Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là tổ chức kinh tế - xã hội có tư cách pháp nhân, được thành lập ở Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoạt động dưới dự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo pháp luật Việt Nam và theo Điều lệ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang thuộc hệ thống tổ chức của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được tổ chức hoạt động theo Điều lệ do Đại hội thành viên thông qua.
Đại hội thành viên được tổ chức 5 năm một lần, là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên minh Hợp tác xã Tiền Giang. Đại hội bầu ra Ban chấp hành và Uỷ ban kiểm tra.
1. Ban chấp hành:
Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã tỉnh là cơ quan lãnh đạo của Liên minh Hợp tác xã tỉnh giữa hai kỳ đại hội. Ban chấp hành họp thường kỳ mỗi năm 2 lần.
Ban chấp hành bầu ra Ban thường vụ - cơ quan lãnh đạo của Liên minh Hợp tác xã Tiền Giang giữa hai kỳ họp của Ban chấp hành - gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các uỷ viên.
2. Uỷ ban Kiểm tra.
Uỷ ban kiểm tra của Liên minh Hợp tác xã do Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã bầu, gồm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm và các uỷ viên.
Uỷ ban kiểm tra có trách nhiệm, quyền hạn sau:
- Giám sát và kiểm tra việc thực hiện Điều lệ, Nghị quyết Đại hội thành viên Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang và Nghị quyết Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang.
- Giám sát và kiểm tra các hoạt động tài chính của Liên minh Hợp tác xã.
- Kiến nghị với các hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân trong Ban chấp hành, là thành viên của Liên minh Hợp tác xã khi có sai phạm.
- Xem xét, giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các thành viên.
- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên theo quy định của pháp luật.
- Báo cáo trước Đại hội và Ban chấp hành về kết quả và phương hướng công tác kiểm tra.
- Hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra trong các thành viên.
BAN NGHIỆP VỤ VÀ ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC
1. Văn phòng: là cơ quan giúp việc cho Liên minh Hợp tác xã, có chức năng tham mưu, tổng hợp, điều phối, quản trị các hoạt động chung, đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo cơ quan.
2. Ban Kế hoạch Hỗ trợ
Ban Kế hoạch Hỗ trợ có trách nhiệm tham mưu đề xuất với lãnh đạo Liên minh các hoạt động có liên quan đến công tác hỗ trợ phát triển cho thành viên thuộc các lĩnh vực kinh tế. Cụ thể:
- Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất với Thường trực Liên minh chủ trương, phương hướng, chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển thành viên.
- Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các thành viên tổ chức, hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đúng luật pháp.
- Theo dõi về tổ chức cán bộ quản lý của các thành viên, đề xuất kế hoạch và quản lý nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, dạy nghề cho người lao động trong khu vực kinh tế tập thể.
- Hướng dẫn, kiểm tra các HTX, tổ hợp tác thành viên thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đồng thời đề xuất chính sách hỗ trợ HTX phát triển.
- Theo dõi và tiếp nhận các thông tin báo cáo thời sự, định kỳ, phân tích, tổng hợp báo cáo trình Thường trực Liên minh.
- Đề xuất Thường trực kế hoạch tuyên truyền, phát triển kinh tế hợp tác.
3. Trung tâm tư vấn, đào tạo, dịch vụ hỗ trợ kinh tế tập thể
Trung tâm là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Tiền Giang, hoạt động với mục đích trợ giúp về khả năng tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh cho kinh tế tập thể tỉnh nhằm tạo sự phát triển ổn định và bền vững. Các mặt hoạt động:
3.1. Công tác tư vấn.
* Tư vấn về tài chính:
- Hướng các, HTX thành viên, các cơ sở sản xuất kinh doanh ghi chép sổ sách hạch toán đúng luật và các quy định dưới luật.
- Khai thác, tìm kiếm, giới thiệu các nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác trong, ngoài nước và xúc tiến các dịch vụ về tài chính, tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển đầu tư cho kinh tế tập thể.
- Hướng dẫn các HTX, các cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng các dự án vay vốn từ các chương trình hỗ trợ của nhà nước và nước ngoài, các tổ chức tín dụng.
* Tư vấn về pháp lý, đầu tư, quản lý.
Các HTX, các cơ sở kinh doanh thường gặp khó khăn về pháp lý, quản lý, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các cơ sở mới thành lập. Do đó, tư vấn hướng vào các loại hình sau:
- Tư vấn dịch vụ pháp lý về thành lập, đăng ký kinh doanh, về giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh.
- Tư vấn dịch vụ về quản lý doanh nghiệp, quản lý sản xuất, kinh doanh của các cơ sở.
* Tư vấn về hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
- Tư vấn dịch vụ về tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho các thành viên mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm; Xúc tiến hợp tác đầu tư liên doanh, liên kết của các đơn vị thành viên với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
- Tư vấn hỗ trợ kinh doanh như tổ chức hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm.
3.2. Công tác đào tạo.
- Đào tạo tiến hành trên hai hướng: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo nâng cao tay nghề cho xã viên và người lao động, phối hợp với ngành liên quan sát hạch, cấp chứng nhận tay nghề, giới thiệu việc làm cho học viên và người lao động. Phương pháp đào tạo vừa theo phương pháp truyền thống vừa theo phương pháp mới của các nước phát triển; học lý thuyết kết hợp thực hành, căn bản là đi sâu áp dụng vào thực tiễn công việc. Đối với đào tạo nghề: vừa tổ chức học tập trung tại trường vừa tổ chức dạy nghề tại cơ sở sản xuất theo yêu cầu đào tạo của cơ sở sản xuất.
- Mở rộng quan hệ hợp tác, tổ chức đoàn đi tham quan và học tập kinh nghiệm ở các tỉnh. Tranh thủ các nguồn, các dự án do các tổ chức trong nước, ngoài nước triển khai để tổ chức đào tạo cho các cơ sở kinh tế tập thể.
3.3. Các dịch vụ hỗ trợ khác.
- Tham gia nghiên cứu các chương trình đề tài, đề án nhằm hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế tập thể. Tiếp nhận và phối hợp với các Trung tâm, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước phối hợp thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh.
- Tư vấn dịch vụ chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật.
- Tư vấn dịch vụ về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, sở hữu công nghiệp.
- Xây dựng và triển khai các dự án sản xuất ứng dụng, thử nghiệm, tư vấn các cơ sở sản xuất tham gia các dự án sản xuất ứng dụng - thử nghiệm.
- Tư vấn, dịch vụ về lĩnh vực môi trường, xử lý môi trường.
- Môi giới đầu tư, giới thiệu việc làm, tham quan, nghiên cứu,…