07/10/2021
NGƯỜI MIỀN NAM THÍCH NÓI ĐÚNG ÂM PHÁP NGỮ ☘
●Nguyễn Gia Việt
Thấy trên truyền hình tuyên truyền mùa dịch mà cứ "rửa tay bằng xà phòng" nghe thệt mệt lỗ nhĩ. Tuyên truyền gì kỳ cục, muốn lọt vào lòng người Nam thì pải xài đúng kiểu Nam Kỳ chớ.
Nam Kỳ kêu xà bông hay sà bông.
Xin khẳng định "sà bông" là trước nhứt, xà bông là chữ của người Nam Kỳ sau này.
Tiếng Pháp gốc là "Savon".
Trong một bao thơ in năm 1936 của hãng Việt Nam của ông Trương Văn Bền ta thấy chữ sa bông tức là sà bông.
Rồi sau này từ sà bông lại thành xà bông, chữ xà này nó xa quá, hơi hám con rắn, dân Nam Kỳ không phân biệt rõ chữ s và x, họ cho là chuyện nhỏ nên thành xà bông.
Người Nam Kỳ có ông hộ tịch viết tên Lan thành Lang, Phát thành Phác, Bán thành Báng, Sà thành Xà.
Có chổ quảng cáo là sà phòng nữa, có lẽ là gốc Bắc, người Bắc Kỳ kêu là xà phòng.
Sau 1975 người ta đổi tên cái bến bắc thần thoại, yêu thương của người Miền Nam thành "phà" kiểu Bắc, gần đây lại thành "bến khách sang sông".
Người Nam Kỳ kêu những cái tàu suông đuộc hình chữ nhựt như xà lan chở xe, người qua sông là bắc.
Bắc là từ tiếng Pháp “bac” nghĩa là tàu,thuyền.Hình như bên Pháp có cái xứ tên là Berry-au-Bac. Ta có bắc Mỹ Thuận, bắc Vàm Cống, bắc Cái Vồn, bắc Mỹ Lợi (Cầu Nổi)...
“Em về đi qua bến bắc
Nhớ dòng sông sâu Bassac
Làng em chất phát thật thà”
Sau đó người Bắc 75 đem từ “Phà” vô Nam Kỳ. Phà là nghĩa gì thì chưa tìm ra
Trong ngôn ngữ Nam Kỳ, Tiếng Pháp nguyên gốc giữ một vị trí đặc biệt,người Lục Tỉnh đọc nguyên văn không thêm bớt, không đặt thành Tiếng Việt.
Đặc sản trái sơ ri xứ Gò Công, chữ sơ-ri là gọi theo cách phát âm Pháp từ cerise,l à loại cây được người Pháp đem vô Việt Nam cùng thời với cao su, cà phê.
Sơ ri được gọi là West Indian Cherry.
Còn cherry nhập từ Mỹ, Úc... gọi là trái anh đào, thuộc họ Rosaceae, chữ cherry tiếng Anh cũng bắt nguồn từ tiếng Pháp “cerise”.
Nó có thể trùng âm, nhưng là khác nhau.
Tuy nhiên trái sơ ri Gò Công không có họ hàng chi với trái cherry anh đào, hai trái khác nhau hoàn toàn.
Ngày nay người Nam Kỳ phân biệt rất rõ giữa trái sơ ri Gò Công và trái cherry nhập khẩu từ Úc, Mỹ hay Châu Âu.
Bữa kia đi ăn đám cưới, nghe mấy ông già xổ tiếng Pháp, "Tui mẹc xi bóp c.u ông (Merci beaucoup)".
Việt Nam thời thuộc địa Pháp được chia thành 3 vùng Annam ( Trung Kỳ), Cochinchine (Nam Kỳ) và Tonkin (Bắc Kỳ).
Trong đó Nam Kỳ là thuộc địa Pháp, dân Nam Kỳ cũng như người mang quốc tịch Pháp, hai vùng kia là xứ bảo hộ mà thôi. Thành ra Nam Kỳ xổ Tiếng Pháp ngon lành.
Người Sài Gòn quen thuộc với những gánh "Ai ve chai, lông vịt, dép đứt, thau nhôm, mủ bể bán hôn".
Ve chai là đồ phế thải. Chữ "ve chai" là từ tiếng Pháp verre chỉ cái chai thủy tinh đựng chất lỏng, người Nam Kỳ kêu là “ve” hoặc “de”.
Ví dụ ve dầu gió Nhị Thiên Đường,ve nước tương , ve xá xị.
Nhớ hồi nhỏ con nít Nam Kỳ có trò chơi “em de”,tức là cắt quần áo cho chai dầu gió chơi trò đám cưới cô dâu chú rễ.
Có những chai thủy tinh đựng xá xị,nước ngọt, rồi hãng bia BGI có bia La De Con Cọp , La De 33, Bière Larue, Lave Larue.
Cái chữ De của bia Con Cọp chẳng biết có dính dáng gì tới verre của cái chai hay không. Tuy nhiên dân Nam Kỳ quen với chữ “de” cũng từ mấy chai bia này.
Như vậy ve chai đã đủ nghĩa là cái chai thủy tinh.
Tui nghĩ chắc chắn là người Tàu nghĩ ra trò quảy gánh đi mua “ve chai” đầu tiên ở Sài Gòn Chợ Lớn. Họ đi mua chai đã qua sử dụng để về bán nó cho mấy cái chành chạp phô ở Chợ Lớn đựng dầu hôi, dầu phông, dầu hào, dầu cải bán lẻ.
Trong quá trình đi mua ve chai đó, họ bắt đầu mua đồng vụn, giấy vụn khi những thứ này tái chế được, dần dà cái nghề quảy gánh đi mua đồ phế thải đó kêu là “mua ve chai”.
Bắc kêu ve chai là "đồng nát"
Cái nghề ve chai chẳng cần vốn liếng nhiều, chỉ cần hai cái cần xé, đôi gióng và cái đòn gánh, một cái cân xách tay là xong
Những người Tàu mua ve chai dân Nam kỳ xưa kêu là Chệt ve chai, ở trong những xóm Ve Chai, và bán cho những vựa ve chai.
Những năm trước 1950-1960 người đàn bà Nam Kỳ nói chung và Sài Gòn nói riêng không ai mặc Xú chiêng hay Coóc xê (Áo ngực)
Người đàn bà Nam Kỳ rất ý tứ khi mặc áo dài hay bà ba ra đường, họ sẽ mặc cái áo túi bên trong và cái áo túi này kín đến độ che phủ không để hở da thịt chổ xẻ tà bên hông.
Xú chiêng là tiếng Pháp soutien nghĩa là nâng đỡ. Coóc xê ( coọc-xê) là phiên âm của từ corset nghĩa là thắt chặt.
Người phụ nữ Nam Kỳ không mặc hai thứ này vì cho rằng đó là vú giả, vú cao su, họ không đụng, đàn bà mang tiếng xài vú giả tức đàn bà không có ngực là quê xệ với chồng con và xóm làng.
Trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa học giả Vương Hồng Sển kể về cô Ba Thiệu đẹp không ai bì có tiêu chuẩn không mang Xú chiêng hay Coóc xê:
“Cô đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhân tạo. Tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng. Đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Bưu điện”.
Xà lỏn (Tà lỏn) là một phương ngữ Nam Kỳ chỉ cái quần ngắn của đờn ông.
Chưa ai tìm ra nguồn gốc chữ xà lỏn. Nhiều người cho rằng 'xà lỏn' là do phát âm từ chữ "Caleçon"(quần lót ngắn) tiếng Pháp là "Quần Đùi".
“Xài líp ba ga ”là một từ mà người Nam Kỳ hay nói. Trong đời sống thường nhựt khi muốn nói về cái gì không giới hạn, ngút ngàn , xài minh mông, tới bến.
Xài líp ba ga có nghĩa là xài hết tiền luôn. Nhậu líp ba ga là nhậu chìm xuồng luôn.
Líp ba ga là tiếng Pháp bồi, ghép từ hai chữ “libre bagage”.
Libre là tự do, không bị ràng buộc. Bagage là hành lý.
Líp ba ga tức là hành lý không giới hạn. Từ lóng này xuất hiện thời Pháp của giới đi xe đò lục tỉnh.
Khi khách đi xe đò, mang theo hàng hóa lỉnh kỉnh từ đồ ăn, gà vịt tới xe đạp ... chất hết lên xe mà ông cò không phạt vạ nên lơ xe mừng, rồi người mang hành lý cũng mừng. Thành ngữ “líp ba ga” xuất hiện từ đó.
Ngày nay đi xe đò, xe bus dân Nam vẫn có thói quen tính tiền ba ga tức là tiền hàng hóa.
Líp ba ga còn đồng nghĩa với thả cửa, thả giàn, mút mùa Lệ Thủy.
Người Sài Gòn khi ám chỉ ai đó nói chuyện dài dòng mà không biết ngày kết thúc, nhây dai, nói câu chuyện không đầu đuôi mà dạng nhảm nhảm, vô bổ không có lợi ích gì là "Cái thứ bá láp"
Ai cũn nghĩ bá láp từ tiếng Tàu, nhưng không phải vậy.
Chữ "bá láp" hay "ba láp" là từ chữ "palabre" tiếng Pháp, được chú thích là “discussion longue et oiseuse qui n'aboutit à rien de positif"(Cuộc bàn cãi dài dòng không đi đến đâu).
Người "bá láp" là người dai nhách mà vô ích, vô tích sự, không đàng hoàng, nhảm nhí, cà chớn cà cháo.
Bá láp bá xàm đồng nghĩa với "tàm xàm", "tào lao"", tào lao bí đao và tào lao xí đế.
Nhơn tiện kể ra vài từ.
-Banh ta lông: Có nghĩa là banh chành ,tan nát,kết thúc một sự việc. Banh là từ Nam Kỳ, talon vỏ xe, talon là cái mép cứng của vỏ xe đạp, nó ôm chặt vỏ vào niền xe, banh ta lông có nghĩa là vỏ xe …đem quăng.
-Hổng xi nhê : Có nghĩa là không ăn thua, không có ý nghĩa gì hết
Chữ "signifier" tiếng Pháp trong luật có nghĩa là tống đạt. Không xi nhê tức là cái tống đạt đó không hiệu quả, sau thành chữ thông dụng có nghĩa là không ăn thua gì, không sợ gì.
Nhà Nam Kỳ nào cũng có một cái Gạc Măng Rê hết, mà Gạc Măng Rê tên tiếng Tây đàng hoàng.
Gạc Măng Rê là đọc từ Garde à manger, người Bắc kêu là cái "chạn bát" (Người Bắc có câu "Chó chui gầm chạn" ).
Ông bà Nam Kỳ mình xưa châm tiếng Tây ro ro, nhứt định kêu tiếng Tây, không định ra Tiếng Việt gì hết.
Xứ Nam Kỳ thuộc địa mà, bước ra đường lên xe đò là đụng "sốp phơ" nè, rồi xe "de" tới de lui nè, khi cần ngừng ở đâu thì khách nhổm dây kêu vầy "Sốp phơ ơi, stop", nghề sốp phơ bẻ vô lăng. Ông bà mình nói chuyện cũng châm toàn Tiếng Pháp, nào là thằng này nó giảng mô ran nè, thằng nọ "xếp de", con kìa thiệt là "au to ma tic".
Con gái đi làm ngồi "cét" (caisse) (thâu ngân) oai hết biết.
Garde à manger - Gạc Măng Rê là cái tủ đựng đồ ăn để trong bếp, nó luôn trong bếp hoặc sau nhà,làm bạn với Ông Táo.
Người Nam Kỳ không thích dài dòng cứ kêu nguyên bổn Garde à manger.
Nam Kỳ kêu khăn mu soa (mouchoir), mặc xoa rê (soirée), đứng trên ban công ( balcon), ăn bánh mì ba ghét ( baguette), nhét giăm bông (jambon), xúc xích (saucisse), patê (paté) rồi uống la de ( la bière ) và bia ( bière).
Mấy năm gần đâu tự dưng nghe trái "lồng mứt" nghe mắc mệt.
Đó là trái sa-pô-chê. Sa-pô-chê là kêu theo tiếng Pháp “sapotier". Kêu "lồng mứt" là theo tiếng Thái.
Bắc kêu sa-pô-chê là hồng xiêm.
Như ta đã biết xe xích lô có gốc từ chữ "cyclo" trong tiếng Pháp mà ra. Người Việt xài chữ quốc ngữ phiên âm ra thành "xích lô" rồi gắn chữ "xe" vô thành "xe xích lô".
Coii Tô Ánh Nguyệt thấy hai ông già chửi lộn nhau, một ông xổ nho, một ông xổ tiếng Tây vui hết xẩy.
"Bạt đông anh chớ pha sê.
Ắt tăng, moa rắc công tê tú xà"
(fâcher: giận; ắt tăng = attendre: đợi; moa = moi: tôi; rắc công tê = raconter: kể; tú xà = tout ça: tất cả mọi vật hay mọi việc.)
Xin đọc lại một bài thơ vui, coi người Miền Nam xổ Tiếng Pháp ra làm sao nè:
"Tiếng Pháp, tiếng Việt giống nhau,
Cùng nhau tìm chữ, tìm câu hàng ngày.
Mu-soa (mouchoir) là cái khăn tay,
Buya-rô (bureau) bàn giấy, để ngay văn phòng.
Savon là cục xà-bông.
Ban-công (balcon) là chỗ đứng trông trước nhà.
Xót-ti (sortir) có nghĩa: đi ra.
Ve (vert): màu xanh lá, màu là cu-lơ (couleur).
Beurre thì có nghĩa là bơ
Ăn với ba-gét (baguette): bánh mì đũa que.
Chìa khóa còn gọi cờ-lê (clé)
Đốc-tơ (docteur): bác sĩ, kẹo là bòn-bon (bonbon)
Thịt nguội còn gọi giăm-bông (jambon)
Quần dài, là păng-ta-lông (pantalon), đúng không?
Tóc tém: đờ-mi gạc-xông (demi garçon).
Phòng khách có ghế sa-lông (salon) để ngồi.
Súp-lơ (choux fleur): bông cải, bỏ nồi.
Cùi-dìa (cuillère): thìa, muỗng, xin mời ăn cơm!
Quả táo còn gọi: trái bơm (pomme)
Dễ thương, hay gọi mi-nhon (mignonne), hay dùng.
Coát-xăng (croissant) là bánh hai sừng.
Cà-rem (creme) ai thấy cũng mừng, cũng ham.
Đặt hàng còn gọi còm-măng (commande)
Sớp-phơ (chauffeur) tài xế, phải ngồi vô lăng (volant)
Gọi mẹ, thì gọi ma-măng (maman)
Thường trực là pẹc-ma-năng (permanent) nghe bà!
Lối đi qua, gọi cu-loa (couloir)
Bi-da (billard) chơi nhớ, phải chà cục lơ (bleu).
Người chạy xe đạp: cua-rơ (coureur)
Đồng hồ điện, gọi công-tơ (compteur) hả bồ?
Bảo vệ là gạc-đờ-co (garde de corps)
Áo khoác dài gọi măng-tô (manteau) đó mà.
Tạm biệt, nói ô-rờ-voa (au revoir)
Món gà nấu đậu, gọi là la-gu (ragout)
Chửi nhau nói: mẹc-xà-lù (m***e sa**ud)
Pê-đan (pé**le) bàn đạp, rất cần cho xe.
Màu da ta gọi màu be (beige)
Cà-vẹt (carte verte) là giấy xe nè, hở anh?
Thắng xe, thì gọi là phanh (frein)
Cà-vạt (cravate) nhớ thắt, để thành… đẹp trai.
Pít-xin (piscine) là cái hồ bơi.
Búp-bê (poupée) bé thích, bé ngồi, bé mơ…
Buộc-boa (pourboire) ám chỉ tiền bo.
Tích-kê (ticket) là vé, ri-đô (rideau) là màn.
Táp-pi (tapis) là tấm thảm sàn.
Sinh nhật, nhớ mở nhảy đầm đãng-xê (danser)
Đầm dài là cái xoa rê (soirée)
Giuýp (jupe) là váy ngắn, nhìn mê không bồ?
Xe hơi còn gọi ô tô (auto)
Đờ mi (demi): một nửa, bô (beau) là đẹp trai.
Đúp (double) thì có nghĩa: gấp hai.
Bưu ảnh, là cạc-pốt-tan (carte postale) có hình.
Co (corp) là để chỉ thân mình.
Đề-pa (départ) mang nghĩa khởi hành đó nha.
Tôi thì mình xưng là moa (moi)
Còn bạn có nghĩa là toa (toi), là mày.
Tiếng Pháp Việt hóa, thật hay.
Nhưng không thể viết một ngày mà xong.
Chỉ mong đóng góp cộng đồng.
Soạn đi soạn lại, vẫn còn nhiều ghê.
Thủ quỹ quen gọi két-xê (caissier)
Giới thiệu nhà cửa, bởi mê tiền cò (com: commission)
Bệnh hoạn, ai lại chẳng lo?
Chạy mua thuốc ở tiệm gọi là phạc-ma-xi (pharmacie)
Màu xám còn gọi màu ghi (gris)
Cục gơm (gomme) để xóa, viết chì để ghi.
Con gái tôi, gọi ma-phi (ma fille)
Đét-xe (dessert) tráng miệng, ăn khi tiệc tàn.
Nhảy đầm, đẹp nhất điệu van (valse).
Nhẹ nhàng thanh thoát, chàng nàng say mê.
Mỗi sáng một phin (filtre) cà phê (café)
Bắt đầu làm việc, không hề quên đâu.
In-trô (intro): khúc nhạc dạo đầu.
Cam-nhông (camion): xe tải, lơ (bleu): màu xanh xanh.
Tiệc tùng khui rượu sâm-banh (champagne).
Sô-cô-la (chocolat) đắng, người sành thấy ngon.
La-de (la bière) uống giống bia lon.
Có người không thích, thì ngồi chê bai.
Bia (bière), bọt, chỉ nên lai rai.
Uống nhiều bia quá, hao tài, hao phăng (Franc)
Tiền thì nhớ bỏ nhà băng (banque)
Trai gái sắp cưới, gọi là phi-ăng-xê (fiancé)
Mùa hè nắng gắt thấy ghê,
Nhớ đeo găng (gants) để bị chê đen thùi.
Ăn cơm, ăn xúp (soupe), ăn nui (nouille).
Nhớ chan nước xốt (sauce), nhớ mùi rau thơm.
Điện tín là tê-lê-gam (télégramme)
Vợ tôi thì nói “ma pham” (ma femme) của mình.
Te-ríp (terrible): là chuyện thất kinh.
Phi-nan (final): kết thúc… thôi thì… mình xì-tốp (stop)… luôn...".
●Nguyễn Gia Việt