29/11/2024
300 CÂY SỐ BỎ HÀ NỘI THỦ ĐÔ - 5000 CUNG ĐƯỜNG VỀ HÀ GIANG LÀM BÁO
Mười hai ngày sau khi khi cuộc gọi kéo dài ngót 300km của tôi và Nguyễn Khánh Linh kết thúc, tôi “gặp lại” bạn lúc đầu óc đã thả lỏng hoàn toàn. Những câu hỏi về cái bạn làm đã tạm ngấm xuống thịt da, song lại toan trồi lên nức nở. Ấy là khi tôi lướt phải một cái video người ta quay bạn trong buổi đi tác nghiệp ở vị trí sạt lở.
Điểm sạt lở nằm ở quốc lộ 2, huyện Bắc Quang, cách trung tâm thành phố Hà Giang nhà bạn đâu đó chừng 55km. Google Maps bảo ngày quang mây tạnh như hôm nay, con đường xuyên núi sẽ mất khoảng gần 1 tiếng rưỡi. Nhưng vào cái hôm mưa xối, mọi lối vượt đèo đều úng bùn nhớp đặc quánh lốp xe, tôi không chắc bạn đã mất bao lâu để đến đây, và phương tiện đưa bạn đi là chiếc xe 4 bánh cơ quan, hay là con xe 2 bánh Dream đời 2 lẻ 2 gắn giỏ được truyền từ đời bố, động cơ chưa tới 100cc, lèo phèo sương gió.
Trong video, bạn mặc chiếc áo mưa bóng kính màu xanh, đi ủng xanh, quần mưa một bên nhét ủng, một bên đã rách làm đôi trùm ra ngoài thân ủng. Từ đùi trở xuống be bét bùn nâu dính trên áo mưa và ủng của bạn, chỗ ướt bóng lên, chỗ khô cáu lại. Bao nhiêu tóc tai của bạn bị mưa quật cho ướt sũng, bạn vuốt tạm bợ mỗi khi cọng rủ xuống mặt mày. Bạn đang ngồi bệt, tay rút liên hồi 3-4 tờ giấy khô trong bọc để lau thân chiếc máy ảnh - vũ khí ra trận của bạn, cũng dính mưa tê tái.
Anh Hoang Hong Thai, người quay lại hình ảnh của bạn lúc ấy, có chia sẻ:
“Cô bé phóng viên báo Hà Giang đang tác nghiệp tại vị trí sạt lở đất trên quốc lộ 2 tại huyện Bắc Quang. Ấn tượng với em ko phải tấm hình em ngồi lau máy ảnh của mình mà là mình thấy em từ đằng xa, đi ra từ bãi bùn lầy sạt lở, nơi mọi người đang tìm kiếm các nạn nhân còn lại ở dưới đống bùn lầy. Em lội bì bõm trong đống bùn non ngập đến tận đùi, lúc ấy e đã suýt ngã chũi xuống, may có bạn chiến sỹ bên cạnh đỡ được và dìu ra.
Đột nhiên mình lại thấy em hớt hải chạy 1 mạch đến chỗ các chiến sỹ bộ đội để cố chộp bằng được những người lính đang vận chuyển đồ để làm lều tạm cho người dân. Mình bị ấn tượng với cái tinh thần làm việc ấy trong thời tiết và hoàn cảnh như vậy thật sự rất đáng quý và trân trọng.
Này cô bé K38 học viện Báo chí và Tuyên truyền, hãy trân trọng và nâng niu đam mê của em nhé, như cái cách em đang chăm chút với cái máy ảnh của e vậy!”
—--
Tôi quen bạn đúng thời gian này 6 năm trước, đồng K38, dưới khoảng trời của Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Không như gương mặt lo lắng tái nhợt cả bờ môi vì mưa táp trong video, Nguyễn Khánh Linh mà tôi quen những năm Đại học luôn son đỏ hồng hào và nhoẻn cười vô tư lự. Bạn đã cầm máy ảnh đi chụp thế gian từ thời điểm này, mà để đỗ được vào chuyên ngành Báo Ảnh, hẳn bạn đã phải bắt đầu cầm máy từ khoảng thời gian lùi lại thêm vài năm nữa.
Báo chí chưa bao giờ là đích đến của Linh trong suốt 3-4 năm đầu xuống xuôi vào Đại học. Thậm chí khái niệm về ảnh báo chí cũng chỉ bảng lảng như một làn sương mù quấn quýt những đỉnh núi xa mà bạn có thể ngước lên từ đường đi học xưa. Bạn chỉ biết qua người anh đi trước rằng “Học Báo Ảnh vui”, được chụp đã tay, và không phải học Toán. Không chỉ bạn, mà tỉ lệ tốt nghiệp theo Báo ở lớp bạn cũng mong ma mong manh.
Bạn đỗ Báo Ảnh là một cái duyên đến bất ngờ vì Văn là gót chân Achilles của bạn. Bất ngờ đến thêm một lần vào khoảng 3 năm sau, khi bạn là một trong số ít những người có tên trong danh sách đủ điều kiện được làm sản phẩm tốt nghiệp. Đấy cũng chính là tia sáng đầu tiên lọt vào tâm hồn bạn mang theo bao reo vui về nghề báo, về những cái hay, cái đẹp của nghề đang khích bạn thử tiến đến mà làm nghề xem sao.
Tới lúc này, Nguyễn Khánh Linh vẫn chưa tin mình dám thử nghề phóng viên, bạn còn bận ngụp lặn trong thế giới thuần nhiếp ảnh, làm quen với các loại đèn điện, hắt sáng, phông bạt trong studio chụp ảnh, bao bọc bởi nhung lụa của ngành beauty, fashion. Nhưng càng ở lại lâu, Hà Nội càng bào cho thể chất và tinh thần của bạn xuống dốc.
Đây là lúc bạn bắt đầu nhớ Hà Giang, nhớ về cả lúc vỗ ngực tự hào mình có thể xa quê lập nghiệp lẫn lời tuyên bố thẳng thừng với ba mẹ - con không về Hà Giang làm báo. Nhưng càng nhớ về xứ hoa mọc trên đá ôm cung đường cheo leo, nhớ con sông Nho Quế biếc xanh lẫn màu váy áo bà con đỏ hồng vàng bích, thì bạn càng nhớ cả nhớ cả những câu chuyện về Hà Giang mà bạn được kể cho nghe bởi người ngoài chứ không phải từ chính trải nghiệm của bạn. Dòng suy nghĩ về nghề báo lẳn lên, hiển hiện trong tâm trí bạn.
“Anh chị em trong nghề dưới xuôi đi lên Hà Giang làm tin bài nhiều, đúng là vì Hà Giang có nhiều chất liệu để khai thác. Qua lời kể của họ, tôi nhận ra mình không biết gì nhiều về quê hương của mình để có thể phản biện hay đưa ý kiến. Từ văn hoá các dân tộc đến các lễ hội. Và điều đấy tự dưng khiến tôi bực.
Cái bực của tôi cộng dồn qua ngày khi tôi nhận ra, là tâm điểm du lịch, Hà Giang được bạn bè tôi kể nhiều trong các câu chuyện. Tôi bực vì bản thân sinh ra và lớn lên ở đây mà không biết nhiều về Hà Giang bằng người ngoài đến đây vài ngày khám phá.”
Thế là sau 5 năm gắn bó với thủ đô, Nguyễn Khánh Linh gói ghém trăn trở về Hà Giang vào vali, trả lại nhà thuê, thanh lý toàn bộ những dấu vết thủ đô không cần thiết. Bạn với một nửa dòng máu Nùng của mình, trở về quê hương nơi chôn rau cắt rốn, không chỉ để sống với nghề mà còn để kể lại một Hà Giang đậm hình hài nhất.
—--
Về đây, bạn phải tự túc vật lộn vào nghề. Tự túc phương tiện di chuyển, tự túc thiết bị ghi hình, tự túc cả một tinh thần thép để một thân một mình đi các huyện vùng cao tác nghiệp.
Đã bao giờ bạn độc hành băng qua những khúc đường quanh co, một bên là vực có khi khó nhìn điểm rơi, một bên là núi đá tai mèo sắc nhọn lởm chởm chưa? Với Khánh Linh, ấy là đường đi tác nghiệp quen thuộc.
Con đường tác nghiệp đáng nhớ nhất của bạn là đi làm ở Xín Mần - một huyện nằm ở biên giới Hà Giang, cách nhà bạn 150km. Khi làm đường, sẽ mất 10-12 tiếng để tới Xín Mần từ trung tâm Hà Giang; còn khi đường thông, thời gian cũng rơi vào 4-5 tiếng. Đường núi là vậy, không thể nhanh, chẳng thể liều.
Mỗi lần bạn đi tác nghiệp, là bạn đi tuốt 7-10 ngày, ở cho đến khi lấy đủ tư liệu viết cho đề tài thì thôi. Vì đường sá lưa thưa, trên bạn không tổ chức phóng viên đi khắp chốn lấy tin theo mảng, mà bố trí phóng viên phụ trách từng cơ sở, cốt để nắm bắt địa bàn sâu hơn, do việc phỏng vấn con người trên ấy không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai.
“Ở trên này, mình cần câu chuyện của họ chứ nhân vật họ chẳng cần mình đâu. Khi tôi đi tác nghiệp, bước đầu tiên tôi làm luôn là giới thiệu rõ mình là ai. Càng ở những vùng xa xôi, càng cần danh chính ngôn thuận để cho họ thấy mình là người đáng tin cậy.
Nói chuyện được rồi sẽ thấy người dân ở đây chân chất như cây ngô và dễ đưa chuyện, nhưng đấy chỉ là trên bề mặt thôi, để tiếp cận sâu, tôi phải dành hàng giờ đồng hồ không chỉ nói chuyện làm quen, mà còn giúp đỡ gia chủ làm việc trong nhà hay cùng ăn cùng uống. Từ cái thời gian thật thà cho nhau ấy, những câu chuyện họ kể mới dần ló ra cái lõi như những hạt giống, chúng rơi vào lòng tôi, nảy mầm thành câu chữ.
Nhân vật phỏng vấn của tôi thường có nhiều tâm sự. Tôi luôn cố gắng cảm thông với hoàn cảnh và lý do đằng sau mỗi hành động của họ, tránh phán xét hay thiên kiến. Với những câu chuyện riêng tư, tôi cẩn trọng khai thác và sử dụng, để bảo vệ nhân vật cũng như giữ được sự tôn trọng với họ.
Cách tiếp cận nhân vật và khai thác câu chuyện ở mỗi nơi sẽ khác nhau, tùy thuộc vào môi trường, bối cảnh và con người. Quan trọng nhất là giữ được sự chân thành, cởi mở và coi trọng khi làm nghề.”
Khi tôi hỏi bạn đã thỏa mãn việc được tự mình khám phá Hà Giang chưa, bạn bảo 5% là độ hiểu Hà Giang mà bạn tự đánh giá. Có quá nhiều cái bạn chưa được tận tay sờ, tận mắt ngắm, tận trí óc nhớ ghi, như câu chuyện anh chị đồng nghiệp kể về người La Chí uống rượu bằng sừng trâu; hay người Giáy luôn sống ở khu vực gần các triền ruộng bậc thang, vì “Giáy” trong tiếng dân tộc có nghĩa là “người làm ruộng”. Mà điều ấy có nghĩa là, bạn sẽ còn lao vào Hà Giang lâu hơn và sâu hơn nữa.
1 năm, 5000 cây số Hà Giang có dấu chân bạn, và chưa bao giờ bạn bỏ cuộc với lựa chọn làm báo của mình. Bạn bảo, số đường mình đi không nhằm nhò gì với các anh em trong nghề, mà nhất là khi so với các chị, cũng phận nữ nhi giống mình. Nhưng với bản thân bạn, bạn đã làm giàu kho trải nghiệm, dồi dào giá trị sống và hiểu mình hơn và cũng hiểu quê hương của mình hơn - lý do mà bạn bắt đầu hành trình này.
Sau những lần đến ngưỡng cửa chủ nhà mà chân tay quýnh quáng vì không biết phải bắt chuyện từ đâu, những lần đổ đèo mà lòng rối như vò tơ vì nghĩ cách sắp xếp câu chuyện mình sẽ kể, hay những lúc phải dùng đặc quyền “em út” trong cơ quan để khất bài đã muộn do vò đầu bứt tóc vẫn bất lực trước những con chữ còn mải chơi trên sườn núi chưa về. Nguyễn Khánh Linh trưởng thành từng bước một trong nghề báo.
Từ cô sinh viên tốt nghiệp vô định với chiếc máy ảnh, giờ đây, trên hành trình trở về cùng báo, bạn đã vô tình tìm thấy đốm lửa hồng cho hai từ “văn hóa”, mở ra con đường có đá và có hoa, với những những bước đi chắc nịch của mình.
—--
Buổi nói chuyện của tôi và Khánh Linh trải dài từ khi trời còn nắng tới lúc một đầu miền xuôi xám xịt mưa xối, một đầu miền ngược yên ả hoàng hôn. Có lớp lớp điều bạn kể tôi còn chưa kịp dựng thành câu chữ, và cả những điều không dám gom lại thành chữ, chẳng hạn như việc “Trong túi của phóng viên luôn có thuốc cảm cúm và thuốc gan”. Nhưng ở đây hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh vào hành trình chọn báo, trở về Hà Giang của bạn.
Hành trình từ Hà Nội đến Hà Giang không chỉ là quãng đường địa lý, mà còn là hành trình Linh tìm lại kết nối với quê hương, tìm bản thân, và tìm lại ý nghĩa của nghề báo. Với từng bước chân ngang dọc đường núi, từng câu chuyện của bà con ở chốn địa danh khó đọc tên, và từng bức ảnh con chữ được viết ra bằng ngày dài tháng rộng tuổi trẻ, Linh đang viết tiếp câu chuyện của mình và của Hà Giang - không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai.
Dù Nguyễn Khánh Linh đã có những phút yếu lòng, những khắc hồ nghi, và cả những bức tường sừng sững trong nghề có “háu đá” đến đâu cũng không thể đập bỏ, sự thật là bạn vẫn đang làm một phóng viên kính nghiệp trên hành trình này.
Và hành trình ấy sẽ còn nuôi bạn lớn phổng như một cây nghiến sum suê, không ai có thể quật ngã, tưới tắm bạn với dòng văn hóa mát lành. Với tư cách một phóng viên Báo Hà Giang.
—--
Thuật lại bởi Bye bye, Midori.