02/26/2022
Ukraine và Việt Nam: Một lối đi, hai ngả rẽ
Ukraine những ngày qua, súng đã nổ, bom đã rơi. Hàng dòng người ôm nhau, rời khỏi mái nhà của mình để xin tị nạn. Một khung cảnh hoang tàn, chia ly buồn bã hiện ra ngay trước mắt thế giới. Khi mới tách khỏi Liên Xô, Ukraine vẫn thừa hưởng một đội quân gần nửa triệu binh sĩ với kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới. Thế nhưng…
Trong con mắt của những cựu sinh viên từng được nhà nước cử đi du học tại Liên Xô, Ukraine từng là một đất nước giàu có và tươi đẹp. Thậm chí họ từng là ước mơ, là hình mẫu cho Việt Nam trong trí nhớ của nhiều người. Trong các quốc gia thành viên của Liên Xô trước đây, Ukraine là nước cộng hòa phát triển thứ hai chỉ sau Nga, với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, xã hội phát triển và một đời sống văn minh.
Ở Ukraine còn có nhiều cái nhất. Quốc gia Đông Âu đứng nhất về xuất khẩu lúa mì, là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu với các tàu container chuyên chở 12% nguồn cung lúa mì và 16% ngô của thế giới. Ukraine còn được ví như “giỏ bánh mì của châu Âu”.
Nhiều người bày tỏ tiếc nuối, nếu ngày ấy Ukraine tự lực tự cường, tự đứng trên đôi chân của mình thay vì buông thả dựa dẫm vào phương Tây thì giờ đây họ sẽ là một siêu cường không kém cạnh gì so với nước Nga.
Dẫu biết Kiev rất sợ bị kìm kẹp và đặt nằm trong sự kiểm soát của Moskva, giống như cách mà người dân các nước Đông và Nam Á lo sợ Trung Quốc. Nhưng Ukraine đã quá bất cẩn, khi cho rằng phương Tây sẽ đối đãi tốt với mình.
Khi Ukraine phát đi “tín hiệu”, Mỹ và các nước phương Tây liền nhanh chóng tiếp cận. Họ đến với Ukraine vì đó là quốc gia có tầm ảnh hưởng thứ hai chỉ sau Nga trong số các quốc gia tách ra khỏi Liên Bang Xô Viết. Họ chưa hề có mong muốn liên minh, kết giao tình nghĩa anh em gì với Ukraine.
Mỹ chỉ ôm mộng toan tính, nếu dụ dỗ thành công Ukraine gia nhập NATO và Liên Minh Châu Âu EU, nó sẽ dẫn đến một hiệu ứng domino ở các quốc gia từng thuộc Liên Xô. Mỹ đang từng hy vọng các nước sẽ lần lượt nối đuôi nhau tách khỏi sự ảnh hưởng của Nga và NATO sẽ tiến sát được biên giới Nga.
Chính điều này sẽ tác động đến sự ổn định, an ninh, kinh tế và vị thế của Nga, thậm chí là khiến Nga bất ổn và tan rã, sụp đổ từ bên trong. Nói thẳng ra, cái Mỹ muốn là lật đổ Liên Bang Nga, còn Ukraine chỉ là quân cờ trong tay họ. Và có thể khẳng định, điều tương tự cũng đang diễn ra trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung.
Do đó, không phải bỗng dưng mà Tổng thống Putin từng gọi Ukraine là “Cô nàng xinh đẹp của tôi ơi”. Điều này ngụ ý rằng Ukraine như một cô gái xinh đẹp, nhưng quá mềm lòng và ngây thơ, không nhận ra rằng những lời đường mật của phương Tây, thực chất là một viên thuốc chuột bọc đường…
Và đến ngày hôm nay, khi mọi chuyện đã đi quá xa, quân đội Nga tiến gần Kiev. Tổng thống Ukraine cay đắng nói trước truyền hình: “Chúng tôi bị bỏ rơi…”
Ông nói: “Chúng ta đã bị bỏ lại một mình trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Ai sẵn sàng sát cánh chiến đấu cùng chúng ta? Tôi chẳng thấy một ai… Ai sẵn sàng đảm bảo tư cách thành viên NATO cho Ukraine? Ai cũng lo sợ. Tôi đã hỏi tất cả các đối tác liệu họ có đứng về phía chúng ta không? Họ nói đứng về phía chúng ta, nhưng không sẵn sàng đưa chúng ta vào cùng liên minh với họ!
… Hôm nay, tôi đã trực tiếp hỏi 27 lãnh đạo châu Âu liệu Ukraine có được gia nhập NATO hay không. Mọi người lo sợ, không trả lời…”
Ukraine và Việt Nam: Một lối đi, hai ngả rẽ
Nhìn biến loạn ở Ukraine, mỗi người Việt Nam hẳn đã ngẫm rất nhiều về tình cảnh đất nước khi xưa. Từng có một thời, không ít người hô hào Việt Nam nên đi theo đường lối thân Mỹ chống Trung. Thậm chí, nhiều tổ chức chống phá còn được lập ra để hô hào cho một con đường “ôm chân” nước Mỹ.
Đầu tiên, họ hét to hai chữ “nhân quyền”, chà đạp và làm ô uế hình ảnh nhà nước. Tiếp đó lấy Trung Quốc ra làm bia, nói chính phủ nhún nhường, không đủ năng lực. Cuối cùng là kêu gọi chúng ta phải nghe theo họ, thành lập nên một chính quyền thân phương Tây, rằng phải làm như thế mới giúp chống chọi được với Trung Quốc.
Nhưng sự thực thì, chỉ cần một cú sảy chân khi đó, Việt Nam hôm nay đã “ngồi chung mâm” với Ukraine.
Hằng năm, Mỹ vẫn là cái nôi rao giảng “dân chủ” và “nhân quyền”. Và Việt Nam luôn bị họ công kích vì không đáp ứng những “tiêu chuẩn” mà Mỹ đề ra.
Mỹ không phải nơi để dựa vào, “miếng cơm manh áo không đùa với khách thơ”. Mỹ không cho không ai cái gì, còn Ukraine thì đã quá bất cẩn khi chọn con đường dựa dẫm thái quá vào những người mà họ cho là “đồng minh”.
Không hiểu rõ ý đồ của đối phương, người thiệt chính là Ukraine
Trước đây, thay vì mua khí đốt giá rẻ từ Nga, Ukraine chỉ vì muốn nâng cao tinh thần hữu nghị, mà chấp nhận rút ruột, mua dòng khí đốt với giá cắt cổ từ các nước EU. Và khi giá khí đốt tăng cao, chính nó đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Ukraine.
Không chỉ thế, từ khi coi phương Tây là “bạn bè”, Ukraine đã thi hành nhiều chính sách chống Nga cực đoan, bất chấp những hậu quả kinh tế nặng nề mà nó mang lại. Ở các tỉnh miền Đông trước đây, vốn đều là những trung tâm công nghiệp chính của Ukraine, các nhà máy từng chế tạo máy móc, thiết bị, kể cả động cơ tên lửa và động cơ máy bay để xuất khẩu sang Liên bang Nga. Và chỉ vì một loạt chính sách “tuyệt giao quan hệ” với Nga, những nhà máy này ngừng làm ăn với các đối tác Nga, khiến cho các xí nghiệp hoạt động cầm chừng, người lao động mất việc. Các thành phố công nghiệp như Dnipropetrovsk, Kharkiv, Zaporoze… từ chỗ nhộn nhịp trở nên ảm đạm, không còn sức sống.
Bất chấp những hành động cầu thị đó, phương Tây vẫn chưa bao giờ xem Ukraine là bạn. Ông Viktor Medvedchuk, lãnh đạo đảng Cương lĩnh Đối lập Ukraine, cho rằng trong khi Ukraine hứng nhiều thiệt hại kinh tế trong khủng hoảng biên giới với Nga, thì phương Tây kiếm lợi lên tới hàng tỷ USD.
“Các nước phương Tây kiếm được hàng tỷ USD nhờ tình hình hỗn loạn. Với tuyên bố giúp Ukraine chống lại ‘sự tấn công của Nga’, Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác kiếm về rất nhiều tiền. Họ đã thành công bán những thứ rác rưởi quân sự với giá cao cho Ukraine. Họ ký kết những hợp đồng thương mại béo bở”, ông Medvedchuk nhấn mạnh.
Ông nói tiếp: “Nền kinh tế Ukraine đã thiệt hại ít nhất 12 tỷ USD bởi tin đồn Nga sắp tấn công và những gói viện trợ từ Mỹ, EU là không đủ bù đắp. Số tiền đó là không đủ để bù đắp cho những tổn thất của Ukraine trong cuộc chiến ảo. Các nước phương Tây đang đẩy chúng ta vào cái hố nợ không đáy. Dòng vốn đầu tư đang ồ ạt chảy khỏi Ukraine. Và chúng ta sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hỗ trợ tài chính quốc tế.”
Càng phụ thuộc vào tiền vay nước ngoài, Ukraine càng buộc phải tuân theo các điều kiện mà Quĩ Tiện tệ Quốc tế (IMF) đưa ra, để có thể nhận thêm các khoản vay mới. Một vòng xoáy luẩn quẩn đẩy Ukraine ngập trong nợ nần.
Tóm lại, dù Mỹ không đạt được mục tiêu làm tan rã Liên Bang Nga, song họ cũng đã chất đủ tiền vào túi. Mỹ không thắng lớn thì cũng đã thắng nhỏ và chẳng thiệt gì…
Và đúng như nhiều người đã hỏi: “Ván cờ Ukraine, nếu Mỹ và Nga cùng thắng, thì ai thua?” Câu trả lời đó chính là Ukraine.
Mỹ đang ở đâu?
Chỉ vài tháng trước, ngày 30/12/2021, Nhà Trắng phát đi thông điệp: “Tổng Thống Biden đã tuyên bố rõ ràng rằng, Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác sẽ đáp trả dứt khoát nếu Nga xâm lược Ukraine”.
Chưa đầy hai tháng sau, khi “Chiến dịch phi quân sự” hóa Ukraine” diễn ra khốc liệt thì hành động duy nhất của Mỹ là bài đăng trên mạng xã hội của ông Biden: “Tôi đang cầu nguyện cho những người dũng cảm và tự hào của Ukraine”. Thật là cảm động trước nước Mỹ vĩ đại và những lời “cầu nguyện” của họ…
Cơ hội “lật ngược thế cờ” cho Ukraine
Sự thật mất lòng, nhưng với Mỹ và NATO, Ukraine trước nay cũng chỉ là một “cô gái qua đường”. Họ chẳng thiết tha gì với Kiev khi ván bài đã lật ngửa. Giờ đây ở Ukraine, họ vẫn than vãn việc bị các “đồng minh” bỏ rơi. Nhưng sự thật cay đắng là chưa từng một ai muốn xem Ukraine là đồng minh. Chính nhầm lẫn tai hại đó đã khiến cho Ukraine trở nên yếu đuối, một cuộc chiến bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc mình mà cứ phải trông chờ vào nước ngoài. Một điều trái ngược hoàn toàn ở Việt Nam ta trước kia.
Hơn 60 năm trước, khi kêu gọi kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng một mực từ chối nhận quân viện trợ từ Trung Quốc sang. Người đã nói: “Chúng ta nhận súng, đạn, xe sau này chúng ta sẽ trả. Đất nước thống nhất, giàu mạnh sẽ trả bằng tiền, nhưng nếu nhận người, nhận sinh mạng thì có trả được bằng tiền hay không?” Chuyện của dân tộc Việt Nam thì để Việt Nam tự giải quyết, chỉ như thế thì sau này, mới không một ai có quyền nói ra nói vào vấn đề nội bộ của Việt Nam.
Việt Nam và Ukraine, cả 2 đều có những mối thù dân tộc riêng. Ukraine hiềm khích với Nga, thì Việt Nam cùng những mâu thuẫn với Trung Quốc. Nhưng chúng ta may mắn khi có được những vị lãnh đạo sáng suốt và vĩ đại, dẫn dắt đất nước đi đến được như ngày nay. Không dựa Mỹ chống Trung, làm bạn với tất cả là chủ trương của Việt nam. Điều đó được thể hiện trong Sách Trắng Quốc Phòng năm 2019, ghi rõ: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng hoặc đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế.”
Ukraine giờ đây đang nhận lấy bài học của mình. Nhưng điều may mắn với họ là Nga không “đam mê” chiến tranh như một “đồng minh” nào đó cách xa hàng ngàn km.
Thư ký báo chí Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết: “Tổng thống Nga đã cho biết những điều mà Nga mong đợi từ Ukraine để giải quyết vấn đề ‘lằn ranh đỏ’. Đó là một Ukraine trung lập và từ chối triển khai vũ khí trên lãnh thổ Ukraine”.
Chiến sự tại Ukraine sẽ kết thúc nếu Kiev chấp nhận 2 điều kiện trên. Trọng tâm của cuộc đám phán ngừng chiến sẽ là việc Ukraine phải đảm bảo về tình trạng trung lập và cam kết không có vũ khí trên lãnh thổ của mình.
Thư ký báo chí Nga nói thêm rằng ông Putin sẽ quyết định thời gian của các cuộc đàm phán, nhưng đưa ra điều kiện rằng Nga sẽ chỉ ngồi xuống “nếu lãnh đạo của Ukraine sẵn sàng nói về những điều kiện mà Nga đưa ra”. Ông cho biết thêm nếu Kiev đồng ý đáp ứng các yêu cầu, cuộc tấn công quân sự vào Ukraine lúc này có thể được dừng lại.
Ông Medvedchuk, lãnh đạo đảng Cương lĩnh Đối lập Ukraine, cũng nói rằng: “Cách duy nhất để Kiev vượt qua khó khăn hiện nay là cải tổ chính phủ và cân nhắc lại các chính sách đối nội, đối ngoại Ukraine”.
Thật ra, chiến tranh hay hòa bình, hiện vẫn còn đang nằm trong lòng bàn tay của Ukraine. Bất kể việc Nga có dã tâm xâm lược Ukraine hay không, thì giờ đây Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã tiếp tục để ngỏ một cơ hội đàm phán. Chỉ cần Kiev chịu lắng nghe, không cực đoan ngả về bên nào, tự lực tự cường, hòa bình sẽ được lập lại ở “giỏ bánh mì châu Âu”.