Một tiếng nói của Giáo hội, thông qua kỹ thuật số, cùng với người Á châu trên toàn thế giới tham gia vào cuộc đối thoại về Chúa Kitô với tôn giáo, văn hóa và con người.
Xác đáng về nội dung
Loan báo Tin mừng và phát triển con người
Thăng tiến nền văn minh sự sống và hòa bình
Các tương quan hỗ tương
Thúc đẩy tiềm năng con người
Những giá trị trọng tâm
Hợp nhất trong đa dạng | Unity in DiVersity
Thương xót và trắc ẩn | MErcy and Compassion
Trân trọng sự sống | Respect for life
Liêm chính | Integrity
Minh bạch | Transparency
Tinh thần trách nhiệm | Accountability
Tinh thần hợp tác | Synergy
Lịch sử
Đài phát thanh Chân lý Á Châu (RVA) được hình thành như một lời đáp trả cho lòng khao khát loan báo và chia sẻ Chúa Kitô và Tin mừng của Người với mọi người trên thế giới, cách riêng là tại Á châu qua làn sóng phát thanh. Giấc mơ này trở nên cấp thiết hơn tại lục địa Á châu sau Thế Chiến Thứ Hai, nhất là những ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa cộng sản tại các quốc gia: Trung Quốc, Việt Nam, Đại Hàn và Miến Điện trước các vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo. Trước các các vấn đề nói trên, hi vọng duy nhất để đem Tin mừng Chúa Kitô và tiếng nói của sự thật và công lý là nhờ vào sức mạnh của làn sóng phát thanh Radio.
Lời đáp trả của Giáo Hội Á Châu
Năm 1958, tại Đại Chủng viện thuộc Đại học Hoàng gia Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinô ở Manila, ước mơ nói trên đã được đem ra thảo luận trước một hội đồng gồm 100 Giám mục đến từ các quốc gia châu Á và châu Úc. Ý tưởng này cuối cùng đã được thông qua và chấp thuận với sự đồng hành của Toà Thánh. Đức Giáo hoàng Piô XII mong muốn có một đài phát thanh ở châu Á. Sau khi Đức Giáo hoàng Piô XII qua đời, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã thực hiện ý tưởng này bằng cách gửi đại diện của ngài là Đức Hồng y Gregory Peter Agagianian XV đến để trao đổi về những thách đố của Chủ nghĩa Cộng sản đối với Giáo hội Á châu.
Philippines, quốc gia Công giáo duy nhất ở châu Á, gần Trung Quốc nhất, được chọn là nơi đặt cơ sở cho đài phát thanh này. Đức Hồng y Rufino Santos, khi ấy là Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Manila, đã đón nhận nhiệm vụ này. Năm 1961, một cơ quan pháp lý cho Đài Phát Thanh Chân Lý được thành lập tại Manila, được gọi là “Trung tâm Giáo dục và Thông tin-Phát thanh Philippines” (PREIC), là nơi chứng nhận tính cách pháp lý của Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu.
Năm 1970, khi viếng thăm Philippines, tại Manila, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã phát biểu trước việc khai sinh Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu (11.04.1969) bằng những lời sau đây: “Với thách đố và sứ vụ quan trọng này, cần phải vang vọng lại những giáo huấn của Đức Kitô để thăng tiến con người và đưa họ đến với sự thật và tình yêu Thiên Chúa.” Rồi, chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1981, một lần nữa khẳng định sự cần thiết của trạm phát sóng ngắn đối với sứ vụ truyền giáo của Hội thánh, khi ngài mô tả Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu là “tiếng nói của Kitô giáo tại Á châu". Và vào năm 1999, trong Tông Huấn “Giáo Hội Á Châu", Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gọi Đài Chân Lý Á Châu là “một khí cụ truyền giáo xuất sắc".
Sự quan phòng của Thiên Chúa
Sự quan phòng của Thiên Chúa được tỏ hiện trong việc thực hiện dự án này, khi Giáo hội tại Đức quốc đã đứng ra giúp đỡ các giám mục châu Á hoàn thành hoài bão lớn lao này. Ngày 11 tháng 10 năm 1960, Thủ tướng Đức Konrad Adenauer đã cam kết thực hiện dự án Đài phát thanh Chân Lý Á Châu. Những tổ chức của Giáo hội cũng hỗ trợ tài chính, như: Hội Truyền Bá Đức Tin; Hội Đồng Giám Mục Đức; Tổng Giáo phận Cologne; các tổ chức như Missio, Misereor, Hội Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, và Hiệp hội Các Trẻ em thánh thiện.
Một số hội đồng giám mục châu Á cũng bày tỏ tình đoàn kết và hỗ trợ công cuộc truyền giáo này, như các Hội Đồng Giám Mục: Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Để có địa điểm cho việc sản xuất chương trình, Tổng Giáo phận Manila đã định liệu một khu đất tại Fairview, Thành phố Quezon. Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) được thành lập trong chuyến viếng thăm lịch sử của Giáo hoàng Phaolô VI tại Manila vào năm 1970. Từ đó, trách nhiệm của trạm phát sóng đã được giao phó cho Giám mục đoàn Á châu, cụ thể là Văn phòng Truyền thông Xã hội của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu. Ban quản trị gồm 5 Giám mục và một Thư ký đã luôn đồng hành trong việc lên kế hoạch và giúp bảo đảm tài chính cho việc vận hành trạm phát sóng.
RVA và cuộc cách mạng công nghệ
Trong thế giới công nghệ ngày nay, sứ mạng của Đài không thể tụt lại phía sau. Sự ra đời của Internet và các phương thức kỹ thuật số khác giúp cho Đài phục vụ thính giả mọi lúc mọi nơi. Trong năm 2007, Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu đã số hóa các cơ sở sản xuất của mình, mở đường cho việc di chuyển một số ngôn ngữ về các quốc gia địa phương, nơi mà tình hình chính trị ổn định. Việc phát triển này mở ra khả năng nhiều ngôn ngữ sẽ sản xuất chương trình từ địa phương và rồi gửi về Đài Chân Lý Á Châu qua đường Internet.
Ban Việt Ngữ
Tuy ngày thành lập chính thức của Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu là ngày 11 tháng 04 năm 1969, nhưng chương trình phát thanh tiếng Việt đã được đưa vào thử nghiệm từ tháng 2 năm 1967. Do vậy, Ban Việt Ngữ được xem là ngôn ngữ tiên phong phát sóng của Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu.
Ban Việt Ngữ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 21 tháng 2 năm 1969, nghĩa là khoảng hai tháng trước khi Đài Chân Lý Á Châu được chính thức khánh thành vào ngày 11 tháng 4 năm 1969.