16/06/2023
🇻🇳 Trần Dương Quang - Ông già dành cả thời thanh xuân cho cách mạng!
Tôi gặp ông trong một hoàn cảnh đặc biệt. Đứa cháu của tôi bị chó cắn tụ máu bầm. Qua lời giới thiệu của người chị họ , tôi và chị chở cháu đến nhà ông để chữa trị. Ngôi nhà cuối cùng nằm sau trong hẻm nhỏ giữa lòng Thành Phố Đà Nẵng xô bồ, nép mình sau những lớp nhà cũ kỹ. Đến nơi chúng tôi hỏi nhà của Chú Quang trị độc chó cắn, dường như ai cũng biết.
Được người phụ nữ gần đó gọi giúp. Đứng trước nhà ông chờ đợi, dáng đi khập khiễng từng bước từng bước tiến lại gần, nụ cười giòn giã xua đi cái nóng bức giữa mùa hè tháng 6 oi ả là ấn tượng đầu tiên của tôi về người đàn ông này. Thoạt nhìn, tôi thầm nghĩ đây chỉ là một ông già bình thường có nghề gia truyền chữa bệnh đông y, bởi dáng vẻ của ông không mấy đỉnh đạt, trang nghiêm như một người bác sĩ được truyền miệng như tôi từng tưởng tượng trước đó. Ông giản dị, đời thường trong bộ quần áo sộc xệch, ánh mắt mờ mờ lắm lúc nheo lại một hồi lâu để nhìn thử xem ai đang ở trước mặt.
Bất ngờ hơn nữa, bộ đồ nghề của ông chỉ vỏn vẹn một hộp thiết nhỏ đã cũ, có chỗ lấm tấm vết gỉ vì sử dụng đã lâu. Mở hộp ra bên trong là một vài viên gì đó nhỏ nhỏ tựa như những viên đá đen. Mới đầu, tôi thầm nghĩ chắc đây là than được đập nhỏ. Nhưng hỏi ra mới biết đây là sừng của một loài động vật có họ hàng với loài hưu, dùng để hút nộc rắn, nộc chó hoặc mèo. Ngoài ra trong hộp con có những lưỡi lam, kim nhỏ để rạch vết cào, cắn. Sau khi rạch vết thương một đường rất nhỏ, ông dùng những viên này đặt vào vết cắt. Lạ thay, những viên sừng này hút chặt vào chân và dính vào vết cắt. Ông bảo khi hút hết nộc độc, viên này sẽ tự nhả ra.
Trong lúc chờ đợi, ông kể một đoạn vắn tắt về nghề nghiệp của ông. Bỗng thấy ánh mắt ấy trở nên phấn khởi hòa cùng giọng nói chứa đầy vẻ tự hào kể rằng: ông từng là học sinh miền nam, đã từng một thời “ thoát ly”, sang Trung Quốc học tập theo diện ưu tiên của cách mạng miền Bắc năm 1963. Trở về nước sau giải phóng hai năm. Sau đó ông làm hồ sơ và xin vào làm Công an đến nay đã về hưu. Đọc một đoạn thơ truyện Kiều, ông dõng dạc khẳng định thuộc hầu hết tập truyện Kiều 3254 câu thơ và hàng loạt tập thơ khác.
Với bản tính tò mò, tôi hỏi ông nhiều thứ về những cuộc kháng chiến thời Mỹ- Ngụy, thời của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu trong những tháng ngày chia cắt giữa hai miền Nam Bắc.
Dưới hai phe đối lập Xã hôi chủ nghĩa và Việt Nam Cộng Hòa. Tôi chợi nhận ra, thời nào cũng có đa dạng thể loại người với những vỏ bọc khác nhau, mà chỉ khi nhìn sâu thẳm vào lối sống, cách nghĩ ta mới hiểu được, mà dễ gì ta nhận ra được điều đó, bởi đó là lý tưởng của chính họ. Ông kể rằng có nhiều người sống ở miền Nam nhưng theo Xã Hội Chủ Nghĩa, họ dấu lí tưởng, ý chí bên trong họ để có được một cuộc sống êm đềm cùng gia đình, vợ con. Nhưng cũng có những thành phần theo phe đối lập, dối trá phản động nhưng chỉ là số ít. Trải qua một đời kháng chiến, ông thấm thía cái gọi là lý tưởng cách mạng.
Thời đó, ông là một liên lạc viên thực thụ, giao thư và truyền tin mật tận tay cho chiến trường. Tôi hỏi ông “ Thế trong những lần đi về như vậy, có bao giờ ông bị phát hiện giấu thư chưa?”, Ông cười hiền : “ Ta giấu bằng cách của ta! Chúng đố hòng phát hiện được. Ta cuộn thư thật nhỏ gói vào bao ni long, dùng sáp hơ qua để hai đầu bịt kín lại, khoét lỗ lưới dép, nhét vào rồi dán lại, chẳng bao giờ chúng tìm ra. Có lục túi cũng chả thấy được”. Sau đó ông còn kể ti tỉ thứ về những điều ông đã trải qua. À trong những tháng ngày học tập tài Trung Quốc, ông gửi thư về liên lạc với bố, hai năm sau bố mới nhận được thư, rồi bố gửi thư lại sang đó cho ông, hai năm nữa ông mới đọc được. Ông cười tít mắt “ Thế là phải mất 4 năm hai cha con mới có được thông tin của nhau đấy”
Tôi nhìn ông một hồi, nét mặt ông vui vẻ hẳn lên, có vẻ như ông rất muốn kể lại cái thời oanh liệt ấy, một thời gắn cả một đời cách mạng!