Tin Tức Online

Tin Tức Online
Trang tổng hợp tin tức thời sự, kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh

Chúc mừng ĐT Bóng Đá Nữ Việt Nam lần thứ 4 liên tiếp dành Ngôi Vô Địch khu vực ĐNA!Chúc mừng các Cô Gái Vàng Việt Nam 🇻🇳...
15/05/2023

Chúc mừng ĐT Bóng Đá Nữ Việt Nam lần thứ 4 liên tiếp dành Ngôi Vô Địch khu vực ĐNA!
Chúc mừng các Cô Gái Vàng Việt Nam 🇻🇳!!

Chủ tịch Quốc hội đến Pnompenh, bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Campuchia
19/11/2022

Chủ tịch Quốc hội đến Pnompenh, bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Campuchia

VOV.VN - Đúng 8h sáng 19/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến sân bay Pochentong, Pnompenh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Campuchia, dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN l...

03/08/2021

Lời mời của Bí thư Nguyễn Văn Nên và vắc xin cho tất cả.

Nếu vắc xin đã vào người, bữa ăn đủ đầy đã đến nhà và những ngày bất định từng lo sợ dần tan biến, tôi tin ít ai lại lựa chọn con đường thăm thẳm đầy hiểm nguy, nắng mưa gió bụi ngoài kia.

Sáng nay, cư dân nơi tôi ở xôn xao khi Ban Quản lý thông báo đăng kí tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho bất cứ ai trên 18 tuổi!. Những bất ngờ chưa tin hẳn đến ngơ ngác có ưu tiên đối tượng nào không đã tan biến dần khi trên group chung cư dẫn lại thông tin TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 cho tất cả những người trên 18 tuổi, bất kể thường trú hay tạm trú!

Chiều nay, khi các cụ trên 65 tuổi được con cháu lục tục đưa ra điểm tiêm gần đó, chẳng phân biệt có hộ khẩu nơi này hay chưa càng khiến cho nhiều người gật gù. Hôm qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kêu gọi người dân ngoại tỉnh không tổ chức về quê tự phát và gửi lời mời bà con ở lại thành phố để tiêm vắc xin.

Những thông tin đáng mừng trong những ngày căng thẳng thế này, nhất là khi dòng người nối đuôi trên các nẻo đường vất vả về quê, vật vã bên đường trên hàng ngàn km trải dài từ Nam ra Bắc. Có lẽ với chủ trương như vậy, khẳng định sẽ nhiệt tình lo cho bà con những ngày tới không ai đói, chẳng ai sẽ phải thiếu ăn sẽ níu chân họ lại ở TP bao năm nay cưu mang rất nhiều phận người này.

Cấp dưới của ông Nên, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nói với chúng tôi rằng từ lâu, thành phố không có chủ trương đưa người dân ngoại tỉnh ở TP.HCM về quê. Bởi, mỗi người dân đến với thành phố đều có đóng góp cho sự phát triển chung. "Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, nếu bà con có nguyện vọng về và được địa phương đồng ý thì thành phố sẽ hỗ trợ, kể cả tiêm vắc xin", ông cho hay.

Chiều 2/8, TP.HCM cũng công bố thành lập Trung tâm tiếp nhận và cấp phát hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân theo ba cấp: cấp TP, cấp quận, huyện và phường, xã. Đó sẽ là nơi mà người dân có thể “tìm đến” khi khó khăn, ngặt nghèo hay quá thiếu thốn những thứ cấp thiết để duy trì cuộc sống giản đơn chờ qua những ngày giãn cách. Làm ra sao, thực thi thế nào, hiệu quả đến đâu… sẽ cần thời gian để trả lời nhưng từ giờ, những người từng sống trong những ngày nơm nớp chưa biết ngày mai sẽ ra sao cũng có chỗ để “bấu víu”.

Nhìn cảnh bé sơ sinh mới 9 ngày tuổi đã phải rong ruổi cùng mẹ cha trên đường xa thiên lý về với quê nhà mãi tận Nghệ An hay bất kể chỗ nào trên quãng đường có khi hơn ngàn km cũng thành chỗ ngả lưng, chẳng mấy ai không khỏi chạnh lòng lẫn ngậm ngùi và xót xa. Tôi hy vọng rằng với lời mời của Bí thư Nên, vắc xin sẽ có, bữa ăn sẽ về… thì dòng người ấy sẽ ngớt, cảnh buồn ngoài kia sẽ vãn.

Hôm qua, bé 9 ngày tuổi cùng cha mẹ- vợ chồng anh Xồng Ba Xô vượt hơn 1400 km từ Bình Dương về Nghệ An đã về tới nhà sau khi được những người Đà Nẵng tốt bụng góp tiền thuê xe đưa cả nhà về quê. Hôm nay chắc những bà con qua hàng ngàn km, bất chấp nắng mưa, đèo dốc và cả hiểm nguy chực chờ cũng sẽ về tới quê mình. Con đường họ qua thế nào ai cũng thấy, nguy cơ lây nhiễm ra sao ai cũng hiểu và chúng ta đều mong những điều tốt lành sớm đến để “Ai ở đâu, ở yên đấy” an toàn cho tất cả.

Tôi cũng tin rằng khi chỉ đạo của Thủ tướng “Tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân” mấy ngày nữa triển khai thực tế cũng góp phần không nhỏ để bà con an lòng ở lại TP.HCM.

Ai cũng biết lúc này rất nhiều người muốn trở về căn nhà thân thương, quê hương ruột thịt nhưng có lẽ cũng cần lưu ý đến chia sẻ sau “Nếu bà con muốn về quê thì phải có kế hoạch, lập danh sách cụ thể và giao về địa phương. Cơ quan truyền thông tăng cường thông tin về chủ trương của thành phố trong công tác chăm lo đến các đối tượng này. Thành phố sẵn sàng lo nhưng người dân cần hợp tác, không đi lại tự do gây nguy cơ lây nhiễm cho các tỉnh”.

Điều đó không chỉ đỡ những cơ cực đường dài sẽ có mà còn chung tay cùng cả cộng đồng ngăn chặn dịch bệnh. Lời mời của Bí thư Nên, chia sẻ và hỗ trợ của TP.HCM và nhất là vắc xin phân đều không phân biệt bất cứ ai sẽ là lý do chính đáng, đủ nghĩa thêm tình để bà con trụ lại TP này, dù khó khăn, dù còn nhiều trắc trở nhưng chúng ta sẽ cùng nhau sớm qua.

Nếu vắc xin đã vào người, bữa ăn đủ đầy đã đến nhà và những ngày bất định từng lo sợ dần tan biến, tôi tin ít ai lại lựa chọn con đường thăm thẳm đầy hiểm nguy, nắng mưa gió bụi ngoài kia.


Nguồn: Hà Phan/Vietnamnet.vn

31/07/2021

TP.HCM và 18 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội thêm 14 ngày.

Trong công điện vừa ban hành, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách, trừ trường hợp được cho phép.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) vừa thay mặt Thủ tướng ký công điện số 1063 về phòng, chống dịch gửi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội thêm 14 ngày
Với 19 tỉnh, thành phía Nam (bao gồm TP.HCM), Thủ tướng yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày (kể từ ngày kết thúc giãn cách xã hội theo Công văn số 969 ngày 17/7 của Thủ tướng).

19 địa phương ngày gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Những tỉnh sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh, Thủ tướng cho phép có thể nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh.

Đối với khu vực liên tỉnh, phải có thỏa thuận, thống nhất với các tỉnh liên quan và phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trước khi quyết định.

Không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7
Trong công điện này, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được yêu cầu tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả biện pháp cụ thể phòng, chống dịch.

Với địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16, lãnh đạo Chính phủ quán triệt thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương.

Cùng với đó là việc tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”.

“Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép)", công điện nêu rõ.

Lãnh đạo tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình.

Đối với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn. Đồng thời, tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe khách (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy).

Theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, việc bàn giao phải được tiến hành đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan.


Nguồn: Hoài Thu/Zingnews.vn

28/07/2021

TP.HCM triển khai tiêm vaccine cho người dân sau 18 giờ hằng ngày
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ triển khai tiêm vaccine cho người dân sau 18 giờ và đơn giản hóa quy trình cũng như lực lượng tham gia đội hình tiêm vaccine.

Thành phố Hồ Chí Minh đã bước sang ngày thứ 20 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống, các ca bệnh vẫn tiếp tục tăng lên.

Vì vậy, Thành phố cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp theo tinh thần của Chỉ thị 16 trên, Chỉ thị 12 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, sau ngày 1/8, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đánh giá lại tình hình và có thể cần thêm thời gian thực hiện giãn cách xã hội thêm 1 đến 2 tuần.

Đây là thông tin được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đưa ra tại buổi họp cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 28/7.

Áp lực của ngành Y tế ngày càng lớn

Đánh giá sau 2 ngày Thành phố thực hiện triệt để giãn cách xã hội, giới hạn di chuyển sau 18 giờ, ông Phan Văn Mãi cho rằng, việc đường phố vắng vẻ cho thấy người dân đồng tình, ủng hộ, tuân thủ các biện pháp phòng dịch, tạo điều kiện cho ngành Y tế ngăn chặn nguồn lây. Tuy nhiên, lượng người di chuyển ban ngày (từ 6-18 giờ) vẫn còn đông, người dân vẫn tiếp xúc nhiều.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn và xử lý các vi phạm. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xuống kiểm tra tận cơ sở để chấn chỉnh, uốn nắn những nơi làm chưa nghiêm.

Về áp lực trước số ca nhiễm tăng hàng ngàn ca mỗi ngày, theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, hiện áp lực cho ngành Y tế rất lớn, nhiều thời điểm bệnh viện gặp tình trạng quá tải. Để khắc phục những khó khăn trên, Thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát, sắp xếp lại các tầng điều trị cho khoa học hơn nhằm giảm áp lực cho ngành Y; trong đó tiếp tục tăng năng lực các bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhiệm vụ hàng đầu của ngành Y tế Thành phố hiện nay là nâng cao công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, bao gồm cả áp dụng phương án cách ly bệnh nhân mắc COVID-19 (các F0, F1) không triệu chứng tại nhà.

Các số liệu thống kê và ý kiến chuyên gia chỉ rõ khoảng 70-80% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và sẽ tự khỏi sau một khoảng thời gian. Trong đợt dịch vừa qua, số bệnh nhân COVID-19 tăng cao khiến công tác cách ly, điều trị của thành phố dần quá sức.

Với số ca mắc COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện trên 70.000 người, ông Phan Văn Mãi nhận định, việc chuyển chiến lược sang tập trung điều trị, chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng nặng và bệnh lý nền là cần thiết. Bên cạnh đó, việc cách ly bệnh nhân COVID-19 tại nhà, kết hợp với các phương án giám sát, tư vấn phù hợp, tạo cơ chế phản ứng nhanh sẽ giúp giảm tải áp lực lên cơ sở thu dung.

Về công tác điều trị, các bệnh viện tuyến quận đã có chủ trương áp dụng mô hình chia đôi bệnh viện, chuyển đổi một phần sang điều trị bệnh nhân COVID-19 nhằm “chia lửa” cho các cơ sở điều trị.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị tùy thuộc vào năng lực và cơ sở vật chất. Các bệnh viện dã chiến được tiếp tục xây dựng, chuyển đổi công năng, dự kiến có thêm 1-2 bệnh viện trong tuần tới.

Nhằm giảm ca tử vong, Bệnh viện hồi sức COVID-19 đang tiếp tục hoàn thiện để nâng công suất tối đa là 1.000 giường; đồng thời huy động các bệnh viện lớn, bệnh viện tư nhân uy tín tham gia điều trị, hồi sức các bệnh nhân rất nặng.

Tổ chức tiêm vaccine sau 18 giờ hằng ngày

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài tác động trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động mất việc, công tác an sinh xã hội được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đã có kế hoạch và đang triển khai đáp ứng tương đối nhu cầu của người dân. Cụ thể, Thành phố sẽ rà soát nhu cầu người dân ở từng phường, xã, thị trấn, khu phố về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết.

Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ bổ sung thêm nguồn hàng, cách thức cung ứng cho người dân, nhất là người trong khu phong tỏa như đi chợ mua một lần cho nhiều ngày, đi chợ thay... đồng thời, rà soát số lượng hộ nghèo, hộ khó khăn, không đăng ký tạm trú để có hình thức hỗ trợ phù hợp.

Về tiêm vaccine COVID-19, theo ông Phan Văn Mãi, với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ việc tiêm chủng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai tiêm vaccine cho người dân sau 18 giờ và đơn giản hóa quy trình cũng như lực lượng tham gia đội hình tiêm vaccine. Theo đó, mỗi phường sẽ tổ chức 2 điểm tiêm cho người dân, trường hợp những người lớn tuổi sẽ được tiêm tại bệnh viện.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ có quy định về đặc điểm nhận diện của người đi tiêm và lực lượng tham gia tiêm vaccine để các lực lượng trực chốt có thể kiểm soát.

Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến 16 giờ ngày 28/7, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm vaccine cho 300.000 người. Tốc độ tiêm đã dần nâng lên, ngày 28/7 đã tiêm được 70.000 người. Với tốc độ này, việc tiêm chủng dự kiến hoàn thành trong 2-3 tuần./.


Nguồn: Thu Hương (TTXVN/Vietnam+)

27/07/2021

Đồng Nai bắt đầu thực hiện cách ly F1 tại nhà.

Các cơ sở cách ly của TP Biên Hòa, Đồng Nai, đã bắt đầu quá tải. Vì vậy, địa phương này thí điểm cách ly F1 tại nhà, giảm áp lực cho các khu tập trung.
Theo thống kê sơ bộ của TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, địa phương này có khoảng 4.000 người thuộc diện F1 phải thực hiện cách ly. Tuy nhiên, số cơ sở cách ly tại đây đã bắt đầu quá tải. Vì vậy, từ 27/7, thành phố bắt đầu thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà.

Ông Nguyễn Duy Tân, Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa, cho biết đây là điều kiện thuận lợi giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung của địa phương.

"Các F1 phải thực hiện cách ly tại nhà đủ 14 ngày liên tục kể từ ngày bắt đầu cách ly. Ngành y tế thực hiện lấy mẫu gộp xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly", ông Tân nói.

Để thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà, TP Biên Hòa yêu cầu tăng cường trách nhiệm của tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng, không để người được cách ly đi ra khỏi nơi ở. Giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc.

Thực hiện giám sát cách ly F1, TS Phạm Xuân Thành, Phó trưởng phòng quản lý sức khỏe lao động, Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), đánh giá TP Biên Hòa đã chủ động thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà.

TS Thành đề nghị những người thực hiện cách ly tại nhà tuyệt đối không được ra ngoài đường khi chưa được phép, tự theo dõi sức khỏe của bản thân, thường xuyên mở cửa nhà lưu thông gió, lau chùi nền nhà, tay nắm cửa bằng dung dịch sát khuẩn…

"Trạm y tế phường phải phân công người thường xuyên vào nhắc nhở, kiểm tra, giám sát, ghi nhận các diễn biến sức khỏe của những người đang cách ly", TS Thành nói.

Phường Hố Nai là nơi thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà đầu tiên của TP Biên Hòa. Từ ngày 28/7, 29 phường, xã còn lại trên địa bàn TP Biên Hòa sẽ thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà người dân.


Nguồn: Anh Văn/Zingnews.vn

26/07/2021

7.859 ca mắc Covid-19 trong ngày 26/7, TP.HCM có 5.997 bệnh nhân.

Với 7.859 ca mắc mới, hiện số bệnh nhân Covid-19 được ghi nhận trong nước đã vượt 100.000.

Tính từ 6h đến 18h30 ngày 26/7, Việt Nam có 5.174 ca mắc mới. Trong đó, 19 ca nhập cảnh và 5.155 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (4.283), Bình Dương (326), Đồng Nai (134), Đồng Tháp (116), Hà Nội (81), Cần Thơ (36), Đà Nẵng (34), Bình Thuận (25), Phú Yên (20), Bến Tre (18), Đắk Lắk (13), Trà Vinh (13), Vĩnh Phúc (10), Bình Định (8 ), Quảng Nam (8), Lâm Đồng (7), Ninh Thuận (7), Quảng Ngãi (4), Gia Lai (3), Bạc Liêu (2), Nghệ An (2), Tuyên Quang (1), Cà Mau (1), Hòa Bình (1), Đắk Nông (1), Huế (1). 380 bệnh nhân trong số này là các ca mắc được phát hiện ngoài cộng đồng.

Như vậy, ngày 26/7, nước ta đã ghi nhận 7.882 ca mắc mới, gồm 23 ca nhập cảnh và 7.859 bệnh nhân trong nước.

Tại TP.HCM, số bệnh nhân mới được ghi nhận là 5.997 người, cao nhất từ đầu dịch, hơn hôm qua 1.442 ca. Tổng số ca tại TP.HCM tính trong đợt dịch thứ 4 là 66.422.

Tại Hà Nội, số ca mắc mới được Bộ Y tế công bố là 81, cao hơn 66 người so với ngày 25/7.

Các bệnh nhân được ghi nhận ở các tỉnh thành trong ngày bao gồm: Bình Dương (733), Đồng Nai (259), Tiền Giang (201), Đồng Tháp (135), Đà Nẵng (61), Vĩnh Long 49), Bình Thuận (48), Phú Yên (46), Cần Thơ (43), Bến Tre (37), Đắk Lắk (29), Bình Định (27), An Giang (25), Trà Vinh (13), Khánh Hoà (12), Vĩnh Phúc (10), Lâm Đồng (9), Quảng Nam (8), Hậu Giang (7), Ninh Thuận (7), Đắk Nông (6), Quảng Ngãi (4), Gia Lai (3), Bạc Liêu (2), Nghệ An (2), Hưng Yên (1), Tuyên Quang (1), Cà Mau (1), Hòa Bình (1), Huế (1). Trong đó, 887 ca được phát hiện ngoài cộng đồng.

Tính đến chiều ngày 26/7, Việt Nam có tổng 106.347 ca mắc, gồm 2.201 ca nhập cảnh và 104.146 bệnh nhân trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 102.576 ca. Tổng cộng 18.570 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hiện tại, 7/62 tỉnh, thành phố trải qua 14 ngày không ghi nhận F0 mới, gồm Yên Bái, Quảng Trị, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn. Ngoài ra, 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang.

Riêng trong ngày 26/7, Bộ Y tế công bố 2.006 người Covid-19 khỏi bệnh, nâng tổng số ca điều trị khỏi lên 21.344 trường hợp. Ngành y tế đang điều trị cho 126 ca nặng, can thiệp ICU; 15 bệnh nhân nguy kịch, được thở ECMO. Trong 24 giờ qua, Việt Nam thực hiện 102.182 xét nghiệm cho 446.460 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay là 5.364.440 mẫu, cho 15.428.538 lượt người.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.613.491 liều, trong đó, tiêm 1 mũi là 4.223.628 liều, tiêm mũi 2 là 389.863 liều.

Cũng trong ngày 26/7, nhằm đáp ứng nhu cầu thuốc phòng Covid-19 và điều trị các bệnh khác, đảm bảo việc bình ổn giá thuốc, ổn định thị trường thuốc trong nước, Cục Quản lý Dược ban hành công văn số 8850/QLD-KD. Cục yêu cầu các sở y tế tỉnh, thành phố, cơ sở sản xuất nhập khẩu thuốc trên cả nước phải đảm bảo cung ứng, bình ổn giá thuốc phòng, chống Covid-19.

Từ 14h ngày 22/7 đến trưa 26/7, TP.HCM đã tiêm được 170.177 liều vaccine tại điểm tiêm của trung tâm y tế, cộng đồng và bệnh viện. Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, đến nay, tốc độ tiêm đạt 60% so với kế hoạch. Thành phố sẽ cố gắng đạt công suất 100.000 mũi tiêm/ngày.

TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến 1/8. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách. Từ 26/7, sau 18h mỗi ngày, người dân không nên ra đường, hoạt động trên địa bàn thành phố tạm dừng tới 6h sáng hôm sau để đảm bảo giãn cách xã hội, hạn chế việc đi lại của người dân.


Nguồn: Thiên Nhan/Zingnews.vn

24/07/2021

7.968 ca Covid-19 trong ngày 24/7, TP.HCM có 5.396 bệnh nhân.

35 tỉnh, thành phố ghi nhận thêm người mắc Covid-19. Trong đó, 2.428 ca được phát hiện tại cộng đồng.

Theo bản tin 18h ngày 24/7 của Bộ Y tế, Việt Nam có thêm 3.977 ca mắc mới gồm 27 ca nhập cảnh và 3.950 ca ghi nhận trong nước.

Như vậy, trong ngày 24/7, nước ta có tổng cộng 7.968 ca mắc mới, trong đó 31 ca nhập cảnh và 9.225 ca trong nước (gồm 1.288 người ở Long An mới được bổ sung trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19).

Tại TP.HCM, số ca mắc mới được ghi nhận trong ngày là 5.396, cao nhất từ khi dịch bùng phát. Hiện tổng số ca được ghi nhận ở TP.HCM trong đợt dịch thứ 4 là 55.870.

Số lượng bệnh nhân mới ở từng tỉnh, thành phố khác gồm: Long An (604), Bình Dương (785), Đồng Nai (221), Tiền Giang (220), Tây Ninh (132), Khánh Hòa (104), Đồng Tháp (75), Bà Rịa - Vũng Tàu (71), Bến Tre (61), Đà Nẵng (36), Bình Thuận (31), Đắk Lắk (27), Vĩnh Long (25), Cần Thơ (23), Vĩnh Phúc (21), Phú Yên (17), Kiên Giang (14), Bình Định (12), Hậu Giang (9), Hà Nội (9), Ninh Thuận (8 ), An Giang (7), Hưng Yên (4), Quảng Ngãi (4), Đắk Nông (4), Quảng Nam (3), Hà Nam (2), Bạc Liêu (2), Hà Giang (2), Lâm Đồng (2), Nghệ An (2), Cà Mau (2), Gia Lai (1), Thừa Thiên - Huế (1); trong đó có 2.428 ca cộng đồng.

Tính đến chiều ngày 24/7, Việt Nam có tổng 90.934 ca mắc gồm 2.172 ca nhập cảnh và 88.762 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 87.192 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM đã gửi UBND thành phố công văn đề xuất một số nội dung về việc quản lý người nghi nhiễm và người nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn.

Theo đó, người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 (xét nghiệm nhanh dương tính) cần đưa ngay đến khu cách ly tạm thời của quận, huyện (nếu có) để quản lý, theo dõi sức khỏe, chờ kết quả xét nghiệm khẳng định rRT-PCR.

Các địa phương chưa có khu cách ly tạm thời thì để người nghi nhiễm tại nhà, nhưng phải tách riêng để tránh lây nhiễm, theo dõi sức khỏe, chờ kết quả xét nghiệm khẳng định rRT-PCR.

Với người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã có xét nghiệm khẳng định rRT-PCR, trường hợp không có triệu chứng và có tải lượng virus thấp (CT>=30) thì được tiếp tục cách ly tại nhà hoặc được cho về nhà từ khu cách ly tạm thời, theo dõi y tế theo quy định.

Trường hợp F0 có triệu chứng hoặc tải lượng virus CT

23/07/2021

TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8.

Sau 5 lần kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8.

Tại hội nghị sơ kết 15 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn TP.HCM diễn ra chiều 23/7, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, báo cáo về kết quả sơ kết thực hiện 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16.

Ông Đức cho biết dù đã áp dụng nhiều biện pháp, thực tế tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các ca bệnh vẫn tăng.

Tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 với biện pháp mạnh hơn

Nhận định về hạn chế 15 ngày qua, ông Dương Anh Đức cho biết thành phố đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao; đa số là tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế. Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thành phố còn tồn tại tình trạng đưa thông tin xấu, bịa đặt, gây hoang mang, dư luận ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8, với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Chuỗi cung ứng bị khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về thành phố tăng, đồng thời việc ngưng hoạt động ba chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của các tiểu thương khó khăn. Do đó, giá cả biến động tăng mạnh tại một số điểm bán.

Ông Đức cho hay về phương hướng thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8 với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.

Chỉ thị 16 được áp dụng toàn TP.HCM lần thứ nhất trong đợt dịch này kể từ 0h ngày 9/7. Thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.

Sau 14 ngày áp dụng Chỉ thị 16, số ca nhiễm mỗi ngày tại TP.HCM vẫn liên tục tăng. Từ 9/7 đến 6h ngày 23/7, TP.HCM ghi nhận 40.255 ca nhiễm, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca; phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa.

TP.HCM điều trị 36.569 trường hợp mới mắc Covid-19, trong đó có 562 bệnh nhân nặng phải thở máy, 11 bệnh nhân được can thiệp ECMO, 441 trường hợp tử vong. 2.046 bệnh nhân được xuất viện.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Hiện, TP điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới (bao gồm xét nghiệm PCR và test nhanh dương), trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân được can thiệp ECMO, có 441 trường hợp tử vong. Ngày 22/7, TP.HCM có 2.046 bệnh nhân xuất viện.

Về xét nghiệm, tổng số nhân sự lấy mẫu của thành phố là 4.456 người, tương ứng 2.228 đội. Do thay đổi phương thức lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, năng lực lấy mẫu hiện nay khoảng 150-200 mẫu/đội/ngày. Tổng công suất lấy mẫu xét nghiệm tối đa mỗi ngày có thể đạt 334.000-445.000 mẫu/ngày. Từ 9/7 đến nay, thành phố đã lấy 1,6 triệu mẫu xét nghiệm, trong đó có 1,3 triệu mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh và hơn 291.000 xét nghiệm PCR.

Hơn 14.000 y tá, bác sĩ đang chống dịch ở TP.HCM

Về năng lực điều trị, TP.HCM đang thực hiện theo hệ thống 5 tầng. Tầng 1 chăm sóc F0 không triệu chứng, không bệnh nền chưa được điều trị ổn định, không béo phì và được cách ly tập trung tại địa phương. Tầng 2 là bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng. TP có 13 bệnh viện được vận hành với khoảng 32.000 giường, đang sử dụng 26.957 giường.

Tầng 3 là bệnh viện điều trị Covid-19 với ca mắc có triệu chứng trung bình và nặng, hồi sức cấp cứu (thở máy) ca chuyển biến nặng. Hiện có 8 bệnh viện với 3.315 giường, hiện sử dụng 2.832 giường.

Tầng 4 điều trị ca mắc Covid-19 nặng có bệnh lý nền; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục). Hiện, TP có 10 bệnh viện với khoảng 3.900 giường. Tầng 5 là bệnh viện hồi sức Covid-19 được trang bị đầy đủ phương tiện hồi sức. Hiện, TP có 4 bệnh viện với tổng 2.000 giường.

Tổng nhân lực ngành y tế đang tham gia chống dịch là 14.129 người, trong đó y tá, bác sĩ của thành phố là 10.022 người; Trung ương và các tỉnh, thành hỗ trợ là 4.107 nhân sự. Thành phố đã phân bổ 6.531 người về địa phương, tại các bệnh viện dã chiến là 7.407 người và các khu cách ly tập trung là 191 người.

Thành phố đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều đợt 5 trong 2-3 tuần từ 22/7. Đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt này là người trên 65 tuổi và người mắc bệnh nền. Mỗi phường, xã có ít nhất 2 điểm tiêm, mỗi điểm tiêm tối đa 120 người/ngày.

Tính đến nay, thành phố đã triển khai tiêm được 991.872 liều vaccine, trong đó 943.251 người tiêm mũi 1 và 48.657 người tiêm 2 mũi.

TP.HCM hiện có 1.282 doanh nghiệp đang vừa sản xuất, vừa cách ly, với tổng số trên 84.000 lao động.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Về sản xuất an toàn, hiện có 1.282 doanh nghiệp đang thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly, với tổng số trên 84.000 lao động. Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp đã chuẩn bị 15 khu đất trống và 15 nhà xưởng làm nơi cách ly tạm thời.

Đối với công tác hỗ trợ người lao động, thành phố đã hỗ trợ 100% người lao động tự do với trên 404 tỷ đồng. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp mới đạt 84/1.227 người (đạt 6,85%). Nguyên nhân giải ngân chậm là doanh nghiệp đóng cửa nên không lên được danh sách người lao động nhận trợ cấp.

Hiện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã tiếp nhận hơn 1.800 tỷ đồng tiền hỗ trợ, trong đó có 807 tỷ tiền mặt, còn lại là hiện vật.

Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, thành phố đã công bố 2.833 điểm bán trên 22 địa phương để phục vụ người dân. Thành phố tổ chức thêm 798 điểm bán với 886 lượt xe bán hàng lưu động.

Từ 9/7 đến nay, Công an TP.HCM đã xử phạt 4.911 trường hợp với tổng số tiền hơn 10,4 tỷ đồng. UBND các địa phương đã xử phạt 3.991 vụ với tổng số tiền 8 tỷ đồng.

4 lần kéo dài thời gian giãn cách xã hội của TP.HCM

Lần 1: Từ 0h ngày 31/5, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 trong 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng Chỉ thị 16.

Lần 2: Từ ngày 14/6, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 thêm 2 tuần.

Lần 3: Từ ngày 19/6, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 10, không nêu thời hạn.

Lần 4: Từ ngày 9/7, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày.


Nguồn: Thu Hằng - Thư Trần/Zingnews.vn

Address

Ngã Tư Bình Thung Quốc Lộ 1K
Di An

Telephone

+84948283739

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Tin Tức Online posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Share


Other News & Media Websites in Di An

Show All