậy vào cuối tuần. Ở trong bếp dưới lầu, mẹ đang hát. Chiếc muôi của bà kêu vang bên chiếc nồi và âm thanh đều đặn của con dao chặt trên thớt gỗ đã mòn.

Rất nhiều năm đã trôi qua, tôi vẫn nghe thấy chúng, cả những âm thanh lách cách của bát đĩa vang lên bên tai. Mùi phở trở thành một phần bí mật của tâm hồn.

Hơn chục năm sau, tôi vừa tốt nghiệp trường UC Berkeley, Mỹ và đi du lịch châu Âu. Người bạn cũ rủ tôi đến một nơi bí ẩn tại Bỉ. Chúng tôi xuống tàu giữa hư không, phía bắc Brussels, và đi trong nửa giờ. Vượt qua đồng cỏ và trang trại, chúng tôi tiến vào một khu rừng. Một lâu đài với cây cầu nối nó băng qua một con hào. Những bức tượng La Mã trên bãi cỏ. Tôi dừng lại, nghe một mùi thơm phức tạp. Tôi đã mong đợi nó. Bay lơ lửng trong không khí, quế và đinh hương, nước mắm và hoa hồi, nước dùng thịt bò. Có người đang làm phở.

Vào buổi chiều hè đó, đứng trên một con hào trước khi được vẫy gọi vào một lâu đài châu Âu, tôi tưởng như mùi hương cay nồng và thơm ngát đã lan tỏa khắp châu lục. Tôi đã thấy một cái gì đó gần với trải nghiệm ngoài cơ thể. Mùi thời thơ ấu Việt Nam của tôi đã phủ lên một cảnh quan mới, ngay lập tức, tôi cảm thấy hạnh phúc và hoài cổ, cố gắng nắm bắt cảm giác thú vị của cuộc phiêu lưu kỳ lạ này.

Tôi theo bạn xuống những bậc đá để đến một nhà bếp có thể chứa 30 đầu bếp làm việc. Ở phía xa trong gian bếp rộng lớn, một phụ nữ châu Á thanh lịch vào giữa những năm 30 tuổi chào chúng tôi bằng nụ cười duyên dáng. Cô nói bằng tiếng Việt: "Có em đây. Chị đã chờ đợi và chờ đợi. Chị nghĩ hai em bị lạc trong rừng".

Khi bày lên trước mặt chúng tôi tô phở, cô kể câu chuyện của mình. Từng là giáo viên cấp ba ở Sài Gòn, cô mất việc sau chiến tranh. Một đêm nọ, cô và chị gái trốn lên chiếc thuyền đông đúc ra biển. Một tàu buôn Bỉ đón đoàn người. Hai chị em phải sống trong tầng hầm của một nhà thờ ở thị trấn bên ngoài Brussels. Ngày nọ, bá tước địa phương, người đã hy vọng trở thành một linh mục nhưng bị gia đình ông ngăn cản, thấy cô khi ông đang cầu nguyện trong nhà thờ. Họ nhìn nhau. Cô ngập ngừng, còn bá tước đã yêu. Họ cưới nhau. Bây giờ, là mẹ của hai đứa con có dòng máu quý tộc, đôi khi cô thấy mình lướt qua những chiếc gương mạ vàng dọc theo hành lang lâu đài và rùng mình, tự hỏi: "Đó là ai? có phải tôi không?".

Người phụ nữ ấy đã đem thứ nước dùng vô song và thiêng liêng đến lâu đài cổ giữa rừng châu Âu. Hương hoa hồi, thảo quả, đinh hương, quế, gừng và hành tây nướng, món súp được ninh ở nhiệt độ vừa phải cho đến khi thịt mềm, tủy thấm. Nó truyền cảm hứng cho niềm đam mê. Nó đặc hữu hóa Việt Nam như một ngụ ngôn ẩm thực.

Ngày nay, nếu bạn gõ từ "phở", bạn sẽ thấy hàng chục nghìn lượt tìm kiếm giống mình. Hàng trăm đầu bếp đưa ra công thức nấu món ăn và các nhà văn, nhà phê bình nhiệt tình công bố các bài viết, các học giả còn công bố cả bài báo học thuật về nguồn gốc của nước phở. Công ty Campbell Soup năm 2002 đã lấy công thức nước dùng món ăn để đưa ra sản phẩm nước dùng phở đóng hộp nhắm vào người mua là các quán ăn, nhà hàng. Ngay cả Food Network cũng có các đầu bếp dạy khán giả cách làm phở. Thậm chí, ngôn ngữ Mỹ còn sinh ra một từ mới: Phomance. Theo New York Times, nó được sử dụng vui nhộn, mô tả mối quan hệ tình cảm quá gần gũi với món ăn Việt Nam.

Nhưng món súp này đến từ đâu? Điều mà gần như chắc chắn, nó đến từ phía Bắc Việt Nam, cụ thể là Hà Nội, khoảng một thế kỷ trước. Cây hồi sao có nguồn gốc từ tây nam Trung Quốc được kết hợp với nước mắm Việt Nam để tạo cho phở hương vị đặc trưng của nó. Hành tây Pháp được sử dụng để làm ngọt nước dùng. Bạch đậu khấu đến từ Ấn Độ, bánh phở chắc chắn là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thịt bò hiếm khi được sử dụng cho đến khi người Pháp đem nó đến đây vào cuối những năm 1800. Điều ít ai chắc chắn hơn là hành trình của nó đã thế nào. Có học giả tranh luận rằng từ này xuất phát từ tiếng Pháp "feu" hay "pot-au-feu" - có nghĩa "lửa cháy" hay một từ chỉ món ăn dạng lẩu. Người thì bảo nó có nguồn gốc từ "fen" - tiếng Trung chỉ món bún.

Mỗi khi đại gia đình của tôi tụ tập bất cứ khi nào, ở Mỹ, Canada, Pháp hay Anh, để tổ chức lễ cưới hay thương tiếc cho sự ra đi của một người họ hàng, "Phở talk" thường đứng đầu danh sách các chủ đề đàm thoại.

"Em đã ở Athens năm ngoái và anh đoán xem em đã ăn gì? Phở ạ". Một ai đó sẽ bắt đầu. Và một người khác sẽ thách thức: "Thật à, anh đã ăn phở rất ngon ở thành phố Jakarta". Và vì vậy, các câu chuyện ồn ào và phóng đại. Kiểu như: "Tôi tình cờ ở khu vực ngoại ô Sydney và đọc thấy có bảo tàng đang triển lãm về phở. Tôi đã đi, tất nhiên. Họ phục vụ phở bên trong bảo tàng bởi một hàng phở từ Sài Gòn để tái tạo món ăn đường phố ngày xưa. Rồi tôi tình cờ gặp lại cô giáo P. từ trường Lê Qúy Đôn. Anh có thể tin được không? Tất nhiên, thầy trò rủ nhau ăn phở. Cách Sài Gòn rất xa, ba thập kỷ sau, ngồi trên một chiếc ghế gỗ đơn sơ, cười đùa giống như thời trẻ..."

Biết một thành phố xa xôi đang phục vụ những món tủ của người Việt cũng giống như chứng kiến niềm hy vọng thịnh vượng của người Việt nơi hải ngoại. Bất cứ nơi nào có người Việt mình, ở đó có phở. Chúng tôi kể chuyện phở như câu chuyện tự hào dân tộc.

Một món ăn đặc trưng của Việt Nam rất có thể có cả ảnh hưởng của Pháp và Trung Quốc, nhưng đó là cái mâu thuẫn của văn hoá. "Feu" hay "fen", "phở" là thứ không thể phai mờ của bản chất Việt chính vì nó kết hợp ảnh hưởng nước ngoài. Giống như đất nước có lịch sử bị chinh phục bởi các thế lực và người dân phải liên tục thích nghi để sinh tồn, món phở có nguồn gốc từ rất nhiều di sản song vẫn giữ được hương vị đặc trưng của Việt Nam. Kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, món ăn cũng như người Việt di cư trở thành một âm vị toàn cầu.

Thế giới thanh bình trong ngôi biệt thự Pháp xa xưa của chúng tôi đã hoàn toàn mất đi, giờ chỉ có thể trở về trong hồi tưởng. Nhờ có phở, nhiều người Việt di cư đến mọi nơi tìm thấy một cảm giác an ủi khi biết rằng hương phở ngon lành cũng đã lan tràn cả thế giới.

VnExpress

Giữa con phố tôi đang ở có hàng rượu ngoại nổi tiếng, mỗi năm chỉ đông khách một đợt vào dịp Tết.Giá cả ở đây không rẻ h...
27/12/2022

Giữa con phố tôi đang ở có hàng rượu ngoại nổi tiếng, mỗi năm chỉ đông khách một đợt vào dịp Tết.

Giá cả ở đây không rẻ hơn chỗ khác nhưng vẫn được nhiều người tìm đến vì có tiếng là bán "hàng thật". Người mua chủ yếu để đi biếu Tết, nếu mua phải rượu giả thì hỏng việc.

Vào dịp Tết tôi cũng từng đến đây mua quà biếu. Tôi dẫn theo con gái. Con bé rất háo hức được đi sắm Tết. Người đông như nêm cối, hàng hóa lấp lánh toàn ngoại nhập. Mướt mồ hôi lựa chọn, hai bố con tôi rồi cũng xách ra một giỏ hàng gồm rượu và chocolate ngoại. Trả tiền xong cũng hết một phần lớn khoản thưởng Tết.

Về nhà, tôi chia thành mấy túi quà, mỗi túi gồm một chai rượu và hộp bánh. Các túi quà chia xong được xếp vào góc nhà để lần lượt mang đi biếu. Khác với vẻ hăm hở lúc theo bố mua sắm, cô con gái thảng thốt hỏi: "Mang đi biếu hết hả bố?".

Có quà rồi tôi lên lịch đi biếu. Ngại nhất là gặp mặt người cần biếu, nói mấy câu chúc tụng khuôn sáo, đưa túi quà còm cõi của mình ra, rồi về. Rời khỏi nhà nào tôi cũng thở ra một cái, nhẩm tính xem còn nhà nào phải đi. Chỉ đến khi túi quà cuối cùng được trao, tôi mới thở phào, trút được gánh nặng. Thế là xong hết nợ nần, bây giờ mới thực sự là lo Tết cho gia đình.

Sự việc cứ như vậy diễn ra mỗi năm một lần, gây ám ảnh, làm tôi sợ Tết. Chẳng ai bắt tôi phải làm như vậy cả. Nhưng không đi Tết thì thấy thấp thỏm bất an. Như là mình đang mắc nợ, như là mình đang vi phạm luật chơi không thành văn của xã hội. Thủ trưởng cả năm quan tâm chiếu cố mình. Thế mà cuối năm không đến cảm ơn, liệu sang năm mới có dám nhìn mặt người ta nữa không. Người ta cần cái tình chứ ai cần quà của mình. Tiền của mình chỉ là hạt cát so với họ. Rồi sếp phó, tận mấy sếp, đi người này mà không đi người kia cũng dở.

Không phải chỉ tôi mới thấy khổ khi Tết đến. Thủ trưởng của tôi cũng thế. Từ ngày mùng 10 tháng cuối năm đã thấy thủ trưởng và cậu lái xe xách quà đi suốt. Đến tận ngày 20 mới thấy sếp có mặt dự giao ban cơ quan. Sếp thở hắt ra than: "Tết không sung sướng gì đâu. Đi ai, đi bao nhiêu, tính nát cả óc".

Việc lễ tết mỗi cuối năm gây ám ảnh cho đời công chức của tôi; khoan nói đến thiệt hại tài chính, trước hết là những mất mát về tinh thần. Rõ ràng tôi không vui vẻ gì khi đi tết, những vẫn phải làm. Tôi thấy mình thật giả dối khi nói mấy câu chúc tụng. Tôi tự khinh mình khi hy vọng được chiếu cố chỉ vì mấy túi quà nhỏ nhoi. Tôi thấy có lỗi với vợ con, khi đáng lẽ những đồng tiền thưởng Tết kia là dành mua những món ngon cho gia đình vào dịp tất niên.

Cho đến một năm bỗng tôi bừng tỉnh, tự hỏi, nếu năm nay mình không đi Tết ai cả thì có làm sao không nhỉ. Nói là làm. Năm đó tôi không quà biếu ai cả. Rồi tôi hồi hộp chờ xem có sự cố gì xảy ra với mình không. Không có gì xảy ra cả. Đời công chức vẫn cứ phẳng lặng trôi đi như năm trước. Chắc không ai nhận ra năm đó tôi không đi tết sếp. Có khi trong cả trăm người tíu tít mang quà đến, thiếu một thằng tôi, sếp cũng không nhớ ra.

Thế là từ đó tôi bỏ được lệ đi tết sếp. Tôi không mắc nợ các thủ trưởng. Tết đến tôi chỉ mắc nợ bố mẹ và vợ con. Tết đến, tôi thảnh thơi dẫn con sắm tết, đi mua hoa, và mua chai rượu thật ngon để tự thưởng cho mình sau cả một năm vất vả.

Chuyện đi Tết xuất phát từ truyền thống văn hóa. Tết đến là dịp tổng kết, cảm ơn những người đã giúp đỡ mình năm qua. Ngày xưa các thầy đồ không được trả lương mà Tết đến cha mẹ học trò đội gạo đến tết thầy. Tết đến con rể mang gà đến biếu bố mẹ vợ. Thời nay kinh tế thị trường, biếu Tết trở thành hoạt động không thể thiếu. Các thương gia có quà cảm ơn đối tác trong năm, chủ doanh nghiệp có quà cảm ơn người lao động.

Nhưng kinh tế thị trường cũng biến những tục lệ tốt đẹp này thành bức màn che cho nạn tham nhũng và hối lộ. Những ngày cuối năm, đường sá Hà Nội thường xuất hiện dày đặc các xe biển số tỉnh về "chúc tết" các sếp những món quà "trên mức tình cảm". Chuyện doanh nghiệp "tết" chính quyền gần như là hiển nhiên...

Chuyện lễ nghĩa phải xuất phát từ tấm lòng, chứ không nên thành hủ tục, ám ảnh mỗi dịp cuối năm. Tôi nhận ra, ở khối công, nếu bạn muốn lên chức bằng năng lực và phẩm giá của mình, thì không nên bận tâm đến chuyện lấy lòng lãnh đạo. Nếu vì thế mà không được lên chức, thì ít nhất bạn cũng giữ được danh dự. Cái gì cũng có giá của nó. Còn ở khối tư nhân, vấn đề đơn giản hơn nhiều: nếu bạn có năng lực, Tết đến ông chủ sẽ phải tặng quà bạn.

Tết về không phải là dịp khom mình mà là lúc ngẩng đầu đón gió xuân.

Quan Thế Dân
Bác sĩ, Tiến sĩ Y học
VnExpress

Chung kết World Cup 2022 'hay nhất lịch sử'Theo các cựu danh thủ Roy Keane và Jamie Carragher, trận chung kết World Cup ...
19/12/2022

Chung kết World Cup 2022 'hay nhất lịch sử'

Theo các cựu danh thủ Roy Keane và Jamie Carragher, trận chung kết World Cup 2022 giữa Argentina và Pháp cho thấy sự kỳ vĩ của bóng đá.

Đại học 'bỗng' thành đại họcTôi chỉ biết đến sự phân biệt giữa 'trường đại học' và 'đại học' khi được một đồng nghiệp sử...
08/12/2022

Đại học 'bỗng' thành đại học

Tôi chỉ biết đến sự phân biệt giữa 'trường đại học' và 'đại học' khi được một đồng nghiệp sửa giùm trong văn bản cái tên "Đại học Y Dược" thành "Trường Đại học Y Dược”.

Sau khi biết Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được chuyển đổi thành Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều người trong giới học thuật, kể cả ở Việt Nam, cũng mới biết có sự phân biệt giữa 'đại học' và 'trường đại học'.

Theo giải thích của một Thứ trưởng Giáo dục, 'đại học' đào tạo nhiều lĩnh vực và có nhiều trường phụ thuộc, còn 'trường đại học' đào tạo đa ngành thuộc một vài lĩnh vực. Phải nói rằng cách phân biệt như thế rất... khó hiểu.

Cả 'đại học' và 'trường đại học' đều được dịch sang tiếng Anh là 'university'. Mà, university ở phương Tây, đặc biệt trong các nước nói tiếng Anh, thì lúc nào cũng đa ngành và đa lĩnh vực.

Theo cách hiểu thông thường, một đại học/university có nhiều phân khoa (gọi là Faculty hay College, tùy nơi), và mỗi khoa thường tập trung vào một lĩnh vực như y khoa, kĩ thuật, luật... Mỗi phân khoa có nhiều trường (gọi là School, nhưng có nơi dùng Department), và mỗi trường tập trung vào một chuyên ngành như y học cơ bản, y học lâm sàng. Ví dụ: Đại học New South Wales (Australia) có bảy phân khoa; trong đó, khoa Y có năm trường chuyên về y học cơ bản, y học lâm sàng, y tế cơ bản, y tế công cộng, và khúc xạ.

Nếu hiểu theo cơ cấu của một đại học như trên, dễ dàng thấy cách gọi 'trường đại học' là rất... luộm thuộm. Bởi vì, như mô tả trên, trường/school là thành tố của một đại học, nên nếu gọi 'trường đại học' thì rất khó dịch sang tiếng Anh. Chẳng lẽ dịch 'trường đại học' là 'university school' hay 'school university'?

Càng luộm thuộm hơn trong giao tiếp với nước ngoài. Chẳng hạn Trường Đại học Quốc tế có tên tiếng Anh là International University, nhưng lại nằm trong Đại học Quốc gia TP HCM với tên tiếng Anh là Vietnam National University, Ho Chi Minh City. Tôi chưa biết có nơi nào trên thế giới mà có những đại học trong một đại học như ở Việt Nam. Do đó, đa số đại học ở nước ngoài khi hợp tác với Việt Nam thường lúng túng về cơ cấu tổ chức đại học trong đại học.

Hai chữ 'đại học' có sức hấp dẫn có khi đầy ma mị với nhiều người. Học sinh ngày nay thích được học đại học, chứ không thích 'cao đẳng' hay 'học nghề'. Rất nhiều bạn của tôi khi bàn về tương lai, đều muốn phấn đấu để trường đại học thành đại học. Có đại học thì đặt mục tiêu thành 'đại học quốc gia'.

Tuy nhiên, không phải chỉ ở Việt Nam, ở Mỹ người ta cũng thích chữ đại học/university, vì lý do cạnh tranh. Ở Mỹ, nhiều college thực chất là đại học đa ngành và đa lĩnh vực, nhưng do lịch sử để lại nên họ có danh xưng college. Ngày nay, trong môi trường cạnh tranh ác liệt giữa các đại học trên thế giới, khá nhiều college ở Mỹ cũng đổi tên thành university. Theo nghiên cứu của Riley K.Acton (công bố trên Economics of Education Review tháng 6/2022), trong thời gian từ 2001 đến 2016, có 122 college đào tạo cử nhân và sau đại học ở Mỹ đã đổi tên là university. Nghiên cứu cũng cho thấy những college này sau khi đổi thành university thì thu hút nhiều sinh viên hơn và có nguồn thu tốt hơn.

Nhưng đối với những thiết chế lâu đời và nổi tiếng trên thế giới như Dartmouth College (Mỹ) hay Imperial College (Anh) chẳng hạn thì không cần đến danh xưng university, bởi chỉ cần đề cập đến 'Dartmouth' hay 'Imperial' trong khoa bảng thì ai cũng biết đó là những đại học lừng danh. Một ví dụ khác là London School of Economics, tuy chỉ mang danh School/Trường, nhưng trong thực tế là một đại học nổi tiếng trên thế giới. Chữ 'School' không chỉ là một thiết chế đại học mà còn là một trường phái.

Trong thế giới đầy cạnh tranh ngày nay, các thiết chế giáo dục được định hình bởi hai yếu tố quan trọng: uy thế (prestige) và danh tiếng (visibility). Cả hai yếu tố này liên quan đến phẩm chất nghiên cứu khoa học, danh tiếng của đội ngũ giáo sư, và uy danh của các cựu sinh viên. Cả hai yếu tố này, uy thế và danh tiếng, không liên quan gì đến danh xưng university hay đại học.

Văn hào William Shakespeare, trong tác phẩm Romeo & Juliet có viết một câu nổi tiếng rằng 'What is in a name?' (Điều gì có trong một cái tên) để nói lên rằng tên của một sự vật không liên quan gì đến bản chất của sự vật. Người Việt cũng có thành ngữ tương tự: 'Tốt gỗ hơn tốt nước sơn'. Phẩm chất đào tạo và nghiên cứu khoa học quan trọng hơn là cách gọi 'đại học' hay 'trường đại học'.

Có nhất thiết phải dùng chữ đại học/university cho một thiết chế giáo dục đào tạo cấp cử nhân trở lên? Có lẽ không. Thương hiệu mới là trọng tâm. Tôi nghĩ bề dày lịch sử của một số thiết chế giáo dục ở Việt Nam đã đủ để không cần đến chữ 'trường', thậm chí 'đại học' trước tên gọi.

Address

Nguyên Khê

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Tin Tức Tổng Hợp - News posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Videos

Share

Category

Nearby media companies


Other Magazines in Nguyên Khê

Show All