13/02/2024
XUẤT XỨ MỘT SỐ ĐỊA DANH Ở HOA LƯ QUA BỨC TRANH DÂN GIAN VỀ ĐINH BỘ LĨNH
Là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, Đinh Tiên hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh không chỉ được sách sử ghi chép mà ông còn là đối tượng được phản ánh qua nhiều loại hình văn hóa dân gian như ca dao, vè, tranh vẽ… Riêng dòng tranh Đông Hồ cũng có một số bức tranh về Đinh Bộ Lĩnh, đặc biệt là bức tranh vẽ ông cưỡi rồng vượt sông chứa đựng nhiều giai thoại đặc biệt thú vị quanh đó.
Câu chuyện từ dòng ghi chép ngắn trong sử sách.
Chính sử ghi chép rằng, khi mới xây dựng lực lượng, thế lực còn nhỏ bé, địa bàn còn hẹp, Đinh Bộ Lĩnh có tranh chấp ảnh hưởng với chú ruột là Đinh Dự, bị đánh thua phải chạy qua sông. Thế nhưng có sách chép rằng, vì nghịch ngợm quá, mẹ bực mình nói lại chuyện với chú, chú giận lắm mới đuổi đánh… và câu chuyện lạ kỳ đã xảy ra.
Điểm qua một số sách sử, câu chuyện này được ghi chép có khác nhau đôi chút về tình tiết, nhưng về cơ bản nội dung chính là giống nhau. Cuốn sử cổ nhất lưu đến ngày nay là Đại Việt sử lược có đoạn viết như sau: “Tại sách (làng) Tế Áo, chú của Vương một mình chiếm giữ, chứ không chịu theo về. Vương thôi thúc quân lính đến đánh, không thắng được. Thua chạy đến vũng Đàm Gia, cầu gãy, Vương bị vây hãm giữa chỗ bùn lầy. Ông chú muốn đâm Vương, thì bỗng thấy hai con rồng vàng che trên mình Vương. Ông chú sợ hãi rút lui rồi đầu hàng”.
Tương tự như vậy, sách Đại Việt sử toàn thư chép: “Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, Vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự biết kiến thức không bằng Vua, cùng nhau suy tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: “Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn”. Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của Vua giữ sách Bông chống đánh với Vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, Vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ Vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương”.
Sách Việt sử tiêu án thì có chi tiết hơi khác như sau: “Thân phụ Vua là Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, cai trị Hoan Châu, mẹ là họ Đàm, nằm mộng thấy có một người lớn tay cầm cái ấn vua đến xin làm con, bèn có mang mà sinh ra Vua, được ít lâu thì thân phụ dắt vào ở trong động, chơi với trẻ chăn trâu, lũ trẻ tôn làm đàn anh. Mỗi khi chơi đùa, giao tay nhau cho Vua ngồi lên, khiêng đi làm xe, lấy bông lau làm cờ, dàn ra hai bên, rước đi làm như nghị vệ nhà vua. Trong nhà nuôi được con lợn, thừa lúc mẹ đi vắng, Vua mổ lợn khao bọn trẻ rồi di cư đến Đào Úc Sách. Bà mẹ sợ, mang chuyện ấy nói với chú Đinh Dự, Dự cầm dao đi tìm, đuổi đến bờ sông, Vua chạy sa vào bùn lầy, thấy có con rồng vàng, đỡ hai bên Vua sang qua sông. Ông chú sợ bỏ về, Vua bèn theo bọn ngư hộ làm nghề đánh cá”.
Một bộ sử lớn triều Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì thâu tóm các chi tiết khác nhau lại, nội dung như sau: “Ngài, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, cha là Công Trứ, mẹ là Đàm thị… Khi Công Trứ mất rồi, ngài hãy còn nhỏ, Đàm thị đưa về ở động núi. Chăn trâu ngoài nội, chơi với đám trẻ con, ngài được chúng chịu phục cả. Hễ ngài đi đâu, chúng cứ phải chéo tay làm kiệu rước đi, giống như kiệu thật; lại lấy bông lau làm cờ rước kèm hai bên làm như nghi vệ thiên tử. Kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đi đến đâu, ở đấy cũng phải phục tùng. Đám thì kiếm củi, thổi cơm; đám thì nộp lương, giúp việc. Mẹ thấy thế, mừng lắm, giết lợn nhà để khao chúng. Khi đã hơi lớn, ngài sai bảo được những người ở ấp lân cận. Phụ lão trong các sách đều bảo nhau rằng: “Chú bé này có độ lượng khác thường, chắc rồi làm nên sự nghiệp kia khác”. Họ liền đem con em theo ngài, lập ngài làm trùm, đóng ở sách Đào Úc, ngày ngày đi đánh những sách khác chưa chịu phục.
Bấy giờ có Thúc Dự giữ sách Bông, chống nhau với ngài. Ngài vì quân ít, không địch nổi, thua chạy, qua cầu Đàm Gia. Cầu gẫy, ngài sa lầy. Dự đuổi theo, toan đâm. Bỗng thấy rồng vàng che phủ hai bên, Dự sợ, rút lui. Ngài thu lượm quân gia còn sót, lại đánh, Dự phải hàng”.
Sau đoạn ghi chép này, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục có mục chú thêm như sau: “Toàn thư và Sử ký đều chép Dự là chú của Đinh Bộ Lĩnh và về đời thơ ấu của Đinh Bộ Lĩnh, có một vài chi tiết hơi khác, như: Đàm thị đem con đến cư trú ở bên đền thờ thần nơi động núi, và chiếc cầu mà Bộ Lĩnh chạy qua đó là cầu Nương Loan thôn Đàm Gia. Lại như: “Đinh Tiên Hoàng, khi còn bé, chơi đùa với các mục đồng, được chúng tôn làm vua. Tiên Hoàng lấy làm sung sướng, rình lúc mẹ đi vắng, cầm đầu các trẻ chăn trâu, về nhà bắt trộm lợn của mẹ, đem làm thịt để khao chúng. Mẹ về, sợ rằng “con dại cái mang”, mới nói chuyện với người chú (của Bộ Lĩnh) là Đinh Dự. Dự nổi giận, vác dao ra đồng lùng tìm cháu.
Bấy giờ Tiên Hoàng và các nhi đồng, hàng nào toán ấy, đang ăn uống. Bọn Điền và Bặc xông ra chống chọi với Dự để cho Tiên Hoàng thừa cơ chạy trốn. Dự đuổi đến bên sông, thấy con rồng vàng vươn mình ngang sông làm như cầu phao để cho Tiên Hoàng vượt qua. Dự đâm sợ, ném bỏ dao, đi về. Tiên Hoàng liền chạy sang Giao Thủy (nay thuộc Nam Định), theo phường chài làm nghề chài lưới”.
Những địa danh bắt nguồn từ câu chuyện lạ
Câu chuyện với những tình tiết ly kỳ, huyền ảo nói trên tưởng chừng chỉ là giai thoại dân gian được chính sử ghi chép lại, nhưng thực ra có rất nhiều địa danh ở Hoa Lư gắn liền với câu chuyện lạ này.
Truyền thuyết dân gian kể rằng, thuở nhỏ Đinh Bộ Lĩnh thường tụ tập đám trẻ trâu ở một thung lũng có rất nhiều cỏ lau, đây là nơi mục đồng thả trâu ăn cỏ và cũng là nơi Đinh Bộ Lĩnh cùng lũ trẻ bẻ hoa lau làm cờ chơi đánh trận giả, về sau thung lũng này gọi là Thung Lau; trước Thung Lau có một con đường mà lũ trẻ làm kiệu rước “vua” Đinh, sau được gọi là đường Nhong Nhong, gọi chệch là đường Nhong Nhỏng (nay thuộc xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, Ninh Bình); lại có một khu vực Đinh Bộ Lĩnh được rước đến, sau này gọi là vườn Kiệu.
Một hôm Đinh Bộ Lĩnh chọn con trâu to nhất trong đàn trâu mà người chú sai ông đi chăn thả để mổ thịt “khao quân”. Truyền rằng đám trẻ mang trâu đến một cây cầu để mổ, tiện cho việc lấy nước rửa thịt, nơi ấy sau gọi là cầu Mổ (nay thuộc xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, Ninh Bình).
Trong khi đám trẻ tụ tập làm thịt, nấu nướng, ăn uống thì có người báo cho chú Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Dự biết; ông chú nổi giận cầm gươm chạy đến định bắt cháu để trị tội. Đinh Bộ Lĩnh vội bỏ chạy, còn người chú đuổi riết phía sau. Có thuyết thì nói Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu chạy, đến một quả đồi thì trâu chạy nhanh quá rơi mất mõ, nơi đó sau gọi là đồi Cốc; chạy một đoạn nữa thì trâu sa xuống một bãi lầy, sau được gọi là cánh bục trâu.
Không thể cưỡi trâu nữa, Đinh Bộ Lĩnh vội bỏ trâu lại chạy đến bến sông Bôi để bơi qua sông, bến đó sau gọi là bến Vội. Sang bên sông, chạy qua một chỗ lội khá sâu và rộng, Đinh Bộ Lĩnh vỗ đùi nhảy vọt qua một cách tài tình, nơi đó sau người ta làm một cây cầu bắc qua gọi là cầu Tài (sau đọc chệch là cầu Đài). Chạy thêm một quãng đến con đường có nhiều ngã rẽ, nơi đây có một bà già câm ngồi bán nước nên người ta thường gọi là Cấm Khẩu. Thấy bà lão, Đinh Bộ Lĩnh vào hỏi đường, bỗng nhiên bà lão cất tiếng nói: “Chạy về phía Trường Yên, đến bên sông nhờ người lái đò tên Long chở qua”. Về sau Cấm Khẩu được đổi gọi là Gián Khẩu (cửa khẩu mở ra, nghĩa là nói được), nay thuộc xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, Ninh Bình).
Nghe lời bà lão, Đinh Bộ Lĩnh chạy đến bến sông Tiên Giang cất tiếng gọi người lái đò tên Long. Một thuyết khác thì kể, khi chạy đến bến sông, chợt nhớ trong đám bạn có đứa tên là Long, nhà ở bãi sông, bố mẹ làm nghề chở đò ngang, nên Đinh Bộ Lĩnh cố sức gọi: “Long ơi! Mau giúp tao qua sông với!”
Điều kỳ lạ, tiếng gọi vừa dứt thì bỗng khúc sông nổi sóng lớn, một con rồng vàng hiện lên cúi đầu gật gù như mời chào rồi ghé lưng sát bờ, Đinh Bộ Lĩnh liền bước lên lưng rồng. Bấy giờ mọi người ở quanh đó đều chứng kiến sự việc lạ lùng, cho là đứa trẻ có khí vượng đế vương nên đều vội quỳ xuống bái lạy. Khi đó, Đinh Dự cũng vừa chạy tới, thấy vậy vô cùng kinh ngạc và sợ hãi, lại nghe mọi người bàn tán chuyện “Hoàng long phù thiên tử quá giang” (Rồng vàng rước thiên tử qua sông), ông vội cắm thanh gươm xuống đất rồi chạy đến sát mép sông cúi đầu bái lạy cháu, miệng liên tục gọi: “Cháu ơi! Tha lỗi cho chú! Cháu ơi! Cháu hãy về với chú! Về đi, cháu ơi!…”.
Từ sự kiện huyền kỳ đó, sông Tiên Giang đã được đổi tên là sông Hoàng Long (Rồng Vàng), sách Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn cũng chép rằng: “Xưa Đinh Tiên Hoàng, lúc còn bé, bị người chú đuổi đánh, chạy đến bờ sông này, đương muốn lội qua, chợt có hai con rồng vàng ôm đỡ, đến khi thống nhất đất nước, nhân đấy đặt tên sông”.
Còn bến sông mà rồng đón Đinh Bộ Lĩnh được gọi là Hoàng Long độ (bến đò Rồng Vàng). Nơi người chú cắm gươm gần một trái núi, núi đó sau được gọi là núi Cắm Gươm, chân núi có thửa ruộng mà ông Đinh Dự cắm gươm xuống, được gọi là ruộng Kiếm Điền.
Thật là:
Cắm Gươm núi dáng đợi chờ,
Như còn tiếc nuối chuyện xưa rồng vàng.
Vọng nghe tiếng gọi non ngàn,
Thoáng như thấy bóng vua sang hôm nào.
(Trường Yên quê tôi – Tác giả: Lê Doãn Đàm)
Gần nơi ông Đinh Dự cúi đầu lạy cháu cũng có một hòn núi nhỏ hình người đang phủ phục bái lễ nên dân chúng gọi là núi cha lạy con (phụ bái tử sơn). Vì cha mất, Đinh Bộ Lĩnh phải về ở với chú nên theo quan niệm thời xưa, chú cũng như cha, do đó tên núi đặt cũng theo nghĩa đó. Núi này lại có tên khác là núi Ông Mõ, bởi vì lúc Đinh Dự cất tiếng gọi cháu, tựa như tiếng rao của người mõ nên dân gian mới gắn thêm tên gọi này cho núi. Các địa danh nói trên, nay đều thuộc xã Trường Yên, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Nguồn: https://lsvn.vn/xuat-xu-mot-so-dia-danh-o-hoa-lu-qua-mot-buc-tranh-dan-gian.html