Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước 1954-1975, trên địa bàn huyện Nông Sơn dân số khoảng 20 nghìn người, chính quyền ngụy chia làm 06 xã: Sơn Lợi, Sơn Thuận, Sơn Ninh, Sơn Khương, Sơn Thọ và Sơn Phúc thuộc quận Quế Sơn, đến 1962 thuộc quận Đức Dục. Về phía ta các tổ chức đảng, các phong trào cách mạng vẫn thuộc sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng bộ huyện Quế Sơn.
Về kinh tế: Dọc hai bên bờ sông Thu Bồn kéo dài khoảng 10 km, là một vùng thung lũng đất đai phù sa, màu mỡ, có cánh đồng rộng mênh mông ở Sơn Thọ và Sơn Phúc. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây là vựa lúa của vùng Tây Quế Sơn và được mệnh danh là “Đồng nai” con, đời sống nhân dân đủ ăn, đủ mặc; tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó có mỏ than Nông Sơn trữ lượng khoảng 7 triệu tấn, hằng năm có thể khai thác hàng chục ngàn tấn; giao thông đường thủy tương đối thuận lợi.
Về quân sự: Nông Sơn có một vị trí quan trọng, là tiền đồn tiếp giáp với đường 104 và đường 105 (nay là đường ĐT 610 và ĐT 611), có sông Thu Bồn là con sông lớn nhất khu vực trải dài qua 4 xã, là cửa ngõ giao lưu đường thủy của vùng thượng du và hạ du; dựa vào thế núi cao và các mạch giao thông quan trọng nên địch xây dựng thành tuyến phòng thủ kiên cố, vững chắc bảo vệ cửa ngõ phía Tây Nam của khu căn cứ liên hợp Hải- Lục- Không quân của Mỹ- ngụy ở Đà Nẵng và thị xã Hội An và là tiền tiêu bảo vệ quận lỵ Đức Dục và khu kỹ nghệ An Hoà; đồng thời ngăn cản bộ đội ta tiếp cận thành phố Đà Nẵng- Hội An, cô lập các tuyến đường chiến lược vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm của ta.
Về chính trị: Nhân dân nơi đây có truyền thống yêu nước, son sắc thủy chung với cách mạng, sẵn sàng đóng góp công sức và hy sinh cho cách mạng nhưng cũng tại đây địch dựng lên một bộ máy ngụy quân, ngụy quyền gồm những tên ác ôn, phản động để chống lại phong trào cách mạng của Nhân dân ta, nhất là bọn Quốc dân đảng.
Năm 1965, ta giải phóng các xã Sơn Thuận, Sơn Lợi, Sơn Thọ, Sơn Phúc và một phần của xã Sơn Ninh.
Nông Sơn- Trung Phước là khu căn cứ phòng thủ đầu não toàn vùng của địch, nơi xuất phát những cuộc càn quét, đánh phá gây nợ máu với Nhân dân. Nông Sơn- Trung Phước trước 1974 quân giải phóng của chúng ta tấn công một lần vào năm 1967, nhưng không dứt điểm được. Từ đó, Nông Sơn- Trung Phước được quân địch tổ chức thành khu căn cứ mạnh và chúng luôn huênh hoang tuyên bố: “Khi nào nước sông Thu Bồn chảy ngược thì Việt cộng mới chiếm được Nông Sơn”. Tại cứ điểm Nông Sơn có 9 lớp rào thép g*i và 41 lô cốt, nhiều hầm ngầm, 1 trận địa pháo 105mm, 1 tiểu đoàn biệt động quân, đảm nhận các điểm cao 452 Cà Tang, 298 Nông Sơn, kiểm soát toàn bộ vùng mỏ than Nông Sơn. Ngoài khu phòng thủ căn cứ Nông Sơn còn có 11 cứ điểm ngoại vi, mỗi cứ điểm có từ 1 đến 2 trung đội lính bảo an, dân vệ chiếm giữ các điểm cao từ Khương Quế, Phường Rạnh đến Khương Bình, Ninh Hòa, Trung Phước.
Đầu năm 1974, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chủ trương tổ chức 01 đợt hoạt động mạnh trên toàn chiến trường, đến chiến dịch Thu 1974 với trọng điểm là tiêu diệt những đơn vị lớn của địch trong căn cứ cũng như đón đánh địch đến giải tỏa, trong đó có tiến công cứ điểm Nông Sơn- Trung Phước. Tháng 6/1974, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng có Nghị quyết về tấn công và nổi dậy tiêu diệt các đồn bốt, cứ điểm ở phía Tây đường 1A để mở rộng vùng giải phóng, trong đó có cứ điểm Nông Sơn- Trung Phước.
Theo phương án tác chiến và để cho Sư đoàn 2 Quân khu V có đủ quân thực hiện chiến dịch, Bộ tư lệnh Quân khu tăng cường cho Sư đoàn 2, Trung đoàn 36, hai đại đội pháo 85 mm nòng dài, một đại đội lựu pháo 122 mm, một đại đội cối 160 mm, một đại đội tên lửa B72 có điều khiển, một lựu pháo 105 mm, một tiểu đoàn pháo cao xạ 37 mm, 3 xe tăng PT85 có nhiệm vụ đánh chiếm hai hướng: tiêu diệt cứ điểm Nông Sơn-Trung Phước; đánh tiêu diệt một bộ phận quân địch phản kích, mở rộng và củng cố vùng giải phóng Tây Quế Sơn.
Sau khi nhận nhiệm vụ, đêm 16/7/1974, Trung đoàn 1, Trung đoàn 31, Trung đoàn 36 và các đơn vị trực thuộc của Sư đoàn 2 bí mật hành quân vào vị trí tập kết. Các trận địa pháo 85 mm được đưa lên chiếm lĩnh các điểm cao. Tất cả đều chờ lệnh để nổ súng tiến công.
Tuy nhiên, một tình huống bất ngờ ngoài dự kiến đã xảy ra, đúng 14 giờ ngày 17/7/1974, địch dùng trực thăng đổ 4 đợt quân của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 56, Sư đoàn 3 nguỵ với hơn 400 tên để thay cho Tiểu đoàn 78 biệt động quân, làm cho quân địch ở Nông Sơn tăng lên nhiều so với ban đầu.
Nhưng với tinh thần quyết tâm của Sư đoàn 2, theo như phương án đánh địch đã được vạch ra, cuộc tấn công bắt đầu vào lúc 0 giờ 15 phút ngày 18/7/1974. Đại đội 2, Tiểu đoàn 15 công binh, Sư đoàn 2 nổ mìn phát lệnh tiến công chung bằng việc tiêu diệt chốt điểm núi Cà Tang
Lúc đó, Trung đoàn 1 (còn gọi là Trung đoàn Ba Gia) cho công binh tháo cầu sắt trên đường 104 và dùng dây cáp bện bằng thép g*i căng ngang sông Thu Bồn phục kích ngăn chặn địch thất trận dùng canô tháo chạy, dùng bộ binh tiêu diệt cứ điểm Hội tranh thôn 4 Sơn Phúc và Hội đồng Sơn Thọ, đánh chiếm 03 vị trí địch ở Khương Quế thực hiện nhiệm vụ cài then chiến dịch.
Trung đoàn 36 đồng loạt tiến công địch ở ngã 3 Trung Phước, các ấp chiến lược Khương Nam 1 và Khương Nam 2, đồng thời tổ chức một bộ phận đánh quân địch từ căn cứ Nông Sơn chạy ra.
Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 31 chiếm các ấp 1, 2, 3, 4 Khương Bình và tổ chức lực lượng đón lõng quân địch ở phía Bắc.
Phối hợp các mũi tiến công của bộ binh, pháo binh sư đoàn áp chế các trận địa pháo địch từ An Hòa, Đức Dục, Nam Phước, Mậu Thành không cho chúng ngóc đầu phản pháo. Tiếng súng tấn công của quân ta nổ rền vang như sấm, rung chuyển suốt dọc một hành lang rộng và dài hàng trăm cây số vuông.
Đến 6 giờ, trên bộ quân ta đã quét sạch các chốt ngoại vi, tiêu diệt và bắt sống 35 trung đội bảo an, Dân vệ, 3 phân cục cảnh sát, 6 mâm tề. Dưới sông Thu Bồn, quân địch dùng canô tháo chạy, chân vịt vướng vào dây cáp ta đã giăng sẵn. Bộ đội đã dùng đại liên xả súng diệt và bắt sống hơn 100 tên.
Đòn tấn công bất ngờ áp đảo của quân ta làm kinh động bọn chỉ huy quân đoàn 1 của ngụy. Trời vừa mờ sáng, máy bay lên thẳng của chúng ùa lên đảo vòng, thám sát uy hiếp. Nhưng bọn chúng vừa mon men đến trận địa đã bị đại đội súng máy 12,7mm của Trung đoàn Ba Gia chốt giữ ở núi Khương Quế bắn rơi tại chỗ buộc chúng phải tháo chạy. Trong lúc các đơn vị bạn nổ súng vòng ngoài thì Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 31 đưa đội hình áp sát vào cứ điểm Nông Sơn. 8 giờ sáng, khi các mục tiêu ở Nông Sơn hiện rõ trong ống nhòm của trinh sát. Với khẩu hiệu “Đưa pháo lên cao, vào gần, bắn thẳng”, những loạt đạn pháo của quân ta từ trên những mỏm núi cao dội xuống. Sau một tiếng đồng hồ bắn chế áp, các trận địa pháo trên điểm cao hạ nòng bắn thẳng vào từng lô cốt, ụ súng, công sự theo hướng dẫn của trinh sát. Bọn biệt động quân trong căn cứ Nông Sơn không chịu nổi sức ép của pháo binh ta bức phá, chúng lóp ngóp bò ra khỏi miệng hầm, tinh thần hoang mang cực độ.
Đến lúc đó, tướng ngụy Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh quân đoàn 1, qua báo cáo của cấp dưới, nhận thấy nguy cơ tuyến phòng thủ Tây Nam bị phá vỡ, liền hạ lệnh cho sư đoàn 3 ở Sũng Mây (Hòa Cầm, Đà Nẵng) gấp rút đưa lực lượng lên An Hòa chuẩn bị phản kích. Trên bầu trời khu chiến Nông Sơn xuất hiện từng tốp máy bay phản lực, trinh sát, HU 1A vũ trang quần lộn ném bom, bắn rốc két, tung hỏa điểm vào những nơi chúng nghi có quân ta. Nắng tháng 7 là nắng nóng nhất ở Quảng Nam, những đám cỏ tranh quanh sườn núi Nông Sơn bốc cháy dữ dội. Khu chiến Nông Sơn bên ngoài nhìn vào như một chảo lửa.
Kiên quyết không để cho bọn giặc trời hoành hành, các khẩu đội 37mm phóng lên những quả đạn căm thù, quật rơi ngay một phản lực, 3 máy bay lên thẳng. Bọn chúng phải dạt ra. Tình hình chiến trường được cải thiện, các mũi tấn công của Trung đoàn 31 rê đội hình bám sát hàng rào cuối cùng, bám chắc công sự đánh bại các đợt phản kích của địch.
16 giờ, ta tiêu diệt 38/41 lô cốt của địch. Thời cơ dứt điểm mục tiêu đã đến, 16 giờ 30 phút, nhận lệnh của Sư đoàn trưởng, các mũi xung kích bật dậy, hỏa lực B40, B41 dồn dập bắn vào các công sự còn lại và xung phong vào đồn. Quân địch ngoan cố chống cự nhưng đã bị ta tiêu diệt. Đến hơn 17 giờ, trong giây phút tuyệt vọng, bọn ngụy sống sót cho nổ quả mìn tự hủy có hàng tấn thuốc nổ đã chuẩn bị trước như báo hiệu cho Ngô Quang Trưởng và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu biết rằng Tiểu đoàn 78 biệt động quân cùng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 56 Sư đoàn 3 ngụy bị xóa sổ hoàn toàn.
Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V mang dòng chữ: “Đoàn dũng cảm đánh hăng, vây lấn điểm cao, tiêu diệt gọn, dứt điểm nhanh, tấn công liên tục” do đồng chí Đoàn Khuê, Phó Chính ủy Quân khu trực tiếp trao cho Trung đoàn 31, đã được cắm trên Sở chỉ huy cứ điểm Nông Sơn.
Đến 17 giờ 05 phút, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Nông Sơn-Trung Phước, loại khỏi vòng chiến đấu 1000 tên địch, tiêu diệt 2 tiểu đoàn chủ lực, 2 đại đội bảo an, 3 trung đội dân vệ, nghĩa quân và toàn bộ bộ máy kìm kẹp của địch, giải phóng 13000 người dân. Huyện Nông Sơn được hoàn toàn giải phóng!
2. Ý nghĩa to lớn của chiến thắng Nông Sơn- Trung Phước
2.1. Về phía địch:
Mất một căn cứ đặc biệt quan trọng, một cứ điểm tập trung các lực lượng chủ chốt với việc bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 4.000 tên địch, trong đó có 1.214 tên bị bắt sống, diệt gọn 3 tiểu đoàn, đánh quỵ 2 trung đoàn ngụy, phá hủy 39 đại bác, 37 xe quân sự, bắn rơi 13 máy bay, thu 1.000 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng. Địch mất vùng làm chủ rộng lớn và liên hoàn từ Tây Quế Sơn nối liền với Tiên Phước, Tam Kỳ, Thăng Bình ở phía Nam, Đại Lộc ở phía Bắc, là vành đai án ngữ phía Tây Nam căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng.
Không chỉ tổn thất về mặt lực lượng mà còn là đòn sấm sét gây chấn động tinh thần quân địch trên chiến trường Quảng Nam- Quảng Đà, địch lâm vào thế phòng ngự co cụm, bị động, điều quân đối phó lung tung, không theo kế hoạch.
2.2. Đối với ta:
Mục tiêu của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Tỉnh ủy Quảng Nam đặt ra cho chiến dịch đã hoàn thành; tiêu diệt gọn một tập đoàn cứ điểm quân sự kiên cố cùng bộ phận lớn sinh lực địch, giải phóng một vùng rộng lớn. Đánh bại kế hoạch xúc tác, dồn dân; mở rộng và củng cố vùng chiếm đóng của địch; xóa sổ các lực lượng chủ lực, bọn bảo an, dân vệ, nghĩa quân và toàn bộ bộ máy kìm kẹp của địch, giải phóng khoảng 20.000 dân.
Chiến thắng này đã tác động đến tinh thần chiến đấu anh dũng của Nhân dân ta, cổ vũ quân và dân trên toàn chiến trường nổi dậy, đồng loạt tấn công tiêu diệt địch, hỗ trợ lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang địa phương tiến công quân địch. Bằng ba mũi giáp công, quần chúng liên tục phá các khu đồn địch, truy lùng bọn đầu sỏ ác ôn, diệt các mâm tề điệp. Ta giành quyền chủ động tấn công, vùng giải phóng được mở rộng với thế liên hoàn.
Trên chiến trường, ta từ thế bị động chuyển sang thế chủ động và mạnh hơn; địch ngày càng yếu đi và bị động trên khắp chiến trường. Theo báo cáo năm 1975 của Tỉnh ủy Quảng Nam về việc “Tổng kết tình hình 1974” khẳng định: “Bước sang năm 1974, tình hình chiến trường đã có những bước thay đổi quan trọng, nhất là sau thắng lợi ở Nông Sơn- Trung Phước. Về phía địch, liên tiếp thất bại và gặp khó khăn nhiều mặt dù cố gắng gượng; kế hoạch bình định, lấn chiếm coi như thất bại; lực lượng quân sự căn mỏng, điều động lung tung để đối phó với ta... Lúc này, địch suy yếu toàn diện cả về chính trị, quân sự, kinh tế”.
Thắng lợi của chiến dịch Nông Sơn- Trung Phước có tác động, ảnh hưởng mang tính dây chuyền khoảng thời gian sau đó. Tranh thủ sự rối loạn của địch Sư đoàn 304 của ta đã nổ súng tấn công chi khu quận lỵ Thượng Đức; tấn công địch ở nhiều vị trí, buộc chúng bỏ chốt hoặc phòng ngự bị động. Bộ đội chủ lực của quân khu 5, Bộ đội địa phương, du kích trong tỉnh đồng loạt tiến công tiêu diệt địch trên khắp chiến trường.
Cùng với chiến thắng Thượng Đức (07/8/1974), ta đã chặt đứt hoàn toàn cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng; thế chủ động chiến trường cũng như cán cân so sánh lực lượng nghiêng hẳn về phía ta. Sau khi xem xét phân tích các điều kiện và tiền đề, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã đề xuất Bộ Chính trị chủ trương giải phóng Tây Nguyên, Đà Nẵng, qua đó tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975.
3. Nông Sơn trên con đường xây dựng và phát triển
Ngày 08/4/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2008/NĐ-CP thành lập huyện Nông Sơn trực thuộc tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở chia tách các xã vùng Tây của huyện Quế Sơn. Diện tích tự nhiên 45.592 ha, trong đó có trên 90% là đất rừng, còn lại là đất nông nghiệp và các loại đất khác. Toàn huyện có 07 đơn vị hành chính xã, 39 thôn (hiện nay còn 29 thôn), dân số 31.662 người (năm 2008). Là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Nam, có địa hình phức tạp, thường xuyên bị lũ lụt, tố lốc, điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
Ra đời trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước khó khăn kéo dài, nguồn lực đầu tư phát triển cho một đơn vị hành chính mới hạn chế; số lượng cán bộ, công chức thiếu hụt, chỉ có 69 cán bộ, công chức từ Quế Sơn với hai bàn tay trắng lên nhận công tác trong những ngày đầu huyện mới thành lập với tâm trạng vừa vui mừng phấn khởi, vừa lo lắng trước yêu cầu nhiệm vụ mới; trang thiết bị phục vụ làm việc hầu như chưa có; trụ sở làm việc các cơ quan của hệ thống chính trị huyện và các đơn vị trực thuộc của tỉnh phải thuê, mượn nhà dân, trường học, doanh nghiệp để làm việc trong một thời gian dài. Cơ sở hạ tầng còn yếu kém và lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn, cách trở; khu trung tâm hành chính huyện lúc bấy giờ là đồi núi, đầy lau lách, cây bụi; có nơi là hố sâu, sình lầy hoang vắng. Là một huyện thuần nông, CN- TTCN, TM-DV chưa phát triển; nguồn thu ngân sách nhỏ bé không đáp ứng yêu cầu chi tiêu; đời sống người dân còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao (66,88%); ... Những khó khăn ấy đã tác động không nhỏ đến quá trình phát triển của huyện. Nhưng nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMT và các sở, ban, ngành của tỉnh; cùng với quyết tâm chính trị cao, ý chí không ngại khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nông Sơn đã đoàn kết một lòng, chung tay, góp sức vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định tình hình: vừa lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; giải quyết những vấn đề bức xúc về ăn, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh… cho hơn 3 vạn người dân; vừa lựa chọn và triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng và phát triển quê hương cho tương lai.
Từ ngày thành lập huyện đến nay là một chặng đường không dài, nhưng tất cả chúng ta đều nhận thấy và khẳng định rằng, huyện Nông Sơn đã đạt được những thành tựu quan trọng và có sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt, bức tranh kinh tế - xã hội của huyện nhà có những đổi thay đáng kể:
Về phát triển kinh tế: Kinh tế của huyện tăng trưởng ổn định, các nguồn lực được phát huy, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Với chủ trương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi; phát triển kinh tế trang trại, trồng rừng; phát triển cao su đại điền, tiểu điền trên địa bàn huyện. Hệ thống hạ tầng phục vụ cho sản xuất và dân sinh được đầu tư xây dựng và nâng cấp, hơn 34 km kênh mương nội đồng và 16 công trình thủy lợi được kiên cố hóa, với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng; xây dựng 22 công trình cấp nước tập trung với tổng số vốn hơn 10 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế trong ngành nông nghiệp ngày càng được nâng lên, năng suất cây trồng, con vật nuôi đều tăng, đặc biệt là cây lúa tăng từ 26,2 tạ/ha năm 2008 lên 51,3 tạ/ha năm 2018; nhiều mô hình sản xuất hàng hóa thực sự mang lại lợi ích to lớn cho người dân. Qua đó đưa giá trị sản xuất nông, lâm, nghiệp đến cuối năm 2018 đạt hơn 225,7 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2008. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả đáng kể, xã Quế Lộc đã được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới, đến nay số tiêu chí đạt được bình quân là 13 tiêu chí/xã; Làng trái cây Đại Bình trong đó bưởi trụ Đại Bình đã và đang là sản phẩm đặc trưng, luôn khẳng định là thương hiệu riêng có của Đại Bình - Nông Sơn; Trung Phước- Quế Trung đã đạt chuẩn đô thị loại V…
Cùng với nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cũng từng bước phát triển. Từ một địa phương chỉ thuần túy về nông- lâm nghiệp, đến nay trên địa bàn huyện đã có nhà máy, công ty, xí nghiệp hoạt động khá tốt như: Công ty Cổ phần Than- Điện Nông Sơn, Thủy điện Khe Diên. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và làng nghề địa phương tiếp tục ra đời và lớn mạnh như mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ, trầm hương, may gia công, cơ khí…, vừa giải quyết công ăn việc làm, vừa mang lại thu nhập cho Nhân dân; tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2018 đạt 619,1 tỷ đồng, tăng gần 11,1 lần so với năm 2008. Ngành dịch vụ phát triển mạnh, sản phẩm ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, năm 2018 đạt 385 tỷ đồng tăng 18,5 lần so với năm 2008. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2018 đạt 68,860 triệu đồng, tăng 6,99 lần so với năm 2008.
Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản bình quân hằng năm gần 90 tỷ đồng. Công tác quản lý, tổ chức đầu tư được thực hiện đảm bảo đúng trình tự quy định; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều công trình lớn phục vụ dân sinh đã được đầu tư xây dựng; hạ tầng giao thông được kết nối thông suốt giữa các địa phương góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và trao đổi, buôn bán hàng hóa; trung tâm hành chính huyện cơ bản hoàn thành làm cho diện mạo của huyện mới ngày càng đổi thay.
Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá- xã hội cũng được quan tâm đúng mức. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, truyền thanh- truyền hình được tổ chức rộng khắp, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện tham gia, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai thực hiện tích cực.
Công tác giáo dục- đào tạo, y tế, dân số, gia đình, trẻ em… được tập trung đầu tư. Từ những khó khăn ban đầu, đến nay hệ thống trường học, trạm xá được đầu tư xây dựng và bố trí sắp xếp thuận lợi; chất lượng khám chữa bệnh, dạy và học được nâng lên rõ rệt. Toàn huyện có 7/7 xã được công nhận đạt chuẩn PCGDTH cấp độ 3, có 4/7 xã đạt chuẩn PCGDTHCS mức độ 2 (tỷ lệ 57,1%) và 3/7 xã đạt chuẩn PCGDTHCS mức độ 3 (tỷ lệ 42,9%), có 04 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT hằng năm đạt hơn 95%. Trung tâm Y tế huyện được đầu tư xây dựng với quy mô 75 giường bệnh, có 13 khoa phòng, nhiều thiết bị y tế hiện đại được mua sắm trang bị, có 127 cán bộ viên chức, 29/29 thôn đều có nhân viên y tế đã qua bồi dưỡng chuyên môn; có 6/7 Trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.
Thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, các ngành liên quan ở huyện luôn có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho đối tượng chính sách, người có công cách mạng trên địa bàn và thể hiện lòng tri ân các anh hùng liệt sỹ; Toàn huyện hiện có 3.925 người có công với cách mạng, trong đó có 01 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 144 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 950 liệt sỹ, 364 thương binh, bệnh binh đang được hưởng trợ cấp hàng tháng; công tác xây dựng, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ được huyện đặc biệt quan tâm, đến nay 4/4 nghĩa trang liệt sỹ xã đã được nâng cấp; hoàn thành xây dựng nghĩa trang liệt sỹ huyện và Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ xã Quế Lộc. Chính sách người có công và an sinh xã hội trên địa bàn huyện đã được giải quyết kịp thời, các đối tượng người có công cách mạng có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân địa phương; hộ nghèo và người già cô đơn được quan tâm chăm sóc và hỗ trợ. Xây dựng mới được 2160 nhà ở cho các đối tượng hộ nghèo và hộ chính sách; đào tạo và giải quyết việc làm cho hơn 5000 lao động; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 24,4 triệu đồng, tăng gấp 9,7 lần so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 66,88% năm 2008 xuống còn 13,13% năm 2018.
Lĩnh vực nội chính, an ninh, quốc phòng luôn được tăng cường; công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện tốt; Quốc phòng - an ninh được giữ vững, đã chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh, góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của Nhân dân.
Cùng với những nhiệm vụ nêu trên, công tác xây dựng hệ thống chính trị được đầu tư xây dựng đồng bộ. Phong cách, phương pháp lãnh đạo được đổi mới, vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ từng bước đi vào nề nếp. Đảng bộ huyện Nông Sơn đã có bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, Từ 28 tổ chức cơ sở Đảng với 625 đảng viên, có 02 thôn trắng tổ chức đảng và đảng viên ; đến nay, toàn Đảng bộ có 49 tổ chức cơ sở đảng với 1.295 đảng viên, không còn thôn trắng đảng viên và tổ chức đảng; công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sắp xếp, chuẩn bị nguồn cán bộ cho tương lai được quan tâm thường xuyên và ngày càng đi vào nề nếp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, năng lực công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên; nội bộ đoàn kết nhất trí, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước dân, trước Đảng. Tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND, MTTQ, các hội đoàn thể không ngừng được củng cố, kiện toàn, từng bước nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xứng đáng là cơ quan quyền lực, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.
Với những thành tích đạt được, trong 10 năm qua Đảng bộ, quân và dân huyện nhà vinh dự được các cấp lãnh đạo tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua: Ba năm liền (2009- 2011) và năm 2017 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu cụm 9 huyện miền núi; được Chính phủ tặng Bằng khen năm 2011 và năm 2013 vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Nhìn lại bức tranh tổng thể sau hơn 10 năm xây dựng, phát triển của huyện mới, Đảng bộ, quân và dân Nông Sơn vô cùng tự hào, phấn khởi trước những kết quả đạt được cùng với sự đổi thay toàn diện, sâu sắc trên mọi lĩnh vực. Hình ảnh một huyện nông thôn mới đang từng bước hoàn thiện đã khẳng định thành công trong tầm nhìn chiến lược của Đảng bộ và Nhân dân Nông Sơn. Song, chúng ta cũng phải xác định rõ, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Trước mắt chúng ta còn rất nhiều khó khăn và thách thức; kinh tế tuy phát triển nhưng quy mô và giá trị còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; tốc độ tăng trưởng còn chậm và chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa mạnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ. Văn hóa, giáo dục, y tế, chính sách an sinh xã hội còn nhiều vấn đề chưa thực sự yên tâm, nhất là tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống một bộ phận Nhân dân còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại cách trở; thiên tai, lũ lụt thường xuyên đe dọa. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, năng lực của một bộ phận đảng viên, cán bộ có mặt chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới.
Tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, trong thời gian đến, Đảng bộ, chính quyền huyện Nông Sơn quyết tâm tập trung cao nhất tinh thần và trí tuệ, giữ vững khối đoàn kết thống nhất, tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo, nâng cao trách nhiệm, huy động sức mạnh tổng hợp tạo ra sự phát triển vượt bậc toàn diện trên các lĩnh vực.
Tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, lấy lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ làm trọng tâm. Phát huy tiềm năng và các thế mạnh của huyện, đặc biệt là phát huy lợi thế từ kinh tế rừng gắn với quản lý và bảo vệ rừng; phát triển du lịch sinh thái Làng trái cây Đại Bình, nước nóng Tây Viên, Hòn Kẽm – Đá Dừng; thu hút đầu tư; thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới; Tạo sự chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực văn hóa, xã hội; giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội như giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phát huy hiệu quả vai trò làm chủ của người dân trên các lĩnh vực.
Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực việc quản lý và điều hành của chính quyền; sự tham gia phối hợp đồng bộ, hiệu quả của Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức xã hội. Xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở vững về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó với Nhân dân. Đồng thời chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng, gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh tự phê bình, phê bình. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự chuyển biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên. Đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị; phát huy tốt vai trò của Mặt trận, đoàn thể và toàn dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền./.