26/07/2021
Dịch COVID-19: Tầng thu dung F0 giúp giảm tải điều trị
Các quận, huyện tại TP.HCM đang tận dụng cơ sở hiện có để lập các khu cách ly tập trung F0 không triệu chứng và bắt đầu tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân ngay từ những ngày đầu thành lập.
TP.HCM đã có hơn 60.000 ca bệnh COVID-19, để kịp thời thu dung và giảm áp lực rị bệnh nhân cho các tầng trên, Sở Y tế TP.HCM đã lập mô hình tháp năm tầng thay vì tháp bốn tầng như trước đây để giảm áp lực cho các cơ sở tầng trên.
Trong đó, nếu như tầng 1 trước đây là bệnh viện (BV) dã chiến thì hiện nay sẽ là cơ sở cách ly tập trung tại các địa bàn quận, huyện, có nhiệm vụ thu dung những ca bệnh không có triệu chứng và không có bệnh lý nền, béo phì.
Hai ngày đầu đã tiếp nhận 700 ca bệnh
Ngay khi Sở Y tế TP.HCM yêu cầu thành lập cơ sở cách ly tập trung F0 không triệu chứng, TP Thủ Đức đã thiết lập và vận hành thêm khu cách ly tập trung tại ký túc xá Trường ĐH Văn hóa TP.HCM với quy mô 1.500 giường.
BS Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Giám đốc khu cách ly tập trung tại ký túc xá Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho biết chỉ riêng hai ngày đầu tiên, khu cách ly đã tiếp nhận 700 ca bệnh từ trung tâm y tế và trạm y tế phường chuyển đến. Đến nay, sau bốn ngày hoạt động, cơ sở đã có khoảng 800 bệnh nhân.
Theo BS Hạnh, tất cả bệnh nhân đều được thăm khám, sàng lọc, những bệnh nhân có bệnh nền ổn định cũng được giữ lại để góp phần giảm tải cho BV tuyến trên.
Sau bốn ngày, cơ sở đã chuyển viện bốn trường hợp có bệnh nền như viêm phế quản mạn tính, tăng huyết áp có diễn biến sốt cao, đo nồng độ ôxy trong máu giảm đến các BV tầng trên.
BV dành tầng 2 và đã trang bị một máy thở, sáu bình ôxy để phục vụ cho bệnh nhân cấp cứu do suy hô hấp cần chuyển viện và các thuốc men, máy móc cơ bản như máy đo nhiệt độ, máy đo nồng độ ôxy spO2. Về nguồn nhân lực và phương tiện chuyển viện, ngoài lực lượng cấp cứu 115, khu cách ly huy động thêm của BV đa khoa Lê Văn Việt.
“Khu cách ly có 26 nhân viên chia làm ba ca, bốn kíp và 14 dân quân cơ động, phải chăm sóc lượng bệnh nhân nhiều nên khối lượng công việc rất lớn. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tập trung công việc” - BS Hạnh nói.
Tương tự, 22 quận, huyện khác cũng đang tích cực thành lập khu cách ly tập trung cho F0 không triệu chứng. Tại quận 5, Trung tâm Y tế quận 5 đã triển khai chuyển đổi công năng của khu cách ly tập trung F1 tại Trường Trung học Sư phạm thực hành Sài Gòn thành khu cách ly tập trung F0 không có triệu chứng trên địa bàn quận.
Khu cách ly tại Trường Trung học Thực hành Sài Gòn có quy mô 300 giường. Trong đó, 200 giường thu dung các trường hợp test nhanh kháng nguyên dương tính, 100 giường thu dung các trường hợp có kết quả xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR. Khu cách ly có thêm một phòng cấp cứu với 10 giường để xử trí các tình huống người bệnh có bệnh nền hoặc F0 chuyển thành có triệu chứng.
Thực hiện phương châm “năm tại chỗ”
Về việc huy động nguồn nhân lực, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết TP nhận được nhiều sự quan tâm từ Bộ Y tế và trung ương nhưng dịch đang diễn ra ở nhiều địa phương, mặc dù được ưu tiên giúp đỡ nhưng TP cũng chủ động thực hiện phương châm “năm tại chỗ”: Lực lượng chống dịch tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, trang thiết bị tại chỗ; thuốc men, sinh phẩm tại chỗ và nhiệm vụ tại chỗ nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực.
Đặt mục tiêu chuyển viện an toàn
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh kiêm Giám đốc BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3 (phường An Khánh, TP Thủ Đức), cho biết có những thời điểm BV bị quá tải, không thể kịp thời thu dung các ca bệnh F0 nhẹ hoặc không triệu chứng. Các ca bệnh phải cách ly tạm thời chờ BV sắp xếp nhận bệnh.
Việc thu dung ở khu cách ly tập trung giúp giảm tải rất lớn cho BV dã chiến khi số ca bệnh tăng nhanh. Từ khi các cơ sở cách ly tập trung TP Thủ Đức khởi động, số ca bệnh chuyển lên BV dã chiến ít hơn.
Theo BS Khanh, ngoài phụ trách BV dã chiến số 3, BV Lê Văn Thịnh còn phụ trách trung tâm cách ly tạm thời F0 không triệu chứng ở ký túc xá ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Thực hiện theo mô hình tháp năm tầng, nếu bệnh nhân không có triệu chứng thì nơi này cũng thành nơi theo dõi, khi có triệu chứng thì mới chuyển đi điều trị.
“Mặc dù mô hình điều trị chia thành các tầng nhưng mỗi tầng bệnh đều có thể chuyển nặng nhanh, tầng 1 không triệu chứng có thể lên tầng 3, tầng 4 bất cứ lúc nào. Do vậy, khu cách ly F0 phải tăng cường nhân lực theo dõi bệnh nhân và bổ sung trang thiết bị, nhất là bình ôxy, không để bệnh nhân nào vì thiếu ôxy mà chuyển nặng” - BS Khanh lưu ý.
BS Vũ Minh Phúc, nguyên Trưởng Khoa tim mạch BV Nhi đồng 1 TP.HCM, nhìn nhận trong bối cảnh số ca bệnh còn tiếp tục tăng, ngoài mở rộng cơ sở cách ly F0 tại địa phương thì TP nên xúc tiến nhanh việc cho các ca F0 không triệu chứng cách ly tại nhà nếu có điều kiện để giảm tải cho hệ thống y tế. Khi F0 ở nhà, có thể tận dụng lực lượng bác sĩ của hệ thống y tế tư nhân để hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc sức khỏe. Việc chuyển F0 tại nhà đến cơ sở điều trị cũng như các bệnh nhân thông thường khác, ngoài lực lượng cấp cứu 115, BS Phúc gợi ý có thể huy động thêm lực lượng taxi hay xe tư nhân, chi phí người bệnh có thể sẵn sàng chi trả, xem xét hỗ trợ cho người khó khăn. Khi đó, xe sẽ được thiết kế tấm ngăn với tài xế, tài xế được chích vaccine ngừa COVID-19, tập huấn kỹ năng kiểm soát nhiễm khuẩn để giảm rủi ro lây nhiễm.
Theo BS Phúc, mặc dù tỉ lệ chuyển nặng của F0 không triệu chứng thấp nhưng việc phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng và chuyển viện an toàn, có trang bị bình ôxy đầy đủ trên xe rất quan trọng.
Ngoài ra, theo BS Phúc, TP cần tính toán phân bố nguồn nhân lực dự bị thay thế, nhất là ở các tầng hồi sức vì cuộc chiến với COVID-19 còn dài. Trong bối cảnh dịch bệnh cả nước diễn biến phức tạp, các lực lượng chi viện cho TP từ các tỉnh có khả năng phải rút về để phục vụ địa phương chống dịch. Cần có sẵn 2-3 êkíp nội lực tương đương nhau luân phiên. Nếu một người giỏi làm hết mọi việc thì không có tính bền vững.
Để kêu gọi lực lượng tình nguyện viên chống dịch, TP phải đảm bảo các điều kiện trang thiết bị y tế, chẳng hạn khi tiếp xúc bệnh nhân COVID-19 thì đồ bảo hộ ít nhất phải từ cấp 3 trở lên. Tùy theo quy mô tiếp nhận bệnh nhân, TP phải tính toán dự liệu thiết bị y tế cần thiết để trang bị phù hợp. “Cơ sở cách ly tầng 1 có thể chưa cần trang bị máy thở mà cần nhất là bình ôxy, máy đo nồng độ ôxy trong máu và phát hiện dấu hiệu chuyển nặng để chuyển viện sớm. Có những thiết bị như máy thở cần phải thực hiện kỹ thuật phức tạp như đặt nội khí quản, nếu nhân sự ít kinh nghiệm để thực hiện thì sắm máy thở cũng sẽ gây lãng phí” - BS Phúc góp ý.
Tập trung chiến lược giảm số ca F0 tử vong
Tại cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19 sáng 25-7, ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết TP đang tập trung chiến lược điều trị để giảm số ca tử vong. Việc phân tầng điều trị năm tháp cũng với mục tiêu trên. TP sẽ tiếp tục huy động cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kể cả cơ sở y tế tư nhân tham gia. Ông Mãi đề nghị Sở Y tế cần sớm có thông tin về việc cơ sở nào có thể tham gia ở tầng nào.
Ông Mãi nhìn nhận thời gian qua, có tình trạng người dân cần trợ giúp y tế nhưng chưa được đáp ứng kịp thời do diễn ra tình trạng quá tải ở cơ sở tiếp nhận điều trị COVID-19. Do đó, hiện tại TP đang rà soát quy trình, củng cố mở rộng tối đa năng lực tiếp nhận ở các quận, huyện và các cơ sở thu dung, điều trị hiện có, bên cạnh đó là huy động, mở rộng cơ sở tiếp nhận bệnh nhân từ nguồn y tế tư nhân. Một khi năng lực tiếp nhận bệnh nhân nâng cao, ông Mãi hy vọng sự điều phối và tiếp nhận bệnh, giải quyết nhu cầu của người dân tốt hơn.
Nguồn: plo