20/08/2023
Huyện Chợ Mới trước năm 1965 thuộc huyện Bạch Thông (Châu Bạch Thông chính thức có từ thời Lê, đời Hồng Đức thứ 21, vào năm 1490). Từ năm 1965 đến 1997, huyện có 09 xã và 01 thị trấn phía Nam của huyện Bạch Thông sáp nhập về huyện Phú Lương (gồm Nông Hạ, NôngThịnh, Thanh Bình, Yên Đĩnh, Như Cố, Quảng Chu, Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư và thị trấn Chợ Mới). Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, tỉnh Bắc Kạn được tái thành lập. Sau khi tỉnh Bắc Kạn được tái thành lập năm 1997, địa giới hành chính huyện Bạch Thông điều chỉnh tiếp nhận 09 xã và 01 thị trấn phía Bắc của huyện Phú Lương. Thực hiện Nghị định số 46-NĐ/NP ngày 06/7/1998 của Chính phủ, huyện Chợ Mới được thành lập trên cơ sở chia tách 16 xã, thị trấn phía Nam của huyện Bạch Thông và chính thức công bố đi vào hoạt động từ ngày 02/9/1998.
Vị trí địa lý
Huyện Chợ Mới có tổng diện tích tự nhiên là 60.716,08ha, gồm 16 đơn vị hành chính (15 xã và 01 thị trấn). Thị trấn Chợ Mới là trung tâm huyện lỵ cách thị xã Bắc Kạn 42km về phía Nam và cách thủ đô Hà Nội 142km về phía Bắc.
Huyện có vị trí địa lý tương đối thuận lợi, là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh Bắc Kạn:
Phía Đông giáp huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) và huyện Na Rỳ
Phía Tây giáp huyện Định Hóa (Thái Nguyên)
Phía Nam giáp huyện Đồng Hỷ và huyện Phú Lương (Thái Nguyên)
Phía Bắc giáp huyện Chợ Đồn, huyện Bạch Thông và thị xã Bắc Kạn.
Địa hình
Huyện Chợ Mới nằm trong khu vực thấp của tỉnh Bắc Kạn, độ cao trung bình dưới 300m, có địa hình đồi xen kẽ núi thấp, nhiều thung lũng, sông suối. Độ dốc trung bình từ 15 – 25o, thuận lợi cho canh tác nông lâm nghiệp kết hợp, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày và lâm nghiệp.
Đường Quốc lộ 3 là con đường giao thông huyết mạch chạy dọc theo chiều dài của huyện, đi qua 7 xã, thị trấn. Nhờ con đường này, từ Chợ Mới có thể đi lại một cách dễ dàng về phía Nam xuống thủ đô Hà Nội, lên phía Bắc đến tận Cao Bằng. Ngoài ra còn hệ thống đường liên xã tạo thành một mạng lưới giao thông phục vụ nhu cầu đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân các dân tộc trong vùng. Khác với nhiều huyện trong tỉnh, hệ thống đường giao thông của Chợ Mới luôn gắn chặt với trục đường bộ quan trọng ở Miền núi phía Bắc. Các tuyến giao thông đối nội và đối ngoại quan trọng của huyện cũng là những trục giao thông chính của Bắc Kạn và của nhiều tỉnh ở Trung Du, Miền núi phía Bắc. Đây là một thuận lợi lớn, góp phần thúc đẩy giao lưu và phát triển kinh tế, khai thác các thế mạnh của huyện, đặc biệt là nguồn lợi từ rừng và tài nguyên du lịch.
Sông ngòi
Huyện Chợ Mới có con sông Cầu chảy quanh, đồng thời cũng là con sông lớn nhất tỉnh. Bắt nguồn từ núi Tam Tao, sông Cầu chảy qua một phần của huyện Bạch Thông, đến thị xã Bắc Kạn, huyện Chợ Mới, chảy sang Thái Nguyên và hợp lưu với sông Thái Bình. Chiều dài trên địa phận Bắc Kạn khoảng 100 km với lưu vực trên 510 km2 cùng hàng chục con suối lớn nhỏ. Lòng sông rộng, ít thác gềnh nhất tại địa phận huyện Chợ Mới. Sông Cầu là tuyến đường thuỷ quan trọng phục vụ vận tải liên huyện và liên tỉnh, nối Chợ Mới với các tỉnh khác. Lưu lượng dòng chảy lớn, sông Cầu có vai trò quan trọng trong đời sống dân cư của hầu hết các xã trong huyện, mang tới nguồn thủy lợi dồi dào, đường giao thông ngược xuôi, nguồn thủy sản phong phú. Đặc biệt, sông Cầu bồi đắp cho các xã dọc lưu vực một lớp phù sa màu mỡ để phát triển nông lâm nghiệp.
Khí hậu
Khí hậu huyện Chợ Mới mang đặc trưng của khí hậu nhiêt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình trong năm 210 C. Các tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất là tháng 6, tháng 7 và tháng 8 (270 – 27,50C), các tháng có nhiệt độ trung bình thấp nhất là tháng 1 (14 -14,50 C). Tổng tích nhiệt bình quân năm là 7.850oC. Mặc dù nhiệt độ còn bị phân hoá theo độ cao và hướng núi, nhưng không đáng kể.
Ngoài chênh lệch về nhiệt độ theo các mùa trong năm, khí hậu Chợ Mới còn có những đặc trưng khác như sương mù, sương muối. Một năm bình quân có khoảng 87 – 88 ngày sương mù. Vào các tháng 10, tháng 11, số ngày sương mù thường cao hơn. Đôi khi có sương muối, mưa đá, nhưng không nhiều, bình quân mỗi năm khoảng 0,2 – 0,3 ngày, thường vào các tháng 12, tháng 1 và đầu mùa xuân.
Lượng mưa thuộc loại trung bình 1.500 – 1.510 mm/năm. Các tháng có lượng mưa lớn là tháng 7 và 8, có khi mưa tới 100mm/ngày. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và chiếm tới 75 – 80% lượng mưa cả năm.
Thịnh hành là các chế độ gió mùa đông bắc kèm theo không khí khô lạnh và gió mùa đông nam mang theo hơi nước từ biển Đông, tạo ra mưa về mùa hè.
Chợ Mới nằm trong khu vực khí hậu gió mùa, mỗi năm có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Mùa hạ có gió mùa đông nam, mùa đông có gió mùa đông bắc, trời giá rét, nhiều khi có sương muối, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng và gia súc nhưng lại là điều kiện để phát triển các loại cây ưa lạnh như cây gừng, hồi, quế…
Tài nguyên thiên nhiên
Đất: Huyện Chợ Mới có nhiều loại đất khác nhau. Đất nâu đỏ phát triển trên đá phiến sét, diện tích tương đối lớn, thích hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp như chè, hồi, quế. Đất nâu vàng phát triển trên đá sa thạch, đá lẫn chiếm tỷ lệ cao, mỏng có thể phục vụ cho phát triển lâm nghiệp. Đất bồi tụ (phù sa sông, suối) độ mùn cao, giàu dinh dưỡng, phân bổ dọc theo sông, ngòi, khe suối thích hợp cho sản xuất nông nghiệp.
Nhìn chung, phần lớn diện tích đất Chợ Mới có độ cao từ 40 – 300m, thích hợp cho nhiều loại cây nông lâm nghiệp. Cây trồng rừng thích hợp là các loại cây mỡ, keo tai tượng, bồ đề, luồng, trúc, tre, diễn, vầu, hồi, trám, lát hoa, nhãn, vải thiều, quế, hồng, quýt, chè. Trong diện tích đất chưa sử dụng có tới 20 – 25% là đất trống đồi núi trọc, còn có thể sử dụng để trồng rừng. Những năm qua, đất chưa sử dụng được khai thác đáng kể, bình quân khoảng 11% mỗi năm, trong khi đó đất nông nghiệp tăng bình quân 4,4%/năm, phi nông nghiệp tăng 7,2%/năm. Cùng với khí hậu thích hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi, đất đai trong huyện là điều kiện thuận lợi để phát triển nông – lâm nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa.
Rừng: Tổng diện tích đất rừng năm 2005 có 46.678,6ha chiếm 77% diện tích tự nhiên của toàn huyện. Trong đó chủ yếu là đất rừng tự nhiên (31.971,2ha), rừng trồng có 14.700ha chiếm 24% diện tích lâm nghiệp của huyện. Năm 2005 độ che phủ đã đạt tới 60% diện tích rừng. Chợ Mới cũng là huyện có diện tích rừng trồng lớn nhất, chiếm 25% diện tích rừng trồng của toàn tỉnh. Các loại cây trồng chính gồm có mỡ, thông, keo, bồ đề, hồi, trúc, quế, bạch đàn, sa mộc..
Để phát triển quỹ rừng, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các tổ chức quốc tế, huyện Chợ Mới đã triển khai nhiều chương trình, dự án. Trong đó, Dự án 147, chương trình 135, dự án 327, dự án PAM 5322, Dự án Hợp tác Lâm nghiệp Việt Nam – Hà Lan, định canh định cư, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn… được triển khai đã nâng độ che phủ lên đáng kể. Đặc biệt, trong quy hoạch phát triển Khu Công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới có điều kiện phát triển thế mạnh nông lâm nghiệp cho công nghiệp chế biến gỗ.
Khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú và đa dạng. Trong lòng đất khá giàu các loại kim loại màu, kim loại đen, vật liệu xây dựng. Đây là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội nói chung và công nghiệp khai khoáng nói riêng./.
Chợ Mới một vùng đất đầy tiềm năng văn hóa và du lịch
Huyện Chợ Mới thuộc tỉnh Bắc Kạn là một đơn vị hành chính còn rất trẻ, mới được thành lập từ tháng 9 năm 1998. Theo lịch sử quần cư và kiến tạo tự nhiên thì đây lại là một vùng đất cổ đầy ắp tài nguyên và đậm đặc các di tích, danh lam thắng cảnh có từ rất lâu đời.
Nằm ở ngay cửa ngõ ra vào của vùng rừng núi Việt Bắc rộng lớn, nơi chuyển tiếp địa hình từ núi cao xuống đồi núi thấp và ở giữa lòng chảo của hai cánh cung là Ngân Sơn và Tam Đảo. Biên độ thời tiết giữa ngày và đêm, giữa tháng và mùa không cao như những vùng địa lý khác nên khí hậu ở đây mát mẻ về mùa hè, không lạnh lắm về mùa đông, rất thích hợp cho sự phát triển của các loài sinh vật. Cùng với sự hình thành bởi quá trình kiến tạo địa hình, địa mạo đã để lại cho Chợ Mới những dãy núi đá vôi hùng vĩ và những cánh rừng bạt ngàn. Từ trong lòng của những dãy núi là các hang động rộng lớn, kỳ thú làm nơi trú ngụ của những người tiền sử và tiếp theo là việc sử dụng vào các mục đích phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm qua các thời kỳ lịch sử, như trú quân, tàng trữ vũ khí, hàng hóa, làm công binh xưởng sản xuất vũ khí. Một loạt các hang động đã trở thành thắng cảnh để có thể đưa vào khai thác phục vụ du lịch, nghiên cứu địa chất như hang Thắm Làng, Động Hun, Thắm Chằng, Hang Dơi, Hang Thạch Long.
Hang Thạch Long nằm ở thôn Kon Tum, xã Cao Kỳ còn là nơi thờ Phật của người dân bản địa lập nên từ thời nhà Lý. Tương truyền Chùa Thạch Long lúc ban đầu có tên là chùa Tam Hoa, vì cửa Thạch Long nhìn ra 3 ngọn núi của dãy Tham Chom. Kháng chiến chống Pháp, hang Thạch Long được quân đội dùng làm xưởng chế tạo vũ khí phục vụ cho các chiến dịch Cao – Bắc – Lạng, chiến dịch biên giới. Bác Hồ cùng đã từng dừng chân thăm hỏi anh em cán bộ, chiến sỹ quân giới tại hang này.
Len lỏi dưới chân các dãy núi là những dòng suối, dòng sông thơ mộng uốn lượn tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Chợ Mới là nơi hợp lưu của Sông Chu và Sông Cầu huyền thoại, trước khi ra khỏi chợ Mới nó còn nhận thêm nước của dòng sông Chu ở ngã ba trước cửa nhà xưa cô Thắm để chở đi hương quế, hương hồi cùng màu tràm xanh và sắc vàng quả thị đem về kinh Bắc mà thành ra Như Nguyệt. Sông Chu kết thúc sứ mệnh dòng chảy của mình khi chạm phải vách núi Khuôn Thung sừng sững, hùng vĩ, góp thêm lượng nước cho sông Cầu mênh mang ngày đêm rì rầm huyền thoại về nàng Thắm. Chuyện kể rằng, nàng Thắm vốn là con một lão ngư chài nghèo khó, sau khi được Thần Đá cho vàng mới trở lên giàu có. Giàu có rồi cha con nàng không quên giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, giúp họ tiền bạc, của cải. Cha mất, Thắm lớn nên càng xinh đẹp nên mới bị Chúa Mường bắt về làm vợ, nhưng nàng đã vượt ngục trở về giúp đỡ bà con, rồi đầu quân tham gia khởi nghĩa giết giặc Cờ Đen. Sau khi cô Thắm mất nhân dân lập đền thờ cô ngay trên nền nhà cũ. Đền cô Thắm còn có tên là Đền cây thị, bởi trước cửa đền bỗng nhiên mọc lên một cây thị xum xuê tỏa bóng che chở ngôi đền. Dân trong làng bảo rằng cô Thắm có tấm lòng nhân đức chẳng khác gì cô Tấm ngày xưa nên cây thị mọc sống ở bên cô, để cho tất cả những ai đó có khó khăn, ước vọng cầu khấn điều gì thì hãy đến đây mà xin lạy. Đền cô Thắm nổi tiếng là linh thiêng, những người buôn bán lâm sản khi thuyền bè qua đây đều vào đền thắp hương cầu xin cô che chở cho chuyến đi được may mắn an toàn. Kể cả những thương lái ở dưới xuôi lên cũng vào lễ cô và bao giờ họ cũng nhận được sự phù trì hanh thông, trôi chảy, hết hàng, được giá.
Cây thị cổ nay không còn nhưng đã được người đời Việt hóa từ chữ thị theo âm Hán có nghĩa là chợ và đặt thêm một từ tố đi kèm là “ mới” để rồi lập chợ và thành danh là “Chợ Mới”.
Huyện Chợ Mới là nơi có quốc lộ 3 đi qua – con đường huyết mạch kháng chiến nối liền Thủ đô Hà Nội với toàn vùng Việt Bắc, ngược lại từ biên giới Việt – Trung tỏa về các chiến khu. Lại cận kề với ATK (An toàn khu) nên nơi đây được coi như tổng hành dinh của các công binh xưởng suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp giành độc lập cũng như lập lại hòa bình. Xưởng quân giới liên khu I đặt ở bản Nà Loong (xã Như Cố), thôn Pác San (xã Yên Đĩnh), bản Nà Lằng (xã Quảng Chu) cũng đã từng là cơ quan của Viện nghiên cứu kỹ thuật quân giới, tiền thân của Viện khoa học kỹ thuật quân sự ngày nay. Nơi đây còn in đậm dấu chân, hình bóng, tình cảm của những nhà khoa học kỹ thuật quân sự nổi tiếng, huyền thoại một thời như kỹ sư Võ Quý Huân, giáo sư Trần Đại Nghĩa, tác giả của rất nhiều loại vũ khí đặc biệt. Những khẩu súng ĐKZ cũng được ra đời từ chính mảnh đất lịch sử này. Tháng 9 năm 2015 tại thôn Pác San (xã Yên Đĩnh) nhà bia lưu niệm quân giới và công đoàn sản xuất vũ khí Việt Nam đã được mở rộng và hoàn thành nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.
Lịch sử kháng chiến đánh giặc giữ nước, Chợ Mới bao giờ cũng là nơi trung chuyển của các cuộc hành quân, truyền đạt sự chỉ đạo của các đời tướng lĩnh, chỉ huy. Vào thời nhà Lý, Dương Tự Minh sau khi dẹp xong giặc phương Bắc trở về qua đây, ông đã dừng chân nghỉ lại ở đền Thác Giềng rồi đặt tên địa danh cho 3 vùng là Xuất Hóa, Hòa Mục và Cao Kỳ. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ cũng đã từng đi qua và dừng chân ở nơi đây.
Thiên nhiên, địa mạo tạo nên cảnh quan và tính cách con người. Con người từ đáy lòng thiên nhiên mà tận hưởng để tạo ra văn hóa, làm nên bản sắc và những sản vật phi vật thể chứa chất tâm hồn nhân cách của chính cộng đồng quần cư. Nên ngoài những hang động kỳ thú, dòng sông và ngọn núi sơn thủy hữu tình, Chợ Mới còn có nhiều sản vật nổi tiếng thơm ngon, đậm đà hương vị và bản sắc vùng cao như chè con ong nấu bằng gạo nếp nương với đường thể, bánh củ chuối rừng, cơm lam, mía ngọt và mật ong rừng, quế, hồi . . . và còn có cả lễ Lồng Tồng ở xã Cao Kỳ đã và đang được phục dựng.
Chợ Mới thật còn mới về bề dầy lịch sử hành chính nhưng rất sâu xa, đậm đặc tiềm năng di tích, danh lam để có thể trở thành một vùng du lịch vừa phong phú vừa đa dạng về các loại hình từ văn hóa tâm linh, văn hóa lịch sử kháng chiến, đến cảnh quan sinh thái. Với vị trí địa lý là huyện cửa ngõ của tỉnh Bắc Kạn, đường giao thông thuận lợi, các di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh như chùa Thạch Long, Đền Thắm và nhà bia lưu niệm của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, với những hang động còn nhiều huyền bí, những nét văn hóa đặc trưng của vùng núi Việt Bắc và truyền thống cách mạng của nhân dân huyện Chợ Mới anh hùng, với tiềm năng du lịch Hồ Ba Bể – hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á đã được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia năm 2015, tin tưởng rằng Chợ Mới sẽ là điểm đến lý thú và hấp dẫn của du khách thập phương. Phát huy tiềm năng, lợi thế của du lịch, dịch vụ đã và đang hướng đi đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo đúng chủ đề Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chợ Mới lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 – 2020: “ Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của toàn đảng bộ; Đoàn kết, đổi mới; Khai thác mọi nguồn lực xây dựng huyện Chợ Mới phát triển toàn diện,bền vững”.
Chợ Mới – xây dựng và phát triển
Những ngày mới thành lập
Từ khi mới thành lập, các lĩnh vực chính trị, kinh tế – xã hội của huyện còn gặp nhiều khó khăn. Đảng bộ huyện có 18 Chi, Đảng bộ trực thuộc, trong đó toàn huyện còn 13 thôn trắng đảng viên. Đội ngũ cán bộ chủ yếu từ huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên), huyện Bạch Thông, các ngành của tỉnh thuyên chuyển về và từ cơ sở lên nên vừa thiếu lại hạn chế về năng lực quản lý hành chính, kinh tế – xã hội. Kinh tế chủ yếu là thuần nông, tốc độ phát triển chậm, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện còn yếu. Thu nhập bình quân đầu người 1,3 triệu đồng/người, số hộ nghèo chiếm 21,6%.
Kết cấu hạ tầng của huyện còn thấp kém, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Mạng lưới giao thông còn hết sức khiêm tốn, toàn huyện có 5 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; 14 xã, thị trấn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng truyền hình. Hầu hết các xã chưa được đầu tư công trình thủy lợi…
Chất lượng giáo dục đạt thấp so với yêu cầu. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy còn nghèo nàn. Năm học 1997 – 1998 toàn huyện mới có 04 trường mầm non, 14 trường tiểu học, 6 trường THCS, 03 trường PTCS và 01 trường cấp II, III. Toàn huyện có 207/271 phòng học chưa xây dựng kiên cố, chủ yếu làm bằng tranh tre nứa lá.
Các hoạt động văn hóa, thể thao chưa được đẩy mạnh, bản sắc văn hóa dân tộc ít được khơi dậy và phát huy. Chợ là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy phát triển sản xuất lại chưa được quy hoạch và xây dựng ngang tầm so với yêu cầu của nền kinh tế hàng hóa.
Nhưng, những khó khăn ban đầu của một huyện mới chia tách không cản trở sự phát triển đi lên của mảnh đất nhiều tiềm năng nơi cửa ngõ phíaNamtỉnhBắcKạn.
Đẩy mạnh xây dựng và phát triển
Với điểm xuất phát thấp, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đã quyết tâm vượt qua những khó khăn, thử thách, tạo nên sự chuyển biến tích cực, toàn diện và sâu sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng.
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội
Xác định cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quyết định, tạo nền móng cho sự phát triển, huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Đây là lĩnh vực được đánh giá có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Giao thông, thủy lợi, điện lưới, trường học, bệnh viện, trạm y tế, công trình nước sạch, viễn thông, trụ sở làm việc… được đầu tư toàn diện và phát huy hiệu quả. Huyện đặc biệt quan tâm, chăm lo đến chính sách định canh, định cư tại vùng sâu, vùng xa, xóa khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất nhiệm kỳ 1999 – 2000 phấn đấu có đường ô tô đến trung tâm xã. Đến năm 2000, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Nhiều tuyến đường được mở mới như đường Yên Đĩnh – Yên Cư; thị trấn Chợ Mới – QuảngChu; Cao Kỳ – Thanh Vận… Đến năm 2012, 100% các tuyến đường liên xã được rải nhựa. Các tuyến đường liên thôn được đầu tư xây dựng, giúp đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thực hiệnChương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuyến đường lien thôn Nà Mẩy – Nà Bản thuộc xã Nông Hạ đã hoàn thành với sự góp công góp của của người dân. Hàng nghìn mét đất đã được hiến mà không cần sự hỗ trợ, đền bù. Đây là một trong 03 công trình điểm của tỉnh trong thực hiệnChương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Chợ Mới là huyện có số xã dẫn đầu cả tỉnh về thực hiện tiêu chí nông thôn mới. Đây là điều kiện để huyện tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn những năm tiếp theo.
Về thủy lợi, từ năm 1998 trở về trước, các công trình mới được đầu tư nhỏ. Xác định nông nghiệp là thế mạnh của huyện, để đẩy mạnh phát triển sản xuất, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; rà soát số diện tích sản xuất với nhu cầu tưới tiêu. Giai đoạn 1999 – 2005, toàn huyện được đầu tư 35 công trình, đến năm 2008 xây dựng thêm 08 công trình. Đến nay, 60% các xã có hồ chứa nước, đập dâng; kênh mương được kiên cố hóa, trong đó chú trọng sửa chữa phai đập hư hỏng, đầu tư công trình thủy lợi nhỏ tại vùng đồng bào định canh định cư. Vì làm tốt công tác thủy lợi, đến nay huyện đã có trên 900ha ruộng một vụ chuyển sang hai vụ. Ngoài ra, một số diện tích đầu tư thâm canh trồng cây vụ ba. Nhờ đó, toàn huyện luôn đảm bảo vấn đề an ninh lương thực trên địa bàn.
Để phát triển sự nghiệp giáo dục, cơ sở vật chất được tập trung đầu tư, nhà tạm đổ nát được xóa dần từ các phân trường mầm non, tiểu học cho đến THPT. Đến năm 2008 toàn huyện đã xây dựng được 299 phòng học cấp 4. Đến năm 2012, toàn huyện hiện có 44 trường học với trên 400 lớp, trong đó chủ yếu là trường lớp kiên cố và bán kiên cố. Một số trường cơ sở vật chất bị xuống cấp đều được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Ngoài ưu tiên xây dựng phòng học, huyện còn chú trọng xây dựng nhà công vụ, phòng học chức năng để phục vụ công tác dạy và học trên địa bàn. Bên cạnh đó, hệ thống y tế, thông tin liên lạc… được đầu tư và phát huy hiệu quả rõ rệt.
Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện
Trong 15 năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của huyện đạt khá. Các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện đều xây dựng cơ cấu kinh tế là nông – lâm nghiệp – dịch vụ – công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Cơ cấu kinh tế tích cực chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp.
Đảng bộ huyện xác định lĩnh vực nông lâm nghiệp có một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế. Từ khi thành lập huyện đến nay, huyện đã chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp phát triển nông lâm nghiệp như: Tập trung đầu tư các công trình thủy lợi, chuyển đổi đất một vụ năng suất thấp sang trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ lãi suất cho các hộ chăn nuôi trâu, bò; xây dựng mô hình cánh đồng 50 triệu đồng/ha; 70 triệu/ha … Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/HU ngày 30 tháng 10 năm 2002 của Huyện ủy Chợ Mới về phát triển các vùng kinh tế, huyện đã hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa như vùng chuyên canh cây mía tại xã Cao Kỳ, vùng chuyên canh cây chè tại Quảng Chu, vùng chuyên canh cây gừng tại Tân Sơn, vùng trồng cây hồi, thuốc lá tại Bình Văn… Hàng năm, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt gần 20.000 tấn, vấn đề an ninh lương thực được đảm bảo; số hộ nghèo ngày càng giảm; kinh tế – xã hội của huyện đã và đang từng bước phát triển đi lên, đời sống của người dân ngày càng no ấm. Sau hơn 15 năm thành lập huyện, Chợ Mới là địa phương đầu tiên của tỉnh được đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp quy mô cấp tỉnh tại xã Thanh Bình. Khu công nghiệp Thanh Bình, tỉnh Bắc Kạn nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành lập dự án và khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Hiện có 4 nhà đầu tư triển khai dự án tại Khu công nghiệp Thanh Bình với tổng diện tích đất được giao là 41,3ha, bằng 100% diện tích đất quy hoạch để xây dựng nhà máy. Hiện nay, nhà máy chế biến gỗ Sahabak tại Khu công nghiệp đã bước đầu cho sản phẩm. Khu Công nghiệp Thanh Bình được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo động lực, môi trường thu hút các dự án đầu tư, phát huy tiềm năng thế mạnh của huyện
Bên cạnh đó, công tác y tế, giáo dục được đẩy mạnh thực hiện. Chất lượng sức khỏe của người dân ngày càng được cải thiện. Đến nay, có 11/16 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh và uống viatamin A hàng năm đạt trên 99%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 30,2% năm 2002 xuống còn 18,1% năm 2011; thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, duy trì mức sinh thay thế.
Ngành giáo dục quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục. 100% các xã có Hội Khuyến học. Huyện duy trì công tác phổ cập giáo dục, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS, THPT năm học 2011 – 2012 đạt 100%…
Cùng với phát triển kinh tế – xã hội, tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đạt nhiều kết quả. Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, Đảng bộ huyện luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng từng bước đổi mới, giữ vững vị trí, vai trò lãnh đạo toàn diện làm cho bộ mặt kinh tế – xã hội trên địa bàn huyệnChợMới không ngừng phát triển.
Định hướng đến năm 2020
Với thế mạnh và tiềm năng sẵn có tại địa phương, Chợ Mới được xác định là điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội phía Nam của tỉnh Bắc Kạn. Định hướng phát triển kinh tế đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, Chợ Mới sẽ trở thành một trong 3 thị xã của tỉnh Bắc Kạn. Để trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội khu vực phía Nam, huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương gắn với đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó sản xuất công, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 xác định cơ cấu kinh tế của huyện là nông, lâm nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Huyện phấn đấu nhịp độ tăng trưởng kinh tế 15%, thu nhập bình quân đạt 17.300.000 đồng/người/năm. Đến năm 2015 có hơn 700ha diện tích đất ruộng 2 vụ đạt giá trị kinh tế trên 70 triệu đồng/ha trở lên, trong đó có 50ha đạt hơn 100 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 20.000 tấn; tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; trồng rừng mới hằng năm đạt 1.600ha… Đến năm 2015 huyện tập trung mạnh cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản với tỷ trọng chiếm 35% trong cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng bền vững hệ thống giao thông đô thị, giao thông nông thôn; hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục… khai thác tối đa lợi thế tự nhiên, văn hóa; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn Đảng bộ huyện, các tầng lớp nhân dân để cùng huy động sức mạnh tập thể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.
* * * * *
Những thành tựu nổi bật huyện Chợ Mới đạt được trong thời gian qua đánh dấu bước phát triển quan trọng của địa phương trong sự nghiệp đổi mới. Đây là điều kiện, là niềm cổ vũ lớn lao cho toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và phấn đấu không ngừng để Chợ Mới trở thành thị xã giàu đẹp trong tương lai:)(
Ad: Bắc Kạn
Ad: Bắc Kạn 247
Ad:Kênh 97 Bắc Kạn
Ad :Cộng Đồng Các Dân Tộc Thiểu Số Việt Nam