18/02/2024
KỶ NIỆM VỀ PHÁO
Pháo và các loại vật liệu nổ "dân gian" đã đi vào lịch sử rồi, nhớ lại cũng thấy ngậm ngùi cho 1 thời "hoa lửa". Mình viết lại tản mạn cho các cháu 9x, 0x bây giờ biết đến thế hệ cha chú anh hùng như thế nào, phải gọi là anh hùng bởi vì có cả "thương binh, liệt sỹ"!
Hồi xưa, trẻ con háo hức với tết lắm, không như giờ đâu. Với bọn con trai, háo hức nhất là vì pháo. Hồi ấy chỉ có mấy dịp để đốt pháo thôi, là đám cưới, đám ma (các cụ thượng thượng thọ) và tết, tết mới đốt nhiều và nhà nhà đều đốt, mới vui.
Hồi ấy nhà giàu cũng so nhau bằng đốt pháo đấy, nhà nghèo có độ 2-3 băng (bánh) pháo, nhà giàu có mà chục băng, băng pháo còn dài miên man, thả từ tầng 2 xuống tầng 1 (hồi 8x là có nhà 2 tầng rồi). Thường đốt pháo vào lúc giao thừa và sáng mồng 1, nhà có điều kiện thì đốt cả vào lúc hóa vàng.
Lúc mình hơi nhớn, độ lớp 5, là xin được châm lửa đốt pháo, hồi hộp lắm, chỉ sợ mua phải pháo đểu, xịt nhiều, nhục với bọn trẻ con hàng xóm. Pháo phải nổ to, ít bị tụt đít (tức là tan xác), thì mới oách. Trẻ con không thích pháo nhà mình bị xịt, nhưng mà sáng mồng 1 đứa nào cũng dậy sớm để đi mót pháo xịt của nhà mình và nhà hàng xóm, thì mới có cái mà đốt lẻ chứ!
Trẻ con thời ấy "anh hùng" lắm, không dát chết như trẻ con bây giờ. Đốt pháo là phải cầm trên tay châm lửa, rồi ném, chứ để xuống đất rồi châm qua cái đóm là bọn trẻ ranh! Anh hùng nữa là tự quấn pháo. Thuốc pháo hồi ấy bán đầy, ông anh mình học ĐH ở HN thì lặn lội về tận Bình Đà mua thuốc, cho nó xịn, rồi đem về nhà quấn. Hồi ấy lâu lâu lại có vụ xe ô tô khách bị nổ vì thuốc pháo, có nhà làm pháo còn sập cả nhà, khu nhà mình còn có thằng quấn pháo bị nổ, cụt cả ngón tay. Nhưng mà chả vấn đề gì, bom đạn mãi còn chả sợ, sợ gì mấy quả pháo!
Pháo bán sẵn, loại giấy đỏ ấy, chắc làm bằng máy, mình chả biết làm thế nào. Nhưng mua sẵn về đốt thì chán chết, quả lại bé bằng đầu đũa, xác pháo cũng ít. Phải tự làm cơ.
Bố mẹ mình là giáo viên, nên sẵn giấy để quấn pháo, bọn trẻ khác khéo phải đi mua. Giấy làm pháo nên là loại giấy in sách, hơi xốp, đừng có dùng giấy vở hay loại giấy in sách mà bóng bóng mặt, loại ấy dai lắm, khó tan xác, dễ bị tụt đít, quê lắm. Quy trình quấn pháo là vót cái que thành hình tròn cỡ như cái kim đan, giấy đã được cắt thành dải dài bằng quả pháo, được quấn quanh cái que đó, xong rồi lấy hồ dán cái ống giấy đó lại. Kích cỡ to nhỏ tùy theo độ chơi chơi bời của bọn trẻ. Thường thì có đủ loại, loại để tết băng thì to bằng ngón tay, pháo đùng thì 2 ngón tay, còn loại đốt lẻ cho máu thì to vô tận, cỡ bắp chân cũng có!
Quấn xong thì đổ thuốc pháo vào cái lỗ, lấy tua vít hay cái đinh ấn mép giấy quanh lỗ để bịt lỗ đi, đầu kia thì phải nhét thêm cái ngòi pháo đã cắt (cũng mua sẵn). Pháo nhỏ thì chỉ thế thôi, nhưng mà bịt không khéo là tụt đít, pháo không tan xác. Thường phải test trước xem ấn cỡ nào thì vừa, ấn mạnh quá khéo nổ cmn luôn thì nhục! Pháo đùng thì ấn thế không đủ, phải đổ xi vào. Xi là nhựa thông đun nóng trộn với gạch non giã vụn thành dung dịch sệt sệt.
Xong xuôi thì đến bước tết băng, pháo xếp thành hàng rồi tết ngòi lại như tết tóc đuôi sam, dài bao nhiêu tùy điều kiện, thỉnh thoảng giắt thêm quả pháo đùng. Ngòi pháo quan trọng lắm, có thằng mua phải ngòi đểu, hay bị ẩm, không cháy được, pháo xịt cả, cực quê.
Đấy mới là pháo phổ thông, thằng nào chả làm được. Mấy đại ca xóm còn làm pháo đùng ngoại cỡ, to bằng bắp chân, nhìn đã vãi đái. Trên nhà mình sẵn bộ đội, trẻ con còn mua được cả dây cháy chậm, gọi là dây mìn, của bộ đội để làm ngòi pháo đùng. Dây này cháy cả dưới nước được, có anh ném quả pháo xuống ao nổ chơi, nước sùng sục, cá nổi trắng hếu, kinh lắm.
Hồi đầu 8x, mình cỡ lớp 1-2 lúc giao thừa bố mẹ còn cấm chạy ra đường, vì sợ vỡ đầu! Đó là do nhà nào có bộ đội là các chú ấy vác súng thật ra bắn lên trời thay pháo, có chú vác AK ra bắn cả băng, vui lắm, bố mẹ mình sợ đầu đạn rơi vào đầu! Hồi ấy vẫn đánh Tàu mà, bộ đội nghỉ tết vẫn sẵn sàng chiến đấu, chắc rút kinh nghiệm vụ Mậu Thân 68! Không biết các tỉnh dưới xuôi có thế không?
Quanh dịp tết là cơ hội để trẻ con đốt pháo khắp nơi. Đốt ở trường học mới vui. Dĩ nhiên đếch ai cho đốt, nhưng mà cứ đốt. Bài điển hình là buộc quả pháo vào que hương rồi đốt hương, độ chục phút pháo mới nổ, thầy chả biết thằng nào. Hồi ấy còn có pháo giật nữa cơ, tức là quả pháo có 2 sợi dây 2 đầu, cầm 2 đầu giây mà giật là pháo nổ. Có thằng buộc vào cửa lớp để trêu bọn con gái hay cô giáo. Pháo này bé tý, không nguy hiểm.
Sau này nhà nước cấm pháo, tết thấy hững hờ hẳn, trẻ con không còn háo hức để thức đến giao thừa. Giá mà có cách gì quản lý, mỗi nhà đốt độ 2-3 bánh, pháo bé thôi, thì vui. Tết hồi ấy có màu và có mùi (do xác pháo đỏ sân, lại kiêng quét sân đến hết tết và mùi thuốc pháo khét lẹt). Tết bây giờ khác gì chủ nhật.
( nguồn sưu tập)