19/12/2024
VẠCH TRẦN THỦ ĐOẠN XUYÊN TẠC “MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TINH GỌN, HOẠT ĐỘNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ”
Có thể nói, thời gian gần đây, tình trạng nói xấu, công kích, “chọc gậy bánh xe”, thậm chí vu khống, chống đối Đảng, Nhà nước và nhân dân ta của các phần tử bất đồng chính kiến, các thế lực thù địch về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không ngừng gia tăng trên các phương tiện thông tin, truyền thông, các trang mạng xã hội. Đây là những lời lẽ, luận điệu đặt điều mà họ đã xuyên tạc về con người và đất nước Việt Nam. Nói về thể chế, về vai trò lãnh đạo của Đảng phải thấy rằng, mọi thời điểm, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhìn nhận thấy ưu điểm, hạn chế về một đảng chính trị lãnh đạo một quốc gia. Đây cũng là một trong những mô hình chính trị phổ quát trên thế giới. Với ưu điểm: tính ổn định chính trị, tính hiệu quả, tính đoàn kết, tầm nhìn chiến lược… Và hạn chế, như: thiếu cạnh tranh, thiếu đa dạng ý kiến, nguy cơ độc đoán, thiếu minh bạch…
Tuy nhiên, để có uy tín và vị thế cao của mình, Đảng đã xây dựng và vận hành một cơ chế giám sát quyền lực bên trong và bên ngoài hiệu quả, không chỉ giúp ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực, tham nhũng, mà còn tạo ra sự minh bạch, tin tưởng trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Giám sát bên trong: Đảng tự giám sát, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Đảng xây dựng các quy định, quy chế rõ ràng về đạo đức, kỷ luật đảng viên không bao che … Giám sát từ bên ngoài, gồm: Quốc hội; Tòa án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân; Báo chí, truyền thông và người dân… Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước được lịch sử dân tộc Việt Nam thừa nhận từ khi giành chính quyền và đã được hiến định bởi Điều 4, ghi trong Hiến Pháp.
Trên thực tế, đại đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hồ hởi, phấn khởi đồng tình cao với chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị và nhận thức rõ sự cần thiết của chủ trương này, đồng thời bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Dư luận toàn xã hội hiện đón nhận, hưởng ứng rất tích cực chủ trương này, thậm chí đã có nhiều ý kiến góp ý rất chi tiết, cụ thể hoàn toàn có tính chất xây dựng. Tuy nhiên, cho dù họ có nói xấu đặt điều đến đâu thì các thế lực chống đối, thù dịch cũng phải thừa nhận rằng, “Việc tinh gọn bộ máy nhà nước đã được công luận đồng tình và ủng hộ”. Đúng như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm “Chủ trương này đang được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất đồng tình và ủng hộ.”.
Phải khẳng định rằng, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta từ nhiều năm nay, đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, kế hoạch của Chính phủ… Trong các văn kiện Đại hội Đảng các khóa VII, VIII, XIX, X, XI, XII, XIII Đảng ta đều đặt ra các nhiệm vụ về sắp xếp, tinh gọn lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII (Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Qua 7 năm thực hiện chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đến nay tổ chức bộ máy hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối…
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là công việc đang đặt ra cấp thiết và hiện tại là thời điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố phù hợp để thực hiện quyết liệt một cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công việc hệ trọng này cần được tiến hành khẩn trương, thận trọng, khoa học và có tính nguyên tắc. Mục tiêu cao nhất là sau khi sắp xếp, bộ máy phải phục vụ tốt nhất sự phát triển đất nước và nhu cầu của nhân dân… Tuy nhiên, khi thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan không trùng lặp, chồng chéo, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; làm tốt công tác tư tưởng tạo sự đồng thuận xã hội cao và có chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt phải đảm bảo bộ máy hoạt động không bị gián đoạn, không vì sắp xếp mà ảnh hưởng đến tiến độ các công việc và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Là cuộc cách mạng phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đây là “Vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm!”, “Càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”, “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Phải thật khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Trung ương không chờ cấp tỉnh; cấp tỉnh không chờ cấp huyện; cấp huyện không chờ cơ sở. Trong quá trình thực hiện, phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn đặt ra. Theo Tổng Bí thư, đây là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Muốn vậy, phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tăng cường công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy trong tình hình mới.
Cùng với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, Đảng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng… Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với phương châm “không ngừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Trong đó, cần đẩy mạnh phòng, chống lãng phí như phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.
Trọng Trinh