09/08/2023
“TIẾN QUÂN CA” - BÀI HÁT ĐÁNH DẤU BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI NHẠC SỸ VĂN CAO.
Không có lý tưởng, không có mục đích, giữa lúc Văn Cao muốn “từ bỏ tất cả hội họa, thơ ca, âm nhạc”, thì sự xuất hiện của người bạn thân, người anh Ph.D đã giúp chàng trai Văn Cao được gặp lại Vũ Quý. Từ đây, Văn Cao đã tìm thấy con đường cách mạng và nhiệm vụ mà ông được giao là sáng tác nghệ thuật.
NS Văn Cao đã viết: “Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào, tôi chỉ biết đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta trong khóa quân chính đầu tiên ấy để biết họ hát như thế nào”.
Trong những ngày chuẩn bị giành chính quyền, NS Văn Cao là Đội trưởng Đội Ám sát của thanh niên thành Hoàng Diệu. Ông trực tiếp phụ trách quản lý vũ khí và giao vũ khí cho những chiến sĩ cảm tử của Hà Nội đi trừng trị Việt gian.
Trong những ngày tháng rực lửa như vậy, với tất cả lòng nhiệt huyết của chàng trai trẻ yêu nước, ông đã viết nên những giai điệu và ca từ của Tiến quân ca - bài hát mang giai điệu khác hẳn với âm nhạc thường thấy của mình. Ca từ, giai điệu của bài hát rất hùng tráng, thể hiện ý chí vùng lên của toàn dân tộc; chỉ ở thời khắc lịch sử ấy mới sinh ra được.
Ngày 17/8/1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát Lớn, “Tiến quân ca” lần đầu tiên được cất lên trước đông đảo quần chúng nhân dân. NS Văn Cao kể: “Bài Tiến quân ca đã nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi, hàng ngàn giọng hát cất vang lên theo những đoạn sôi nổi. Ở những cánh tay áo mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng đã thay những băng vàng của chính phủ Trần Trọng Kim. Trong một lúc, những tờ bướm in Tiến quân ca được phát cho từng người trong hàng ngũ các công chức dự mít-tinh. Tôi đã đứng lẫn vào đám đông quần chúng trước cửa Nhà hát Lớn. Tôi đã nghe giọng hát quen thuộc của bạn tôi, anh Ph.D. qua loa phóng thanh. Anh là người đã buông lá cờ đỏ sao vàng trên kia và xuống cướp loa phóng thanh hát. Con người trầm lặng ấy đã có sức hát hấp dẫn hàng vạn quần chúng ngày hôm đó, cũng là người hát trước quần chúng lần đầu tiên, và cũng là một lần duy nhất”.
Ngày 19/8/1945, trong khí thế “long trời, lở đất” của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, dưới cờ đỏ sao vàng, dàn đồng ca Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát vang Tiến quân ca. “Ngày diễn ra cuộc mít tinh, nhạc sĩ Văn Cao sốt run lẩy bẩy. Ông chỉ lặng lẽ nghe quần chúng hát vang bài “Tiến quân ca” do mình sáng tác và chứng kiến đồng đội hòa theo quần chúng đi giành chính quyền. Nhạc sĩ Văn Cao khi đó trở lại đúng vai trò của chàng lãng tử, đứng ra bên lề lịch sử”, GS.TS Phạm Hồng Tung chia sẻ.
Đặc biệt, ngày 2/9/1945, “Tiến quân ca” chính thức được cử hành trọng thể trong Lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã duyệt Ca khúc “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; “Tiến quân ca” được long trọng ghi trong Hiến pháp là Quốc ca Việt Nam.
Và từ đó, Quốc ca mang hồn thiêng sông núi, là tiếng đồng vọng của lịch sử, là lời hiệu triệu xốc tới, là mạch đập của đất nước và dân tộc, trở thành mạch đập trái tim ta khi lồng ngực ta vang lên lời Quốc ca.
Bài hát Tiến quân ca của Văn Cao đã ra đời như thế, trong thời đại lịch sử đánh dấu một “buổi bình minh mới” của dân tộc, đất nước.
"Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…"