28/07/2022
Chữ tâm (心) là trái tim, lòng dạ và lương tâm của con người. Mọi hành động của chúng ta nếu đều xuất phát từ cái tâm, sự tâm thiện thì suy nghĩ và hành động sẽ theo đúng đạo lý, lẽ phải. Nếu tâm của chúng ta không lành thì sẽ sinh tà ý và làm nhiều điều xấu xa, gây ra tội lỗi.
Chữ tâm thường được sử dụng để hướng suy nghĩ của con người đến cái thiện, sự tu thân dưỡng tính, sống một cách tích cực và làm nhiều điều thiện lành. Khi tâm lệch lạc thì cuộc sống của bạn sẽ điên đảo.
"Tâm gian dối thì cuộc sống bất an
Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù
Tâm đố kỵ thì sống mất vui
Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá."
Đức Phật có dạy rằng: "Tất cả chúng sinh đều có bản tâm thanh tịnh. Chúng sinh chẳng nhận thấy được vì bị vô minh che lấp". (Trích trong Kinh Đại bát Niết bàn). Ý Phật dạy có nghĩa là tất cả mọi người đều có bản tâm thanh tịnh, trong sáng tròn đầy và vắng lặng, tuy nhiên, vì bị ngoại cảnh bên ngoài chi phối và tác động nên tâm đó luôn bị dao động, thành ra tâm trí thường bất an, điên đảo, tạo tội, tạo nghiệp trong vòng luân hồi bất diệt.
Lời Phật dạy về chữ Tâm rằng: "Một khi chỉ một thoáng tâm sân hận khởi lên mà chúng ta không kiềm chế khắc phục được thì lập tức muôn ngàn đau khổ chướng ngại tiếp nối theo sau."
Theo quan điểm của nhà Phật thì tâm của chúng ta không tồn tại dưới dạng vật chất nên không thể nắm bắt được nó, nhưng không có tâm thì vật chất được coi là vô nghĩa và vô tri vô giác.
Các loại tâm trong Phật gồm có:
Nhục đoàn tâm.
Tinh yếu tâm.
Kiên thực tâm.
Liễu biệt tâm.
Tư lượng tâm.
Tập khởi tâm.
Lời Phật dạy về chữ tâm
Lời Phật dạy về chữ tâm: "Tùy tâm biến hiện." (Trích Kinh Thủ Lăng Nghiêm)
Theo Đức Phật, mọi sự việc trên thế gian này dù tốt hay xấu, đúng hay sai, lành hay dữ, phải hay trái, có được hay không đều là do vọng tâm của con người biến hiện ra cả. Sự cảm thị của tâm sẽ tùy thuộc vào từng cá nhân, không ai là giống ai cả, không phải lúc nào cũng giống nhau và không phải nơi nào cũng giống với nhau.
Đức Phật dạy rằng: "Căn bản của sanh tử luân hồi là vọng tâm. Căn bản của bồ đề Niết bàn là chân tâm". Có nghĩa là chúng ta mỗi ngày luôn sống với vọng tâm, luôn thay đổi, có lúc buồn rầu có lúc vui vẻ, có lúc thương có lúc ghét, có khen có chê, có ca ngợi có phê phán…
Bản tâm thanh tịnh hay chân tâm thường là tâm hằng, vĩnh viễn và luôn hiện hữu trong mỗi con người. Chỉ có tham lam, sân hận si mê mới có sinh có diệt mà thôi (vọng tâm).
Khi có tâm từ và từ bi, con người sẽ dễ cảm thông với người khác hơn, do vậy mà có thể làm giảm nhẹ bớt tâm tức giận, tâm sân hận. Khi có tâm hỷ và tâm xả, con người sẽ giảm bớt được tâm ghen tỵ, tâm đố kỵ, tâm hơn thua và tâm cố chấp. Cho đến khi nào mà tư vô lượng tâm của bạn tròn đầy, vọng tâm tan biến thì tâm ý của bạn sẽ trở nên an nhiên tự tại hơn, từ đó chân tâm sẽ xuất hiện.
Con người chúng ta có thể nhận biết được mọi sự việc bên ngoài khi mắt nhìn thấy nhưng lại không thể nhận biết được những sự việc trong tâm trí. Khi cái tâm ý của ta điên đảo, dẫn đến tạo nghiệp là nguyên nhân chính khiến chúng ta bị cuốn vào vòng sinh tử luân hồi.
Khi tâm của chúng ta suy nghĩ chân chính thì mới phát sinh ra những hành động tốt đẹp được, nếu tâm suy nghĩ tà thì sẽ gây ra những hành động xấu và tội lỗi. Do vậy, thân của chúng ta hành động tốt hay xấu đều do cái tâm của mình chủ động điều hành. Chính vì vậy, cái tâm của mỗi con người là quan trọng hơn hết, nếu không có tâm thì coi như thân thể này là phế bỏ.
Đức Phật dạy về chữ tâm: "Nếu thường xuyên giữ được chánh niệm, tâm không loạn động, dứt trừ được phiền não thì chẳng bao lâu đắc thành quả vô thượng bồ đề." (Trích Kinh Đại Tập)
Hiểu rõ lời Phật dạy về chữ tâm sẽ giúp mỗi chúng ta thức tỉnh, gieo chữ tâm tốt sẽ nhận được trái ngọt, cuộc sống của ta sẽ trở nên đơn giản, nhẹ nhàng, bình dị và hạnh phúc hơn. Do vậy, mỗi người hãy luôn giữ cho mình một chữ tâm thiện lành và trong sáng các bạn nhé!