Hào khí Việt

Hào khí Việt Các di sản và niềm tự hào truyền thống nghìn năm đất Việt

ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN Hải Vân là con đèo hiểm trở ngăn cách Thừa Thiên và Đà Nẵng, từ thời Nguyễn đã được mệnh danh là 'Thiê...
30/10/2023

ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN

Hải Vân là con đèo hiểm trở ngăn cách Thừa Thiên và Đà Nẵng, từ thời Nguyễn đã được mệnh danh là 'Thiên hạ đệ nhất hùng quan'.

Nhưng con đèo này hiểm trở đến mức người dân từng phải chọn đường thủy để đi. Do đó mới có chuyện, năm Tự Đức thứ 9 (1856), nhà vua phải ra lệnh cấm thuyền đi biển chở khách ở dưới cửa quan Hải Vân, vì nguyên nhân ghi trong bộ sử “Đại Nam thực lục” rằng: “Những khách qua lại đều đi bằng thuyền, để đường quan lộ cây cỏ mọc rậm”.

Bộ sử này cũng cho biết: Năm Minh Mạng thứ 20 từng có lệnh cấm như vậy, đến năm Tự Đức thứ 7 (1854) thì thôi không cấm nữa.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn dưới triều Tự Đức mô tả về núi Hải Vân và ngọn đèo nổi tiếng như sau:

Núi Hải Vân ở phía Đông Nam huyện Phú Lộc, là chỗ giáp giới phủ Thừa Thiên và Quảng Nam. Nửa đèo về Bắc thuộc địa phận huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên, nửa đèo phía Nam thuộc địa phận huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Trước kia ở chỗ bàn thạch có khắc gỗ để ghi. Phía Tây núi là Bà Sơn, phía Bắc là Hải Sơn, ba ngọn liên tiếp xen nhau, trên cao vót đến tầng mây, dưới chạy giăng đến bờ biển, gần như đứng trong biển.

Đường đi chín khúc vòng vèo mới vượt đèo, hai bên cây lớn um tùm, người leo như vượn leo chim vượt, thật là hiểm trở. Trên núi có năm cái khe, là khe Kỹ, khe Vu, khe Hổ Lang, khe Bé, khe Lớn.

Về phía Bắc, chân núi kề bãi biển, có hang Dơi, có bãi Cháy, tương truyền xưa có sóng thần, thuyền đi qua đây hay bị đắm, dân gian có câu ca rằng: “Đi bộ thì sợ Hải Vân, đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi”, là chỉ chỗ này.

Đời Minh Mạng, đặt quan ải đèo Hải Vân và hai quan ải ở núi Hải Vân, xây đá làm bậc để tiện đường đi. Lại cho tên ngọn núi cao nhất ở giữa là “Cao An lĩnh”, bên cạnh có đường đi đến địa giới Quảng Nam, sai lấp lại đặt binh canh giữ.

Hiển Tông Hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Chu), khi tuần du Quảng Nam, khi qua đèo Hải Vân, có ngự đề thơ rằng:

Việt Nam hiểm ải thử sơn điên
Hình thế hỗn như Thục đạo thiên
Đãn kiến vận hoành tam tuấn lĩnh
Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên.

Tạm dịch nghĩa là:

(Núi này ải hiểm đất Việt Nam
Hình thế hệt như đường vào Thục
Chỉ thấy mây giăng ba đèo dốc
Biết đâu người ở mấy tầng mây).

Đời vua Minh Mạng, nhà vua đi tuần phương Nam, cũng có làm thơ đề vịnh.

Ngược dòng lịch sử về trước, “Đại Nam thực lục” cho biết, từ năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng sai hoàng tử thứ sáu (sau là chúa Nguyễn Phúc Nguyên) làm trấn thủ dinh Quảng Nam.

“Chúa thường để ý kinh dinh đất này. Đến đây, đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao giăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng””, sách viết.

Nhưng đường bộ xuyên qua đèo Hải Vân đã được thông suốt từ thời đó, và đến năm 1801, khi chúa Nguyễn Ánh vẫn còn đang đánh nhau với vua Quang Toàn của nhà Tây Sơn, chúa đã sai “Đặt nhà trạm dọc đường quan từ cửa Hải Vân đến sông Gianh, lấy Cai đội đội trưởng cũ vẫn coi phu trạm để chạy trạm”.

Sau khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua, vào năm Gia Long thứ 6 (1807), vua sai Cai cơ Mai Văn Phương quản thủ Hải Vân quan và các cửa biển Chu Mãi, Cảnh Dương, sau đó “cho sửa đường Hải Vân quan ở Quảng Đức, dân phu làm việc đều được cấp lương hằng ngày”.

Sử triều Nguyễn cũng ghi cụ thể việc xa giá vua Minh Mạng từ đi qua đèo Hải Vân khi đi tuần thú Quảng Nam vào tháng 5, năm 1825.

Theo “Thực lục” thì “Ngày Ất Mùi, xa giá từ Kinh sư đi. Ngày Bính Thân, xa giá đến bến Thừa Phước. Có người đàn bà 85 tuổi đón đường lạy mừng, thưởng cho 5 lạng bạc. Ngày Đinh Dậu, xa giá qua núi Hải Vân. Thưởng cho dân ở trên núi mỗi nhà”. Như vậy từ Kinh sư đi qua núi Hải Vân, đoàn của nhà vua đi mất 2 ngày.

Đến năm Minh Mạng thứ 7 (1826), triều Nguyễn mới cho xây đắp cửa Hải Vân ở đỉnh núi Hải Vân, cụ thể chính sử cho biết: Phía trước phía sau đều đặt một cửa quan (ngạch trước viết ba chữ Hải Vân quan, ngạch sau viết sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (cửa ải hùng mạnh thứ nhất thiên hạ); hai bên tả hữu cửa quan xếp đá làm tường, trước sau liền nhau).

Sai Thừa Thiên và Quảng Nam thuê dân làm, vài tháng làm xong. Phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng) theo viên tấn thủ đóng giữ. Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ ngoài Hải Vân trở vào Nam thuộc quản hạt Quảng Nam.

Tuy nhiên từ giữa năm Tự Đức thứ 9 (1856), quân Pháp, Tây Ban Nha bắt đầu nhòm ngó, có ý đồ tấn công Đà Nẵng, khiến người dân bắt đầu ngại di chuyển qua đèo Hải Vân, dẫn đến lệnh cấm chở thuyền như ở trên đã đề cập.

“Thực lục” cho biết: “Thuyền của người Tây Dương sinh sự ở vùng Trà Sơn, cửa biển Đà Nẵng, Quảng Nam. Lần này cửa biển Đà Nẵng có việc, đã chuẩn cho quan tỉnh Quảng Nam họp tập biền binh tuỳ cơ ngăn đánh rồi. Duy có cửa ải Hải Vân cùng với cửa biển ấy tin tức có quan hệ với nhau, chuẩn phái Phó vệ úy Tiền vệ dinh Long Võ là Lê Nghị đem theo 100 tên cấm binh đến ngay ải Hải Vân hiệp cùng quan quân nguyên phái đi trước để canh phòng”.

Tháng 9 năm ấy, khâm phái trấn dương sự vụ là bọn Đào Trí, Nguyễn Duy xin vua phái thêm 200 lính ở Kinh đến ải Hải Vân canh gác ngăn chặn để phòng lâm thời sách ứng. Vua cho rằng, ải Hải Vân trước đã phái thêm 100 binh Tuyển phong đóng giữ rồi, không cho phái thêm nữa.

Cuối tháng đó, vua Tự Đức lại cho rằng người Tây Dương tính hay tráo trở, chuẩn cho phái thêm lính vệ Tuyển Phong 50 người đi đến đồn Cu Đê, 100 người đi đến ải Hải Vân, hiệp cùng với quân phái trước đóng giữ “để thêm mạnh thanh thế”.

Tiếp đó, sức ép chiến tranh tăng cao khiến vua Tự Đức lại phải phái Vệ úy là Nguyễn Biểu đem 200 lính Vũ lâm và rút hơn 400 lính các vệ Hải Vân quan bổ sung cho chiến trường Đà Nẵng và “lấy 350 lính dinh Kỳ võ giữ Hải Vân quan”.

Sang đến năm 1859, quân Pháp đánh phá pháo đài Định Hải ở Quảng Nam, chiếm giữ đồn Chân Sảng, khiến người dân Quảng Nam chạy loạn về Kinh, đường ải Hải Vân bị nghẽn. Vua sai Thống chế Nguyễn Trọng Thao sung chức Đề đốc quân vụ, đem Phó vệ úy là Nguyễn Hợp, Quản cơ là Phạm Tân mang 300 lính Tuyển phong đi chống đánh.

Một chi tiết trong sử triều Nguyễn cũng cho biết, vua Tự Đức biết các đồn ở ải Hải Vân đất có nhiều khí độc, nên đã sai Phủ thần Thừa Thiên mua thuốc và phái thầy thuốc đi theo quân để điều trị.

Sau cuộc chiến với Pháp, đường qua đèo Hải Vân đã trở nên thông suốt, nên vào năm Tự Đức thứ 31 (1878), sử ghi rằng: “Hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi bị đói, dân phần nhiều dắt nhau qua cửa Hải Vân để kiếm ăn, vua sai quan phủ phát gạo kho ra để chẩn cấp”.

(Báo Giáo dục và Thời đại)

LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY Ở MIỀN NAM THỜI XƯA Ít người biết, từ cách đây cả trên 350 năm, các phương tiện giao thông tr...
18/10/2023

LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY Ở MIỀN NAM THỜI XƯA

Ít người biết, từ cách đây cả trên 350 năm, các phương tiện giao thông trên đường thủy tại Nam Bộ đã phải tuân thủ… luật giao thông.

Sách “Gia Định thành thông chí” do danh sĩ đầu triều Nguyễn là Trịnh Hoài Đức viết: Ở Sài Gòn, ghe thuyền đi đi lại lại trên sông rạch, thường đụng chạm nhau và thường sinh ra kiện cáo nhau. Cho nên quan trấn thủ là Nguyễn Cư Trinh đã đưa ra luật lệ: Phàm ghe thuyền đi bất luận gió nước thuận hay nghịch, khi đi gần gặp nhau thì đều phải hô là “bát” (đi phía tay mặt - tay phải). Ghe này đi qua phía mặt, ghe kia cũng phải đi phía mặt”, để cho “thuận lái thuận sào” để điều khiển mà tránh nhau.

Nguyễn Cư Trinh từng được chúa Nguyễn Phúc Khoát cử vào Nam Bộ làm tham mưu cho cuộc chinh phục Chân Lạp cuối những năm 1750. Đến năm 1765, ông được triệu về Kinh nhận trách nhiệm tại bộ Lại trong chính quyền chúa Nguyễn.

Khi ông mất năm 1768, sử nhà Nguyễn chép về ông như sau: “Cư Trinh là người có cơ trí mưu lược, giỏi quyết đoán, phàm có kiến nghị tâu bày đều là nói ngay bàn thẳng. Trong khi tham dự việc quân ở miền Nam, 11 năm mở mang đất đai, giữ yên biên giới, công lao danh vọng rỡ ràng. Lại giỏi văn chương, ưa ngâm vịnh, khi ở Gia Định, cùng với Tổng binh Hà Tiên Mạc Thiên Tứ thường lấy thơ văn tặng nhau, có tập Hà Tiên thập vịnh lưu hành”.

Theo “luật giao thông đường thủy” mà Nguyễn Cư Trinh ban hành thời đó, thì: Nếu ghe này đã hô “bát” mà ghe kia không tránh còn đi tới phía trái để đụng chạm nhau hư hỏng, thì ghe không tránh bị lỗi. Trong trường hợp kiện tụng mà chưa chịu thua, thì phải xem xét ghe nào chở nhẹ hơn và thuận dòng nước mà chạy mau đụng phải ghe kia thì ghe ấy bị lỗi. Tục thường ghe đi phía trái gọi là “cạy”, còn đi phía mặt là “bát”, cho nên, người đi thuyền ghe muốn bảo nhau đi tránh, thì chỉ hô tiếng “bát” là được.

Sang đến thời vua Minh Mạng, thì ghe thuyền các tỉnh miền Nam cũng phải có giấy tờ mới được lưu thông sang xứ khác. Theo bộ sử “Đại Nam thực lục”, năm Minh Mạng thứ 15 (1834), Bố chính An Giang là Đặng Văn Bằng tâu lên vua kêu về việc nhiều người dân sông nước hay dịch chuyển, khó khăn trong việc bắt lính và sai phái tạp dịch như dân sống ở làng xóm.

Việc này được vua giao xuống cho đình thần bàn. Họ cho rằng: “Các tỉnh ở Nam kỳ, đường thuỷ nhiều ngả, dân sinh sống bằng nghề ở thuyền, nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác, dời đổi thất thường, không những một hạt An Giang mới thế đâu. Vậy xin hạ lệnh cho các tỉnh: Những thuyền bè của nhà dân, nếu đi lại hay đi buôn ở tỉnh hạt mình, thì không phải cấp giấy “bằng chiếu”; nếu đi sang hạt khác, từ 2 ngày trở xuống, thì cho đi lại tự nhiên.

Nếu đi từ 3 ngày đến hàng tuần, thì tổng lý phải xét thực cấp giấy; đi từ 10 ngày trở lên, thì phủ huyện cấp giấy, hạn đi không quá 3 tháng. Mãn hạn rồi phải đổi giấy khác. Các dân xã ven sông sở tại thình lình kiểm tra, thấy ai làm mạo giấy tờ hay quá hạn trái phép thì bắt giải lên quan. Còn ai tự tiện cấp giấy “bằng chiếu” hoặc đáng được xét hỏi mà lại sách nhiễu, ăn hối lộ, dung túng, thì bị xử tội theo luật.

Miền Nam sông nước nhiều, nên cũng có nhiều bến đò. Do đó, năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua xuống dụ rằng: “Phàm những nơi có bến đò thì cho lấy người ở nơi cận tiện sung làm lái đò: Sông lớn 20 người, sông vừa 10 người, sông nhỏ 6 người, cho miễn hết các tạp dịch. Ra lệnh cho đóng thuyền bè, đêm ngày ứng trực, gặp có nhân viên do nhà nước phái đi và việc chuyển đệ văn thư thì lập tức tiếp ứng chở đi. Còn nhân dân đi lại, cho liệu lấy tiền đò, nhưng không được quá nhiều, do các Tổng đốc, Tuần phủ ra yết thị đặt làm lệ”.

Một ghi chép khác trong sử sách cũng cho biết thuyền ghe ở Nam Bộ thời Nguyễn cũng phải có thẻ “đăng ký” gắn trên thuyền để kiểm soát. Đó là theo lời tâu năm 1836 của hai vị Nam Kỳ kinh lược sứ là Trương Minh Giảng, Trương Đăng Quế rằng: “Lần trước trong tập thỉnh an của Bố chính Vĩnh Long Trương Văn Uyển và Bố chính Định Tường Trần Tuyên đều nói: Đất sáu tỉnh Nam Kỳ nhiều đường sông, mọi người đều có thuyền, dân lười biếng trốn tránh việc đi lính và lao dịch, côn đồ nhân sơ hở, mò mẫm đều do đấy. Vậy xin: Phàm tất cả thuyền bè mới cũ của dân đều cho trình sở tại để cấp bài chí (tấm thẻ bài) cắm ở mũi thuyền, hoặc là khắc chữ (ghi khắc tên xã, thôn) ở mũi thuyền”.

Và sau khi đã có biện pháp quản lý phương tiện, hai vị kinh lược cũng đề xuất đặt ra biện pháp để giám sát, đó là đặt các đồn xích hậu (tuần tra dò thám - như Cảnh sát giao thông đường thủy ngày nay). Ở những nơi giáp giới giữa sáu tỉnh Nam kỳ, chọn chỗ xung yếu, dựng một sở tuần tấn, phái lính phòng giữ. Phàm thuyền dân qua lại, xét đủ tờ bằng chiếu mới cho đi. Lại ở các xã thôn ven sông, liệu chỗ đặt đồn xích hậu, kiểm soát thình lình hễ thuyền nào không có bằng chiếu thì bắt giải tỉnh để trừng trị.

Cuối cùng, hai ông cũng đề ra quy định về việc các thuyền của mỗi tỉnh Nam kỳ sơn màu khác nhau để dễ phân biệt, trong đó tỉnh Gia Định đầu thuyền sơn toàn màu đỏ, Biên Hoà là kiêm hạt của Gia Định cũng sơn đỏ, ngoài viền màu đen. Tỉnh Vĩnh Long, mũi thuyền sơn toàn màu đen;

Định Tường là kiêm hạt cũng sơn đen, ngoài viền màu hồng. Trấn Tây và An Giang mũi thuyền sơn toàn màu lục; Hà Tiên là kiêm hạt cũng sơn màu lục, ngoài viền màu đỏ. Kẻ nào sơn giả mạo, sẽ trị tội nặng. Mục đích của việc sơn thuyền là để “Dân trốn tránh không còn chỗ nào để dung thân; mà côn đồ giặc cướp cũng không còn chỗ ẩn núp”. Các lời bàn này đều được vua Minh Mạng chuẩn y, cho thi hành ngay.

(Báo Giáo dục và Đào tạo)

Chuyện râu ria Đọc truyện Trung Quốc, nhất là tiểu thuyết lịch sử, người đọc luôn thích thú khi thấy tác giả mô tả các n...
03/10/2023

Chuyện râu ria

Đọc truyện Trung Quốc, nhất là tiểu thuyết lịch sử, người đọc luôn thích thú khi thấy tác giả mô tả các nhân vật rất chi tiết, sống động, nên ai cũng nhớ những nhân vật như “Mỹ Diệm Công” (Ông râu đẹp) Quan Vũ, Trương Phi râu vểnh, Tôn Quyền râu tía hay chuyện Tào Tháo khi bị truy đuổi phải cắt cả râu…

Nhưng sách sử nước ta ít khi miêu tả chân dung các nhân vật lịch sử chi tiết đến như vậy, nên đời sau không thể hình dung ra dung mạo các bậc tiền nhân thế nào, nhất là những người tò mò muốn biết vua quan nước ta thời xưa… râu ria thế nào.

Sử sách nước ta, nếu có cũng chỉ mô tả mấy câu ước lệ, như bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục tả về chân dung vua Lê Hiển Tông rằng “Duy Diêu râu rồng, mắt phượng”, mà không ghi chú thêm rằng “râu rồng” là kiểu râu thế nào. Còn đa phần các tượng thờ ở đền các vị vua, từ vua Lê Hoàn ở Hoa Lư, Ninh Bình, tượng các vua Lý, vua Trần, hay vua nhà hậu Lê, vị nào cũng râu ria dài, uy nghi cả.

Nhưng đó là tượng ở các miếu thờ, chứ tượng khác nhiều khi thể hiện các vị vua lại chẳng có râu. Như bức tượng đá Phật Hoàng Trần Nhân Tông an vị tại bảo tháp Huệ Quang, sân chùa Hoa Yên trong quần thể di tích Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), được cho là tạc vào thời Lê trung hưng, thì do thể hiện hình ảnh Phật Hoàng đã xuất gia, nên hình ảnh của ngài không có râu ria, đầu đã xuống tóc.

Hay bức tượng vẫn được cho là “Vua cõng Phật” ở chùa Hòe Nhai, Hà Nội, tương truyền là hình ảnh vua Lê Hy Tông, thì người quỳ đội Phật trên lưng chỉ có ria mép. Hoặc tượng đồng vua Lê Thái Tổ được dựng cuối thế kỷ XIX ở trước đình Nam Hương bên Hồ Gươm, Hà Nội thì hình ảnh ngài cũng không có râu. Trong khi, theo cuốn sử Lam Sơn thực lục mô tả chi tiết về dung mạo Lê Thái Tổ rằng: “Mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, mặt vuông; vai trái có 7 nốt ruồi; đi như rồng, bước như hổ, tóc, lông đầy người, tiếng vang như chuông, ngồi như hùm ngồi”. Nếu vua có “tóc, lông đầy người” thì chắc rằng cũng có nhiều râu lắm chứ!

Hình ảnh thật duy nhất về một vị vua Việt Nam, chính là xác ướp vua Lê Dụ Tông được khai quật ở Thọ Xuân, Thanh Hóa năm 1964 và đưa về bảo quản ở Bảo tàng lịch sử quốc gia suốt hơn 50 năm, trước khi hoàn táng vào năm 2010. Theo đó, các nhà khoa học mới biết chân dung thật sự của nhà vua là một người đàn ông ngoài 50 tuổi có tóc hoa râm được cắt ngắn theo kiểu nhà tu, cằm có chòm râu thưa màu đen có vài sợi đã điểm bạc.

Trong các nhân vật lịch sử Việt Nam, được nhắc đến về râu nổi tiếng nhất chắc là Thượng thư bộ Hình thời vua Thiệu Trị là Vũ Phạm Khải. Theo bộ Đại Nam liệt truyện thì vua Thiệu Trị thường gọi ông là “Hồ tu thượng thư”, tức Thượng thư râu ria, vì râu ông rất rậm. Xem tranh truyền thần thờ ông, có thể thấy ông có bộ râu bạc rất đẹp, rậm đến kín cả ngực áo triều phục (ảnh dưới).

Nhưng cũng vì râu rậm, mà sau này, Vũ Phạm Khải bị nêu cả đặc điểm này trong tờ hặc tội của các quan. Đó là chuyện vào năm Tự Đức thứ 24 (1871), khi ông được cử làm Bố chính Thái Nguyên, đem quân đánh dẹp bọn phỉ Đặng Vãn (tức Đặng Chí Hùng). Dù đồn bị phá, ông bị quân phỉ bắt, nhưng ông khéo léo thuyết phục Đặng Chí Hùng đầu hàng triều đình, nhưng vì lỗi thua trận mất đồn, nên các quan khoa đạo dâng lên vua Tự Đức tờ tâu hặc tội, trong đó có câu “rậm râu, rậm râu, thua trận bỏ áo giáp lại trở về” và “bản chất là con dê, ngoài khoác da con hổ, xồm xồm, có ích gì” có ý nhấn mạnh chuyện Khải rậm râu.

Vua đọc tờ tâu, cho rằng các câu tả râu ria đó thực rất không hợp thể cách tờ tâu, nên truyền chỉ quở mắng các quan khoa đạo, răn rằng từ nay không được viết bậy như vậy. Sau đó, Vũ Phạm Khải chỉ bị giáng 3 cấp, đổi bổ về triều làm Tả thị lang bộ Hình, kiêm sung chức Sử quán Toản tu.

Năm sau, Vũ Phạm Khải qua đời, thọ 65 tuổi.

VUA CŨNG PHẢI HỌC ĐỊA LÝ ĐẤT NƯỚC Để quản lý đất nước, các bậc quân vương xưa cũng đều phải am hiểu địa lý, thậm chí nhớ...
05/07/2023

VUA CŨNG PHẢI HỌC ĐỊA LÝ ĐẤT NƯỚC
Để quản lý đất nước, các bậc quân vương xưa cũng đều phải am hiểu địa lý, thậm chí nhớ từng đặc điểm của các địa phương.

Nhiều vị vua Việt đã đi tuần du khắp nước, một số vị khác cũng rất chăm nghiên cứu địa lý.

Trong các triều đại phong kiến, vua đều sai quần thần biên soạn sách địa chí các địa phương trong cả nước, hay vẽ bản đồ để thuận tiện việc quản lý. Về chuyện này, từ thời xưa hiện không để lại tài liệu, còn bản đồ đầu tiên ở nước ta được nhắc đến có lẽ là bộ “Nam Bắc phân giới địa đồ” mà một số sách sử ghi lại là được vẽ dưới thời vua Lý Anh Tông, năm 1172.

Sang thời Lê sơ, Nguyễn Trãi là người soạn bộ “Dư địa chí” cổ nhất còn lại đến ngày nay. Trong phần mở đầu sách, ông ghi rõ: “Nay, thần vâng thánh chỉ, đã nói về bang, sư (tức ghi chép tên nước ta ở các đời và kinh đô), lại xét thổ sản các nơi, để định việc cống phú”.

“Dư địa chí” được vua Lê Nhân Tông sử dụng làm công cụ trị quốc, vì chính sử ghi rằng nhà vua vào Bí thư các, xem các sách vở, thấy bản sách của Nguyễn Trãi còn sót lại, bảo quần thần rằng: “Nguyễn Trãi trung thành, giúp đức Thái Tổ vũ trang dẹp giặc, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình.

Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh tướng triều ta không ai bằng được. Không may chỉ vì một người đàn bà gây biến, mà người lương thiện bị tội oan, thật đáng thương!”. Sau đó nhà vua bèn đem “Dư địa chí” để trong phòng ngủ làm sách giúp cho việc hành chính.

Bộ bản đồ quy mô nhất của nước ta thời phong kiến hiện còn để lại dấu tích đến ngày nay là bản đồ Hồng Đức, hay còn được gọi là “Hồng Đức địa dư” được ban hành vào đời vua Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 21 (1490). Bộ bản đồ này đã thể hiện phạm vi cương giới và hệ thống hành chính của nước Đại Việt vào nửa cuối thế kỷ 15. Đây là tập bản đồ quốc gia sớm nhất còn lại đến nay trong đó vẽ rõ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Thời Nguyễn cũng để lại cho đời sau những tập bản đồ quý, là “Đại Nam nhất thống toàn đồ” ban hành dưới thời vua Minh Mạng, năm 1838, hay các sách địa chí “Đại Nam nhất thống chí”, “Đồng Khánh dư địa chí… Ngay từ năm 1821, ở miền Nam, vua Minh Mạng đã sai Trần Văn Học vẽ bản đồ núi sông, đường sá các trấn của tỉnh Gia Định đến Tây Ninh sát biên giới với Chân Lạp (Campuchia). Cũng năm này, vua Minh Mạng sai Giám thành phó sứ là Đỗ Phước Thịnh đem địa đồ núi sông ở Quảng Đức (Thừa Thiên sau này) tiến lên cho vua xem.

Sử sách ghi lại cho thấy các vị vua Việt cũng rất quan tâm nghiên cứu địa lý đất nước, như khi vua Minh Mạng xem bản đồ các địa phương, xét đến địa thế thành trấn Nghệ An, đã nói rằng: “Khi trước tiên đế từng muốn dựng đô ở đấy”. Nguyễn Văn Nhân tâu rằng: “Đấy không phải là đất đóng đô, nên chọn trọng thần để trấn”. Nhà vua nói: “Phải. Phú Xuân mới là khoảng giữa trong nước, đế vương đóng đô không đâu hơn đấy. Còn các thành trấn chỉ nên làm hành tại để tiện khi đi tuần thăm các địa phương và xem xét phong tục mà thôi”.

Đỗ Phúc Thịnh là viên quan giữ chức Giám thành phó sứ, chịu trách nhiệm giám sát việc đo đạc, vẽ bản đồ khắp cả nước. Vị quan này sau được bổ chức Binh mã phó sứ ty Hộ thành binh mã, trật Chánh tứ phẩm, vẫn làm công việc như cũ.

Sử triều Nguyễn có ghi trong những năm đầu triều vua Minh Mạng, Đỗ Phúc Thịnh chịu trách nhiệm chọn vị trí quy hoạch để dời phủ lỵ của các phủ Đức Thọ, Anh Sơn của tỉnh Hà Tĩnh, “vẽ hình thế núi sông của trấn Nghệ An”, hay đem quân Giám thành đi đo đường bộ đến hai cửa biển Thuận An và Tư Dung (sau đổi là Tư Hiền).

Không chỉ thông thạo bản đồ trong nước, vua Minh Mạng còn thạo cả bản đồ các nước lân cận. Như có lần nhà vua mở địa đồ miền Nam nước ta, trỏ bảo bầy tôi rằng: “Trẫm nghe nước Xiêm La cùng nước Hồng Mao (tức nước Anh) có hiềm khích, chợt có dùng binh thì Hà Tiên là chỗ hai nước xung đột nhau, ta nên tính toán ra sao để phòng việc không ngờ. Huống hồ nước Xiêm với nước ta là láng giềng giao hiếu, nếu có cấp nạn thì có nên cứu hay không? Thực là khó xử”.

Vua Thiệu Trị, trong chuyến Bắc tuần năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), cũng rất chịu khó tìm hiểu về địa lý các địa phương. Khi xa giá qua núi Hồng Lĩnh, vua đã triệu quan tỉnh Hà Tĩnh là Vũ Đức Nhu để hỏi về thắng tích núi ấy. Ông Nhu thưa rằng: “Tục truyền, xưa con gái của Sở Trang vương rất mộ đạo Phật ở xa đến thăm cảnh chùa rồi ở tu và hóa tại đây. Trang vương theo tìm được, mới dựng đài ở phía Bắc chùa này, nay vẫn còn nền cũ, gọi là nền “Trang vương””. Nhà vua nghe vậy, cười nói: “Đó là câu chuyện hài hước của người Tề, nói sự quái lạ, truyền mãi không thể bỏ hết! Hoặc giả có ý nghĩa gì khác cũng chưa biết chừng”.

Nhà vua cũng từng hỏi Thượng thư bộ Hộ Hà Huy Phiên rằng: “Lúc (các chúa Nguyễn) bắt đầu dụng binh, đóng đồn ở lũy Trường Dục thì nay ở chỗ nào?”. Hà Duy Phiên thưa rằng: “Bên sông Cẩm La có tên xã Trường Dục, tức là chỗ đất ấy”.

Tuy nhiên, vua Thiệu Trị không chỉ tin các kiến thức địa lý theo sách vở, mà còn chú trọng vào thực tế khi đi thăm thú các địa phương. Như lúc mới lên ngôi, nhà vua từng hỏi: “Sử nhà Lê mà chép tên xứ Ai Lao, là chỗ nào?”. Tổng tài sử quán Trương Đăng Quế thưa rằng: “Một dải đất ở phía Tây Nam Thanh, Nghệ, gần nước Vạn Tượng đều là Ai Lao”. Nhà vua bình luận: “Sách ‘Đại Nam nhất thống chí’ chép, phần nhiều cũng không đúng thực, như những chỗ Tô Lịch, Kiếm Hồ ở Bắc thành, hôm nọ trẫm coi, chẳng qua chỉ là một chỗ ngòi, đầm nhỏ, sao có thể diễn tập thủy quân, chiến thuyền ở đấy được? Trẫm biết rằng: Chí ấy chép chưa có thể tin được cả!”.

Lê Tiên Long (Báo Giáo dục và Thời đại)

CHUYỆN CÁI GHẾ TRONG CUNG VUA PHỦ CHÚA Thời Lê trung hưng, các chúa Trịnh nắm mọi quyền hành trong nước, nhưng vẫn phò v...
31/01/2023

CHUYỆN CÁI GHẾ TRONG CUNG VUA PHỦ CHÚA

Thời Lê trung hưng, các chúa Trịnh nắm mọi quyền hành trong nước, nhưng vẫn phò vua Lê chứ không phế truất. Vua vẫn được đặt lên ngai vàng làm biểu tượng, còn chúa Trịnh khi thiết triều được ngồi bên trái ngai vua, nhưng vật để ngồi chỉ gọi là ghế chứ không gọi là ngai.

Việc này có lẽ bắt đầu từ năm 1664, khi vua Lê Huyền Tông cho phép Tây vương Trịnh Tạc được hưởng đặc cách vào chầu vua không phải lạy, tờ chương tấu không phải xưng tên, đặt ghế ngồi ở bên trái chỗ ngồi của vua.

Năm 1682, chúa Trịnh Tạc mất, Định Nam vương Trịnh Căn lên kế thừa ngôi chúa, ông cũng được vua Lê Hy Tông ban cho đặc ân không phải viết tên vào tấu sớ, không cần lạy khi vào bái yết, được ngồi ghế ở bên trái nhà vua khi thị triều.

Chiếc ghế của chúa đặt trong điện của vua Lê không được sử sách tả lại như thế nào, nhưng trong tập “Thượng kinh ký sự”, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, người năm 1781 được vào phủ chúa chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán đã tả lại quang cảnh trong nội phủ: Bên trong thắp nến, có “sập thếp vàng”, “ghế rồng sơn son thếp vàng”...

Theo quy định, mỗi khi chầu vua, trăm quan phải đứng hoặc quỳ, quan đầu triều đứng trong điện, trăm quan đứng dưới sân rồng theo thứ tự. Nhưng cũng có những trường hợp được vua đặc cách cho phép ngồi ghế. Đó là ưu đãi dành cho các bậc lão thần, các vị thân vương cao tuổi.

Như sau khi vua Minh Mạng qua đời, những ngày đầu thời vua Thiệu Trị, khi nhà vua đã thân ra coi chính sự, mỗi ngày buổi sáng, buổi chiều, vua mặc áo trắng, ngự ra tiện điện, cho gọi các quan vào bàn luận chính sự. “Đại Nam thực lục” cho biết: “Các bề tôi vào ra mắt, vua cho ngồi ghế và cho uống trà một cách ung dung. Đối với các đại thần như bọn Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cẩn và Tạ Quang Cự, vua chỉ gọi tên quan, chứ không gọi tên thực”.

Hoặc khi vua Thiệu Trị ra Bắc Thành để nhận lễ sắc phong của nhà Thanh mùa xuân năm 1842, khi tiếp viên quan hưu trí là nguyên Thượng thư bộ Lễ Phan Huy Thực từ Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội ngày nay) đến hành tại lạy yết kiến, sử cũng ghi rằng: “Vua nghĩ tình bề tôi giúp việc lâu năm về trước, sai đỡ lên điện, cho ngồi ghế hỏi chuyện ân cần và cho miễn lạy. Vua lại làm một bài thơ tặng để tỏ ý yêu quý. Khi Phan Huy Thực trở về, vua thưởng cho ông 10 lạng bạc, 200 quan tiền”.

Vua Tự Đức cũng đặc cách cho các vị thân vương cao tuổi như Từ Sơn công là Nguyễn Phúc Mão (con vua Gia Long, hàng ông chú của vua Tự Đức), cùng các chú của vua là Thọ Xuân công là Miên Định, Ninh Thuận công là Miên Nghi, Nghi Hoà quận công là Miên Thần, Tùng Thiện công là Miên Thẩm và Tuy Lý công là Miên Trinh, lúc thường triều, nghe chính sự, hay khi ăn yến, phàm có ban cho, hỏi han, chỉ bảo, khuyến dạy điều gì đáng phải sụp lạy thì đều cho cứ cho ngồi ghế, hoặc đứng dậy, lấy 2 tay chắp lên ngang trán, cho thoả tình thân ái.

Theo quy chế triều Nguyễn ban hành từ năm Minh Mạng thứ 4 (1823), quan và dân sống thọ đều được hưởng ân điển của nhà vua, trong đó có ban ghế ngồi và gậy chống. Khi bắt đầu ban hành lệ này, vua Minh Mạng đã dụ bộ Lễ rằng: “Thượng cổ đều lấy trăm tuổi là kỳ hạn. Song từ trước đến nay thọ đến 70 tuổi đã khen là ít có. Huống chi thọ tới 100 tuổi, được đến tuổi “kỳ dị” như thế thực là điều tốt của người buổi thái bình. Trẫm mong nước và dân trường thọ để được thấm nhuần ơn lớn. Từ nay các chức quan lớn nhỏ, tuổi 80 trở lên, thì cho đề tâu rõ ràng, đợi chỉ để thưởng cấp tiền lụa theo thứ bậc. Như quan nhất nhị tam phẩm mà thọ đến 100 tuổi thì thưởng 100 lạng bạc, 10 tấm lụa; từ ngũ lục phẩm thì 80 lạng bạc, 8 tấm lụa; thất bát cửu phẩm thì 60 lạng bạc, 6 tấm lụa. Mệnh phụ thì chiếu phẩm mà giảm 1 phần 3. Đều cấp cho biển ngạch, dựng đình ở cửa làng để nêu khen. Lại cách ngoại gia thêm quan hàm và thưởng thêm ghế, gậy, đồ vặt, gấm, đoạn, vàng, lụa”.
Điều này được vua Minh Mạng nói rõ hơn khi ban thưởng cho lão võ tướng Nguyễn Văn Xuân vào mùa đông năm 1835, nhà vua bảo Nội các rằng: “Nguyễn Văn Xuân là lão thần kỳ cựu, có công lao, ta rất đoái thương. Đời xưa, dưỡng lão có ghế ngồi và gậy chống, song ta nghĩ: người già nếu không mặc lụa thì không ấm, nên mới ban lụa cho Xuân để tỏ ý ưu dưỡng rất ân cần”.

Khi viết về việc các vị vua qua đời, sử sách triều Nguyễn đều viết câu “Trước khi tiên đế sắp mất, tựa vào ghế ngọc ban mệnh lệnh, bảo rõ cho ai được nối ngôi...”. Như khi vua Thiệu Trị băng hà, “Đại Nam thực lục” viết rằng: “Đến khi tựa ghế ngọc truyền mệnh lệnh lại, ân cần dạy bảo, một thiên di chiếu, an tường tĩnh định, tuy những ý của thánh đế minh vương đời cổ truyền thụ tinh vi cũng không hơn được…”.

Ngược dòng lịch sử, thời Lý có một sự kiện liên quan đến cái ghế thếp vàng có lẽ khá lạ mà “Đại Việt sử ký toàn thư” phải ghi lại. Đó là chuyện xảy ra vào năm Thông Thụy thứ 2 đời vua Lý Thái Tông (1035), ghi rằng: “Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu làm chiếc ghế chéo hình bát giác thếp vàng”. Đồ vật này, âm Hán Việt là “kim bát giác tiêu dao tọa". Nhà bác học Lê Quý Đôn, trong sách “Vân đài loại ngữ”, viết rằng: "Ghế ngồi của người Hồ (Hung Nô) khoan chốt, để chéo chân, xỏ dây làm mặt ghế, mở ra gấp lại chóng lắm, nặng không đến vài cân, gọi là "tiêu dao tọa", tương truyền người hầu của vua Đường Minh Hoàng đã làm chiếc ghế theo kiểu ấy để đem theo cho tiện ngồi khi theo hầu vua đi chơi ở ngoài". Như vậy, cái ghế cho hình bát giác mà vua Lý Thái Tông sai làm, có thể là chiếc ghế kéo như Lê Quý Đôn đã mô tả.

Ảnh minh họa: Tranh vẽ các vị quan Chánh nhất phẩm triều Nguyễn (Cần Chánh điện Đại học sĩ và Văn Minh điện đại học sĩ) ngồi ghế. Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Nhàn đầu thế kỷ XX.

Bài: Giáo dục và Thời đại

ĐẦU NĂM TẾ XUÂN HƯỞNGTheo thông lệ, các triều vua Việt cũng như các triều vua Trung Quốc, hàng năm, ngoài lễ ...
30/01/2023

ĐẦU NĂM TẾ XUÂN HƯỞNG

Theo thông lệ, các triều vua Việt cũng như các triều vua Trung Quốc, hàng năm, ngoài lễ cúng giỗ Tổ tiên, tế đàn Nam Giao, Xã Tắc, tế Khổng Tử ở Văn Miếu, sẽ cúng 4 lễ tế hưởng vào các mùa trong năm và lễ tế Chạp vào cuối năm.

Nghi lễ này, ở các thời đại trước ở nước ta hiện không khảo hết được. Duy triều đại phong kiến gần đây nhất là triều Nguyễn, sử liệu để lại cho biết quy định tế hưởng vào 4 mùa được đặt ngay trong mùa xuân năm Gia Long thứ 2 (1803).

Theo đó, bộ Lễ tâu rằng: “Lễ tế hưởng bốn mùa, từ Đường Tống trở lên đều chọn ngày, từ Minh Thanh trở xuống thì tế hưởng mùa Xuân vào thượng tuần thì chọn ngày, còn các mùa Hạ, Thu, Đông thì dùng ngày mồng một tháng mạnh (tháng đầu mùa), vì cho rằng tế không định ngày sợ không được thành thực vậy. Lại tế Chạp, nhà Minh thì dùng ngày cuối năm, nhà Thanh thì dùng ngày trước ngày cuối năm đều cấp bách quá! Xin từ nay Xuân tế thì dùng ngày mồng 8 tháng Giêng, Hạ, Thu, Đông tế thì đều dùng ngày mồng 1 tháng mạnh, còn tế Chạp thì dùng tháng Chạp mà phải chọn ngày cho hợp với ý nghĩa việc lễ”. Vua Gia Long theo lời. Từ đấy, các lễ tế Hạ, Thu, Đông hưởng đểu cố định vào ngày mồng 1 các tháng 4, 7 và 10 (nếu ngày đó có nhật thực thì lùi sang ngày tốt gần nhất). Lễ tế hưởng ở Thái miếu vua thân hành đến làm lễ. Tế ở liệt miếu thì cho hoàng tử, hoàng thân đến tế thay.

Khi vua Minh Mạng định lại lệ cúng ở các miếu vào năm 1822, tiết Nguyên đán và hai kỳ tế Xuân, Thu hưởng thì vua đến tế ở Thái miếu (thờ các chúa Nguyễn); tiết Đoan dương (mùng 5 tháng 5) và hai kỳ tế Hạ, Đông hưởng, thì vua đến tế ở Thế miếu (thờ các vua nhà Nguyễn, bắt đầu từ vua Gia Long). Lễ hợp hưởng thì năm nay vua đến Thái miếu, sang năm đến Thế miếu làm lễ. Còn Triệu miếu (thờ chúa khai sáng của nhà Nguyễn là Nguyễn Kim) và Hưng miếu (thờ chúa Nguyễn Phúc Luân, cha của vua Gia Long) thì sai hoàng tử, hoàng thân tế thay.

Cuối năm Minh Mạng thứ 4 (1823), trước lễ tế Hợp hưởng, vua nói với bộ Lễ rằng: “Hằng năm tế hưởng ở miếu, trẫm đến làm lễ đã có định kỳ. Nay theo lời bàn của bộ, đã cho đặt thêm lễ Hợp hưởng, cùng với bốn lễ hưởng ở bốn tháng mạnh thành năm lễ hưởng. Điển lễ rất quan hệ, sáng lập từ nay. Năm nay trẫm đến làm lễ ở Thái miếu, sang năm đến làm lễ ở Thế miếu, còn các miếu khác đều sai tế thay như trước”. Lễ Hợp hưởng không có ngày cố định, như cuối năm Minh Mạng thứ 3, tổ chức vào ngày 15 tháng Chạp.

Sang năm Minh Mạng thứ 8 (1827), vào tháng 11, bộ Lễ tâu rằng: “Lệ trước một năm 5 lễ hưởng cùng ở tiết Nguyên đán, Đoan dương, Thượng tiêu (dựng nêu) đều do Hoàng thượng chính mình đến Thái miếu, Thế miếu làm lễ. Trộm nghĩ Tôn miếu là chỗ tôn nghiêm lễ văn nghi tắc, phải cho tình lý thoả đáng mới là phải. Bốn mùa đắp đổi, nên có bốn lễ hưởng để tỏ rõ tình văn. Khi năm sắp hết thì mùa đông có lễ Hợp hưởng để báo thành tích cả năm, cùng là ngày đầu năm đón phúc (Nguyên đán) và lúc giữa trời tươi sáng (Đoan dương) đều là lễ long trọng quan hệ cả. Còn như lễ cuối năm dựng cây nêu, sách vở không thấy nói đến. Nhưng tục nước ta theo làm đã lâu, chưa nên vội bỏ. Từ nay xin sai Hoàng tử hay các tước công tế thay, mới là thoả đáng”. Vua cho là phải.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), nhà vua lại sai quần thần tra sách “Ngũ lễ thông khảo”, thấy theo chế độ dưới thời Khai Nguyên đời Đường (thời vua Đường Minh Hoàng) thì 5 lần tế hưởng ở Thái miếu, nên chọn trong các tông tử và các tự quận vương, người nào có đức vọng thì cho tạm quyền chức tam công (Thái sư, Thái phó, Thái bảo) để làm việc, những quan họ khác thì không được thay.

Theo điển lệ nhà Thanh thì lễ Hợp hưởng, ở trước thần vị tổ tông, có sai quan làm lễ thay, những việc dâng hương, chỉ phái hoàng tử thân vương mà thôi. Do đó, bộ Lễ xin từ nay, phàm 5 lễ hưởng cùng các tiết mồng Một tết, mồng 5 tháng 5, ở 8 ban thờ tả hữu Thái miếu chỉ chuyên phái hoàng tử và các tước công đến thừa tế.
Nhà vua dụ rằng: “Dù tôi hay con thì lòng tôn thân cũng là một cả, có gì khác đâu. Chuẩn định từ nay, gặp mọi lễ tiết, quan thừa tế đều do bộ Lễ đề cử trước, trẫm sẽ tự chọn, phái các hoàng tử, các tước công, hoặc các quan văn, võ đại thần cũng được. Còn các điều khác đều chuẩn y lời nghị, và cho bắt đầu cử hành từ lễ Xuân hưởng năm tới”.

Đến cuối năm Minh Mạng thứ 13 (1832), vua Minh Mạng chuẩn định từ nay, hằng năm, 2 lễ tế hưởng Xuân và Thu, và lễ tế Hợp hưởng vào những năm Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi, nhà vua sẽ thân đến Thái miếu làm lễ, thì chỗ bái vị của quan thừa tế vẫn đặt ở dưới thềm như trước. Còn hai lễ tế hưởng Hạ và Đông và lễ tế Hợp hưởng vào những năm Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất cùng những ngày tế Nguyên đán, Đoan dương hằng năm, theo lệ, sai quan tế thay, thì các quan thừa tế đều đứng trên thềm làm lễ.

Về nghi lễ của các đại lễ thời Nguyễn, thì lễ lớn nhất là tế đàn Nam giao, cùng 3 tiết lớn là Chính đán (Tết Nguyên đán), Đoan Dương, Vạn Thọ (sinh nhật vua) khi vua ra đi và khi về đều bắn 9 tiếng ống lệnh; còn các lễ tế hưởng ở miếu, tế đàn Xã Tắc, tế Văn miếu, khi vua ra đi và khi về đều bắn 5 tiếng.

Để nhắc nhở vua trai giới giữ mình trước các lễ tế hưởng, năm Minh Mạng thứ 5 (1824), triều Nguyễn bắt đầu đúc tượng người đồng, tay cầm cái bài viết chữ “Trai giới”. Mỗi khi đến lễ tế hưởng, vua trai giới thì quan Lễ bộ do Nội giám tiến người đồng, tế Nam giao thì tiến trước 3 ngày, tế hưởng ở Tôn Miếu thì tiến trước 2 ngày, tế Xã Tắc cùng miếu lễ thì tiến trước 1 ngày.

Ảnh: Thế miếu trong Đại nội Huế.

Address

Hoang Cau

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Hào khí Việt posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Videos

Share

Nearby media companies