Văn học tuổi 20

Văn học tuổi 20 Thông tin về cuộc Vận động sáng tác Văn học tuổi 20
(19)

Tiếng Việt - Hiểu quy tắc để "chơi" bất quy tắc.              Bất cứ nhà văn nào cũng có cách "chơi với chữ" theo kiểu c...
10/06/2024

Tiếng Việt - Hiểu quy tắc để "chơi" bất quy tắc.

Bất cứ nhà văn nào cũng có cách "chơi với chữ" theo kiểu của mình. Kiểu "chơi" ấy ban đầu có thể chịu ảnh hưởng của văn tác giả họ ưa thích/hâm mộ, của dịch giả các tác phẩm văn học nước ngoài, và thường mang đậm ảnh hưởng của hoàn cảnh sống: Rất bình thường khi có những người miền này cả đời chưa từng nghe một số từ ngữ ở miền khác.
Có nhiều bạn hỏi ad là viết văn thì PHẢI đọc sách gì. Đó là một câu hỏi quá rộng lớn mà không ai có thể giải đáp, vì nó còn tùy vào căn cơ của chính bạn và nhiều yếu tố khác. Riêng sách về tiếng Việt, luôn là loại sách nên đọc dần cho ngấm và đọc thường xuyên, lâu dài, bởi viết văn, nói cho cùng là bạn tìm cách chuyển tải ý tứ và tình cảm qua cầu nối tiếng Việt. Quá trình ấy có suôn sẻ hay không, một phần tùy vào bạn có đủ chất liệu để bồi đắp cây cầu ấy hay không.
Hẳn nhiên cũng sẽ có những tác phẩm mà sự lôi cuốn và rung động của nội dung sẽ khiến người đọc nhãng quên sự giản dị trong diễn đạt.
Đây là tấm hình cũ, chụp một phần bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp trên kệ sách, vẫn còn thiếu vài tựa mới. Bộ này là một trong những bộ tham khảo thường xuyên của nhiều anh chị biên tập, bên cạnh các loại từ điển.

Xây dựng tệp bạn đọc của riêng mình        Một trong những thách thức với người viết trẻ khi ra mắt tác phẩm đầu tay chí...
04/06/2024

Xây dựng tệp bạn đọc của riêng mình
Một trong những thách thức với người viết trẻ khi ra mắt tác phẩm đầu tay chính là độc giả.
Trong nhịp sống bận rộn, giữa hàng nghìn tác phẩm trong nước lẫn sách dịch ra đời hàng năm, cộng thêm định kiến "văn chương tồn tại qua thời gian mới đáng đọc", thì cơ hội để độc giả chọn một tác phẩm mới tinh của một cây bút xa lạ là khá hẹp. Điều tích cực chính là: Khi bạn viết nên câu chuyện mang tính đại diện và tác phẩm của bạn tiếp cận được với nhóm người đồng điệu, thì tác phẩm mới vẫn sẽ được đón nhận.

Khi bạn xuất bản sách (không phải hình thức tự xuất bản), thì nhà xuất bản chắc chắn sẽ truyền thông giới thiệu sách qua các kênh của mình: báo chí, mạng xã hội, website... và hệ thống phát hành rộng khắp toàn quốc. Bên cạnh đó, sự quảng bá tự thân của tác giả cũng rất quan trọng. Ad tổng hợp dưới đây một số gợi ý từ những tác giả trẻ đã và đang xây dựng được tệp bạn đọc của riêng mình:

- Viết báo (truyện ngắn, tản văn, thơ...)
- Tham gia các Câu lạc bộ, Hội văn thơ địa phương
- Tạo web, blog, page... trên các mạng xã hội để đăng bài viết và tương tác với bạn đọc. Đây là một kênh rất mạnh và có sức lan tỏa rộng thời nay.
- Tham gia các buổi trò chuyện văn chương, giao lưu ra mắt sách, các hoạt động văn hóa... thuộc chủ đề bạn quan tâm. Đây là cơ hội để bạn gặp gỡ những tiền bối, những bạn cùng nghề, lắng nghe ý kiến của độc giả.
- Tham gia các cuộc thi văn chương. Tận dụng sức mạnh truyền thông của cuộc thi.
- Tham gia các diễn đàn phù hợp với mình, online hoặc offline.
- Tác phẩm bạn viết liên quan đến nhóm đối tượng nào? Bạn mong đối tượng nào sẽ đọc sách của mình? Họ có tiếp cận được những gì bạn viết không?

Độc giả sẽ sẵn lòng thử đọc một tác phẩm mới của cây bút mà họ ít nhiều biết đến và có sự đồng điệu trong quan điểm, ước mơ, tình cảm, bất kể là bạn viết về chủ đề gì.

Còn bạn, bạn muốn viết về chủ đề gì, và hướng tới ai?

Bibliotherapy - Độc thư liệu pháp là thuật ngữ tạo ra bởi nhà văn Samuel Crothers vào năm 1916.           Nhưng rất lâu ...
21/05/2024

Bibliotherapy - Độc thư liệu pháp là thuật ngữ tạo ra bởi nhà văn Samuel Crothers vào năm 1916.
Nhưng rất lâu từ trước khi thuật ngữ này ra đời, người ta đã cảm nhận rõ sự an ủi, gợi mở, rung động, giải tỏa nhờ những trang sách. Tiếng thơ văn nói thay tiếng lòng. Giữa văn bản hàng trăm năm trước và người đọc thời nay vẫn có sự kết nối kỳ diệu.
Một văn bản chữa lành, vì vậy, cũng thường là những áng văn đọng lại rất lâu trong lòng người đọc. Các bạn có thể thử dùng những từ khóa "Bibliotherapy", "healing by reading" để xem thêm những định nghĩa, nguyên tắc nền tảng và tác động của độc thư liệu pháp. Bản thảo mà bạn đang ấp ủ liệu có đem đến sự kết nối - chữa lành với độc giả?

16/05/2024

Làm thế nào để bắt đầu một cuốn sách?
Trong tác phẩm "Những người hàng xóm" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có nhân vật anh con rể muốn bắt đầu viết sách. Anh làm ngành khác, chưa từng viết sách, cũng không phải viết vì cơm áo gạo tiền. Anh đặt câu hỏi đó với người ba vợ là nhà văn, ông đáp lời rằng "Nếu con không biết bắt đầu bằng cách nào thì hãy bắt đầu bằng cách nhìn ra cửa sổ... Con thấy gì ngoài đó? Hãy viết ra những gì con nhìn thấy. Đó sẽ là những dòng đầu tiên trong cuốn sách của con."

Ad cũng thử nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài trời mưa rất to, những bóng áo mưa đủ màu trùm xe máy chạy trên đường. Bên dưới áo mưa là những ai, mà họ không thể/ không muốn dừng chân tạm trú một lát nhỉ?

Nhìn ra cửa sổ, bạn thấy điều gì?

10/05/2024

Bạn đang ấp ủ sáng tác tác phẩm thuộc thể loại nào? Thơ, truyện dài, truyện ngắn, tạp bút...? Vì sao bạn chọn thể loại ấy?

06/05/2024

Người viết văn đọc gì?
Bài viết này không phải là "khuôn mẫu", ad chỉ muốn chia sẻ cùng bạn trải nghiệm đọc của hai tác giả rất khác nhau, như là một tham khảo nhẹ nhàng, để các bạn vừa bắt đầu viết có thể nghĩ về những tác phẩm mà mình chọn đọc.

Câu chuyện 1: Nhà văn Mạc Can, cách đây vài năm, khi đã vào độ tuổi thất tuần, có nhờ biên tập mua giúp những tác phẩm của Frankz Kafka, Ông cho biết đã đọc "Hóa thân" và vô cùng ấn tượng nhưng làm mất sách, nay muốn mua lại và đọc thêm các tác phẩm khác. Một tinh thần tự học, ham tìm hiểu vô cùng đáng trân trọng.

Câu chuyện 2: Đây là list sách mini của một tác giả trẻ đã có một số tựa sách xuất bản, và được sự đón nhận của bạn đọc. Văn của anh đẹp, kết cấu hiện đại.

- Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ - Chủ nhân giải Nobel Văn chương 2010 sẽ dắt bạn đi vào thế giới tiểu thuyết
- Phía bên này thiên đường - để biết một tác phẩm đầu tay có thể xuất sắc như thế nào
- Bản đồ mây - để biết trong một tiểu thuyết là không có giới hạn
- Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - bài tập quan sát những điều nhỏ bé dễ thương
- Nếu một đêm đông có người lữ khách - Để biết sự đọc và sự viết là khôn cùng.

Trên lý thuyết thì tất cả mọi sách giúp mở rộng trải nghiệm của bạn đều có giá trị tham khảo, nhưng chúng ta đều có quỹ thời gian giới hạn và trải nghiệm, hiểu biết khác nhau, vì vậy ta không thể đọc mọi cuốn sách được cho là hay, cũng không có danh sách phù hợp với tất cả mọi người. Các bạn có thể cân nhắc ưu tiên đọc:
- Các sách về tâm lý học, triết học, đó là nền tảng để xây dựng tâm lý nhân vật một cách logic.
- Các sách kinh điển đã được thời gian thẩm định
- Sách về những vấn đề lớn, ảnh hưởng đến nhân loại
- Sách về văn hóa dân tộc.
Tất nhiên việc tham khảo tác phẩm những người cùng thế hệ cũng giúp bạn hình dung thêm người viết hiện tại đang quan tâm những vấn đề gì.

Như vậy cũng rấtttt nhiều rồi ha, hãy bình tĩnh thôi và có lựa chọn dựa trên trải nghiệm của mình nhé.

Văn học trẻ bắt nhịp với hiện thực như thế nào?Ngay sau khi kết thúc đại dịch Covid 19, những bản thảo gửi đến sớm nhất ...
02/05/2024

Văn học trẻ bắt nhịp với hiện thực như thế nào?
Ngay sau khi kết thúc đại dịch Covid 19, những bản thảo gửi đến sớm nhất về chủ đề này ở dạng các bài viết ngắn, từ bác sĩ, nhà báo... phản ánh lại hiện thực khó quên với tem phiếu xếp hàng mua thực phẩm, những bức bối vì phong tỏa, nhưng tiếng còi hú của xe cứu thương...
Cách một khoảng thời gian nữa, xuất hiện các tập truyện ngắn, truyện dài, khi mà nhà văn đã có thời gian lắng đọng và muốn mượn hiện thực đó để nói nhiều điều hơn.
Cũng có mộtsố người có khuynh hướng ngại nhớ về giai đoạn đó, vì trải nghiệm cá nhân quá mới mẻ và đau thương.
Liệu 5, 10 năm nữa, cuộc đại dịch đó sẽ được khắc họa như thế nào, khi đặt giữa những điều mà con người đã và sẽ phải đối mặt?

Có lẽ một tác phẩm văn học là sự "vẽ" lại hiện thực cuộc sống thông qua lăng kính của tác giả, chứ không phải như một bức ảnh chụp tức thì.

Mời bạn đọc thêm bài viết sau và chia sẻ quan điểm của mình về việc phản ánh hiện thực qua tác phẩm văn học cùng Trẻ nhé,

'Tôi nghĩ bao giờ các nhà văn cũng sống thấp hơn thân nhiệt của xã hội một chút, vì thế họ mới đủ tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề. Phải chậm một nhịp hoặc nhanh một nhịp chứ không thể đi cùng một nhịp với đời sống, đó là...

Nhân kỳ nghỉ lễ dài lần này, admin có ngỏ lời mời ban biên tập các dự án sách Văn hóa - Xã hội cùng tham gia minigame nh...
29/04/2024

Nhân kỳ nghỉ lễ dài lần này, admin có ngỏ lời mời ban biên tập các dự án sách Văn hóa - Xã hội cùng tham gia minigame nho nhỏ này:
Từ ngày 29.4 đến hết ngày 2.5, xin mời các bạn "thả" vào comment của post này những câu thơ bạn sáng tác. Không giới hạn thể loại và độ dài. Chủ đề không liên quan đến chính trị, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục. Thơ chưa xuất bản ở dạng sách hay bài đăng báo, còn đăng ở trang riêng vẫn được nha. Mỗi người chỉ 1 comment.
Minigame này để tạo sự kết nối và chia sẻ cùng nhau, mong mọi người tham gia vui vẻ tự nhiên. Admin và biên tập thân mến gửi các bạn món quà là quyển sách văn học của NXB Trẻ do biên tập tự chọn. Số lượng quà dự kiến 1-3 cuốn, tùy vào số comment tham gia nhé.

24/04/2024

VIẾT VỀ ĐIỀU MÌNH BIẾT
"Em nên viết gì? Dường như chuyện gì cũng có người nói tới rồi." Đó là câu hỏi mà Trẻ rất thường nhận được từ các bạn trẻ mới cầm bút lần đầu tiên. Có rất nhiều câu chuyện bạn muốn sẻ chia, nhưng chắc chắn điều bạn dễ viết xuống nhất là những gì bạn biết rõ nhất: Những gì xung quanh bạn, giấc mơ của bạn, sự ám ảnh của bạn.

Ad xin chia sẻ câu chuyện của anh Trương Anh Quốc - người đạt giải Nhất cuộc thi sáng tác Văn học Tuổi 20 lần IV, với tác phẩm tên duy nhất một chữ: Biển. Nghề chính của anh là kỹ sư hàng hải tàu viễn dương, với những chuyến công tác theo tàu dài đằng đẵng. Xung quanh anh là Biển. Anh chia sẻ: "Biển mênh mông luôn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Viết Biển, tôi có dịp tìm hiểu về các tôn giáo, những vùng đất, con người và nét văn hóa đặc trưng; tôi được hóa thân, suy tư, trăn trở với tâm trạng các mẫu nhân vật mà mình yêu mến lẫn căm ghét…" Chính vì viết từ những trải nghiệm đậm đặc của mình mà tác phẩm của anh rất giàu chất liệu và sinh động, mở ra trước mắt độc giả thế giới ít người biết của thủy thủ, và những người quanh năm lênh đênh đầu sóng.
Có thể bản cảm thấy cuộc sống của mình không kịch tính đến như vậy. Có thể bạn thấy nhiều người có cuộc sống tương tự như bạn. Nhưng GÓC NHÌN và TRẢI NGHIỆM của bạn với cuộc sống luôn luôn là duy nhất.
Just write it down. Hãy cứ viết ra những suy nghĩ của mình nhé.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói về sự tập trung khi sáng tác. (Trích câu trả lời của chị trong chương trình giao lưu online g...
22/04/2024

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói về sự tập trung khi sáng tác. (Trích câu trả lời của chị trong chương trình giao lưu online giao lưu cùng bạn đọc, năm 2021)

❤️Câu hỏi của bạn Le Anh Xuan: "Con chào cô Tư, con là hậu bối tay mơ, hiện con đang viết tác phẩm để tham gia Văn Học Tuổi 20, nhưng mấy tuần nay vì giãn cách xã hội mà con phải sinh hoạt với mọi người trong gia đình nhiều hơn, qua đó thời gian và không gian viết của con bị cắt đi cũng rất nhiều. Đã vậy, con lại là người dễ bị mất tập trung, dễ bị xao nhãng nữa, nên tiến độ viết của con dạo này làm con thất vọng lắm ạ. Hôm nay có cơ hội hỏi cô về viết lách, con muốn hỏi cô là lâu nay cô có bí quyết gì giúp tập trung viết lách không ạ? Nếu có, con rất mong mỏi cô chia sẻ để động viên một xíu cho con và những bạn khác đang gặp phải tình trạng tương tự này. Con cảm ơn cô nhiều nhiều ạ.
💚Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trả lời:
“Cô chờ đọc tác phẩm của Xuan. Đây là câu động viên duy nhất mà cô có thể nghĩ ra. Còn chuyện mất tập trung, nó cũng khó, giống như thiền vậy, có người học được có người không. Trừ những bậc chân tu khổ hạnh, con người ta hầu hết đều mông lung tứ tán, nhưng gom được về một mối thì còn tùy nghị lực, và duyên nữa.”

----
Những bạn hỏi về quy cách gửi bản thảo đến NXB Trẻ, thì chúng tôi thường trả lời rằng mời bạn gửi bản thảo hoàn chỉnh. Có một khác biệt rất lớn giữa đề cương, một vài đoạn đầu, và cả một tác phẩm. Bạn viết trọn một tác phẩm đã là một thành công mà không phải ai cũng làm được. Ý tưởng rất nhiều, nhưng từ đó đến tác phẩm là một chặng đường dài.

Chúc các bạn có thêm động lực để hoàn thành trọn vẹn bản thảo của mình nhé.

Thế giới hiện thực qua lăng kính giả tưởng hậu hiện đại trong tác phẩm "2 người trong 1 ngăn tủ"Mỗi truyện ngắn trong tậ...
11/04/2024

Thế giới hiện thực qua lăng kính giả tưởng hậu hiện đại trong tác phẩm "2 người trong 1 ngăn tủ"
Mỗi truyện ngắn trong tập truyện này mở ra một thế giới, một không gian giả tưởng đầy kỳ ảo. Trong đó có một tương lai nơi con người phải chui trong những cái tủ lơ lửng mà “mỗi ngăn chỉ được phép có hai sinh vật”. Có thành phố nơi con người phải đeo mặt nạ để làm việc, hay phải thi tuyển để giành một suất vào đó sống. Có chiếc đồng hồ cát xoay chuyển thời gian, có những “tàn tích” để con người vào đó nhặt lại gương mặt, có những “khách sạn trên lưng mèo”.

Trong tác phẩm này, tác giả Phát Dương đã mượn thế giới hậu hiện đại để nói về thế giới hiện đại, đưa ra một tấm gương để ta nhìn rõ thực tại và nhìn rõ chính mình.
Trong thế giới hậu hiện đại đó, sự tiện nghi, đồng bộ, và sung túc được đặt lên hàng đầu. Tất cả đều được “tối ưu hóa” để mỗi thế giới có thể vận hành một cách quy củ và phát triển. Nhưng đổi lại, con người không còn bản sắc người. Con người chỉ còn là những cỗ máy tuân thủ luật lệ, đều đều làm đúng chức năng của họ, và nằm gọn trong “ngăn tủ” của họ.

"Nơi không có tuyết" - cuộc gặp gỡ giữa chàng phi công và bông tuyết xa xưaNơi không có tuyết - tức là nói về miền nhiệt...
09/04/2024

"Nơi không có tuyết" - cuộc gặp gỡ giữa chàng phi công và bông tuyết xa xưa
Nơi không có tuyết - tức là nói về miền nhiệt đới ẩm ương oi nồng. Chốn đó ngày xưa có cậu nhóc hết sức tò mò với cỗ máy lạ lùng có tên “tủ lạnh”, đôi buổi trưa hè lại rón rén mở cánh cửa ấy ra để thỏa niềm đam mê xem “tuyết” ra đời. Nhiều năm sau nhóc con ấy lớn khôn, dốc lòng học tập, dành dụm tiền tự lắp ráp cho mình chiếc phi cơ hòng chinh phục đỉnh tuyết băng vĩnh cửu Hy Mã Lạp Sơn. Giữa đêm trường bão tuyết, số mệnh đã run rủi cho “phi công” ấy mối duyên lạ kỳ với một bông tuyết xa xưa, bé tí ti thôi, nhưng là chứng nhân cho bao nỗi buồn thương của muôn người muôn vật trên Trái Đất tự xa xôi ngút ngàn. Một cuộc hàn huyên bắt đầu…

"Bể trăng côi" và những thông điệp về nhân sinh trên bể đời xáo độngTác phẩm được viết bằng lối kể chuyện song tuyến. Mộ...
07/04/2024

"Bể trăng côi" và những thông điệp về nhân sinh trên bể đời xáo động
Tác phẩm được viết bằng lối kể chuyện song tuyến. Một nhà sư trẻ rời chùa tìm đến núi Sa Mạo theo nguyện vọng của sư phụ nhưng bị kẹt giữa thành phố đang cao điểm dịch, ở trong một gia đình ba thế hệ. Vị sư Huyền Trang trên con đường thỉnh kinh, không phải Huyền Trang trong tưởng tượng của của Ngô Thừa Ân. Những kiếp nạn họ gặp phải khác nhau về thời không nhưng vẫn có nét tương đồng kỳ lạ, đằng sau đó là tầng tầng ý nghĩa về những ám ảnh nhân sinh.

Sách có những chi tiết khốc liệt và đau buồn nhưng kỳ lạ thay cảm tưởng chung gợi lên vẫn là sự nhẹ nhàng và từ bi. Có lẽ do không khí thiền và Phật bàng bạc trong từng câu chữ. Những con người bình thường trong một sát na làm điều phi thường, thì có thể thấy Phật trong họ. Như nhà sư trẻ nhìn theo bóng lưng cô gái xung phong đi chống dịch “Sư phụ từng giảng rằng chỉ cần trái tim đủ từ bi, dũng cảm làm nứt toạc con tim chai lì như đất đá thì tức thời có thể đánh động giải phóng vô lượng vị Bồ Tát trong mình”.

07/04/2024

Giới thiệu trên kênh HTV về cuộc trò chuyện văn chương cùng 5 tác giả đương đại và đại diện NXB Trẻ. Nếu bạn đã đọc các tác phẩm này, các bạn sẽ thấy rằng bạn nói về tác phẩm của chính mình, góc nhìn truyền thông, và góc nhìn của mỗi một bạn đọc đều sẽ có khác biệt. Là một người viết, bạn có chuẩn bị tinh thần và chấp nhận những diễn giải khác biệt đó?

05/04/2024

Hỏi đáp về việc gửi bản thảo đến NXB Trẻ

Chào các anh chị, các bạn tác giả. Ad đăng lại những câu hỏi đáp thường gặp liên quan đến quy trình gửi bản thảo đến NXB Trẻ như sau:

1/ NXB Trẻ có nhận bản thảo của tác giả mới viết lần đầu tiên không?
Có, chúng tôi rất hoan nghênh. Bạn vui lòng gửi bản thảo hoàn chỉnh (đã viết xong), và tìm hiểu về các thể loại văn học cơ bản. Ví dụ một tập truyện ngắn tối thiểu cần 10 truyện trở lên ( không phải thể loại truyện siêu ngắn); 1 tập truyện dài thì không thể chỉ 10 trang A4... Nếu các bạn chỉ có bài viết ngắn, chưa đủ dung lượng sách, thì khuyến khích bạn gửi đăng báo.

2/ NXB Trẻ nhận bản thảo như thế nào?
- Bản thảo hoàn chỉnh (đã viết xong)
- Bản thảo ở định dạng Word (bảng mã Unicode), hoặc PDF, chữ rõ ràng dễ đọc.
- Bản thảo gửi trọn vẹn, không chụp hình từng trang để gửi.
- Bản thảo do tác giả sáng tác và giữ tác quyền. Tác giả chịu trách nhiệm về tác quyền các thông tin, hình ảnh... sử dụng trong bản thảo.

3/ Địa chỉ nhận bản thảo ở đâu?
Email: [email protected]
Nếu gửi bản giấy, mời gửi về: Ban biên tập NXB Trẻ, 161B Lý Chính Thắng, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TpHCM

4/ NXB Trẻ có nhận bản thảo của tác giả dưới 18 tuổi không?
Có nhận bình thường. Tuy nhiên nếu ký hợp đồng tác quyền mà bạn chưa đủ tuổi theo luật định thì cần người giám hộ đại diện, để bảo vệ quyền lợi của hai bên.

5/ Bản thảo được thẩm định trong bao nhiêu ngày?
Ban biên tập thẩm định tối đa là 45 ngày, tuy nhiên chúng tôi thường trả lời sớm hơn rất nhiều.

6/ NXB Trẻ có giới hạn chủ đề không?
Chúng tôi tiếp nhận các bản thảo thuộc nhiều chủ đề khác nhau, tiêu chuẩn chung là không vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục. Ban biên tập sẽ thẩm định dựa trên bản thảo cụ thể và trả lời bạn.

Cuối cùng, Nhà xuất bản Trẻ, không phải "Nhà xuất bản Tuổi Trẻ". Báo Tuổi Trẻ là một cơ quan khác ạ ^^

Thân mến, mong có dịp đồng hành cùng các tác giả.

“Thế nào là con người?” và những vấn đề thời đại trong "Dị bản" của Đinh KhoaDị bản mở đầu bằng một khung cảnh rất đậm t...
05/04/2024

“Thế nào là con người?” và những vấn đề thời đại trong "Dị bản" của Đinh Khoa
Dị bản mở đầu bằng một khung cảnh rất đậm tính nghề nghiệp của tác giả: Nhân vật tôi, Phúc Giang, một kỹ sư cầu đường, trong lần nghiệm thu hiện trường thi công cây cầu dây văng thì xảy ra tai nạn sập dàn giáo của trụ cầu vừa mới thi công trước đó không lâu. Do bị va đập trong tai nạn nên khi rớt xuống sông, anh đã ngất đi và những chuyện khác thường bắt đầu diễn ra khi Giang được Frank, một nhà bác học thiên tài nhưng tư tưởng cực đoan cứu sống.

Trong Dị bản, những câu hỏi triết học được đặt ra: Tôi là ai? Nếu tận cùng luôn là cái chết thì tại sao ta phải cố gắng sống? Con người tàn phá địa cầu, vậy thì liệu “thay thế con người” có phải là giải pháp? Một khi trí tuệ nhân tạo có thể làm được ngày càng nhiều việc như con người, thậm chí tốt hơn, thì đâu là những đặc điểm riêng có của nhân tính?

Những câu hỏi đậm tính hiện sinh đó không phải mới, nhưng là câu hỏi đã được đặt ra trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, không chỉ bởi triết gia, mà bất cứ ai trong thời khắc nào đó của cuộc đời cũng có thể đặt ra cho chính mình. Dị bản thể hiện góc nhìn và câu trả lời của riêng Đinh Khoa đối với những vấn đề này.

Những lát cắt đời sống trong tác phẩm “LẠC ĐÀ BAY” của tác giả trẻ Võ Đăng KhoaVõ Đăng Khoa là cái tên quen thuộc trong ...
03/04/2024

Những lát cắt đời sống trong tác phẩm “LẠC ĐÀ BAY” của tác giả trẻ Võ Đăng Khoa
Võ Đăng Khoa là cái tên quen thuộc trong một số cuộc thi về văn chương những năm gần đây, và "Lạc đà bay" là tập truyện ngắn đầu tay của tác giả. Khoa đã chọn viết về những điều mà mình có thể quan sát tận tường với sự thấu hiểu sâu sắc và cảm xúc chân thật, có lẽ chính vì vậy mà tác phẩm gợi lên sự đồng cảm nơi bạn đọc.

Đọc tác phẩm của Đăng Khoa, miền Tây hiện lên với bến đò, gian bếp, sông nước, khói hun, cánh đồng trổ lúa, những phận người ít ai để tâm đến câu chuyện của họ. Đăng Khoa để tâm, anh lắng nghe, quan sát từng chi tiết nho nhỏ, và kể lại theo cách của mình. Bởi câu chuyện cuộc đời nào cũng có điều gì đó đáng lắng nghe.

Viết về cái chết, về những xấu xa với giọng văn ung dung, bình thản, đầy vẻ thường tình. Viết về những dằn vặt đeo theo suốt cuộc đời con người một cách điềm tĩnh, thản nhiên, nhưng day dứt.

Dung dị, bình thản, Khoa viết về những mảnh nhỏ đời người. Rồi cũng nhẹ nhàng, Khoa để lại đâu đó giữa những câu văn từng hồi day dứt. Lạc đà bay vẽ lại nhiều những cuộc đời – mà ở đó, đôi lúc con người ta phải chịu khổ sở, chịu bất công, có chăng vì đó là chuyện thường tình?

"Biến thể của cô đơn": Tìm lại mình giữa trùng vây cô đơn và công nghệKhi AI (artificial intelligence - trí tuệ nhân tạo...
01/04/2024

"Biến thể của cô đơn": Tìm lại mình giữa trùng vây cô đơn và công nghệ
Khi AI (artificial intelligence - trí tuệ nhân tạo) trở thành điểm nóng, rung chấn của nó không chỉ tác động tới giới khoa học hay kinh tế mà còn lan tỏa đến địa hạt văn chương. Công nghệ - thứ hứa hẹn sẽ kết nối chúng ta với toàn thế giới, dường như lại làm ta mất kết nối với những điều quan trọng nhất đối với một “con người”. Vấn đề này đã nhiều lần được đặt ra bởi các ngành khoa học xã hội, và văn chương cũng không ngoại lệ.

Tập truyện "Biến thể của cô đơn" suy ngẫm về cách con người vùng vẫy để thoát khỏi cô đơn, nhầm lẫn rằng công nghệ/AI là giải pháp, và lạc lối rất lâu mới nhận ra sự chữa lành đến từ chính bản thân.

Tác phẩm của Yang Phan là một câu chuyện của nỗi lo và hy vọng, của việc đánh mất và tìm lại chính mình, của cố gắng để thực sự sống - thực sự là người trong một tương lai máy móc.

01/04/2024

Đôi lời cùng khách ghé thăm page,
Có lẽ các bạn đã biết đến Nhà xuất bản Trẻ qua từ khóa “Văn học tuổi 20”.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1994 với sự phối hợp của 3 đơn vị: Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ, cuộc thi ban đầu có tên là Cuộc Vận động sáng tác Văn học tuổi 20. Kể từ năm 2019, NXB Trẻ là đơn vị tổ chức duy nhất và NXB Trẻ cũng đã đổi tên Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 thành Giải thưởng Văn học tuổi 20.

Cái được lớn nhất của Văn học tuổi 20 chính là sự phát hiện, đánh thức, gọi tên một lực lượng sáng tác trẻ, góp cho văn đàn một tài sản có ý nghĩa, với hơn 50 tác giả được vinh danh và 63 tác phẩm được trao thưởng. Những cái tên như: Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Việt, Dương Thụy, Phong Điệp, Võ Diệu Thanh, Trang Hạ, Nhật Phi v.v… đã tiếp tục khẳng định bút lực và cá tính sáng tạo nhưng cũng đồng thời khẳng định sức sống của một giải thưởng văn học có tên Văn học tuổi 20! Như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có nhận định về Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 như sau: “Có thể có những tác phẩm chỉ ‘đánh ùm một tiếng rồi thôi’, nhưng cái vòng tròn lan rộng từ những tiếng ‘đánh ùm’ đó đã giúp đời sống văn chương có những biến chuyển”. Hay nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, “Không có cuộc thi Văn học Tuổi 20, có lẽ tôi cũng không biết mình có thể viết”.

Qua 7 lần tổ chức, tổng số tác phẩm dự thi là 2.133 tác phẩm, và lần thứ 7 có số lượng bài dự thi nhiều nhất, với 511 tác phẩm, tất cả thể hiện qua cuộc sống và góc nhìn hết sức phong phú của các tác giả - đa số ở lứa tuổi 9X. Đó cũng là một kỳ giải hết sức đặc biệt, vì đã có 2 trong 3 năm tổ chức – năm 2020, 2021 - chúng ta phải trải qua đại dịch, và NXB Trẻ cũng như tất cả mọi người đều ít nhiều bị ảnh hưởng. Và chúng tôi thấu hiểu rằng quãng thời gian đó không phải là thời điểm lý tưởng nhất để sáng tác, khi mà đại dịch đã thay đổi rất nhiều thứ.

Sau gần 30 năm, cuộc thi hiện đang trong giai đoạn tạm ngưng để đánh giá và hướng đến hình thức khác hơn, tuy nhiên dòng sách văn học trong nước vẫn luôn luôn là dòng sách mà NXB Trẻ duy trì, với mong muốn giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm chỉn chu của tác giả trẻ.

Fanpage Văn học tuổi 20 từ nay sẽ ưu tiên đăng tải các tác phẩm văn học trong nước, những câu chuyện văn chương đầy cảm hứng, những hoạt động giao lưu văn hóa, khuyến đọc… Hy vọng đây sẽ là một điểm dừng chân thân thiết cho các tác giả và bạn đọc yêu văn chương.

-------
Nhà xuất bản Trẻ luôn luôn trân trọng đón nhận các bản thảo mới.
Địa chỉ nhận bản thảo:
Email: [email protected]
Địa chỉ:
Ban biên tâp sách Văn hóa – Xã hội
Nhà xuất bản Trẻ
161B Lý Chính Thắng, P. Võ Thi Sáu, Quận 3, TpHCM

Trò chuyện văn chương cùng 5 tác giả trẻ tại Đường sách Tp.HCM👉Sáng nay, bất kể nắng nóng, rất đông bạn đọc, phóng viên ...
31/03/2024

Trò chuyện văn chương cùng 5 tác giả trẻ tại Đường sách Tp.HCM
👉Sáng nay, bất kể nắng nóng, rất đông bạn đọc, phóng viên báo đài, và các bạn đang mong muốn theo đuổi con đường sáng tác đã đến dự buổi trò chuyện cùng các tác giả Trọng Khang, Đinh Khoa, Yang Phan, Phát Dương và Võ Đăng Khoa. Đây là các tác giả vừa ra mắt sách mới do NXB Trẻ phát hành, với những chủ đề xoay quanh người trẻ.
👉 Sự cô đơn, AI, bản chất con người, mất kết nối, mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, giữa người và người... Làm thế nào để viết về những chủ đề tưởng chừng "ai cũng nhắc đến" này từ góc nhìn của chính mình? Câu trả lời của các tác giả là: Trải nghiệm nhiều hơn qua Đọc, Đi và Sống, để "khi nhìn thì thấy" (lời của Trọng Khang).
👉Vì sao mọi người có thành kiến rằng giới trẻ cứ "kêu mãi" những "nỗi đau" (pain) của mình? Đặt ngược vấn đề là: Đã có người thực sự lắng nghe những nỗi đau đó chưa? (Phát Dương) Có những nỗi đau không chỉ đến từ một cá nhân, một mối quan hệ cụ thể, mà từ những đổi thay thời đại lẫn xã hội, mà có khi do diễn ra quá nhanh, quá choáng ngợp người ta không kịp nhận ra.

👉Cũng như tất cả những người viết trẻ, các tác giả tham gia sự kiện đều trải qua hành trình ra mắt tác phẩm đầu tay và xây dựng cộng đồng người đọc của mình. Gợi ý của Võ Đăng Khoa là hãy cứ viết, gửi cho báo, gửi cho những người đi trước nhận xét thêm. Với Yang Phan, Trọng Khang... các bạn đã có nhiều độc giả từ bài đăng trên mạng xã hội. Những bài viết ban đầu này cho các bạn sự tự tin cũng như là bước đệm để cuốn sách khi ra mắt sẽ được biết đến.
👉 Trong buổi giao lưu, nhiều bạn trẻ cũng đã đặt câu hỏi về cách đưa những vấn đề tâm lý, công nghệ... vào tác phẩm một cách thuyết phục. Câu trả lời chính là mở rộng phạm vi đọc và xem và trải nghiệm của chính mình. Ta không thể viết về những gì mình chưa từng nghe tới, hoặc biết quá ít.
👉 Trên tất cả, điều cốt lõi chính là "hãy viết đi". Bày tỏ bản thân luôn luôn đem lại cho bạn nhiều lợi ích và là sự giải tỏa to lớn, trước khi nghĩ đến những điều xa xôi hơn. Tất cả những tác giả giao lưu đều đang làm nghề khác để kiếm sống, họ chắt chiu từng thời gian để thể hiện chính mình qua con chữ.

👉 Ngoài những lần tổ chức Văn học tuổi 20, Nhà xuất bản Trẻ luôn luôn duy trì dòng sách văn học trẻ Việt Nam, với mong muốn giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm phản ánh góc nhìn đương đại. Hãy thử đọc, biết đâu bạn sẽ tìm thấy sự đồng cảm từ suy nghĩ và cảm xúc giữa những người cùng thế hệ.

Tác giả YANG PHAN và những thông điệp trong "BIẾN THỂ CỦA CÔ ĐƠN"1. Anh muốn gửi gắm đến bạn đọc điều gì thông qua tác p...
30/03/2024

Tác giả YANG PHAN và những thông điệp trong "BIẾN THỂ CỦA CÔ ĐƠN"
1. Anh muốn gửi gắm đến bạn đọc điều gì thông qua tác phẩm "Biến thể của cô đơn"?
Biến thể của cô đơn là tác phẩm nói về sự mất kết nối với chính mình. Đây là thời đại chúng ta sống quá nhanh, bị nhiều thứ chi phối, từ đó mất khả năng hiểu về tâm hồn mình. Khi cuộc sống biến động và phải đối mặt với nỗi đau, sinh-lão-bệnh-tử, tổn thương tinh thần, ta trở nên mỏng manh hơn. Thay vì chấp nhận và đi tiếp, chúng ta tìm đến những thức-ăn-nhanh-tinh-thần nhiều hơn, từ mối quan hệ chóng vánh, công nghệ, đến ảo tưởng công nghệ.
Biến thể của cô đơn viết về những con người như vậy. Họ đào xới khắp nơi nhằm tìm kiếm thuốc cho tinh thần mà không nhận ra chỉ họ mới là người chữa lành chính mình.
Bên cạnh đó, Biến thể của cô đơn có tên ban đầu là f(x), là hàm số bất định. Nó thể hiện mối quan hệ của Vũ trụ - Con người - Trí tuệ nhân tạo. Trong vài nhịp phát triển, công nghệ tưởng chừng đã nắm hết con người. Tuy nhiên, đó chỉ là ngộ nhận, bởi con người là sinh vật sống phức tạp.
Tương tự, trong vài khoảnh khắc, con người tưởng chừng nắm vững và thay đổi quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, đó cũng là mơ ước viển vông. Dù thông minh thế nào thì chúng ta cũng phải chịu luật vũ trụ - vốn là thứ mạnh mẽ, khó lường.

2. Tập truyện mới nhất của anh có gì thay đổi hay khác biệt với những sáng tác trước đó?
Sau Văn học tuổi 20, tôi thường hay nhớ về giai đoạn mới chập chững sáng tác. Tôi từng yêu thích thể loại trinh thám, tâm lý-giật gân, viễn tưởng. Tôi cũng nhớ cá tính nổi loạn của mình khi xưa, cả niềm đam mê được khám phá chủ đề bạo lực và chấn thương ấu thơ qua văn chương.
Biến thể của cô đơn giống như một cuộc trở về với những gì tôi yêu thích cách đây 10 năm. Chỉ là khi 20 tuổi, tôi không thể xử lý tốt các yếu tố nhạy cảm. Ở thời điểm hiện tại, tôi bình tĩnh và tự tin hơn.

Hãy cùng đặt nhiều câu hỏi hơn cho tác giả Yang Phan trong buổi giao lưu sáng ngày 31/3 nhé!


30/03/2024

Tìm đến NƠI KHÔNG CÓ TUYẾT thơ mộng cùng nhà văn trẻ HUỲNH TRỌNG KHANG
NƠI KHÔNG CÓ TUYẾT là câu chuyện giàu chất thơ về một cậu bé ở xứ nhiệt đới mang giấc mơ chinh phục Hy Mã Lạp Sơn tuyết trắng. Khi lớn lên, cậu có cuộc hội ngộ lạ lùng với một bông tuyết đã du hành rất lâu trên Trái đất này và nghe bông tuyết kể lại bao nhiêu buồn vui cõi người...
Nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang chia sẻ về cảm hứng sáng tác cuốn sách, về những điều anh gửi gắm trong tác phẩm và đọc một trích đoạn cho bạn đọc.

Tác giả PHÁT DƯƠNG và những chia sẻ về "2 NGƯỜI TRONG MỘT NGĂN TỦ"1. Điều gì đã truyền cảm hứng để anh viết nên cuốn sác...
30/03/2024

Tác giả PHÁT DƯƠNG và những chia sẻ về "2 NGƯỜI TRONG MỘT NGĂN TỦ"
1. Điều gì đã truyền cảm hứng để anh viết nên cuốn sách “2 người trong 1 ngăn tủ”?
Tôi nghĩ cảm hứng như một vụ nổ mà trước đó tôi mồi bằng phim ảnh. Tôi thích coi những bộ phim đậm đặc yếu tố tưởng tượng, vừa để thưởng thức vừa để học hỏi. Tiếp đó là mong muốn làm khác đi những gì đã làm. Cộng thêm những ý tưởng tự do, cùng vài lời động viên của bạn bè. Thế là tôi không tự neo mình lại nữa, tôi để mình bay lên. Tôi trò chuyện với những giấc mơ, phi thuyền, quái vật và cả những thành tựu khoa học kỹ thuật. Tôi cũng hòa nhập vào những dòng chảy hiện tại: tâm linh, trí thông minh nhân tạo, những vấn đề hiện sinh... Và “bùm”, cảm hứng nổ tung, tôi bắt tay vào viết. Thật ra tôi luôn thích thế giới của trí tưởng tượng, nơi những sự huyền bí và các tiên đoán về tương lai xuất hiện. Tôi nghĩ đã đến thời điểm tôi tạo ra điều gì đó rồi.

2. Truyện ngắn anh tâm đắc nhất trong cuốn sách là truyện nào? Vì sao?
Mỗi truyện tôi thích ở một khía cạnh khác nhau, khó mà so sánh được. Tôi có thể chọn ra vài truyện, ví dụ như “2 người trong 1 ngăn tủ” gây khó cho tôi khi phải tả bối cảnh hoàn toàn xa lạ và có quá nhiều thoại ẩn ý; “Mọt” và “Ai đang ở trong phòng của tôi” mang một phần “tôi” khá lớn… Nhưng thích nhất hẳn là “Khách sạn trên lưng mèo”, tôi cảm thấy nó tròn trịa và hoàn chỉnh nhất, cả hình thức và thông điệp. Còn ấn tượng nhất thì là “Mặt nạ” một truyện ngắn tôi đã viết dang dở từ khi mới bắt đầu tập tành viết lách, được tôi gọt dũa trở lại (như một cách thừa nhận và tin hơn vào bản thân). “Mặt nạ” đánh dấu một Phát Dương dám cởi bớt mặt nạ, thật lạ phải không, đó là thứ tôi muốn gửi gắm: ta phải là ta trước khi chấp nhận người khác, trước cả khi mong muốn người khác trân trọng mình.

Đến với buổi trò chuyện, độc giả sẽ được nghe nhiều điều hơn về tác giả Phát Dương, các tác phẩm của anh và hành trình sáng tác đầy ý nghĩa.

Address

161B Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3
Ho Chi Minh City

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Văn học tuổi 20 posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Contact The Business

Send a message to Văn học tuổi 20:

Videos

Share

Nearby media companies


Other Media/News Companies in Ho Chi Minh City

Show All