02/06/2022
Bóc trần thủ đoạn tinh vi của đường dây cho vay nặng lãi lên tới 2.190%/năm
Mới đây, 1 đường dây cho vay qua app lớn nhất từ trước đến nay vừa bị triệt phá. Thủ đoạn hoạt động của hội nhóm điều hành đường dây này hết sức tinh vi, có tổ chức.
Phá đường dây cho vay nặng lãi lên tới 2.190%/năm, thế chấp bằng danh bạ điện thoại
Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội vừa phối hợp với Cục CSHS Bộ Công an và nhiều đơn vị thuộc Công an Thành phố triệt phá thành công một đường dây chuyên cho vay qua các app (ứng dụng trên điện thoại di động, máy tính bảng – PV) với lãi suất "cắt cổ". Trong đó, các đối tượng trong đường dây đã thuê hàng trăm nhân viên – chủ yếu là người kinh doanh tự do, sinh viên mới ra trường, có tuổi đời còn trẻ - để tổ chức "khủng bố" những người có tên trong danh bạ điện thoại của con nợ.
Chia sẻ với tờ CAND, đại diện Phòng CSHS Công an TP Hà Nội cho biết cách đây vài tháng đã nhận được nhiều đơn trình báo, tố giác của nhiều nạn nhân đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội, về việc bị nhiều đối tượng gọi điện thoại "khủng bố" để đòi nọ.
Đáng nói ở chỗ, những người này có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp… có tên và số điện thoại trong danh bạ của con nợ, cũng có khi chỉ là những người cả đời mới gặp con nợ 1 lần. Với thủ đoạn "bắt vạ" kiểu này, nhiều người không liên quan đến con nợ đã liên tục bị làm phiền bằng cuộc gọi, tin nhắn thiếu văn hóa, tục tĩu… nhằm yêu cầu họ thúc ép con nợ trả tiền.
Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo tiến hành lập chuyên án, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm triệt phá đường dây tội phạm gây bức xúc trong dư luận này.
Ngày 24/5, đồng loạt các mũi trinh sát đã triệt phá 7 cơ sở của tổ chức cho vay lãi nặng dưới hình thức "tín dụng đen" ở 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, bóc gỡ đường dây, đưa gần 300 đối tượng và thu giữ toàn bộ tang vật có liên quan về trụ sở cơ quan điều tra.
Ngày 27/5, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội bắt khẩn cấp đối tượng người nước ngoài liên quan đến đường dây "tín dụng đen" xuyên quốc gia Liu Dan Yang (SN 1992, quốc tịch Trung Quốc), hiện đang tạm trú tại số 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội), là Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ thông tin YooPay Việt Nam.
Cùng với Yang, Công an TP Hà Nội còn bắt khẩn cấp 20 người là quản lý, nhân viên trong đường dây này để làm rõ các hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "cưỡng đoạt tài sản".
Hoạt động tội phạm có tổ chức và ma mãnh
Được biết, trong vụ án này, Cơ quan công an đã phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức để săn tìm các đối tượng trên mạng cũng như ngoài đời thật. Để "tàng hình" tránh tai mắt lực lượng công quyền, các đối tượng đã thành lập nhiều công ty "ma", liên tục thay đổi tên gọi cũng như địa điểm hoạt động. Các đối tượng đầu não cũng có kiến thức về công nghệ thông tin, mỗi bước đi đều cảnh giác, xóa dấu vết.
Đặc biệt, việc giải ngân và tất toán được tiến hành qua nhiều cổng thanh toán điện tử khác nhau, gây khó khăn cho việc truy xét nguồn tiền. Thêm vào đó, nhiều đối tượng trong đường dây là khách hàng VIP của nhiều ngân hàng, nên việc điều tra cần hết sức khéo léo, kính đáo, tránh rút dây động rừng.
Qua điều tra vụ án, công an xác minh quá trình vận hành của đường dây như sau: Khách có nhu cần vay tiền sẽ cài đặt app được đối tượng gửi qua các đường link và phải đồng ý cho app truy cập danh bạ, tin nhắn… của điện thoại.
Tiếp đến, khách phải chụp ảnh 2 mặt CCCD hoặc CMND và thế chấp bằng những tài sản có giá trị thấp. Với lãi suất được quảng cáo chỉ từ 15-20%/năm nên khách vay cảm thấy phù hợp và tiện lợi do không phải gặp trực tiếp ký giấy tờ vay nợ. Các đối tượng sau đó sẽ gọi điện thoại cho một số người có trong danh bạ để xác minh nhân thân, khi thông tin trùng khớp, sẽ chuyển cho bộ phận kế toán.
Sau khi được giải ngân, khách vay mới "ngã ngửa" khi biết lãi suất dù khá ưu đãi nhưng con nợ sẽ phải trả rất nhiều khoản thuế, phí vô lý khác nhau. Tính tổng lãi suất phải trả lên đến cả ngàn %/năm.
Khi con nợ chậm trả tiền, các đối tượng sẽ áp dụng các biện pháp từ thấp đến cao như "nhắc nhở nhẹ nhàng" đến "khủng bố" bằng tin nhắn, cuộc gọi chửi bới, dọa dẫm. Khi con nợ tìm cách cắt đức liên lạc, các đối tượng sẽ lần lượt gọi tới số có trong danh bạ của người vay tiền để "khủng bố" bằng hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn bất chấp việc những người này có thanh minh rằng không biết con nợ ở đâu, làm gì.
Nặng nề hơn, các đối tượng còn cắt ghép hình ảnh con nợ vào ảnh khỏa thân đồi trụy, hoặc tạo các ảnh với nội dung "truy nã" khách vay đang phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản rồi tung lên MXH với mục đích bôi nhọ danh dự của con nợ và người thân, hòng ép con nợ trả tiền.
Chưa dừng lại ở đó, với những con nợ đã tất toán xong, các đối tượng đánh giá khách vay thuộc hàng "có tiềm năng" nên sẽ tự động giải ngân thêm gói vay dù con nợ cũ không có nhu cầu. Bọn chúng sẽ chuyển tiền vào tài khoản con nợ vào buổi chiều, để sang ngày hôm sau, nếu con nợ có liên hệ thông báo không vay nữa thì vẫn phải trả đủ thuế, phí, lãi suất vay trong ít nhất là 1 ngày.