12/11/2023
TRUYỀN CẢM HỨNG LỊCH SỬ CHO HỌC SINH
Trong nhiều năm gần đây, Lịch sử là môn học, môn thi thường xuyên thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội và truyền thông, báo chí. Năm học mới chuẩn bị bắt đầu, sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai ở bậc THPT bắt đầu từ lớp 10 cho năm học 2022-2023. Từ kinh nghiệm giảng dạy môn Lịch sử ở bậc học phổ thông 30 năm qua, tôi xin phép được chia sẻ cùng với bạn đọc và đồng một vài đúc kết sau.
1. Nhân tố đầu tiên đóng vai trò quyết định giúp cho học trò có hứng thú học Lịch sử chính là sự tận tâm, nhiệt huyết của mỗi người thầy. Dù các em có thể học chưa giỏi môn Lịch sử và không chọn Lịch sử là môn thi, nhưng các em vẫn đủ sự tinh tế để nhận ra điều này.
Tôi thiết nghĩ, mỗi giáo viên khi dạy môn Lịch sử luôn phải xác định lấy học sinh là trung tâm và coi trọng sự hứng thú học lịch sử của học sinh hơn là việc chỉ dừng lại nhiệm vụ truyền thụ kiến thức lịch sử đã có trong sách giáo khoa. Chính sự tận tâm và trách nhiệm của người thầy sẽ giúp giáo viên Lịch sử nhận ra năng lực và sự khác biệt về khả năng, tài năng, sở thích, hứng thú của từng học sinh để có sự điều chỉnh kịp thời trong từng tiết dạy.
2. Nhiều học sinh đến các tiết học môn Lịch sử, rất không thích giáo viên khi giảng dạy lại lệ thuộc hoàn toàn vào tài liệu, giáo án, sách giáo khoa. Một tiết dạy thăng hoa, có cảm xúc và tạo nên sự lôi cuốn với học trò, đa số đều là những tiết dạy thoát ly được tài liệu. Một tiết dạy được giáo viên Lịch sử triển khai một cách rập khuôn theo đúng một kịch bản bài bản, chi tiết thường cứng nhắc và hoạt động dạy học của thầy trò sẽ mang tính chất khiên cưỡng, đối phó. Điều này sẽ lý giải tại sao cùng một lớp học, cùng một bài học trong một cuốn sách giáo khoa, nhưng cô giáo này dạy học sinh lại thích, thầy giáo kia dạy học sinh lại chán? Lịch sử là môn học đặc thù và đặc biệt nên người dạy luôn phải biết tái hiện quá khứ với bộ mặt vốn có của nó. Đó là sự hấp dẫn của môn Lịch sử.
3. Mỗi môn học đều có sự khác nhau về kiến thức và cách thức truyền đạt từ phía người dạy. Lịch sử vốn là một môn học khô khan, khó nhớ, khó thuộc bởi nó chứa đựng nhiều kiến thức về sự kiện, thời gian, không gian, nhân vật lịch sử có trong sách giáo khoa. Lượng kiến thức sự kiện thì nhiều nhưng dung lượng bộ nhớ của học trò đều có hạn. Điều quan trọng nhất của giáo viên dạy Lịch sử là biết chọn lọc một số sự kiện, kiến thức tiêu biểu, nổi bật trong mỗi bài dạy, chương dạy, phần dạy. Quan điểm của tôi khi dạy Lịch sử là không phải cung cấp những gì thầy có, sách giáo khoa có mà là dạy những gì mà học trò cần và muốn nghe.
4. Một kỹ năng quan trọng của mỗi giáo viên Lịch sử là khả năng xâu chuỗi kiến thức và khái quát hóa vấn đề. Nhiều giáo viên Lịch sử đôi khi mải mê thuyết trình nhưng quên mất một kỹ năng rất quan trọng là trình bày bảng. Nói nhiều mà không gói ghém, cô đọng được bằng các ký tự trên bảng thì học sinh sẽ khó nhớ, nhanh quên. Tôi thường có thói quen khi trình bày kiến thức trên bảng bằng kiểu sơ đồ hóa kiến thức một cách ngắn gọn, rõ ràng và lôgic. Kết thúc một tiết dạy, chỉ cần nhìn lưu lượng kiến thức và cách trình bày kiến thức trên bảng là sẽ giúp học sinh dễ nhớ, dễ hiểu và nhớ lâu.
5. Trong đổi mới phương pháp giảng dạy, để chuyển từ việc truyền thụ kiến thức một chiều của người dạy sang một tiết học có sự hoạt động, tương tác hiệu quả giữa thầy và trò, giáo viên Lịch sử không nên nhồi nhét về kiến thức, áp đặt về mặt quan điểm theo kiểu “thầy nói, trò phải nghe”. Muốn có tiết dạy thật sự sôi nổi bằng sự tương tác giữa thầy và trò, thầy phải tôn trọng quan điểm, chính kiến của học trò nhờ những câu hỏi mang tính gợi mở, nêu vấn đề để giúp học trò tự tin tương tác, thậm chí phản biện. Nhiều kỹ năng được thầy hướng dẫn, trò tiếp thu và thể hiện, chúng ta sẽ tạo cho học trò có nhiều thói quen để hình thành các kỹ năng như: Tự học qua sách giáo khoa, tự làm việc với các tài liệu tham khảo, tự học thông qua các đồ dùng trực quan, tự đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi, tự trình bày một vấn đề lịch sử...
6. Trong các môn học ở trường phổ thông, Lịch sử là môn học có lợi thế nhất giúp các giáo viên có thể truyền đạt kiến thức và nhận thức lịch sử không chỉ trong khuôn khổ một cuốn sách giáo khoa. Hằng năm, đến các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, học sinh đi ra đường có thể thường xuyên bắt gặp các băng rôn, panô, áp phích, tranh cổ động cho nhiều ngày lễ gắn liền với các sự kiện lớn, như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2), Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5), Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8) và Quốc khánh (2-9), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12)... Riêng những kiến thức cơ bản đó của lịch sử dân tộc đã được các em làm quen từ nhỏ chứ không cần chờ đến khi học trong sách giáo khoa mới biết. Điều mà mỗi giáo viên Lịch sử cần lý giải ý nghĩa của mỗi sự kiện đó trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
7. Tận dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào một số bài học cụ thể để làm cho những tiết dạy trở nên sinh động hơn. Điều mà tôi muốn nói ở đây là tận dụng chứ không lạm dụng. Tùy thuộc vào kiến thức của mỗi bài mà có thể tận dụng phương pháp trình chiếu kết hợp với diễn giải và cần xác định phương pháp nào là quan trọng, cơ bản, phương pháp nào là hỗ trợ, kết hợp, bổ sung. Dạy lịch sử qua kênh hình, biểu đồ, sơ đồ, video sẽ giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh hơn, khó quên hơn, nhớ lâu hơn bởi ấn tượng của các hình thức đó được hằn sâu và lưu nhớ vào bộ não, giúp học sinh phát triển tư duy. Nhận thức của học sinh qua môn Lịch sử không chỉ là việc tìm ra cái mới, cái chưa biết mà chính các em còn phải tái tạo những tri thức lịch sử khoa học để có nhận thức đúng đắn, công bằng, khách quan về lịch sử.
8. Phương thức kiểm tra đánh giá như thế nào của mỗi giáo viên Lịch sử sẽ làm cho học sinh không sợ môn Lịch sử cũng là một kỹ năng rất quan trọng, dù đó là hình thức tự luận hay trắc nghiệm, dù là bài kiểm tra thường xuyên hay định kỳ. Cách ra đề kiểm tra đánh giá, cho dù chỉ 15 phút hay 45 phút thì giáo viên nên ra hai câu. Một câu chỉ cần yêu cầu học sinh nhận biết kiến thức và câu còn lại sẽ yêu cầu về thông hiểu, vận dụng kiến thức theo hướng mở. Đó là cơ hội để học sinh có thể hiểu khả năng tư duy và năng lực nhận thức lịch sử, bày tỏ quan điểm, chính kiến.
9. Trong việc giảng dạy kiến thức và ôn tập, ôn thi, một phương tiện lan tỏa kiến thức có hiệu quả là thông qua Facebook, Zalo và các mạng xã hội khác. Khi chất lượng cuộc sống ngày được cải thiện, nâng cao, hầu như học sinh nào cũng dùng mạng xã hội để kết nối và sẻ chia thông tin mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại thông minh. Với giáo viên Lịch sử, tôi thiết nghĩ thi thoảng chúng ta nên chọn lọc và đăng tải trên trang cá nhân của mình những thông tin, kiến thức, hình ảnh, bộ phim tư liệu dễ học, dễ nhớ, dễ hiểu liên quan đến các tiết học lịch sử trên lớp. Mạng xã hội từ phía giáo viên sẽ là phương tiện, công cụ để các em tin tưởng đọc, say mê học và sẻ chia hiệu quả những kiến thức có ích. Tôi luôn xem trang Facebook cá nhân của mình như là một “thư viện nhỏ” mà tôi tìm kiếm và lưu giữ, lan tỏa nhiều kiến thức quan trọng về lịch sử cho tôi, cho học trò của tôi và các đồng nghiệp.
10. Mỗi môn học đều có vai trò, nhiệm vụ khác nhau trong việc cung cấp kiến thức phổ thông, nhưng Lịch sử là môn học đặc thù và đặc biệt. Lịch sử luôn gắn liền và song hành với chính trị, là cội nguồn của mọi quốc gia-dân tộc, thể chế. Hiểu quá khứ, liên hệ tới hiện tại và dự đoán, hoạch định cho tương lai, đó là mục đích cốt lõi của việc dạy học lịch sử.
Giá trị lớn nhất của giáo dục lịch sử là giúp hậu thế phải rút ra những bài học kinh nghiệm từ quá khứ và giáo dục cho thế hệ trẻ biết rõ cội nguồn gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước, biết quý trọng những giá trị của lịch sử để kế thừa và phát huy các giá trị đó cho hiện tại và tương lai.
Muốn dạy lịch sử cuốn hút hơn, muốn làm học sinh từ chỗ không yêu đến yêu lịch sử và lựa chọn Lịch sử là môn học, môn thi thì điều cốt lõi là mỗi giáo viên dạy Lịch sử phải làm cho học sinh hiểu tác dụng của việc học lịch sử, vai trò của môn Lịch sử trong việc cung cấp kiến thức phổ thông và định hướng nghề nghiệp. Động cơ tạo nên động lực. Động lực sẽ khuyến khích việc học. Đó chính là cội nguồn yêu thích lịch sử và học môn Lịch sử./.
Báo QĐND