27/10/2021
“ Nước mắt nó chảy ra hai hàng luôn! Cô kêu nó: - Con chạy bỏ của đi con, chạy bỏ người đi con, chạy trốn đi. Nó không chịu chạy, thà chết với chủ chứ không bao giờ chạy đi hết!”
Đã hơn hai tuần kể từ cái này định mệnh ấy, cái ngày mà 15 chú chó nhỏ phải bỏ lại “ba mẹ” để rồi ra đi mãi mãi trên hành trình hồi hương. Nhưng tiếng khóc nức nở, giọng nói run run như đang vỡ tan ra vang lên ở đầu dây bên kia cuộc gọi với vợ chồng cô Em chú Hùng vẫn chưa bao giờ khiến ta thôi nghẹn đắng nơi cuống họng. Tôi tự hỏi: Giữa mùa dịch, người ta sẵn sàng dang rộng vòng tay để đùm bọc, sẻ chia cùng đồng loại nhưng lại lỡ đánh rơi lòng trắc ẩn với động vật ở đâu mất rồi?
Mới hôm trước, người ta vẫn còn kháo nhau về câu chuyện của một gia đình nọ, hai người lớn và 15 chú chó. Cả nhà họ dắt díu nhau từ Long An về lại Cà Mau để tránh dịch chỉ trên một chiếc xe máy cũ kỹ cùng một đống đồ đạc lỉnh kỉnh. Suốt chặng đường, mấy đứa nhỏ ngoan lắm, vâng lời theo sự sắp xếp của “ba mẹ”, đứa ôm nhau ngồi đằng trước, đứa bám phía sau, đứa bế trên tay mẹ, không hề ngo nghoe quậy phá cản trở tay lái. Khi tấp lại bên đường, chúng thân thiện khi được người dân xung quanh vuốt ve, chốc chốc lại vểnh tai nghe mọi người hỏi thăm bố mẹ mình. Có lẽ những đôi mắt tròn đen lay láy ấy sẽ chẳng bao giờ biết được chỉ ngày mai thôi, chúng sẽ không bao giờ được cùng ba mẹ đi một chuyến đi nào như thế nữa. Ngay ngày hôm sau 10/10, ai nấy đều bàng hoàng hay tin cả 15 đứa nhỏ đều đã bị thiêu hủy khi vừa về đến quê hương Cà Mau: “Những người gọi điện hỏi thăm thì tôi cũng chỉ nói chó bị thiêu hủy hết rồi… Đau lòng lắm.”
Tôi đã đọc nhiều bình luận cho rằng việc chính quyền Cà Mau quyết vội vã đưa ra quyết định thiêu hủy 15 chú chó là “man rợ”, “tàn bạo”, là ‘mất hết tính người”. Tôi không cho là vậy, bởi biết đâu khi chúng ta được bình an quây quần tránh dịch cùng gia đình thì những kẻ chúng ta gọi là “man rợ” ấy rời gia đình, xung phong vào tâm dịch để giúp những người trở về địa phương khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, khi chúng ta có một “kỳ nghỉ dài’ trong khu cách ly thì những kẻ “tàn bạo” ấy mang nhu yếu phẩm từ bên ngoài vào cho những người bên trong và khi chúng ta được yên giấc trong chăn ấm thì chính cái kẻ “mất hết tính người” đó đang vắt tay lên trán trằn trọc nghĩ xem làm cách nào để bảo vệ người dân khỏi bệnh dịch. Chỉ là họ thiếu đi sự thấu cảm với những người khác và lòng trắc ẩn với kẻ…không cùng giống loài. Có lẽ cũng bởi tâm lý “chống dịch như chống giặc” trong tình hình dịch tễ phức tạp, đặt an nguy của cộng đồng ở vị trí tối thượng đã để cho sự thiếu kiến thức và nỗi sợ hãi đến tột cùng che lấp đi lòng nhân ái bên trong họ.
Song dẫu dịch bệnh có đáng sợ bao nhiêu nhưng suy cho cùng thì “nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương” ( Maxim Gorky) và “ lòng trắc ẩn, cội nguồn của mọi đạo đức, chỉ có thể đặt được toàn bộ hơi thở và chiều sâu nếu nó ôm lấy tất cả sinh vật sống chứ không chỉ giới hạn ở loài người” ( Albert Schweitzer). Ngay cả động vật còn có tình yêu thương: Mười con cá heo có thể sẵn sàng cùng bơi xung quanh vân động viên Adam Walker trong chừng một canh giờ để bảo vệ anh khỏi con cá mập dài chừng 2 mét khi anh tham gia một cuộc bơi qua eo biển Cook ở New Zealand; chú chó Kabang khi chứng kiến con gái và cháu gái của chủ chân là ông Rudy Bunggal (Philippines) sắp sửa bị xe máy đâm có thể liều mình nhảy ra đường chặn xe máy lại, vụ tai nạn đã cướp đi mõm cũng như toàn bộ phần hàm trên của chú chó. Vậy thì tại sao chúng ta lại không thể dành một chút tình thương cho mạng sống chúng? Do dịch bệnh hay sao? Không, đừng đổ lỗi cho dịch bệnh. Dịch bệnh không ép con người hành xử thiếu đạo đức. Dịch bệnh không quyết định lòng người.
Chỉ có lòng yêu thương mới giúp đem chúng ta đến gần nhau hơn, mang lại cho con người niềm tin vào cuộc sống, tình yêu thương là vũ khí mạnh mẽ nhất để mỗi người chúng ta cùng nhau chiến đấu chống lại bệnh dịch. Cuộc chiến ấy cho đến giờ vẫn chưa chấm dứt, trong thời COVID-19, trang web của CDC vẫn khuyến cáo "hãy bảo vệ thú nuôi" chứ không phải là tiêu hủy chúng để bảo vệ mình. Bởi vậy ngày nào những người nắm trong tay quyền quyết định vẫn hành xử máy móc, không mảy may thông cảm cho người dân, không chút lòng trắc ẩn với động vật thì ngày đó sẽ lại có một cô gái trẻ ôm chú mèo thoi thóp trên tay: “- Nó yếu lắm rồi, con xin chú!” như cô gái ở Long An, vã vẫn sẽ còn đó một cặp vợ chồng già như cô Em chú Hùng ngồi rấm rứt giữa đêm: “Tôi đau lòng lắm, chỉ biết ngậm ngùi khóc thôi, vợ tôi cũng vậy”…
-Hotaru-
Ảnh: Irina Zhur