SÓNG THÉP

SÓNG THÉP Chuyên Trang thông tin về hoạt động của Bộ đội Hải quân và tình hình chính trị, quân sự trong nước, quốc tế.

Học viện Hải Quân là một học viện quân sự trực thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam Chuyên đào tạo sĩ quan chỉ huy hải quân cấp phân đội và chỉ huy tham mưu hải quân cấp chiến thuật- chiến dịch.

🇻🇳❤️🇻🇳 VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIẢI QUYẾT MỐI QUAN HỆ GIỮA TÍNH PHỔ BIẾN VÀ TÍNH ĐẶC THÙ...
18/02/2025

🇻🇳❤️🇻🇳 VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIẢI QUYẾT MỐI QUAN HỆ GIỮA TÍNH PHỔ BIẾN VÀ TÍNH ĐẶC THÙ TRONG XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là cơ sở lý luận để Đảng ta tiếp tục nghiê n cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. Bài viết phân tích sự đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù; sự vận dụng của Đảng ta và một số bài học kinh nghiệm trong giải quyết hiệu quả mối quan hệ này ở Việt Nam hiện nay.

1. Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin vào năm 1920 khi Người đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước. Người đã nhận thức rõ vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới, bởi, đó là chủ nghĩa “chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”.

Đối với cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định, chủ nghĩa Lênin “không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn để giải quyết những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm những chỉ dẫn của V.I.Lênin về giải quyết mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng CNXH: “Tất cả các dân tộc sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”. Hồ Chí Minh coi những chỉ dẫn này là những định hướng, phương pháp luận quan trọng để xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, khi vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin hay tiếp thu kinh nghiệm của các đảng cộng sản trên thế giới thì phải căn cứ vào điều kiện cụ thể, thực tiễn của Việt Nam. Người chỉ rõ: “Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm phải chủ nghĩa giáo điều. Nhưng nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc phải sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại. Vì vậy, song song với việc nhấn mạnh sự quan trọng của học tập lý luận, chúng ta phải luôn luôn nhấn mạnh nguyên tắc lý luận liên hệ với thực tế”.

Khi miền Bắc bước vào xây dựng CNXH, Người lưu ý rằng, “tiến lên CNXH không thể một sớm một chiều” do “ta không giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử khác… Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Vì vậy, “Làm trái với Liên Xô, đó cũng là mácxít”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, người cách mạng phải thường xuyên nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, đây là yêu cầu, điều kiện tiên quyết để Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên hoàn thành vai trò, nhiệm vụ được giao.

Yêu cầu người cách mạng phải thường xuyên nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng học chủ nghĩa Mác - Lênin như thế nào? Theo Hồ Chí Minh, đó là sự quán triệt, vận dụng đúng đắn linh hồn của chủ nghĩa Mác -Lênin - phương pháp luận duy vật biện chứng vào hoàn cảnh cụ thể của một nước thuộc địa phong kiến như Việt Nam; là sự vận dụng quy luật chung vào hoàn cảnh cụ thể, đặc thù, hết sức sinh động, muôn màu, muôn vẻ của những hiện tượng, quá trình lịch sử riêng biệt. Học lý luận nhưng “không phải học để thuộc lòng từng câu từng chữ”, mà học để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta. Khi vận dụng thì bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn cách mạng của ta. Tức là: “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc (…) là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế ở nước ta”. Không chỉ học lý luận Mác - Lênin, Hồ Chí Minh còn yêu cầu Đảng ta học kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo để tránh những vấp váp, sai lầm.

Trọn cuộc đời, Hồ Chí Minh đã phấn đấu theo lý tưởng cách mạng, khoa học, nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin và là tấm gương mẫu mực trong giải quyết mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, nhờ đó đã mang lại những thành tựu “có ý nghĩa lịch sử”.

2. Thực tiễn vận dụng, phát triển sáng tạo của Đảng ta về giải quyết mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời kỳ trước đổi mới

Thấm nhuần tư tưởng và phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thế giới, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giải quyết mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN và đã đạt được một số thành tựu cơ bản:

Một là, vận dụng tính phổ biến và tính đặc thù trong lựa chọn và thực hiện mục tiêu “độc lập dân tộc gắn liền với CNXH”

Trên hành trình tìm đường cứu nước, bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với việc nghiên cứu lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận quan trọng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho các dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người trên trái đất; rằng, chỉ có CNXH và chủ nghĩa cộng sản mới có thể xóa bỏ vĩnh viễn ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, thực hiện được sự giải phóng hoàn toàn và triệt để cho quần chúng cần lao.

Do vậy, đường lối cách mạng Việt Nam ngay từ năm 1930 của Đảng ta là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Có thể khẳng định rằng, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là tư tưởng nhất quán, sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nội dung chủ đạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự vận dụng, phát triển sáng tạo tính phổ biến vào điều kiện đặc thù đất nước của Hồ Chí Minh và Đảng ta.

Hai là, xác định rõ một số đặc thù của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN

Quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta thời kỳ trước đổi mới có nhiều nét đặc thù so với tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các nước trên thế giới. Nổi bật là: 1) Quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta không diễn ra đồng thời cùng một thời điểm ở hai miền của đất nước. Sau khi miền Bắc được giải phóng (năm 1954), Đảng ta quyết định đưa miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, miền Nam tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đấu tranh thống nhất đất nước; 2) Sau khi thống nhất đất nước (năm 1975), quá trình xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước tiếp tục bị gián đoạn do các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Đặc điểm này khiến quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta tất yếu phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: vừa xây dựng CNXH, vừa bảo vệ Tổ quốc XHCN; vừa cải tạo XHCN ở miền Nam vừa đẩy mạnh xây dựng CNXH trên miền Bắc. Nhờ vận dụng tính phổ biến và tính đặc thù của lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng giành độc lập dân tộc thắng lợi và đưa cả nước đi lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ này cũng có một số hạn chế nhất định. Đó là: Đề cao tính phổ biến, xem nhẹ, thậm chí bỏ qua tính đặc thù. Do chưa nghiên cứu thấu đáo những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, thời kỳ này, một số nhận thức và thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam rơi vào dập khuôn máy móc, giáo điều, xa rời “mảnh đất hiện thực” Việt Nam. Trong lĩnh vực kinh tế là đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN trong khi chưa có “đủ các tiền đề cần thiết”, làm cho sản xuất xã hội rơi vào trì trệ và dẫn tới khủng hoảng kinh tế. Trong lĩnh vực chính trị - xã hội là những hạn chế trong giải quyết mối quan hệ giai cấp - dân tộc, cường điệu hóa thành phần giai cấp, đấu tranh giai cấp... dẫn đến mất dân chủ, giảm sút sự hăng say sáng tạo của quần chúng, triệt tiêu động lực cách mạng. Đề cao, dập khuôn máy móc mô hình Xô viết, tuyệt đối hóa “mô hình”, “phương pháp” của Liên Xô, áp dụng phổ biến trên nhiều lĩnh vực mà không tính đến đặc thù đất nước.

Căn bệnh duy ý chí, giáo điều, tuyệt đối hóa tính phổ biến đã bộc lộ rất rõ rệt trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lan rộng trên phạm vi cả nước và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đại hội VI (năm 1986) đã tự phê bình và nhận thức rõ việc không vận dụng sáng tạo nguyên lý về tính phổ biến và tính đặc thù là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng.

Thời kỳ đổi mới

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong nhận thức lý luận và thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Một là, kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù trong xác định bản chất cốt lõi của CNXH Việt Nam

Thông qua thực tiễn đổi mới của Việt Nam và xu thế chung của thế giới, soi chiếu với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, có thể nhận thấy quan điểm của Đảng ta về bản chất cốt lõi của CNXH Việt Nam thời kỳ đổi mới đã đóng góp nhiều giá trị lý luận mang tính phổ biến và được nhiều đảng cầm quyền thừa nhận, đồng thời, thể hiện đậm nét những giá trị đặc thù riêng có của Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Các giá trị đó được phản ánh trong các văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, tập trung nhất ở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và gần đây là cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Những giá trị nổi bật là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng là giá trị mang tính phổ quát được phản ánh trong lý luận Mác - Lênin và là khát vọng của đại đa số nhân dân trên thế giới. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là mục tiêu mà Hồ Chí Minh đã xác định từ khi tìm ra con đường cứu nước cho đến lúc Người trở về với thế giới người hiền; là bài học kinh nghiệm hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà Đảng ta đã đúc kết trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Văn kiện Đại hội XIII đã đúc kết. Bản chất cốt lõi của CNXH Việt Nam đã được khái quát trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”.

Trải qua quá trình bổ sung, phát triển nhận thức của Đảng về CNXH và con đường đi lên CNXH, có thể thấy những đặc trưng của CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam vừa mang những giá trị phổ biến, chắt lọc giá trị nhân loại, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin; vừa mang những đặc thù, giá trị riêng có của Việt Nam, phản ánh đậm nét tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH. Đây cũng chính là căn cứ lý luận để Đảng ta, nhân dân ta kiên định lựa chọn con đường đi lên CNXH.

Hai là, kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù trong tìm tòi các phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Về phương pháp xây dựng CNXH thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được dưới CNTB một cách “có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”. Theo đó, Đảng đã vận dụng những cách thức, biện pháp phổ biến mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra và nhân loại đã sử dụng để xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, phù hợp với “mảnh đất hiện thực” của Việt Nam. Điển hình là:

Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN - sự kết hợp biện chứng giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực kinh tế

Quan điểm của Hồ Chí Minh: “ta không giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử khác… Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội” chính là chỉ dẫn để Đảng ta tìm ra những đặc điểm riêng, đặc thù của đất nước, của dân tộc ta. Một trong các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trên con đường đi lên CNXH là phát triển nền kinh tế thị trường. Việc thừa nhận vai trò của kinh tế thị trường trong công cuộc xây dựng CNXH cũng chính là sự thừa nhận quy luật chung trong sự phát triển của văn minh nhân loại. Điều này đã được V.I.Lênin và sau này là Hồ Chí Minh bàn đến khi nói về các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng CNXH trong bối cảnh mới, Đảng đã khẳng định: “Để đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Với quan điểm này, kinh tế thị trường đã trở thành một trong những công cụ, biện pháp chủ yếu để thúc đẩy các thành phần kinh tế, phát huy các nguồn lực, đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động… góp phần quan trọng tạo nền tảng về cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH.

Cái đặc thù trong đường lối phát triển kinh tế thị trường của Đảng chính là định hướng XHCN. Đảng ta nhấn mạnh: “Mục đích của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp trên cả ba mặt sở hữu, quản lý và phân phối”. Tính định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam thể hiện ở các thuộc tính: “đầy đủ”, “hiện đại”, “hội nhập” và “định hướng XHCN”; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN - Sự kết hợp hài hòa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực chính trị

Nhà nước pháp quyền là thành quả quan trọng trong lịch sử phát triển của nhân loại. Nó vừa là sản phẩm của những tác động của các nhân tố chủ quan và khách quan trong điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể vừa có đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia dân tộc thời kỳ cận đại và hiện đại. Thực tiễn cho thấy, một xã hội văn minh không thể thiếu nhà nước pháp quyền. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền chính là thừa nhận trên thực tế cái phổ biến, quy luật phổ biến ấy đối với mọi xã hội. Tuy nhiên, Nhà nước pháp quyền của Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đây chính là tư tưởng nhà nước pháp quyền XHCN của Hồ Chí Minh. Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng một nhà nước mới - nhà nước nhân dân hay còn gọi là Nhà nước XHCN Việt Nam có đặc tính pháp quyền. Đó là nhà nước: (1) thực sự dân chủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo; (2) được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; (3) có tổ chức bộ máy theo đúng chức năng, nhiệm vụ của nhà nước dân chủ. Tuy khác biệt về bản chất chính trị với nhà nước pháp quyền tư sản, nhưng điều đó không ngăn trở việc kế thừa, tiếp thu có chọn lọc các thành quả của nhân loại trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Sự kết hợp hài hòa giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực văn hóa - xã hội - con người

Dân chủ cũng là một trong những giá trị phổ quát của nhân loại, phản ánh quyền lực thuộc về nhân dân. Nhưng khi tiếp cận với giá trị dân chủ, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào đặc thù của đất nước, Đảng ta đã lãnh đạo xây dựng nền dân chủ XHCN Việt Nam phản ánh tính phổ biến, tính đặc thù biện chứng. Từ quan điểm: “… quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(17), trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã khẳng định dân chủ là bản chất của chế độ XHCN ở Việt Nam, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Những đặc trưng của nền dân chủ XHCN Việt Nam nêu trên thể hiện rõ sự kết hợp hài hòa những giá trị phổ biến và đặc thù của Đảng ta.

Ba là, vận dụng sáng tạo phương pháp luận kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Cùng với những nội dung xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù của Đảng ta còn thể hiện ở việc sử dụng phương pháp luận cách mạng của Người: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong thời kỳ đổi mới, giải quyết mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng CNXH theo tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta đã được nhận thức và xử lý tương đối hài hòa. Chúng luôn gắn bó với nhau, tham gia và chuyển hóa, thâm nhập vào nhau. Sự hài hòa giữa cái phổ biến và cái đặc thù trong xây dựng CNXH ở Việt Nam thời kỳ đổi mới là một quá trình liên tục điều chỉnh, được định hướng, vừa tôn trọng hiện thực khách quan, vừa thể hiện rõ vai trò chủ động, sáng tạo, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

3. Một số bài học trong giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam hiện nay

Một là, kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi lẽ, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam. Khi áp dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn nước ta, cần quán triệt những quan điểm của Hồ Chí Minh về việc bổ sung những cơ sở lịch sử có tính đặc thù cho học thuyết này. Những quan điểm chỉ đạo của Người về giải quyết mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Qua 40 năm đổi mới, nhận thức về mô hình và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng, với nhiều nội dung được làm sáng tỏ hơn. Việc nghiên cứu tính phổ biến và tính đặc thù của các mô hình CNXH hiện thực hiện nay góp phần khẳng định nhận thức mới của Đảng Cộng sản Việt Nam về CNXH là đúng đắn, đó vừa là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn nước ta, vừa là sự tổng kết thực tiễn đổi mới gắn với bối cảnh thời đại, là kết quả của sự kết hợp giữa những nguyên lý có tính phổ biến của CNXH khoa học, của CNXH hiện thực trên thế giới với tính đặc thù của dân tộc Việt Nam.

Hai là, bổ sung, “cập nhật” những giá trị phổ biến mới, tiến bộ của nhân loại, làm phong phú thêm lý luận, thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới hiện nay

Đây là yêu cầu khách quan và là phương pháp luận mác xít mà Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh. Bối cảnh mới đang đặt ra nhiều vấn đề mới cần phải nhận thức và giải quyết trên con đường đi tới mục tiêu CNXH. Do vậy, bên cạnh giữ vững những quy luật có tính phổ biến của CNXH khoa học, kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh, cần phải chắt lọc “những viên gạch hữu ích” của nhân loại để làm phong phú thêm lý luận, thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam. Nổi bật là tiếp thu, kế thừa “kinh tế thị trường”, “nhà nước pháp quyền”, “quyền dân chủ của nhân dân”, “hội nhập quốc tế”, “lợi ích quốc gia - dân tộc”, “chủ quyền quốc gia”, “độc lập dân tộc”… Tuy nhiên, việc kế thừa, vận dụng kinh nghiệm thế giới nếu không phù hợp với thực tiễn đất nước có thể dẫn đến mất ổn định chính trị, thậm chí mất chế độ.

Qua thực tiễn đổi mới, nhiều vấn đề lý luận ở nước ta cũng dần được làm sáng tỏ và trở thành những vấn đề có tính phổ biến, trong đó về phương pháp luận là làm rõ cách thức đi lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, nhưng “bỏ qua” như thế nào? Bỏ qua cái gì, học tập cái gì. Về những nội dung cụ thể cần tiếp thu, học tập nhưng phát triển sáng tạo với mục tiêu của CNXH Việt Nam: Kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN…

Ba là, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về những giá trị phổ biến của CNXH; đồng thời chống quan điểm cực đoan mới đề cao tính đặc thù của quốc gia, coi nhẹ tính phổ biến và ngược lại

Qua 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã minh chứng cho việc kết hợp đúng đắn, sáng tạo những điểm tương đồng và khác biệt trong nhận thức về CNXH. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại những quan điểm cực đoan, sai trái, phản động, cần đấu tranh phản bác, như quan điểm muốn tuyệt đối hóa nguyên lý phổ biến, xem nhẹ tính đặc thù, hoặc quan điểm nhân danh “sáng tạo, đổi mới” muốn thoát ly khỏi nguyên lý phổ biến, chỉ cần phù hợp đặc thù của Việt Nam./.

THẾ TÙNG

🇻🇳⭐️ TIẾP TỤC SẮP XẾP TINH GỌN, HOÀN THIỆN MÔ HÌNH TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG⭐️💐Nhiệm vụ trọng tâm của Đảng là xây dựng tổ chức ...
18/02/2025

🇻🇳⭐️ TIẾP TỤC SẮP XẾP TINH GỌN, HOÀN THIỆN MÔ HÌNH TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG⭐️💐

Nhiệm vụ trọng tâm của Đảng là xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Bởi tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, có vai trò quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Các tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh khắc phục mọi biểu hiện lệch lạc, bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc, toàn diện của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu.

Đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên”; “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên”.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới, nhấn mạnh: “xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng… Tập trung xây dựng chi bộ tốt, đảng viên tốt; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống”.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, hiệu quả cao với cách làm mới, quyết liệt, đúng định hướng và có kế thừa những kết quả triển khai Nghị quyết số 18 trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.

Các cơ quan, ban đảng Trung ương, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương đã đi đầu nêu gương, khẩn trương triển khai rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp đầu mối bên trong, hoàn thành các nhiệm vụ vượt tiến độ yêu cầu theo đúng định hướng chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo.

Trung ương đã quyết định thành lập: Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương, Đảng bộ Chính phủ, Đảng bộ Quốc hội, Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương. Trung ương đã ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của bốn đảng bộ mới và quy chế làm việc mẫu của bốn đảng ủy mới trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương.

Ở các cơ quan, tổ chức nơi kết thúc hoạt động của đảng đoàn, ban cán sự đảng, Trung ương đã ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên trực tiếp, đảng bộ, chi bộ cơ sở; quyết định ban hành Quy chế làm việc mẫu của đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, đảng ủy, chi bộ cơ sở.

Ở các địa phương, Trung ương đã ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh, thành phố và đảng ủy ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; quyết định ban hành Quy chế làm việc mẫu của ban chấp hành đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh, thành phố và ban chấp hành đảng bộ ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Trung ương cũng đã ban hành Kết luận số 118-KL/TW về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Với phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, theo tinh thần “Trung ương không chờ địa phương, tỉnh không chờ huyện, huyện không chờ cơ sở”, quá trình triển khai thực hiện rất quyết liệt, khẩn trương, thông suốt, nhịp nhàng, đồng bộ.

Hiện nay, các địa phương trong quá trình thực hiện phương án tinh gọn, kết thúc hoạt động, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan đồng bộ theo chỉ đạo của Trung ương, bảo đảm để bộ máy mới đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, không để gián đoạn công việc.

Cùng với đó là việc sắp xếp tinh gọn, hoàn thiện mô hình các tổ chức cơ sở đảng, chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Dự thảo báo cáo chính trị của các chi bộ, đảng bộ được yêu cầu phải xác định rõ thế mạnh, định hướng, trọng tâm phát triển của địa phương, đơn vị gắn với chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong tình hình mới. Đồng thời với việc xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ là yêu cầu đề ra các giải pháp sát với tình hình thực tế, có tính khoa học, khả thi cao.

Công tác nhân sự được yêu cầu bảo đảm sự kế thừa, đổi mới và phát triển của đội ngũ cán bộ, coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, bảo đảm cấp ủy khóa mới tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín, thật sự là “gương soi” của đảng viên và quần chúng nhân dân.
Những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra với khối lượng công việc lớn, trong thời gian ngắn, càng cần nhanh chóng hoàn thiện mô hình tổ chức cơ sở đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện phát triển kinh tế-xã hội đồng thời thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả./.

Báo Nhân dân

⭐️💐⭐️ TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN: GIÁ TRỊ VỮNG BỀN“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là văn kiện mang tính chất cương lĩnh...
18/02/2025

⭐️💐⭐️ TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN: GIÁ TRỊ VỮNG BỀN

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là văn kiện mang tính chất cương lĩnh đầu tiên của những người cộng sản, có giá trị lịch sử và thực tiễn của Chủ nghĩa Mác. Một trong những quan điểm nổi bật của tác phẩm là C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận giải một cách thuyết phục sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

Cách đây 177 năm, vào ngày 24/2/1848 “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do C.Mác và Ph.Ăngghen biên soạn, được xuất bản lần đầu tại Anh. Sự ra đời của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là bước ngoặt quyết định và đánh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận chủ nghĩa Mác. Bản Tuyên ngôn trình bày cơ bản những luận điểm, tư tưởng cơ bản và chủ đạo được xây dựng trên nền tảng vững chắc của chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đặc biệt, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là vũ khí lý luận sắc bén trong phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, là chỉ dẫn quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Sự ra đời “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đánh dấu sự phát triển vượt bậc của phong trào công nhân, đó là sự phát triển từ tự phát đến tự giác. Tư tưởng khoa học và cách mạng trong văn kiện lịch sử này nhanh chóng thâm nhập vào giai cấp vô sản và lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân lao động. "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" trở thành cương lĩnh cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới, do nội dung văn kiện lịch sử này đã đưa ra và luận giải sâu sắc nhiều luận điểm, nguyên lý mang tính chất phổ biến cả về lý luận và thực tiễn, có giá trị làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Về sau, trong tác phẩm Các Mác, V.I.Lênin đã khẳng định: Tuyên ngôn là tác phẩm đã “trình bày một cách hết sức sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để - chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt xã hội - phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển, lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò cách mạng - trong lịch sử toàn thế giới - của giai cấp vô sản, tức là giai cấp sáng tạo ra một xã hội mới, xã hội cộng sản”. V.I.Lênin nhấn mạnh, chúng ta lấy bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” làm cơ sở cho việc xây dựng đường lối chiến lược và sách lược cách mạng, cho sự nghiệp xây dựng chế độ mới, xã hội xã hội chủ nghĩa.

Trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen luôn yêu cầu những người cộng sản không ngừng cảnh giác, không say men chiến thắng mà quên đi nhiệm vụ đấu tranh lâu dài và thực hiện mục đích cao cả của mình là xây dựng xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa. Mục đích cuối cùng của những người cộng sản là thực hiện chủ nghĩa cộng sản, “tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”. Tuyên ngôn kết thúc bằng khẩu hiệu bất hủ: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”.

Dưới ánh sáng của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong 177 năm qua đã giành được những thành tựu quan trọng, biến chủ nghĩa xã hội từ lý luận, học thuyết thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là tác phẩm kinh điển chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học. Những nguyên lý của C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày trong tác phẩm là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tư tưởng cốt lõi của Tuyên ngôn là tư tưởng giải phóng xã hội, giải phóng con người, bảo đảm mọi người sống thực sự trong hòa bình, tự do và hạnh phúc.

Với cách mạng Việt Nam, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” có vị trí đặc biệt quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận tinh thần của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” qua đọc và tiếp thu nội dung cơ bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin vào năm 1920. Trong bối cảnh lịch sử mới, Người nhấn mạnh: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”.

Suốt 95 năm qua, được soi sáng bởi tư tưởng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn sau gần 40 năm đổi mới, đã mang đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, phủ định giá trị của "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản". Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn, âm mưu chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Bằng những quan điểm của các nhà kinh điển càng giúp chúng ta vững tin vào con đường đã chọn, vững tin vào giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm xóa bỏ mọi áp bức, bất công, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, nhận diện, đấu tranh, phản bác các trào lưu tư tưởng muốn phủ định giá trị, sức sống bền vững và ý nghĩa thời đại của "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Quảng Ngãi

Address

Nha Trang

Opening Hours

Monday 08:00 - 17:00
Tuesday 08:00 - 17:00
Wednesday 07:00 - 17:00
Thursday 07:00 - 17:00
Friday 07:00 - 17:00
Saturday 07:00 - 17:00
Sunday 09:00 - 22:00

Telephone

+842583881425

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when SÓNG THÉP posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Contact The Business

Send a message to SÓNG THÉP:

Videos

Share