27/08/2022
“Kể chi chuyện trước với ngày sau;
Quên gió môi son với áo màu;
Thây kệ thiên đường và địa ngục!
Không hề mặc cả, họ yêu nhau.”
KHÔNG HỀ MẶC CẢ, HỌ YÊU NHAU
Bên cạnh các thuật ngữ đam mỹ của Trung Quốc, shounen-ai của Nhật Bản, tình trai là cụm từ thường được sử dụng khi nói tới các mối quan hệ đồng tính nam-nam. Trong văn học hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu là người hay đề cập đến cụm từ này nhất, và có lẽ chính ông cũng là người sáng tạo ra nó. Đặc biệt, ông hoàng thơ tình còn có một bài thơ với tựa đề “Tình trai”, viết về mối tình có thật của hai thi hào Arthur Rimbaud và Paul Verlaine.
“Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine,
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men,
Say thơ xa lạ, mê tình bạn,
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quên.”
Arthur Rimbaud (1854 – 1891) tên đầy đủ là Jean Nicolas Arthur Rimbaud, là một trong những nhà thơ có sức ảnh hưởng nhất của văn học hiện đại Pháp. Tuổi thơ hầu như vắng bóng cha, Rimbaud lớn lên trong môi trường tôn giáo đầy luật lệ của người mẹ sùng đạo, và những điều này sớm kích thích ham muốn nổi loạn ở ông. Mười lăm tuổi, Rimbaud bỏ nhà ra đi, bắt đầu cuộc sống phiêu bạt khắp nơi. Những bài thơ đầu tiên của ông được in bằng tiếng Pháp một năm sau đó. Đến năm 1871, Rimbaud mười bảy tuổi gửi thơ cho Paul Verlaine, trong đó có cả bản thảo của kiệt tác “Con tàu say”. Verlaine cực kỳ yêu mến tài năng của Rimbaud và đã viết thư mời ông tới nhà. Từ đây, mối tình trai khiến giới nghệ thuật rúng động bắt đầu.
Giống như Rimbaud, Paul Verlaine (1844 - 1896) cũng là một nhà thơ có ảnh hưởng lớn trong phong trào tượng trưng và phong trào suy đồi. Nếu Rimbaud được gọi là “đứa con của mặt trời”, thì Verlaine được ca tụng là “ông hoàng của các nhà thơ”. Ông bắt đầu sáng tác và thành công từ rất sớm. Năm 1870, ông kết hôn với bà Mathilde Mauté, nhưng sẵn chứng nghiện rượu và bạo lực, Verlaine thường xuyên đánh đập vợ và không cảm thấy hòa hợp trong hôn nhân. Cuộc gặp gỡ với Rimbaud như một cơn say hạnh phúc, nhưng cũng đầy đau khổ với Verlaine.
Sẵn tính kiêu ngạo và nổi loạn, Rimbaud khiến gia đình Verlaine và giới nghệ sĩ Pháp không thể nào chịu nổi. Xem ra tại Paris khi ấy, chỉ có Verlaine mới hết mực yêu thương Rimbaud và đủ sức bao dung cho những hành động của ông. Verlaine bắt đầu bỏ bê gia đình và say mê bên Rimbaud trẻ tuổi. Mối quan hệ của họ vấp phải nhiều chỉ trích và phản đối, đó là lý do Rimbaud và Verlaine quyết định rời khỏi Paris và tới London. Tuy nhiên bên cạnh những tháng ngày hạnh phúc và vui vẻ, họ cũng xích mích và cãi vã liên miên. Khoảng 2 năm sau đó, Verlaine dường như đã cạn sạch kiên nhẫn với tính khí thất thường của Rimbaud. Năm 1873, ông bỏ Rimbaud lại London và đến Bỉ.
Cũng trong mùa hè năm ấy, họ gặp lại nhau ở Brussels. Nhưng cuộc gặp gỡ này không giúp tình cảm của cả hai trở nên tốt hơn, mà còn châm ngòi cho một cuộc cãi vã khác. Trong khi to tiếng với đối phương, Verlaine đã bắ.n một phát s.úng vào tay của Rimbaud, chính hành động này khiến ông bị kết án hai năm tù giam. Trong những tháng ngày ấy, dù Verlaine vẫn sáng tác thơ cho Rimbaud trong tù, song tình yêu nồng cháy từng khiến dư luận rúng động của hai thi hào dần tắt lịm, chỉ còn toàn những xác tro.
Sau khi Verlaine ra tù, họ gặp lại nhau ở Đức, nhưng chẳng thể nào nối lại tình xưa. Arthur Rimbaud và Paul Verlaine hầu như không bao giờ gặp lại nhau nữa. Những năm cuối đời, Verlaine bệnh nặng và thường xuyên phải nằm viện. Còn Rimbaud, đôi chân ông vẫn thiết tha được đi như thuở mười lăm. Dù được đánh giá là một thiên tài, nhưng năm 20 tuổi, Rimbaud dường như ngừng hẳn việc sáng tác, thay vào đó, ông mải miết đi trên các nẻo đường. Ông lang bạt tới Indonesia, quay trở lại Pháp một thời gian, rồi đi tiếp đến Abyssinia và Aden. Trong những chuyến đi ấy, Rimbaud bị ung thư xương chân và buộc phải c.ắt bỏ chân phải. Ông qua đời năm 1891, khi mới chỉ 37 tuổi.
Có nhiều ý kiến trái chiều về cuộc tình của hai thi hào, nhưng không thể phủ nhận cả Arthur Rimbaud lẫn Paul Verlaine đều có vai trò rất quan trọng trong việc định hình chủ nghĩa tượng trưng và siêu thực trong thi ca. Bài thơ “Tình trai” của Xuân Diệu chủ yếu viết khía cạnh tự do và phóng khoáng trong cuộc đời thi sĩ, nhưng khi tìm hiểu kĩ ta sẽ thấy, để thực hiện sự tự do và phóng khoáng ấy, họ đã phải trả giá rất nhiều cho cuộc đời, đạo đức và trách nhiệm mà mình đã ruồng bỏ.
“Kể chi chuyện trước với ngày sau;
Quên gió môi son với áo màu;
Thây kệ thiên đường và địa ngục!
Không hề mặc cả, họ yêu nhau.”