![MÓN TẾT NHỮNG NGÀY THÁNG CHẠPĐã thấy cá, tôm, củ kiệu nằm phơi mặt uống nắng dọc xóm kinh. Ở một vài khoảng sân, rất khó...](https://img3.medioq.com/639/240/1024299906392403.jpg)
17/01/2025
MÓN TẾT NHỮNG NGÀY THÁNG CHẠP
Đã thấy cá, tôm, củ kiệu nằm phơi mặt uống nắng dọc xóm kinh. Ở một vài khoảng sân, rất khó phân biệt vàng của nắng và của những con ong lặc lè say mật chuối phơi giàn. Chuối xiêm chín cây ép miếng bằng bàn tay, tươm mật cũng vàng không sao tách bạch nổi. Cắn một miếng chuối, nghĩa là nắng đang lịm nơi đầu lưỡi. Nhưng xóm vắng. Tháng Chạp ở kinh Đơn như vẫn đang thiếu gì đó, để thành một mùa hội thật sự.
Bạn kể hồi xưa có lần tới xóm ở hai ngày, cũng ngay mùa Chạp. Xóm vui lắm, cảm giác như đang ở trong một lễ hội tưng bừng. Đàn ông tính chuyện tát đìa kiếm cá se khô, làm mắm, rọng trong lu một mớ để mấy ngày Tết nướng trui nhậu chơi. Mấy chị đổi cho nhau thứ nếp ngon nhất gói bánh tét, quết bánh phồng. Trong những câu chuyện bên sân lúa đang phơi, lúc gặp nhau dưới bến, luôn xoay quanh chủ đề cái hội lớn sắp tới, xào nếp cho bánh dẻo hay ngâm với nước tro, miếng mứt gừng làm sao trong vắt mà vẫn cay, cách nào giữ mắm ong non không bị chua nhanh, sắm quần áo cho tụi nhỏ ở đâu thì rẻ đẹp. Không khí cái lễ hội mà dân Việt gọi là Tết đó, tràn ra cả cây cỏ ngoài vườn. Không biết tới cuối Chạp mai có kịp trổ bông không, bưởi đã kịp ngọt chưa, buồng chuối nào chín cây để làm nhưn bánh.
Món Tết đang bày ngoài sân, chỉ người chưa về. Hỏi một ông già đang trở chuối khô, chắc con cháu đông nên món Tết đầy giàn phơi. Ông nhìn theo khói thuốc phà ra từ mũi mình, nói tụi nó mấy Tết nay không về đủ, nghe đâu làm mấy ngày đó sẽ được trả lương gấp đôi gấp ba. Nhưng đầu Chạp thì vợ chồng ông cứ chuẩn bị món này món nọ, tụi nhỏ không về thì đóng thùng gởi xe đò đi. Cách nào thì Tết cũng đến với những người xa, những người vì mưu sinh đã không còn thiết gì đến tết.
Trích từ truyện “Kinh Đơn mùa Chạp” trong quyển sách “Hành lý hư vô” của Nguyễn Ngọc Tư