Bộ môn Dược liệu - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

Bộ môn Dược liệu - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh Đây là fanpage chính thức của Bộ môn Dược liệu, khoa Dược, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

Có thể bạn đã biếtTheo thống kê "Tiếp cận các nguồn gen và chia sẻ lợi ích" (của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới - ...
03/09/2023

Có thể bạn đã biết

Theo thống kê "Tiếp cận các nguồn gen và chia sẻ lợi ích" (của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới - IUCN), thì tại Việt Nam hiện có gần 12.000 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc hơn 2.256 chi, 305 họ (chiếm 4% tổng số loài, 15% tổng số chi, 57% tổng số họ thực vật trên thế giới); 69 loài thực vật hạt trần; 12.000 loài thực vật hạt kín; 2.200 loài nấm; 2.176 loài tảo; 481 loài rêu; 368 loài vi khuẩn lam; 691 loài dương xỉ và 100 loài khác. Trong đó có 50% số loài thực vật bậc cao là các loài có tính chất bản địa, các loài di cư từ Hymalia-Vân Nam-Quý Châu xuống chiếm 10%, các loài di cư từ Ấn Độ-Myanma sang chiếm 14%, các loài từ Indonesia-Malaysia di cư lên chiếm 15%, còn lại là các loài có nguồn gốc hàn đới và nhiệt đới khác.

- Khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam – Nam Trung Hoa bao gồm họ Thiên thảo (Rubiaceae), Thầu Dầu (Euphorbiaceae) , họ Re (Lauraceae), họ Dẻ (Fagaceae), họ Dâu Tằm (Moraceae), họ Cam (Rutaceae), họ Lan (Orchidaceae), họ Đậu (Fabaceae), họ Thị (Ebenaceae), họ Bồ hòn (Sapindaceae), họ Xoan (Meliaceae), họ Xoài (Anacardiaceae),... Nhóm này phong phú hơn cả. Tuy nhiên vì khác biệt về địa hình, khí hậu, thủy văn và thổ nhưỡng nên hệ thực vật bản địa Việt Nam từ Bắc xuống Nam rất đa dạng với nhiều thảm thực vật khác nhau.

- Từ phía Tây Bắc xuống : Là luồng thực vật á nhiệt đới và ôn đới của khu hệ thực vật Himalaya - Vân Nam - Quý Châu với các họ đặc trưng như Họ Re (Lauraceae), họ Dẻ (Fagaceae), họ Kim giao (Podocarpaceae), họ Gấm (Gnetaceae), họ Chè (Theraceae), họ Tích (Aceraceae), họ Đỗ quyên (Ericaceae),... Hầu hết loài cây trong các họ này là cây lá rộng thường xanh có nguồn gốc của hệ thực vật á nhiệt đới và ôn đới.

- Từ phía Nam lên: Là luồng thực vật có quan hệ gần gũi với khu hệ thực vật Malaysia - Indonesia với đặc trưng cây họ Dầu (Dipterocarpaceae). Những loài cây trong họ Dầu bao gồm cả những loài cây thường xanh và một số loài cây rụng lá để thích nghi với những vùng khô hạn, hình thành nên rừng thưa cây họ Dầu, điển hình là rừng khộp ở Đắc Lắc, Gia Lai, …

- Từ phía Tây và Tây Nam sang: Là luồng thực vật thân thuộc với khu hệ thực vật An Độ - Myanmar với các họ đặc trưng: Họ Tử vi (Lythraceae), họ Bàng (Combretaceae), họ Tung (Datiscaceae), họ Gòn (Bombacaceae), họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae),... Những họ này có hầu hết các loài cây rụng lá trong mùa khô, hình thành các kiểu rừng kín nửa rụng lá và rựng lá ở việt Nam.

- Một số loài được di thực bởi con người như: cao su thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), cà phê thuộc họ Thiên thảo (Rubiaceae) hoặc một số loài được trồng để cho hoa, làm cảnh. Một số trường hợp đến từ rất xa như Dưa hấu họ Bầu bí có nguồn gốc từ Tây Phi.

Trong số đó, các loài dùng làm thuốc theo y văn không ngừng tăng lên theo thời gian. Thiền Sư Tuệ Tĩnh với bộ “Nam Dược Thần Hiệu" viết về 499 vị thuốc Nam, trong đó có 241 vị thuốc có nguồn gốc từ thực vật. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với bộ “Lĩnh Nam Bản Thảo” gồm 2 quyển, quyển thượng chép 496 kế thừa của Tuệ Tĩnh, quyển hạ ghi 305 vị bổ sung về công dụng hoặc mới phát hiện thêm.

Thời kỳ Pháp thuộc, các nhà thực vật học Phương Tây đã thống kê trên toàn Đông Dương có 1350 cây thuốc thuộc 160 họ thực vật khác nhau. Mãi đến khi miền Bắc được giải phóng (1954), Việt Nam mới có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc sưu tầm, nghiên cứu nguồn tài nguyên cây thuốc.

Năm 1996, Thầy Võ Văn Chi đã công bố hệ thực vật làm thuốc ở Việt Nam có 3.200 loài (kể cả nấm). Đến năm 2005, Viện Dược Liệu ghi nhận được ở Việt Nam có hơn 3.984 loài làm thuốc thuộc 307 họ của 9 ngành và nhóm thực vật bậc cao, thực vật bậc thấp và Nấm; trong đó gần 90% là cây thuốc mọc tự nhiên, tập trung chủ yếu trong các quần xã rừng, chỉ 10% là được trồng. Mới nhất, theo sách “Từ điển cây thuốc Việt Nam” của Thầy Võ Văn Chi (2012) thì số lượng loài thực vật được dùng làm thuốc là 4.700. Tuy nhiên, cần lưu ý là đối với một số vị thuốc có nguồn gốc ôn đới và hàn đới thì nguồn cung cấp chính vẫn là nhập khẩu.

Nguồn tài liệu tham khảo:
1. Trung tâm dữ liệu Thực vật Việt Nam
2. Báo Sức khỏe và Đời sống

Vào tháng 5 năm 2023, bài báo của nhóm tác giả Wang và các cộng sự được đăng trên Nature Communication chỉ ra hợp chất l...
28/05/2023

Vào tháng 5 năm 2023, bài báo của nhóm tác giả Wang và các cộng sự được đăng trên Nature Communication chỉ ra hợp chất lục indocyanin ức chế STT3B có thể được sử dụng để giải độc tố α-amanitin trong các nấm độc. Các báo cáo cho thấy đa số các ca tử vong do ngộ độc nấm trên thế giới gây ra bởi độc tố từ các loài trong chi Amanita, đặc biệt là loài Amanita phalloides.

Lục indocyanin vốn là một chỉ thị màu có khả năng phát huỳnh quang, được sử dụng trong các xét nghiệm y khoa về tim, chức năng gan, dịch tiêu hóa, nhãn khoa và chụp tuần hoàn não. Hợp chất này ban đầu được ứng dụng như chất nhuộm màu trong nhiếp ảnh và đến năm 1957 được sử dụng tại Khoa Lâm Sàng Mayo, trước khi được FDA cấp phép sử dụng trong chẩn đoán chức năng gan và sau đó là tim.

Về mặt lý hóa, đây là một hợp chất thú vị vì nó hấp thụ trong vùng 600 nm - 900 nm và phát xạ trong vùng ánh sáng có bước sóng 750 nm - 960 nm, gần vùng hồng ngoại. Do khoảng trùng lấp rộng giữa hấp thụ và phát xạ nên lục indocyanin có thể hấp thụ lấy chính ánh sáng mà mình phát xạ. Cực đại hấp thu tùy thuộc vào dung môi hòa tan.

Nghiên cứu mới này có thể mở đường cho việc phát triển các thuốc giải độc đặc hiệu cho nhóm nấm trên.

Nguồn: https://www.nature.com/articles/s41467-023-37714-3

Ngày nay, nhu cầu sử dụng các gia vị tạo ngọt không hoặc ít calo trở nên phổ biến trên thế giới. Việc tiêu thụ thực phẩm...
23/04/2023

Ngày nay, nhu cầu sử dụng các gia vị tạo ngọt không hoặc ít calo trở nên phổ biến trên thế giới. Việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng với tần suất lớn trong các bữa ăn có thể góp phần gây nên một số bệnh chuyển hóa mãn tính như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì,… Có hai nhóm chất tạo ngọt chính được sử dụng:

- Chất tạo ngọt tổng hợp, thường là những hợp chất có độ ngọt rất cao, thường không làm tăng calo tiêu thụ. Do độ ngọt rất cao nên lượng sử dụng thường rất ít do đó nếu có chứa năng lượng thì việc sử dụng cũng ít làm tăng calo.

- Chất tạo ngọt có nguồn gốc tự nhiên: bên cạnh các loại đường phổ biến như đường trong trái cây, mật ong hay đường mía – chứa năng lượng thì vẫn có một số hợp chất khác, thường là các glycosid, tạo cảm giác ngọt nhưng lại không làm tăng năng lượng. Bên cạnh đó, còn có một số chất làm gia tăng cảm giác ngọt - ví dụ polyphenol của actisô, làm tăng vị ngọt của nước; hay làm điều chỉnh độ ngọt, ví dụ, miraculin trong quả thần kỳ có thể làm cho các hợp chất có tính chua ăn vào sau đó đều ngọt.

Điều gì làm nên vị ngọt của một hợp chất?

Các nghiên cứu về tính chất lý hóa liên quan đến độ ngọt là một quá trình phức tạp. Độ ngọt của một hợp chất không chỉ phụ thuộc vào cấu trúc hóa học mà còn liên quan đến tính tan (trong nước), pH môi trường (ảnh hưởng đến dạng tồn tại của các nhóm chức hóa học), nhiệt độ, độ bền của các chất,…Có thể xem xét sucrose – hợp chất rất phổ biến, khi hòa tan vào nước, độ ngọt giảm dần theo thời gian vì phân tử đường đôi này phân hủy thành glucose và fructose. Vị ngọt của fructose có thể đậm hơn nhưng cảm giác này biến mất nhanh sau đó. Độ ngọt thường được đánh giá lấy sucrose làm chuẩn, tức là 1. Tuy nhiên, các giá trị này có thể khác biệt tùy vào tài liệu hoặc cách tính toán. Một cách tính toán phổ biến là so sánh nồng độ dung dịch (theo khối lượng, hoặc mol). Ví dụ, giả sử dung dịch sucrose ở nồng độ thấp nhất cho cảm giác ngọt là 1%; một hợp chất X có ngưỡng ngọt ở 0,1% sẽ được xem như ngọt gấp 10 lần sucrose. Bên cạnh đó, bản chất hóa học khác nhau giữa các hợp chất đã tạo ra những vị ngọt khác nhau. Các đồng phân cũng cho những tính chất khác nhau, ví dụ D-asparagin có vị ngọt trong khi đồng phân L lại không.

Hiện nay, cơ chế ở cấp độ phân tử đã được nghiên cứu, theo đó, các nhà khoa học có thể đưa ra mô hình dự đoán độ ngọt của một hợp chất – tiền đề để tổng hợp dùng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Ở nhóm có nguồn gốc tự nhiên, chất tạo ngọt có thể được cung cấp dưới dạng chiết xuất toàn phần hoặc đã tinh chế. Chi phí là một vấn đề đáng quan tâm, do đó các dược liệu chứa hàm lượng chất tạo ngọt đủ cao mới khả dĩ để sử dụng ở quy mô rộng. Ngoài ra các hợp chất này cũng có thể được sản xuất từ nguồn khác, ví dụ lên men, hoặc làm nguyên liệu để bán tổng hợp.

Theo tiếng Latin, dulcis có nghĩa là ngọt, do đó, một số hợp chất hoặc loài thực vật có sử dụng gốc từ dulci- này.

Dưới đây là một số chất tạo ngọt có nguồn gốc từ thực vật.

Trong hạt của cây Cải mù tạt trắng, Sinapis alba, tức dược liệu Bạch giới tử (Semen Sinapis albae) có chứa  sinalbin thu...
22/04/2023

Trong hạt của cây Cải mù tạt trắng, Sinapis alba, tức dược liệu Bạch giới tử (Semen Sinapis albae) có chứa sinalbin thuộc nhóm các hợp chất glucosinolat thường có trong các gia vị cay như mù tạt. Sinalbin bị thủy phân bởi enzym myrosinase để tạo thành dầu mù tạt là 4-hydroxybenzyl isothiocyanat – một chất có màu vàng, vị cay nóng, gây đỏ hay phồng da.

Ở một loài thực vật khác cùng họ Cải, Brassica nigra (tên trước đây Sinapis nigra), một glucosinolat có trong hạt là sinigrin được enzyn myrosinase chuyển thành allyl-isothiocyanat khi bị tổn thương hoặc nghiền. Hợp chất không màu allyl-isothiocyanat là thành phần chính có trong dầu mù tạt đen. Sinigrin cũng có mặt trong một số loài khác họ Cải như Bông cải xanh, Bắp cải...

Vị cay của mù tạt trắng ít nồng hơn mù tạt đen bởi 4-hydroxybenzyl isothiocyanat kém bền và nhanh chóng bị phân hủy thành các hợp chất không cay là 4-hydroxybenzyl alcol và ion thiocyanat.

Sự phân biệt mù tạt trắng và mù tạt đen có thể đến từ màu sắc hạt của hai loài cây trên.

Xem thêm về dược liệu Bạch giới tử: https://mplant.ump.edu.vn/index.php/bach-gioi-tu-sinapis-alba-brassicaceae/

Vừa rồi có bạn nhắn tin cho Trang hỏi về cách định tính saponin trong Thiên môn đông và Mạch môn đông, hai dược liệu thư...
07/02/2023

Vừa rồi có bạn nhắn tin cho Trang hỏi về cách định tính saponin trong Thiên môn đông và Mạch môn đông, hai dược liệu thường được sử dụng để trị ho trong y học cổ truyền. Xin trả lời bạn như sau:

Đầu tiên, để làm rõ thêm vấn đề, cũng như bất cứ việc nghiên cứu, phân tích một nhóm hợp chất bất kỳ trong dược liệu, chúng ta cần tự đặt cho mình các câu hỏi như sau:

- Mục đích của việc phân tích: để kiểm nghiệm hay nghiên cứu, tìm hiểu. Nếu là kiểm nghiệm thì dược liệu của chúng ta ở dạng gì: đối với nguyên liệu thì là dạng tươi, thu hái tại hiện trường hay dạng khô mua trên thị trường (xác định nhầm lẫn, giả mạo), đối với thành phẩm thì đó là thuốc bột, viên nang, cao lỏng,...ví dụ trong trường hợp của bạn ấy có thể là Thiên môn bổ phổi chẳng hạn. Nếu là để nghiên cứu thì đây là loài đã được nghiên cứu chưa để tìm trong tài liệu, nghiên cứu động thái tích lũy theo thời gian thu hái, địa điểm thu hái, giống nuôi trồng hay tìm một hợp chất mới,...

- Điều kiện của phòng thí nghiệm: thí nghiệm tại hiện trường (ngay tại điểm thu hái) thì cần phương pháp nhanh, đơn giản; phòng thí nghiệm có sẵn các trang thiết bị, thuốc thử nào: kính hiển vi, thuốc thử phản ứng hóa học, bản mỏng, hệ thống sắc ký lỏng,...để lựa chọn phương pháp phù hợp.

- Đối tượng phân tích: đây là dược liệu mới hay dược liệu đã được nghiên cứu nhiều về thành phần cần xác định (ví dụ trong trường hợp đó đã là một dược liệu được nghiên cứu nhiều về alkaloid chẳng hạn nhưng nếu chúng ta muốn chuyển hướng sang nghiên cứu về saponin thì cũng gọi là mới). Nếu là dược liệu đã được nghiên cứu nhiều, trong trường hợp này là Thiên môn đông (Asparagus cochinchinensis) và Mạch môn đông (Ophiopogon japonicus) thì đầu tiên ta nên tra trong dược điển các nước, sau đó đến các tài liệu sách vở, bài báo nghiên cứu, giáo trình của Thầy, Cô. Nhóm hợp chất mong muốn định tính là gì: flavonoid, alkaloid, saponin,... Các hợp chất trong dược liệu đó có mang đặc điểm chung với nhóm hợp chất của mình hay đặc biệt (ví dụ, một số alkaloid lại mang tính acid) để lựa chọn phương pháp định tính phù hợp.

Từ những vấn đề đã được làm rõ trên, chúng ta chọn phương pháp chiết phù hợp, ví dụ đối với saponin thì sử dụng cồn 70%, hoặc chiết cao cồn toàn phần, sau đó thêm nước, lắc phân bố với các dung môi có độ phân cực khác nhau, chọn phân đoạn n-butanol để định tính, hoặc thủy phân cao cồn toàn phần, thêm nước lắc phân bố với cloroform để thu được phần aglycon. Sau đó, tùy vào các yêu cầu đã đặt ra và điều kiện phòng thí nghiệm mà chọn phương pháp định tính phù hợp. Đối với dược liệu, ngay cả việc quan sát cảm quan cũng giúp ích rất nhiều trong việc nhận diện, đánh giá. Chúng ta có thể loại trừ ngay các dược liệu bị nhầm lẫn giả mạo. Tuy nhiên, để biết được một dược liệu có bị chiết hết hoạt chất hay chưa thì có thể làm thêm các phép thử: chất chiết được trong dược liệu hay định tính với sắc ký lớp mỏng.

Đối với yêu cầu định tính saponin, Mạch môn đông có trong chuyên luận Dược Điển Việt Nam V với phần định tính bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng, chúng ta có thể tham khảo. Tuy nhiên, việc định tính này yêu cầu phải có dược liệu chuẩn hoặc chuẩn chất đánh dấu. Mặc dù trong chuyên luận dược điển không đề cập trực tiếp nhóm hợp chất được định tính nhưng chúng ta có thể suy luận thông qua chuẩn chất đánh dấu (trong trường hợp này là ophiopogonin D), hệ dung môi khai triển, phương pháp phát hiện hoặc cách chiết dược liệu. Dược Điển Trung Quốc 2015 và Dược Điển Châu Âu 10.0 cũng định tính Mạch môn đông bằng sắc ký lớp mỏng nhưng đối tượng là nhóm hợp chất khác (β-sitosterol, methylophiopogonanon A,...).

- Để trả lời câu hỏi tương tự cho Thiên môn đông, chúng ta có thể tham khảo chuyên luận Thiên môn đông trong Dược Điển Nhật 18, phần định tính bằng sắc ký lớp mỏng có mô tả về Rf, màu sắc các vết hiện sau khi làm phản ứng với thuốc thử.

Xin trân trọng cám ơn các đóng góp, góp ý, câu hỏi được gửi đến Trang!
P/S: Xin đính chính Trang mang nghĩa Page, không phải tên riêng.

Chào xuân Quý Mão.Chào Trường DượcĐón Tết con MèoĐón Thành công.Hội xuân Khoa Dược  #2023.Mâm ngũ quả của BM Dược liệu.
06/01/2023

Chào xuân Quý Mão.
Chào Trường Dược
Đón Tết con Mèo
Đón Thành công.

Hội xuân Khoa Dược #2023.
Mâm ngũ quả của BM Dược liệu.

Tết Nguyên đán sắp đến, hãy cùng tìm hiểu về tên khoa học của một số loại hạt thường được sử dụng.
02/01/2023

Tết Nguyên đán sắp đến, hãy cùng tìm hiểu về tên khoa học của một số loại hạt thường được sử dụng.

LidocainVào thập niên 1930, nhà khoa học Hans von Euler, người đạt giải Nobel Hóa học năm 1929 cho công trình về lên men...
17/12/2022

Lidocain

Vào thập niên 1930, nhà khoa học Hans von Euler, người đạt giải Nobel Hóa học năm 1929 cho công trình về lên men, mong muốn nghiên cứu mối liên hệ của enzym, gen và cơ chế thật sự của di truyền ở cấp độ phân tử. Nhóm nghiên cứu của ông trong lúc tìm hiểu sự khác biệt giữa lúa mạch thông thường và giống bị đột biến về khả năng kháng sâu bệnh đã phân lập được một hợp chất alkaloid khung indol và đặt tên cho nó là gramin, dựa theo tên họ Gramineae (ngày nay là họ Poaceae).

Tại phòng thí nghiệm của Euler và Chelpin, Tiến sĩ Holger Erdtman đã thực hiện việc tổng hợp một số hợp chất, trong đó có một chất là đồng phân của gramin, và đặt tên cho nó là isogramin. Ông thậm chí đã nếm hợp chất này và cảm thấy khả năng gây tê của nó, đặc tính không có ở gramin. Erdtman cùng với học trò của mình là nhà hóa học trẻ tuổi Nils Löfgren đã tiếp tục việc tổng hợp các hợp chất tương tự nhưng không tìm thấy hợp chất nào có dược tính có thể so sánh với procain, một hợp chất gây tê điển hình ở thời điểm đó. Tuy nhiên, tác dụng gây tê của procain cũng khá ngắn. Tất cả công việc tổng hợp được thực hiện tại phòng thí nghiệm Euler - Chelpin, nơi sau đó được tiếp quản bởi người con của Euler là Ulf von Euler, người đạt giải Nobel 1970 cho khám phá noradrenalin và prostaglandin. Chuỗi các nghiên cứu tổng hợp nằm trong một kế hoạch mang tính hệ thống tìm ra thuốc gây tê của các nhà khoa học tại Thụy Điển. Erdtman đã rời khỏi nhóm nghiên cứu vào năm 1939 để đi dạy và về sau dù trở về nhưng không còn tham gia vào hướng nghiên cứu này nữa.

Một nhóm nghiên cứu khác (Orechoff và Norkina) tại Nga vào năm 1935 đã phân lập được một alkaloid từ loài Sậy núi Arundo donax và đặt tên là donaxin. Việc phân lập bắt nguồn từ lý do họ quan sát thấy lạc đà không ăn loài Sậy núi này. Tuy nhiên, nhóm không tiếp tục nghiên cứu theo hướng dược lý gây tê. Thú vị thay, donaxin chính là gramin.

Trở lại với Löfgren, vài năm sau ông tiếp tục công việc nghiên cứu tổng hợp chất gây tê và đặt tên cho một hợp chất là LL30, với ý nghĩa LL là tên của ông và người trợ lý Lundqvist - đã trực tiếp thử nghiệm tác dụng của LL30 trên chính mình và đánh giá khả năng gây tê kéo dài hơn procain. Đó là vào khoảng đầu năm 1943. Thực ra trong số 16 hợp chất được tổng hợp trước đó khi còn Erdtman có một hợp chất khá giống với lidocain, thiếu mất một nhóm thế methyl trên vòng thơm. Một số nghiên cứu dược lý được thực hiện mang lại tín hiệu khả quan. Công việc phát triển sau đó được bộ đôi chuyển giao sang Astra, và LL30 được đặt tên là Xylocain, với tiền tố Xylo đặt theo nguyên liệu ban đầu m-xylidin. Thuốc sau đó được đăng ký bằng sáng chế, thử nghiệm lâm sàng, và cấp phép sử dụng tại Hoa Kỳ vào năm 1948. Ngày nay, xylocain, hay lidocain, lignocain vẫn được sử dụng nhờ vào khả năng gây tê nhanh, tác dụng mạnh, kéo dài và có thể kết hợp với adrenalin trong một số trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, lidocain chỉ được sử dụng khi chỉ định.

Tài liệu tham khảo:
Holmdahl MH. Xylocain (lidocaine, lignocaine), its discovery and Gordh’s contribution to its clinical use. Acta Anaesthesiologica Scandinavica Supplementum. 1998;113:8-12. doi:10.1111/j.1399-6576.1998.tb04979.x
Gordh T, Gordh TE, Lindqvist K. Lidocaine: The Origin of a Modern Local Anesthetic. Anesthesiology: The Journal of the American Society of Anesthesiologists. 2010;113(6):1433-1437. doi:10.1097/ALN.0b013e3181fcef48
Wildsmith JAW, Jansson JR. From co***ne to lidocaine. European Journal of Anaesthesiology. 2015;32(3):143-146. doi:10.1097/eja.0000000000000168

Phân biệt các vị thuốc trong họ Hoa hồng: Táo g*i, Sơn tra và Táo mèo.Theo đó, cây Sơn tra, hay Chua chát (Malus doumeri...
15/12/2022

Phân biệt các vị thuốc trong họ Hoa hồng: Táo g*i, Sơn tra và Táo mèo.

Theo đó, cây Sơn tra, hay Chua chát (Malus doumeri, tên gọi trước đây Docynia doumeri): Phiến lá hình bầu dục hoặc hình mác thuôn. Cụm hoa hình tán ở nách lá. Quả tròn, hơi dẹt giống quả táo tây; hạt màu nâu sẫm.

Táo mèo (Docynia indica): Lá non mép có răng cưa; lá trưởng thành hình bầu dục, mép nguyên hoặc hơi khía răng. Hoa hợp từ 1 – 3 hoa. Quả hình cầu thuôn, khi chín màu vàng lục.

Táo g*i, Bắc Sơn tra, hay Sơn tra Trung Hoa (Crataegus pinnatifida): Lá dài 5 - 10 cm, rộng 4 - 7 cm, có 3 - 5 thùy, mép có răng cưa, mặt dưới dọc theo các gân có lông mịn, cuống lá dài 2 - 6 cm. Hoa mẫu 5, họp thành tán. Đài có lông mịn, cánh hoa màu trắng, 20 nhị. Quả hình cầu, đường kính 1,0 – 1,5 cm, khi chín có màu đỏ thắm.

Nam Sơn tra (Crataegus cuneara): Lá mọc so le, phiến lá hình trứng nhọn. Hoa tự thành tán, có 4-5 hoa màu trắng, 5 lá đài, 5 cánh hoa, bầu có 5 tâm bì. Quả thịt, hình cầu, đường kính 1,5 - 3 cm, có khi to hơn, trên chòm còn vết của đài sót lại. Mọc hoang ở vùng núi cao phía Bắc như dãy Hoàng Liên Sơn.

Ngoài ra, theo Dược Điển Châu Âu, một số loài được gọi là Hawthorn bao gồm: Crataegus monogyna, C. laevigata cùng một số loài lai giữa chúng và một số loài thuộc chi Crataegus hiếm gặp khác. Quả và lá của các loài cây này là hai dược diệu giàu nhóm hợp chất phenol. Theo một số tài liệu nghiên cứu, có thể sử dụng sắc ký lớp mỏng để đánh giá sự khác nhau về thành phần các hợp chất trong những loài này. Quả giả của C. monogyna hình trứng hoặc hình cầu, thường dài 6 - 10 mm và rộng 4 - 8 mm, màu nâu đỏ hoặc đỏ thẫm. Bề mặt bị rỗ hoặc hiếm hơn là có dạng lưới. Đầu trên của quả được bao phủ bởi phần còn lại của 5 lá đài bao quanh một đĩa nhỏ trũng xuống với vành nông, nhô cao. Ở đầu dưới của quả có một cuống ngắn hoặc thường gặp hơn là một vết sẹo tròn, nhỏ, nhạt nơi cuống được gắn vào. Đế hoa dày lên bao quanh quả hình trứng màu nâu vàng với thành dày, cứng chứa một hạt duy nhất, thuôn dài, màu nâu nhạt, nhẵn bóng.
Quả giả của C. laevigata dài tới 13 mm. Nó chứa 2-3 quả hạch, dẹt ở bụng, có lông ngắn ở đỉnh.

Xem thêm: https://mplant.ump.edu.vn/index.php/son-tra-malus-doumeri-va-docynia-indica-rosaceae/

https://vietnamlife.tuoitrenews.vn/news/photo/20220318/docynia-indica-flowers-transform-northern-vietnam-into-white-paradise/66225.html

Reich, E., & Schibli, A. (Eds.). (2007). HPTLC Analysis of Raw Material. High-Performance Thin-Layer Chromatography for the Analysis of Medicinal Plants. doi:10.1055/b-0034-65240

Alkaloid và thuốc giãn phế quản.AtropinCác loài cây nhóm Bóng đêm (nightshade) thuộc họ Cà từ lâu đã được sử dụng trong ...
12/12/2022

Alkaloid và thuốc giãn phế quản.
Atropin

Các loài cây nhóm Bóng đêm (nightshade) thuộc họ Cà từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền. Có giai thoại kể rằng nữ hoàng Ai Cập Cleopatra đã dùng dịch chiết của một loài Hyoscyamus để làm giãn đồng tử, khiến mắt của mình trở thành long lanh hơn. Một số quý cô châu Âu trong kỷ trung đại cũng áp dụng phương pháp làm đẹp này, từ quả Cà belladon (Atropa belladonna) – loài cây có tên gọi deadly nightshade. Về phương diện y học cổ truyền, nhóm cây Bóng đêm thường được dùng để gây tê, kết hợp với nhựa thuốc phiện.
Mời các bạn đọc bài viết tại trang web Nhận thức dược liệu
https://mplant.ump.edu.vn/index.php/ipratropium-tu-alkaloid-tropan-den-thuoc-gian-phe-quan/

Christmas is coming ☃️☃️☃️☃️❄️❄️❄️
01/12/2022

Christmas is coming ☃️☃️☃️☃️❄️❄️❄️

Bên cạnh Tỏi độc (Colchicum autumnale), alkaloid có tác dụng chữa gout colchicin còn có thể được phân lập từ loài thực v...
19/11/2022

Bên cạnh Tỏi độc (Colchicum autumnale), alkaloid có tác dụng chữa gout colchicin còn có thể được phân lập từ loài thực vật cùng họ Colchicaceae là Ngót nghẻo (Gloriosa superba). Trong phần thân rễ phình lên của Ngót nghẻo có chứa colchicin và dạng glycosid của nó là colchicosid. Sản phẩm bán tổng hợp của colchicosid là thiocolchicosid đã được sử dụng trong y học như một thuốc giãn cơ. Tuy nhiên, do một số quan ngại về độc tính, hiện tại việc sử dụng thiocolchicosid chỉ giới hạn ở liều tối đa 8 mg mỗi 12 giờ và dùng không quá 7 ngày (đối với tiêm bắp là 4 mg mỗi 12 giờ và không quá 5 ngày). Trước đây, thiocolchicosid có thể được sử dụng cho bệnh Parkinson's tuy nhiên vì đây là một bệnh lý phải sử dụng thuốc lâu dài nên chỉ định này không còn phù hợp nữa.

Ngót nghẻo còn có tên: huệ lồng đèn, gia lan, lily lửa, lily chiến thắng (glory lily). Phân bố trong khu vực rừng, ở cao độ 900-1.300 m như ở miền nam Vân Nam, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Nepal, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam; nhiệt đới và miền nam châu Phi.

Tại Việt Nam, phân bố rộng rãi ở miền Trung nhất là vùng Tây Nguyên, thường mọc hoang dã nơi đồi núi ven bìa rừng. Độc tính của Ngót nghẻo rất cao có thể gây tử vong cho người và động vật nếu ăn phải. Trong cây còn chứa một alkaloid khác là gloriocin.

Từ lâu, rễ cây Nữ lang (Valerian officinalis) đã được sử dụng tại Châu Âu như một thảo dược gây ngủ/thôi miên, an thần, ...
11/11/2022

Từ lâu, rễ cây Nữ lang (Valerian officinalis) đã được sử dụng tại Châu Âu như một thảo dược gây ngủ/thôi miên, an thần, giải lo âu,... Trong cây có chứa acid valeric, một acid carboxylic mạch thẳng có 5C. Giống như hầu hết các acid có phân tử lượng thấp khác, acid valeric có mùi khó chịu như những chiếc tất bẩn. Vai trò chính của acid valeric là nguyên liệu để tổng hợp nên các ester có mùi hương dễ chịu được sử dụng trong hoá mỹ phẩm, nước hoa. Các dẫn xuất ethyl valeric và pentyl valeric thường được sử dụng làm phụ gia trong ngành thực phẩm do mang hương trái cây.

Vào năm 1882, khi nhà khoa học Beverly S. Burton trong quá trình tổng hợp các chất có cấu trúc tương tự acid valeric đã tạo ra acid valproic. Trong nhiều thập kỷ liên tiếp, nó chỉ đóng vai trò duy nhất là một dung môi "trơ về mặt chuyển hóa" cho các hợp chất hữu cơ trong phòng thí nghiệm. Phải đến năm 1962, người ta mới phát hiện ra acid valproic có tác dụng lâm sàng khi được sử dụng lần đầu tiên bởi Pierre Eymard ở Pháp như một chất chống co giật. Việc phát hiện này có thể được xem như một sự cố may mắn, vì nó đã được sử dụng trong phòng khám như một dung môi cho một loại thuốc khác đang được thử nghiệm chống co giật. Sau đó, người ta thấy rằng trên thực tế acid valproic đã cho tác dụng chống co giật, chứ không phải là hợp chất đang nghiên cứu kia.

Sau đó, acid valproic được sử dụng để điều trị chứng động kinh, tâm thần phân liệt, chứng đau nửa đầu và rối loạn lưỡng cực (thường kết hợp với lithium), bào chế dưới dạng natri valproat. Trong cơ thể muối này nhanh chóng phân ly thành acid valproic.

Tài liệu tham khảo:
1. Eid A, Richardson JR. Pharmacoepigenetics and Pharmacoepigenomics of Valproate in Neurodegenerative Disease. Pharmacoepigenetics. Published online 2019:801-816. doi:10.1016/b978-0-12-813939-4.00030-9
‌2. Goldberg I, Rokem JS. Organic and Fatty Acid Production, Microbial. Encyclopedia of Microbiology. Published online 2009:421-442. doi:10.1016/b978-012373944-5.00156-5

Ý nghĩa tên gọi một số vị thuốc từ dược liệuViệc đặt tên dược liệu có thể xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau: hình t...
06/11/2022

Ý nghĩa tên gọi một số vị thuốc từ dược liệu
Việc đặt tên dược liệu có thể xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau: hình thái đặc điểm của loài thực vật hoặc dược liệu sau khi sơ chế, chế biến; tác dụng trị liệu; đôi khi lại gắn liền với một câu chuyện hay địa danh nào đó. Bên cạnh đó, còn có một số vị thuốc từ động vật, khoáng vật. Hãy cũng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của chúng.

Đặt tên theo hình thái
Đặt tên theo nguồn gốc thực vật
Đặt tên theo tính vị
Đặt tên theo công dụng
Đặt tên theo câu chuyện
Đặt tên theo đặc điểm sinh sống

Mời các bạn đọc bài chi tiết trên trang web Nhận thức dược liệu
https://mplant.ump.edu.vn/index.php/y-nghia-ten-goi-mot-so-vi-thuoc-tu-duoc-lieu/

Đi tìm loài cây kỳ diệu tồn tại từ hơn 2000 năm trước(nguồn: National Geographic)Từ trước khi Athens vươn lên đỉnh cao c...
01/11/2022

Đi tìm loài cây kỳ diệu tồn tại từ hơn 2000 năm trước
(nguồn: National Geographic)

Từ trước khi Athens vươn lên đỉnh cao của đế chế La Mã, một trong những loài cây được săn lùng nhiều nhất ở Địa Trung Hải có tên gọi silphion. Đối với các thầy thuốc cổ đại, dược liệu có hoa màu vàng này là một trong những phương thuốc chữa bệnh được đánh giá cao. Bên cạnh đó, đây còn là một gia vị sử dụng trong bữa ăn hàng ngày tại La Mã.

Nhưng chỉ bảy thế kỷ sau khi loài thực vật yêu thích lần đầu tiên được ghi nhận mọc dọc theo bờ biển Cyrenaica (ngày nay thuộc Libya), silphion đã biến mất khỏi Địa Trung Hải cổ đại. Nhà biên niên sử La Mã Pliny the Elder than thở trong cuốn Lịch sử tự nhiên vào thế kỷ thứ nhất Công nguyên, “Chỉ tìm thấy được một thân cây“ và nó đã được trao cho Hoàng đế Nero.”

Kể từ thời Trung cổ, các nhà khám phá thực vật lấy cảm hứng từ những câu chuyện cổ về loài cây đặc biệt này đã tìm kiếm nó trên ba lục địa, và không có kết quả. Nhiều nhà sử học xem sự biến mất của silphion là sự tuyệt chủng đầu tiên được ghi nhận của bất kỳ loài thực vật hoặc động vật nào, và là một câu chuyện cảnh tỉnh về việc khai thác quá mức của con người có thể xóa sổ bất kỳ một loài triệt để khỏi tự nhiên như thế nào.

Miski, nhà nghiên cứu dược liệu tại Đại học Istanbul, chuyên nghiên cứu về các loại thuốc có nguồn gốc tự nhiên, lần đầu tiên nhìn thấy loại cây hiện đại mà ông tin là silphion của người xưa khi đang nghiên cứu sau tiến sĩ cách đây 38 năm. Ông đã nhận được một khoản tài trợ để thu thập các mẫu vật của Ferula, một chi thực vật có hoa trong họ Hoa tán (Apiaceae) bao gồm cà rốt, thì là, ngò, rau má,...

Vào một ngày mùa xuân năm 1983, hai cậu trai đến từ một ngôi làng nhỏ ở Cappadocia dẫn Miski đi dọc theo con đường đất dựng đứng đến sườn núi Hasan, nơi gia đình họ trồng lúa mạch và đậu gà. Đằng sau những bức tường bằng đá thạch anh bảo vệ thực vật khỏi gia súc ăn cỏ, hai anh em cho Miski xem một số cây Ferula cao bất thường với thân dày chảy ra một loại nhựa có vị chát. Nghiên cứu của giáo sư cuối cùng tiết lộ rằng chỉ có một mẫu vật khác của loài thực vật này từng được thu thập — vào năm 1909 tại một địa điểm cách núi Hasan 150 dặm về phía đông — và sau đó được xác định là một loài mới: Ferula drudeana.

Linh cảm của Miski rằng Ferula drudeana sẽ được chứng minh là một mỏ vàng hóa học hóa ra là đúng: Các phân tích chiết xuất từ rễ đã xác định được 30 chất chuyển hóa thứ cấp. Trong số đó, nhiều hợp chất có đặc tính chống ung thư, ngừa thai và chống viêm, là shyobunone, hoạt động trên các thụ thể GABA của não và có thể góp phần tạo ra "mùi say" của thực vật. Miski tin rằng các phân tích trong tương lai về loài cây này sẽ cho thấy sự tồn tại của hàng chục hợp chất chưa được xác định đang được quan tâm trong y học.

“Bạn tìm thấy các chất hóa học tương tự trong hương thảo, actisô, cây xô thơm và galbanum, một loài Ferula khác,” giáo sư ngạc nhiên. "Nó giống như bạn kết hợp nửa tá cây thuốc quan trọng trong một loài duy nhất."

Trong khi các tiềm năng y học của loài cây này còn đang được nghiên cứu thì vào năm 2012, trong một chuyến thăm trở lại Núi Hasan, Miski mới bắt đầu suy ngẫm về những điểm tương đồng của nó với loài cây silphion mà ông đã đọc trong các văn bản cổ về thực vật học. Những thanh niên chăm sóc cây Ferula đã nói với giáo sư về việc cừu và dê thích gặm lá của nó, điều này khiến ông nhớ đến một mô tả trong Lịch sử tự nhiên của Pliny về những con cừu được vỗ béo bằng silphion. Miski cũng quan sát thấy rằng sau khi hút vào nhựa cây màu ngọc trai, các loài côn trùng bay bắt đầu hoạt động sinh sản, điều này khiến ông liên tưởng đến những truyền thuyết ca ngợi khả năng kích thích sinh lý của loài thực vật cổ đại.

Trong một bài báo năm 2021 được xuất bản trên tạp chí Plants, Miski đã mô tả những điểm tương đồng giữa silphion, được mô tả trong các văn bản cổ và trên đồng xu Cyrenaican (sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng nhất của khu vực) với Ferula drudeana: rễ dày, phân nhánh, tương tự như nhân sâm; các lá gốc kiểu lá kép; một cuống có rãnh vươn lên thành những cụm hoa hình tròn lộng lẫy; lá giống cần tây; và quả nứt, có hình trái tim ngược.

Sự giống nhau về hình thái không phải là liên kết hấp dẫn duy nhất. Silphion trong cổ văn được mô tả xuất hiện đột ngột sau một trận mưa lớn. Miski quan sát thấy rằng, khi mưa đến Cappadocia vào tháng 4, Ferula drudeana sẽ trồi lên khỏi mặt đất, cao lên đến 6 feet chỉ trong hơn một tháng.

Bởi vì silphion kháng lại việc trồng trọt, nó phải được thu hoạch trong tự nhiên, một nhiệm vụ mà các quý tộc Cyrenaic giao cho những người du mục sa mạc; hai nỗ lực (được báo cáo bởi Hippocrates) để đưa nó vào đất liền Hy Lạp đã thất bại. Miski cũng nhận thấy Ferula drudeana khó thuần hoá hoặc cấy ghép.

Kể từ đầu thế kỷ 19, ba loài đương đại đã được coi là ứng cử viên tiềm năng cho loài silphion đã mất từ ​​lâu. Thân và quả của Ferula tingitana, được gọi là thì là khổng lồ, giống với loài cây được mô tả trên đồng xu Cyrenaic và nhựa của nó được sử dụng làm thuốc dân gian ở Ma-rốc, nhưng hàm lượng amoniac cao của cây khiến nó hầu như không thể ăn được.

Cachrys ferulacea có quả hình trái tim và tạo ra một loại nhựa có mùi thơm quyến rũ, nhưng lá của nó không tương ứng với các mô tả cổ xưa; nó cũng là một loại cây phổ biến ở Ý và Hy Lạp, những nơi mà các nguồn cổ xưa rõ ràng là silphion đã không phát triển.

Margotia gummifera gần giống với những hình ảnh được mô tả trên đồng xu, nhưng phạm vi của loài thực vật - bao gồm tây bắc châu Phi và bán đảo Iberia - không phù hợp, thân của nó quá mỏng và một số nghiên cứu đã kết luận rằng nó không có giá trị dược học.

Mặc dù Ferula drudeana phù hợp với các mô tả cổ đại về thực vật silphion hơn bất kỳ loài nào khác được đề xuất, nhưng có một vấn đề: Các mô tả cổ xưa nhất trí rằng silphion tốt nhất chỉ đến từ một khu vực hẹp xung quanh thành phố Cyrene, nay là một khu định cư hiện của người Shahat ở Libya. Chân núi Hasan cách 800 dặm về phía đông bắc theo đường chim bay so với Địa Trung Hải. Khi Miski trình bày nghiên cứu của mình tại các hội nghị, ông nhấn mạnh thực tế là loài thực vật này đã được ghi nhận ở hai địa điểm ở Thổ Nhĩ Kỳ, cả hai đều có dân cư Hy Lạp sinh sống trải dài từ thời cổ đại.

Ata - một trong hai cậu bé, giờ đây đã lên chức ông, giải thích rằng gia đình ông đã chiếm hữu ngôi nhà vào khoảng thời gian sau vụ trục xuất người Hy Lạp khỏi khu vực năm 1923; trước đó, ngôi làng là nơi sinh sống của những người Hy Lạp Cappadocia, những người đã sinh sống tại các ngôi làng ở trung tâm Anatolia từ thời Alexander Đại đế. Miski suy đoán rằng 2.000 năm trước, một thương nhân hoặc nông dân Hy Lạp đã thử trồng hạt giống silphion đã được gửi đến anh ấy đến từ Bắc Phi.

“Bởi vì phải mất ít nhất mười năm để cây trưởng thành, họ có thể đã trồng nó, sau đó quên đi tất cả. Nhưng cái cây vẫn tiếp tục phát triển trong tự nhiên, và cuối cùng chỉ nằm trong một khu vực nhỏ hẹp này, ” ông nói. "Con cháu của những người nông dân ban đầu sẽ không biết nó là gì."

Erica Rowan, một phó giáo sư về cổ vật học tại Đại học Royal Holloway của London, nhận thấy những suy đoán của Miski là hợp lý. Rowan chỉ ra: “Người xưa rất giỏi trong việc vận chuyển đồ đạc. “Không có lý do gì mà những người từ Cyrenaica lại không thể mang hạt giống đến Cappadocia và trồng chúng. Chúng tương tự nhau, với khí hậu Địa Trung Hải. Và loài Ferula này trông giống như những gì được hiển thị trên đồng xu. "

Alain Touwaide, một nhà sử học chuyên nghiên cứu về các loài thực vật thời cổ đại, tỏ ra nghi ngờ hơn, và đặt câu hỏi về lý do rằng “đây là một thứ gì đó của Hy Lạp, bởi vì đã từng có người Hy Lạp ở đó”. Touwaide lập luận rằng nhóm của Miski sẽ đưa ra lập luận mạnh mẽ hơn bằng cách phân lập các hợp chất trong Ferula drudeana có tác dụng y học tương tự như silphion đã được đề cập trong cổ văn...
Bài viết lược dịch từ:
https://www.nationalgeographic.com/history/article/miracle-plant-eaten-extinction-2000-years-ago-silphion

Address

41-43 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1
Ho Chi Minh City

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Bộ môn Dược liệu - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Contact The Business

Send a message to Bộ môn Dược liệu - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh:

Videos

Share


Other News & Media Websites in Ho Chi Minh City

Show All