Theo“Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) viết về miền đất Gia Định, là một sử liệu quan trọng về Nam bộ Việt Nam thời nhà Nguyễn, có viết:
Năm Mậu Dần (1698), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) cử vào Nam kinh lược “lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, xây dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa); lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Gia Định)".
Theo quy chế hành chính của Chúa Nguyễn, đất Đàng Trong được chia thành các dinh, dưới dinh là các phủ. Phủ chia thành nhiều huyện, dưới huyện là tổng. Tổng chia thành nhiều xã hoặc thôn là đơn vị nhỏ nhất. Địa bàn quận Thủ Đức ngày nay (trong đó có vùng đất phường Hiệp Bình Phước ngày nay) lúc đó thuộc Tổng Bình An, huyện Phước Long.
Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), ranh giới hành chính có dự thay đổi, lập thêm phủ Phước Tuy và 2 huyện mới Nghĩa An và Long Khánh. Huyện Nghĩa An gồm 4 tổng An Thổ, An Thủy, An Di và An Bình (vùng Thủ Đức ngày nay). Trong thời Pháp thuộc, huyện Nghĩa An (Thủ Đức) được cho chuyển sang thuộc tỉnh Gia Định.
Năm 1867, thực dân Pháp chiếm trọn lục tỉnh Nam Kỳ, chia thành 24 hạt. trong đó Nghĩa An bao gồm Châu Thành Thủ Đức và huyện Nghĩa An cũ với 4 tổng, 35 thôn. Quận Thủ Đức lúc đó thuộc hạt Nghĩa An.
Năm 1868, hạt Nghĩa An đổi thành hạt Thủ Đức, sau đó được nhập vào hạt Sài Gòn rồi đổi thành hạt Gia Định. Đến năm 1889 đổi là tỉnh Gia Định. Quận Thủ Đức lúc đó thuộc tỉnh Gia Định.
Năm 1910, tỉnh Gia Định được chia thành 4 quận : Thủ Đức, Gò Vấp, Hóc Môn và Nhà Bè. Quận Thủ Đức lúc đó gồm 5 tổng, 19 xã. Quận Thủ Đức ngày nay lúc đó thuộc tổng An Bình (một trong 5 tổng) của quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định.
Năm 1941, để giảm bớt chi phí về lương tiền cho các thuộc địa Pháp, một số làng Việt Nam được sáp nhập lại. Làng Bình Phước, làng Bình Triệu, làng Bình Chánh nhập lại lấy tên là Hiệp Bình xã. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đổi tên lại thành xã Hiệp Bình. Từ năm (1955-1975) quận Thủ Đức vẫn tiếp tục là một quận của tỉnh Gia Định.
Trước năm 1975, quận Thủ Đức có diện tích tự nhiện khoảng 200 km2, với dân số là 184.989 người, gồm 15 xã: Long Thạnh Mỹ, Long Bình, Phú Hữu, Thạnh Mỹ Lợi, Bình Trưng, Linh Xuân, An Phú, Phước Long, Tam Bình, Linh Đông, Hiệp Bình, Long Trường, Long Phước, Tăng Nhơn Phú và Phước Bình. Phường Hiệp Bình Phước (ngày nay) lúc đó thuộc địa bàn của xã Hiệp Bình.
Xã Hiệp Bình sau ngày giải phóng gồm có 5 ấp: ấp Bình Chánh, Bình Triệu, Bình Phước 1, Bình Phước 2 và Bình Phước 3, với tổng diện tích tự nhiên là 1.397 ha (đất nông nghiệp chiếm 600 ha), với 2.456 hộ và 13.396 nhân khẩu.
Ngày 02/7/1976, Quốc hội (khóa VI) đã họp ra Nghị quyết chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với sự sắp xếp ranh giới toàn Thành phố, ranh giới các quận, huyện; Thủ Đức được đổi thành quận Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh gồm 01 thị trấn và 22 xã, trong đó có xã Hiệp Bình.
Ngày 18/4/1987, thực hiện Nghị quyết của Quận ủy, HĐND – UBND huyện Thủ Đức, xã Hiệp Bình được tách ra làm hai xã: Hiệp Bình Chánh và Hiệp Bình Phước. Xã Hiệp Bình Phước gồm các ấp: Bình Phước 1, Bình Phước 2 và Bình Phước 3.
Ngày 01/04/1997, quận Thủ Đức được thành lập, căn cứ theo Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 18/03/1997 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở cụ thể hóa Nghị định số 03/NĐ-CP ngày 06/01/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc “chia tách huyện Thủ Đức thành 3 quận mới: quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 và thành lập Quận 7, Quận 12; đồng thời, thành lập phường trong các quận trên”.
Quận Thủ Đức (mới) gồm 12 phường: Linh Đông, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Linh Xuân, Linh Chiểu, Trường Thọ, Bình Chiểu, Tam Bình, Linh Tây, Bình Thọ và Linh Trung. Đây là cơ sở pháp lý cho sự ra đời của phường Hiệp Bình Phước.
Như vậy, trải qua nhiều thay đổi, phường Hiệp Bình Phước và phường Hiệp Bình Chánh chính thức được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hiệp Bình Phước và xã Hiệp Bình Chánh, huyện Thủ Đức và chính thức đi vào hoạt động như một đơn vị hành chính của quận Thủ Đức kể từ ngày 01/4/1997 cho đến nay.
Phường Hiệp Bình Chánh nằm ở cửa ngõ Đông Bắc Thành phố Hồ Chi Minh thuộc hướng Tây Nam quận Thủ Đức. Phía Đông, Đông - Bắc giáp phường Linh Đông và phường Tam Phú được phân định bởi rạch Gò Dưa và rạch Thiên Ngươn; Phía Tây, Tây – Nam giáp Phường 13 quận Bình Thạnh được phân định bởi sông Sài Gòn được nối liền bằng cầu Bình Triệu và cầu Bình Lợi; Phía Nam giáp phường 26 quận Bình Thạnh; Phía Bắc, Tây - Bắc giáp phường Hiệp Bình Phước được phân định bởi rạch Ông Dầu và rạch Võ được nối liền bằng cầu Ông Dầu và cầu Bảy Nhạo. Phường có diện tích tự nhiên là 627 ha (trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp chiếm 340 ha). Là vùng đất ngoại ô còn mang đậm nét của một vùng nông thôn kém phát triển, mật độ dân cư thưa thớt, đời sống còn nhiều khó khăn, 70% cư dân sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, đây là vùng lúa trũng, có nhiều sông rạch chằng chịt chia cắt địa bàn sản xuất và khu dân cư ra làm nhiều mảng; đường sá đi lại khó khăn, trên 80% là đường đất và một số ít là đường đá dạng cấp phối. Cơ sở hạ tầng thấp kém và thiếu thốn
Khi mới thành lập, phường Hiệp Bình Phước có tổng diện tích tự nhiên là 766 ha với 12.354 nhân khẩu; đến nay có 40.315 nhân khẩu với 6 khu phố, 89 tổ dân phố. Phường Hiệp Bình Phước nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh được bao bọc bởi sông Sài Gòn, rạch Ông Dầu, rạch Đĩa, rạch Vĩnh Bình. Phía Đông - Đông Bắc giáp phường Tam Phú và phường Tam Bình; phía Tây giáp phường An Phú Đông - Quận 12; phía Nam - Đông Nam giáp phường Hiệp Bình Chánh và phía Bắc - Tây Bắc giáp phường Bình Chiểu và xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Có 02 tuyến đường chính là Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13 nối liền Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung và các tỉnh phía Bắc.