Cộng Đồng Người Kiên Giang

Cộng Đồng Người Kiên Giang Cung cấp thông tin hữu ích góp phần đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc, phá hoại

BỊ PHẠT VÌ ĐĂNG TIN SAI VỀ CHỈNH TRANG ĐÔ THỊ Ở PHÚ QUỐC Ngày 25.12, Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, đơn vị v...
26/12/2024

BỊ PHẠT VÌ ĐĂNG TIN SAI VỀ CHỈNH TRANG ĐÔ THỊ Ở PHÚ QUỐC

Ngày 25.12, Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, đơn vị vừa xử phạt vi phạm hành chính đối với L.T.A.N (20 tuổi, ngụ phường Dương Đông, TP Phú Quốc) về hành vi “lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức” với số tiền 7,5 triệu đồng.

Theo thông tin ban đầu, vào ngày 20.12, tài khoản Facebook N.A phát trực tiếp thông tin về lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự buổi phá dỡ các mái che tạm, vật kiến trúc trên đất do Nhà nước quản lý, đất hành lang giao thông tại chợ Dương Đông theo chủ trương, kế hoạch của UBND TP Phú Quốc nhằm chỉnh trang, làm sạch đẹp môi trường đô thị trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, tài khoản N.A đã đưa nội dung sai sự thật rằng "UBND phường Dương Đông đàn áp dân, không cho dân buôn bán" làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính quyền địa phương, tạo dư luận không tốt trên mạng xã hội. Qua xác minh, lực lượng Công an xác định người sử dụng tài khoản Facebook này là một người phụ nữ tên L.T.A.N.

Làm việc với cơ quan Công an, N đã thừa nhận hành vi trên của mình nhằm cố tình xúc phạm uy tín của các cơ quan, tổ chức. Qua phân tích của lực lượng Công an, bản thân N nhận thấy hành vi của mình là sai nên đã tự gỡ bỏ nội dung đăng tải và bình luận liên quan, cam kết không tái phạm và chấp hành quyết định xử phạt.

NGUYÊN ANH

LẦN ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ, MỘT CÔNG ƯỚC TOÀN CẦU VỀ TỘI PHẠM SẼ MANG TÊN THỦ ĐÔ VIỆT NAM 24/12/2024: Đại hội đồng LHQ đ...
25/12/2024

LẦN ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ, MỘT CÔNG ƯỚC TOÀN CẦU VỀ TỘI PHẠM SẼ MANG TÊN THỦ ĐÔ VIỆT NAM

24/12/2024: Đại hội đồng LHQ đã thông qua bằng đồng thuận "Công ước Hà Nội" - văn kiện quan trọng giúp các quốc gia cùng nhau đối phó với tội phạm trên không gian mạng, gồm 9 chương và 71 điều sau gần 4 năm đàm phán (2021-2024).

Tội phạm trên không gian mạng đang gây thiệt hại khổng lồ lên tới 8.000 tỷ USD trong năm 2023. Và vào năm 2025 dự báo thiệt hại lên đến 10.500 tỷ USD.

Việc kí kết ngay tại thủ đô Hà Nội không chỉ đánh dấu 47 năm quan hệ Việt Nam - LHQ mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo vệ an ninh mạng toàn cầu.

Đây cũng là công ước toàn cầu đầu tiên về tội phạm mạng sau 20 năm kể từ Công ước LHQ về Tội phạm xuyên quốc gia, mở ra kỷ nguyên mới trong cuộc chiến chống tội phạm số.

Source: Tổng hợp

Hướng dẫn xác thực tài khoản facebook bằng số CCCD để tránh bị khóa tài khoản sau ngày 25/12/2024 Theo nghị định 147 về ...
25/12/2024

Hướng dẫn xác thực tài khoản facebook bằng số CCCD để tránh bị khóa tài khoản sau ngày 25/12/2024

Theo nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng do Chính phủ ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25-12, tài khoản mạng xã hội (MXH) phải xác thực bằng số điện thoại di động hoặc mã số định danh cá nhân mới được phép hoạt động, đăng bài (viết bài, bình luận, livestream, chia sẻ thông tin).

Cụ thể, trong vòng 90 ngày tới, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Các tài khoản phải được xác thực bằng số điện thoại di động. Trong trường hợp người dùng không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tài khoản sẽ được xác thực bằng số định danh cá nhân.

Đặc biệt, những người sử dụng dịch vụ mạng xã hội để livestream với mục đích thương mại phải được thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Như vậy, những người dùng các dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay như: Facebook, Instagram, YouTube, TikTok… phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động cá nhân mới được viết bài, bình luận, livestream, chia sẻ thông tin…

Việc này được kỳ vọng sẽ ngăn chặn tình trạng lan truyền thông tin giả mạo cũng như các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội.

Việt Nam có 110 triệu tài khoản mạng xã hội, MXH xuyên biên giới là 203 triệu.

Trong đó, số người dùng Zalo hằng tháng (tính đến 30-6-2024) là 76,5 triệu người dùng. Số người dùng Facebook tại Việt Nam là 72 triệu, YouTube đạt 63 triệu và TikTok 67 triệu người dùng.

Hướng dẫn xác thực tài khoản facebook bằng số CCCD để tránh bị khóa tài khoản sau ngày 25/12/2024

1. Mở ứng dụng Facebook -> Nhấn chọn vào biểu tượng Cài đặt -> Chọn tiếp đến mục Thông tin cá nhân để tiến hành xác minh tài khoản MXH bằng số Căn Cước.

2. Chọn vào mục Thông tin cá nhân

3. Chọn vào mục Xác nhận danh tính cho tài khoản -> Nhấn tiếp vào mục Xác minh danh tính 1 lần nữa.

4. Chọn mục đích xác minh danh tính Facebook bằng số định danh như hình bên dưới -> Chọn quốc gia mà bạn muốn xác minh.

5. Tìm kiếm "Việt Nam" để tiến hành xác thực tài khoản MXH -> Nhấn Tiếp để tiến hành.

6. Tick chọn vào mục Tải ảnh giấy tờ tùy thân lên -> Nhấn Tiếp để bắt đầu thực hiện -> Chọn loại giấy tờ tùy thân mà bạn muốn tải lên để xác minh tài khoản Facebook của mình, ở đây mình sẽ chọn số CMND (vì Facebook có thể chưa cập nhật CC nên tick mục này và tải ảnh Thẻ Căn Cước lên).

7. Tiến hành Chụp mặt của Thẻ Căn Cước để tải lên và chờ Facebook xác nhận.

Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.   Phó Thủ...
24/12/2024

Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Công điện số 139/CĐ-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.

Công điện gửi Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Công điện nêu: Ngày 25 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo đó các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, với nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, bước đầu đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Nguyên nhân chủ yếu là do cấp ủy, người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo phòng ngừa, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiệu quả chưa cao, chưa phù hợp với sự thay đổi về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới; một bộ phận người dân có tâm lý hám lợi, ý thức tự bảo vệ tài sản, bảo mật thông tin cá nhân còn hạn chế... Một số quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông... còn bộc lộ hạn chế, thiếu sót, chưa được sửa đổi, bổ sung; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng bộ, kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các văn bản, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, trọng tâm là Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP.

2. Bộ Công an

a) Chủ trì, phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng mô hình phối hợp liên ngành để xử lý nhanh, kịp thời các vụ, việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng; xây dựng Cơ sở dữ liệu về tài khoản thanh toán, ví điện tử có nghi vấn liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật để kịp thời cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi tài sản (Hoàn thành trong quý I năm 2025).

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới, hướng dẫn Nhân dân cách thức nhận diện, kỹ năng phòng ngừa lừa đảo sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng; kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, thương mại điện tử.

c) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa tội phạm, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra khám phá các vụ án, vụ việc liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng hoạt động phạm tội, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tăng cường đàm phán, ký kết bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác về phòng, chống tội phạm với các nước trên thế giới, nhất là các nước chung đường biên giới với Việt Nam.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

a) Nghiên cứu, đề xuất lộ trình kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học đối với các tài khoản thanh toán, ví điện tử thực hiện giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử; bổ sung quy định về việc kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học khi mở tài khoản mới, thay đổi thông tin về giấy tờ tùy thân, số điện thoại nhận mã OTP, thiết bị thực hiện giao dịch Mobile banking và rút tiền trực tiếp tại quầy giao dịch; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để xử lý các hành vi cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoạt động vi phạm pháp luật; nghiên cứu, ban hành quy trình rà soát, nhận diện, giám sát tài khoản doanh nghiệp, các giao dịch nghi vấn sử dụng hoạt động phạm tội (Hoàn thành trong quý I năm 2025).

b) Chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoàn thành thực hiện việc định danh, xác thực thông tin khách hàng, kiên quyết loại bỏ tài khoản không chính chủ, tài khoản có thông tin sai lệch. Nâng cao hiệu quả phối hợp Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan trong công tác xác minh, phong tỏa tài khoản, tạm dừng giao dịch để kịp thời ngăn chặn việc rút, chuyển tiền có dấu hiệu vi phạm pháp luật; chủ động phát hiện, trao đổi, cung cấp cho cơ quan Công an thông tin về tài khoản thanh toán, ví điện tử có giao dịch nghi vấn liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật. Áp dụng kiểm tra, đối chiếu xác thực sinh trắc học người đại diện hợp pháp đối với các giao dịch Internet Banking của tài khoản doanh nghiệp; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để phát hiện, phân loại, cảnh báo các tài khoản có giao dịch bằng địa chỉ IP tại nước ngoài. Đẩy mạnh việc kiểm soát giao dịch liên quan đến tiền "ảo"; hoàn thiện các quy trình quản lý nội bộ nhằm phòng ngừa nhân viên ngân hàng tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo (Hoàn thành trong quý I năm 2025).

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động cho vay, thanh toán, rút tiền, chuyển tiền, nhận tiền; tăng cường tuyên truyền phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với khách hàng.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền phương thức, thủ đoạn mới về lừa đảo sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng với nhiều hình thức để Nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa.

b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông, an toàn thông tin; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các nội dung, trang web, đường dẫn, ứng dụng, hội, nhóm, tài khoản trên không gian mạng liên quan đến hoạt động lừa đảo; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có phương án đối khớp thông tin chủ tài khoản, người đại diện hợp pháp với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động đã đăng ký trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán, ví điện tử.

c) Chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông thực hiện xác thực, lưu giữ, sử dụng thông tin thuê bao viễn thông và xử lý SIM có thông tin thuê bao viễn thông không đầy đủ, không chính xác theo quy định; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn có hiệu quả các cuộc gọi, tin nhắn nghi vấn lừa đảo, nhất là các cuộc gọi từ nước ngoài, cuộc gọi sử dụng công nghệ VoiIP, ứng dụng OTT...; tăng cường công tác phối hợp với Bộ Công an, kịp thời cung cấp thông tin thuê bao, thông tin chủ thể tên miền được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khi được yêu cầu.

5. Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng khung pháp lý đối với VAs và VASPs (tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo) và chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó theo phân công nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2024 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp tăng cường kiểm tra việc góp vốn điều lệ của doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện quy trình, quy định thành lập doanh nghiệp; tăng cường hậu kiểm, phát hiện doanh nghiệp sau khi được thành lập không phát sinh hoạt động kinh doanh thực tế; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xác thực thông tin người đại diện pháp luật và người được ủy quyền, "làm sạch" dữ liệu về thông tin doanh nghiệp; chủ động cung cấp thông tin, tài liệu cho Bộ Công an để phòng ngừa, xử lý việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp để hoạt động vi phạm pháp luật.

7. Bộ Công Thương

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận diện phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động của các sàn thương mại điện tử và các doanh nghiệp liên quan; kịp thời kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ quy định pháp luật của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, quốc tế; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong nước; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

8. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh, học viên, sinh viên về nhận diện phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, về quản lý, bảo vệ dữ liệu cá nhân; quán triệt thực hiện nghiêm túc những quy định về an ninh mạng và cảnh giác với những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là thủ đoạn lợi dụng lôi kéo, dụ dỗ học sinh, học viên, sinh viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo mở tài khoản ngân hàng, thuê bao di động để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

9. Bộ Khoa học và Công nghệ

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để ứng dụng trong quản lý, nhận diện, phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

10. Bộ Ngoại giao

Chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại nắm tình hình công dân Việt Nam có liên quan đến hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tăng cường tuyên truyền đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về phương thức, thủ đoạn của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; triển khai kịp thời các biện pháp bảo hộ công dân; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan để phục vụ công tác đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm.

11. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan kịp thời thông tin tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo, nhất là lừa đảo trên không gian mạng, kết quả phòng ngừa, xử lý của các lực lượng chức năng để Nhân dân nâng cao nhận thức, kịp thời cung cấp thông tin, tố giác hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng vào các khung giờ có nhiều người nghe đài, xem truyền hình về các bài viết, phóng sự liên quan đến phương thức, thủ đoạn mới, cách thức xử lý đối với các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

12. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Nghiên cứu, hướng dẫn đối với công tác thu thập chứng cứ liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án có quy mô đặc biệt lớn, có bị hại thuộc nhiều địa phương, các vụ án đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tiếp tục rà soát, tổng kết thực tiễn xét xử để làm cơ sở ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng Điều 174 của Bộ luật Hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phát triển án lệ.

13. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

a) Chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng địa phương, chú trọng tuyên truyền cá biệt, tình huống cụ thể, trực tiếp tại địa bàn dân cư; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các lực lượng, phân công nhiệm vụ cụ thể để phòng ngừa, xử lý có hiệu quả hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động, kịp thời phát hiện, khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh tổ quốc, nhân rộng các mô hình phòng chống tội phạm hiệu quả tại cơ sở.

c) Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý với các nhà mạng, siết chặt hoạt động cấp sim điện thoại, loại bỏ sim "rác", xử lý tình trạng sử dụng sim không chính chủ trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

14. Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện này, định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao về Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công an theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Công điện này./.

Những biểu tượng của Giáng sinhNgày lễ mừng Thiên Chúa Giáng sinh (lễ Noel) hàng năm là một trong những ngày lễ quan trọ...
24/12/2024

Những biểu tượng của Giáng sinh

Ngày lễ mừng Thiên Chúa Giáng sinh (lễ Noel) hàng năm là một trong những ngày lễ quan trọng của người theo Kitô giáo, từ lâu đã trở thành một lễ hội tôn giáo, văn hóa có tính toàn cầu. Vào lễ Noel, các biểu tượng Giáng Sinh xuất hiện ở khắp nơi, từ trong nhà đến ngoài trời.

TTXVN/Báo Tin tức

CÔNG AN TỈNH KIÊN GIANGTHÔNG BÁO 📣Bắt đầu từ 00 giờ 00 phút, ngày 01/01/2025Lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt các...
24/12/2024

CÔNG AN TỈNH KIÊN GIANG
THÔNG BÁO 📣

Bắt đầu từ 00 giờ 00 phút, ngày 01/01/2025

Lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được phát hiện qua hệ thống CAMERA giám sát theo quy định.

QUÂN ĐỘI ANH HÙNG, TRUNG-HIẾU SẮT SON Ngày 22-12-1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc ...
23/12/2024

QUÂN ĐỘI ANH HÙNG, TRUNG-HIẾU SẮT SON

Ngày 22-12-1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Từ đó đến nay, trải qua 80 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giáo dục và rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhân dân đùm bọc, che chở, QĐND Việt Nam đã đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, không ngừng lớn mạnh, trở thành đội quân “bách chiến bách thắng” của dân tộc Việt Nam.

Quân đội ta là biểu tượng sáng ngời về lòng trung-hiếu, anh dũng vô song, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhìn lại chặng đường suốt 80 năm, với những thành tựu, chiến công mà QĐND đã giành được, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam anh hùng.

Ngay sau khi thành lập, chỉ với 34 cán bộ, chiến sĩ nhưng đội quân nhỏ bé ấy đã đánh thắng hai trận Phai Khắt, Nà Ngần, mở ra truyền thống quyết chiến, quyết thắng của QĐND Việt Nam. Chưa đầy một tuổi, đội quân ấy đã làm nòng cốt cùng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Có thể nói rằng, Quân đội ta là đội quân lập quốc.

Trong suốt 30 năm trường chinh của dân tộc, Quân đội ta đã cùng toàn Đảng, toàn dân lần lượt đánh thắng hai đế quốc to, giải phóng Tổ quốc, thống nhất non sông. Chưa kịp hưởng hạnh phúc hòa bình, Quân đội ta lại tiếp tục sát cánh cùng toàn Đảng, toàn dân tiến hành các cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, vừa giữ vững bờ cõi núi sông, vừa giúp bạn hồi sinh đất nước.

Những năm tháng tôi luyện trong lửa đạn chiến tranh đã giúp Quân đội ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh với đầy đủ các quân, binh chủng, có năng lực tác chiến hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Với tinh thần tự lực, tự cường, Quân đội ta càng đánh càng mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân đánh giặc, ghi những mốc son chói lọi vào thiên sử vàng của dân tộc Việt Nam.

Là đội quân chiến đấu, Quân đội ta khiến cho kẻ thù khiếp sợ. Là đội quân công tác, Quân đội ta luôn gắn bó máu thịt với nhân dân. Là đội quân lao động sản xuất, Quân đội ta ghi những dấu ấn trong phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng tiềm lực quốc phòng. Đó là bởi từng cán bộ, chiến sĩ luôn khắc ghi: Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì Đảng ta, vì Tổ quốc ta, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh. Đó là mục tiêu không bao giờ thay đổi của Quân đội cách mạng. Thế nên, từ miền xuôi lên miền ngược, từ đất liền ra hải đảo; từ xây dựng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo đến phòng, chống thiên tai, dịch bệnh... bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhân dân cần-bộ đội có; nhân dân gặp gian khó, hiểm nguy-có Bộ đội Cụ Hồ. Phẩm chất ấy, đạo đức ấy là mạch nguồn được nuôi dưỡng, trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Chiến công của Quân đội ta như ánh hào quang lấp lánh trên từng trang sử vàng của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Để làm nên ánh hào quang ấy đã có hàng triệu cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương, để lại phần xương máu trên các chiến trường và ngay cả giữa thời bình. Vì thế, giá trị của hòa bình vô cùng lớn lao, không thể đo đếm được. Chúng ta không bao giờ được phép lãng quên điều đó.

Thế giới đang thay đổi từng ngày, với vận hội và thách thức đan xen. Bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống gia tăng, đặt ra yêu cầu mới đối với nhiệm vụ xây dựng QĐND Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định chủ trương, chiến lược xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đây là đòi hỏi tất yếu khách quan trước yêu cầu thực tiễn xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc mà Đảng ta đã nhìn rõ, chỉ ra.

Thực hiện thắng lợi mục tiêu này đòi hỏi phải có quyết tâm lớn, sự hy sinh, gương mẫu, đi đầu của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị. Toàn quân phải thống nhất về ý chí và hành động, hoàn thành công tác điều chỉnh lực lượng, tổ chức biên chế. Các cơ quan, đơn vị phải không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới phương thức tác chiến phù hợp với sự phát triển khoa học-công nghệ, yêu cầu tác chiến của bộ đội chủ lực trong thế trận chiến tranh nhân dân, chiến thắng kẻ thù ở mọi hình thái chiến tranh, nhất là chiến tranh công nghệ cao.

Phải tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, trọng tâm là giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Từ nguyên tắc căn bản này, giáo dục, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, trận địa tư tưởng vững vàng, có nhận thức sâu sắc về mục tiêu chiến đấu, công tác để biến thành hành động tự giác trong tổ chức thực hiện.

Cùng với xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, tiếp tục tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Cơ quan quân sự địa phương các cấp phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, bộ, ngành Trung ương thực hiện tốt các nội dung, chỉ tiêu về xây dựng khu vực phòng thủ, đặc biệt là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Nền quốc phòng của nước ta là nền quốc phòng tự vệ, do đó khu vực phòng thủ và “thế trận lòng dân” vững chắc nghĩa là chúng ta đã xây dựng được bức tường thành bằng vàng để bảo vệ Tổ quốc.

80 năm là một thời đoạn ngắn trong lịch sử dân tộc, nhưng là cả một hành trình gian lao mà anh dũng của Quân đội ta. Nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân là nhiệm vụ vẻ vang nhưng vô cùng gian khổ và không ít hy sinh. Có dòng máu Lạc-Hồng chảy trong huyết quản, lại được soi rọi bằng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và có Đảng dẫn đường, với phẩm chất hiếu-trung sắt son, chắc chắn Quân đội ta sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng danh là Quân đội anh hùng của Dân tộc anh hùng.

QĐND

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP: MỘT TƯ LỆNH CỦA CÁC TƯ LỆNH, MỘT CHÍNH ỦY CỦA CÁC CHÍNH ỦY Cuộc đời và sự nghi...
23/12/2024

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP: MỘT TƯ LỆNH CỦA CÁC TƯ LỆNH, MỘT CHÍNH ỦY CỦA CÁC CHÍNH ỦY

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đưa ông lên tầm cao của các danh tướng thế giới.

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy thác trọng trách cầm quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nắm vững cẩm nang làm tướng mà Hồ Chủ tịch trao cho, quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện và trường kỳ, đứng vững trên nền tảng chính trị của khối đoàn kết toàn dân, ông đã dẫn dắt toàn quân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng.

Đức độ, tài năng của ông đã đem lại cho ông niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; lòng mến mộ của bạn bè quốc tế và cả sự khâm phục của những người hôm qua còn là đối thủ của ông. Ông là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi còn đang tại thế.

Vị đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà chiến lược và chỉ huy quân sự lỗi lạc

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, văn võ kiêm toàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng giao cho trọng trách thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân để đẩy mạnh đấu tranh vũ trang trong thời kỳ chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, tiếp đó làm Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng và tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.

Trên những cương vị đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc, đã cùng Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối quân sự của Đảng, tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân, vận dụng sáng tạo phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự, hình thành học thuyết quân sự Việt Nam độc đáo: Nước nhỏ, đánh thắng những kẻ thù lớn mạnh nhất trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ông là người đã trực tiếp dẫn dắt “đội quân thơ ấu” từ hai bàn tay trắng, từ súng trường chân đất lớn lên trong suốt cuộc trường chinh mười ngàn ngày và đã đánh bại 10 đại tướng của quân đội viễn chinh nhà nghề của hai đế quốc lớn.

Ông đã từ một người yêu nước ở tuổi học trò đến một người cộng sản chân chính - chân chính đến tận cuối đời; đã từ một giáo sư sử học không qua một trường lớp quân sự, trưởng thành từ thực tiễn chiến trường để trở thành danh tướng, “một tư lệnh của các tư lệnh, một chính ủy của các chính ủy” - như cách định nghĩa của Thượng tướng Trần Văn Trà.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều năm hoạt động cách mạng tại Chiến khu Việt Bắc. Ông nói thành thạo tiếng Tày, tiếng Dao và tiếng Mông. Bài diễn ca về Mười chính sách Việt Minh của Bác Hồ viết bằng thể thơ lục bát gửi đồng bào Việt Bắc đã được Đại tướng chuyển sang thể thơ 5 chữ lấy tên là “Việt Minh ngũ tự kinh” và dịch sang 3 thứ tiếng Tày, Dao, Mông để phổ biến cho đồng bào, sau được dùng làm tài liệu tuyên truyền chính trong quần chúng và các lớp huấn luyện chính trị, văn hóa của phong trào Việt Minh.

Thư viện Quân đội đã lưu giữ được nhiều tác phẩm và sách lý luận của Đại tướng từ năm 1948 đến nhiều năm sau này: 46 đầu sách với 10.328 trang in, trong đó có cả những tác phẩm văn học, có sách viết về đề tài khoa học, kỹ thuật, kinh tế… rất xuất sắc. Có nhiều cuốn được tái bản 3 đến 5 lần. Ngoài ra còn 21 tuyển tập gồm các lệnh động viên, báo cáo tổng kết, diễn văn, huấn thị, chỉ thị… liên quan đến ông.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tấm gương sáng về đạo đức và về sinh hoạt của một người đứng đầu toàn quân và của một nhà văn hóa. Là Đại tướng Tổng Tư lệnh nhưng bữa ăn hàng ngày của ông bao giờ cũng đạm bạc, quần áo của ông mùa nào cũng chỉ vài bộ quân phục và thường phục bằng vải thường. Ông thường nhấn mạnh đến công lao, tài năng và đạo đức của các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy các cấp nhưng rất ít nói đến bản thân mình. Ở ông sự độ lượng, đức khoan dung thật là sâu rộng. Ông có tác phong quần chúng tốt, là người rất quyết đoán nhưng cũng rất gương mẫu. Ông được nhân dân, quân đội và giới trí thức đặc biệt yêu mến.

Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Trong lòng dân, ông là vị Đại tướng của nhân dân, từ nhân dân mà ra. Đối với các thế hệ khoác áo lính trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, ông bao giờ cũng là vị Tổng tư lệnh tối cao nhất mực, người “Anh Cả” kính mến. Đối với bạn bè năm châu, ông là vị anh hùng hiện thân sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

“Một thống soái quân sự cỡ lớn” - Đó là cách đánh giá của Đại tướng Mỹ William Westmoreland “đối thủ hôm qua” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Và bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau, các tướng lĩnh và sử gia phương Tây đều có những nhận xét tương tự.

Đại tướng Anh Peter MacDonald thì coi ông là “một trong những Thống soái lớn nhất của tất cả các thời đại”. Tướng Marcel Bigeard, một sĩ quan chỉ huy trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa chỉ nói gọn một câu khi kết thúc cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Pháp RFI nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “Tôi xin ngả mũ chào bái phục Tướng Giáp”.

Bernard Fall - một sử gia phương Tây khẳng định trong cuốn Võ Nguyên Giáp - con người và huyền thoại rằng: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào có thể so sánh kịp với Tướng Giáp”.

Duncan Townson, tác giả cuốn Những vị tướng lừng danh (xuất bản ở London nhân dịp giải phóng miền Nam) thì coi Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng trong vòng 25 thế kỷ qua, từ thời xa xưa với Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời hiện đại, với Georgy Konstantinovich Zhukov... Theo Townson, mỗi vị danh tướng đó đều lập những chiến công “tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”...

Ảnh hưởng và uy tín của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chẳng những đã từng sâu sắc, mạnh mẽ trong hơn 30 năm kháng chiến, mà vẫn tiếp tục sâu sắc và mạnh mẽ ngay cả vào thời điểm hiện nay, hơn 20 năm sau khi ông lần lượt thôi giữ các trọng trách trong Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Tên tuổi nhà quân sự tài ba Võ Nguyên Giáp đã được khắc ghi trong cuốn Danh nhân Văn hoá thế giới. Ông là một nhân vật đã đi vào huyền thoại, một trong những con người tiêu biểu nhất cho dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau./.

KHN

Address

Rạch Giá
Rach Gia

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Cộng Đồng Người Kiên Giang posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Videos

Share