18/10/2024
❤️TRUYỀN TIN❤️
NGƯỜI CƯ SĨ TẠI GIA CHÂN CHÁNH
NGƯỜI PHẬT TỬ chân chánh cần có NGŨ GIỚI, BÁT QUAN TRAI GIỚI, biết THẬP THIỆN, biết BỐ THÍ, CÚNG DƯỜNG.
Người Phật tử cũng phải biết gìn giữ sự thanh tịnh của THIỀN MÔN, phải đi theo con đường GIỚI ĐỊNH TUỆ, BÁT CHÁNH ĐẠO.
"Thân người khó được, Phật pháp khó nghe" nên khi có được thân người với đầy đủ giác quan, có duyên lành học Phật tu Phật thì phải cố gắng nỗ lực cần chuyên hơn nữa.
Nội hàm đời sống cao quý thiêng liêng ấy chưa biết chừng nào là đủ - nên mỗi thành viên phải xa rời sự biếng nhác, dễ dãi, giải đãi, phải nỗ lực tinh cần trên lộ trình nhiều gian nan thử thách ấy.
Phải tự nhắc nhở mình, nhắc nhở huynh đệ đồng tu thăng hoa công hạnh, phải chăm chuyên tinh cần không biết mệt mỏi.
🌺 MƯỜI BA LA MẬT:
- Bố Thí
- Trì Giới
- Xuất Gia
- Trí Tuệ
- Tinh Tấn
- Nhẫn Nại
- Chân Thật
- Phát Nguyện
- Tâm Từ
- Tâm Xả
Là hành trang tư lương ai cũng phải mang theo, phải tích lũy liên tục, bổ túc liên tục thì mới sắm được con thuyền qua bờ giác.
Do suy nghĩ như vậy, nên người tu Phật chân chánh nào cũng phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Những việc lành tốt cho bản thân thôi thì chưa đủ, mà còn gia đình, huynh đệ, bằng hữu, xóm làng nữa...
Thiện nghiệp đã được củng cố rồi thì THIỆN NGHIỆP ẤY CẦN LAN TỎA ĐẾN CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI...
Như Kinh Lời Vàng 30 có câu:
" Chỉ nhờ đức tánh tinh cần
Đế Thích cai quản bốn tầng Thiên Vương
Buông lung thiên hạ khinh thường
Tinh cần mãi được tán đương đời đời"
🌺 BỐN ĐỨC HẠNH NGƯỜI TẠI GIA
Dạ xoa Ālavaka hỏi Đức Phật rằng, làm thế nào mà ra đi từ đời này đến đời khác con người không bị sầu muộn?
Đức Phật đã dạy, người cư sĩ có bốn đức hạnh này nhất định không sầu muộn sau khi chết:
1.🌷CHÂN THẬT: nghĩa là lời nói và việc làm đều đúng với sự thật, không giả dối, không hư ngụy.
2.🌷TỰ CHẾ: nghĩa là biết điều phục huấn luyện tâm, tự dạy tâm, tự cải tạo cho mình được tiến hóa.
3.🌷KHAM NHẪN: nghĩa là có sức chịu đựng nhẫn nại trước nghịch cảnh, kiên nhẫn với mọi khó khăn.
4.🌷XẢ TÀI: nghĩa là bố thí chia sẻ đến người khác, dứt bỏ lòng ích kỷ bỏn xẻn.
🌺 MƯỜI ĐỨC LÀNH CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
Trong chú giải có nói đến mười đức lành của người Phật tử đã qui y Tam bảo như sau:
1.🌷ĐỒNG VUI KHỔ VỚI CHƯ TĂNG:
Là khi chúng tỳ kheo có việc vui hay khổ, thì nguời thiện tín đều có quan tâm chia sẻ; Tăng chúng vui thì mình hoan hỷ, Tăng chúng khổ thì mình cùng lo.
2.🌷KHÉO GIỮ GÌN THÂN KHẨU:
Là người thiện tín phải có hành vi tốt đẹp, lời nói tốt đẹp.
3.🌷LẤY PHÁP LÀM TRỌNG:
Nghĩa là người thiện tín luôn luôn sống y cứ giáo pháp, lấy chánh pháp làm chuẩn mực, làm căn bản, làm kim chỉ nam.
4.🌷VUI CHIA SẺ TUỲ KHẢ NĂNG:
Nghĩa là người thiện tín có tâm hoan hỷ trong việc bố thí xả tài tùy theo sức tài sản mình có.
5.🌷CỐ GẮNG HỌC HIỂU GIÁO LÝ CỦA PHẬT:
Nghĩa là người thiện tín phải cố gắng tìm hiểu học hỏi giáo pháp của bậc Đạo Sư đã dạy.
6.🌷CÓ CHÁNH KIẾN:
Nghĩa là người thiện tín phải có tri kiến chân chánh, hiểu đúng với chơn lý, thấy rõ vô thường, khổ não và vô ngã; hiểu biết nghiệp báo luân hồi.
7.🌷TỪ BỎ SỰ BÓI TOÁN ĐOÁN ĐIỀM:
Nghĩa là người thiện tín không tin theo sao hạn hên xui, mê tín dị đoan.
8.🌷KHÔNG XU HƯỚNG ĐẠO SƯ KHÁC DÙ CÓ VÌ NHÂN MẠNG SỐNG
Nghĩa là người thiện tín không vì nhân mạng sống bị đe dọa hay vì để nuôi mạng mà hướng về thầy ngoại đạo khác bỏ Đức Phật.
9.🌷VUI THÍCH TRONG SỰ HOÀ HỢP:
Nghĩa là người thiện tín luôn luôn sống đoàn kết, hoan hỷ trong sự đoàn kết, không chia rẽ, không phe phái.
10.🌷THỰC HÀNH THEO GIÁO LÝ:
Nghĩa là người thiện tín luôn luôn thực hành lời dạy của Đức Phật, tinh tấn tu tập.
Đây là mười đức tính tốt đẹp của một người cư sĩ chân chánh trong Phật giáo, người cư sĩ có mười đức lành này đáng gọi là Cận sự nam và Cận sự nữ đệ tử Tam Bảo.
🌺 BỐN ĐIỀU HẠNH PHÚC CỦA CƯ SĨ
Đức Phật đã thuyết cho trưởng giả Cấp-cô-độc về bốn điều hạnh phúc của người tại gia.
1.🌷HẠNH PHÚC SỞ HỮU:
Là niềm an lạc do phát sanh tài sản hợp pháp, bằng sự nỗ lực siêng năng làm nghề nghiệp.
Khi nghĩ đến sự sở hữu tài sản một cách chân chính như vậy, người cư sĩ cảm thấy hạnh phúc.
2.🌷HẠNH PHÚC HƯỞNG THỤ:
Là niềm an lạc do thọ hưởng tài sản của mình đã có, nuôi bản thân, nuôi gia đình và làm các công đức.
Khi nghĩ đến sự thọ hưởng những tài sản tự tạo ra như vậy, người cư sĩ cảm thấy hạnh phúc.
3.🌷HẠNH PHÚC KHÔNG NỢ NẦN:
Là niềm an lạc do không bị mắc nợ ai dù ít hay nhiều. Khi người cư sĩ trong gia đình biết sống tri túc, vừa với sự thu nhập, không để bị thiếu nợ; người ấy được thoải mái hạnh phúc, không có lo lắng hồi hộp.
4.🌷HẠNH PHÚC KHÔNG LỖI LẦM:
Là niềm an lạc do không làm điều tội lỗi, thân hành không phạm tội, khẩu hành không phạm tội, ý hành không phạm tội, phạm tội đối với Luật nghiệp báo và đối với Luật quốc độ.
Khi người cư sĩ sống không vi phạm lỗi lầm như vậy, tâm tư an ổn, hạnh phúc, không bị đau khổ lo sợ.
Trong bốn điều hạnh phúc này, điều "Hạnh phúc không lỗi lầm" là điều hạnh phúc có giá trị cao nhất.
🌺 BỐN PHÁP TẠO LỢI ÍCH HIỆN TẠI
Đức Phật đã thuyết bốn pháp tạo lợi ích hiện tại này ở thị trấn Kakkarapatta xứ Vajjī, cho thiện nam tử Dīghajānu. Có bốn pháp đưa đến an lạc hiện tại cho người cư sĩ tại gia.
1.🌷ĐẦY ĐỦ SỰ NỖ LỰC:
Tức là có sự siêng năng tháo vát trong nghề nghiệp, không biếng nhác, biết phương pháp làm việc để đạt đến kết quả.
2.🌷ĐẦY ĐỦ SỰ BẢO QUẢN:
Tức là có khả năng bảo vệ gìn giữ tài sản đã thu hoạch, không để bị thất thoát hư hại do thiên tai hỏa hoạn trộm cướp ...
3.🌷CÓ BẠN LÀNH:
Tức là giao du thân cận với những người hiền thiện đạo đức là những người giàu lòng tin, có giới hạnh, có bố thí và có trí tuệ.
4.🌷CUỘC SỐNG THĂNG BẰNG:
Tức là biết sống chừng mực điều độ, vừa với sự thu nhập, không phung phí quá độ cũng không hà tiện bón rít.
(Theo Cư Sĩ Giới Pháp)
🌺 BỐN PHÁP ĐEM ĐẾN LỢI ÍCH TƯƠNG LAI
Bốn pháp lợi ích tương lai này cũng được Đức Phật thuyết cho thiện nam tử Dīghajānu, ở thị trấn Kakkarapatta xứ Vajjī.
1.🌷ĐẦY ĐỦ NIỀM TIN:
Là thành tựu chánh tín; có đức tin đối với Tam bảo, nhất là tin tưởng sự giác ngộ của Đức Như Lai.
2.🌷ĐẦY ĐỦ GIỚI HẠNH:
Là thành tựu giới đức; từ bỏ Sát sanh, từ bỏ Trộm cắp, từ bỏ Tà dâm, từ bỏ Nói dối, từ bỏ Uống rượu và chất say.
3.🌷ĐẦY ĐỦ BỐ THÍ:
Là sống với tâm không bị cấu uế bởi xan tham, không bỏn xẻn, bố thí rộng rãi, thích chia sẻ khi được yêu cầu.
4.🌷ĐẦY ĐỦ TRÍ TUỆ:
Là có trí tuệ, thành tựu trạch pháp, thấy rõ sự sanh diệt của các pháp, để thể nhập Chánh kiến.
🙏Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật🙏