Trang tin tức mới nhất nhanh nhất tại hà giang cập nhật 24/24 các tin tức nóng hổi trong tỉnh
Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc Việt Nam.[3][4][5][6] Năm 2018, Hà Giang là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 48 về số dân, xếp thứ 58 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 63 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 58 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 846.500 người dân[7], GRDP đạt 20.772 tỉ Đồng (tương ứng với 0,7610 tỉ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 20,7 triệu đồng (tương ứng với 899 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,76%.[8]
Tỉnh Hà Giang nằm ở cực bắc Việt Nam, có vị trí địa lý:
Phía đông giáp tỉnh Cao Bằng
Phía tây giáp các tỉnh Yên Bái và Lào Cai
Phía nam giáp tỉnh Tuyên Quang
Phía bắc giáp châu tự trị dân tộc Choang và Miêu Văn Sơn thuộc tỉnh Vân Nam và địa cấp thị Bách Sắc thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [4].
Địa hình của tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có nhiều ngọn núi đá cao và sông suối [5], có thể chia làm 3 vùng. Vùng cao núi đá phía bắc nằm sát chí tuyến bắc, có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng do địa hình cao nên khí hậu Hà Giang mang nhiều sắc thái ôn đới. Vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp.Vùng thấp trong tỉnh gồm vùng đồi núi, thung lũng sông Lô và Thành phố Hà Giang.
Hà Giang có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2419 m) và đỉnh Chiêu lầu thi (2402m) là cao nhất. Về thực vật, Hà Giang có nhiều khu rừng nguyên sinh, nhiều gỗ quý, và có tới 1000 loại cây dược liệu. Động vật có hổ, chim công, chim trĩ, tê tê[9], và nhiều loại chim thú khác.
Dân số
Dân số tỉnh Hà Giang theo điều tra dân số ngày 1/4/2019 là 854.679 người. Trong đó, dân số thành thị là 135.465 người[2] (chiếm khoảng 15,8% dân số). So với các tỉnh miền núi phía Bắc khác thì dân số Hà Giang tương đối đông.
Các dân tộc: Mông (chiếm 32,9% tổng dân số toàn tỉnh), Tày (23,2 %), Dao (14,9 %), Việt (12,8 %), Nùng (9,7 %)...
Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, toàn tỉnh có 7 tôn giáo khác nhau đạt 40.593 người, nhiều nhất là đạo Tin Lành có 35.960 người, tiếp theo là Công giáo đạt 4.110 người, Phật giáo có 490 người. Còn lại các tôn giáo khác như Hồi giáo có 26 người, đạo Cao Đài có ba người, Phật giáo Hòa Hảo có ba người và 1 người theo Minh Lý đạo.[10]
Lịch sử
Cột mốc số 0 tại Tp Hà Giang
Đất Hà Giang xưa thuộc bộ Tân Hưng, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Về sau, Hà Giang nằm trong phạm vi thế lực của ba Tộc tướng xứ Thái. Trong giai đoạn Minh thuộc đầu thế kỷ 15, được gọi là huyện Bình Nguyên, đổi thành châu Bình Nguyên từ năm 1473, sau lại đổi tên thành châu Vị Xuyên.
Vào cuối thế kỷ 17, tộc trưởng người Thái dâng đất cho Trung Hoa, đến năm 1728, Trung Hoa trả lại cho Đại Việt một phần đất từ vùng mỏ Tụ Long đến sông Lô. Năm 1895, ranh giới Hà Giang được ấn định lại như trên bản đồ ngày nay.
Sau năm 1954, tỉnh Hà Giang có tỉnh lị là thị xã Hà Giang và 4 huyện: Bắc Quang, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên.
Ngày 15 tháng 12 năm 1962, chia huyện Đồng Văn thành 3 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh; chia huyện Vị Xuyên thành 2 huyện: Vị Xuyên và Quản Bạ.
Ngày 1 tháng 4 năm 1965, chia huyện Hoàng Su Phì thành 2 huyện: Hoàng Su Phì và Xín Mần.
Trước năm 1975, Hà Giang có các huyện Đồng Văn, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Bắc Quang và Quản Bạ.
Sau năm 1975, Hà Giang được hợp nhất với tỉnh Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên.
Ngày 18 tháng 11 năm 1983, 8 huyện được điều chỉnh lại diện tích và nhân khẩu. Cùng năm này, huyện Bắc Mê được thành lập trên cơ sở nhận 10 xã của huyện Vị Xuyên.[11]
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tái lập tỉnh Hà Giang từ tỉnh Hà Tuyên. Khi tách ra, tỉnh Hà Giang có 10 đơn vị hành chính gồm thị xã Hà Giang (tỉnh lị) và 9 huyện: Bắc Mê, Bắc Quang, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quản Bạ, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh.
Ngày 1 tháng 12 năm 2003, huyện Quang Bình được thành lập trên cơ sở tách 12 xã thuộc huyện Bắc Quang, 2 xã thuộc huyện Hoàng Su Phì và 1 xã thuộc huyện Xín Mần.[12]
Ngày 27 tháng 9 năm 2010, chuyển thị xã Hà Giang thành thành phố Hà Giang.[13]
Hành chính
Tỉnh Hà Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 10 huyện với 195 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 5 phường, 13 thị trấn và 177 xã.
Đến năm 2012, tỉnh Hà Giang có 2.069 thôn, tổ dân phố. Toàn bộ các đơn vị hành chính của Hà Giang đều thuộc khu vực miền núi.
Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Hà Giang
Tên Dân số (người)2018 Hành chính
Thành phố (1)
Hà Giang 84.360 5 phường, 3 xã
Huyện (10)
Bắc Mê 60.500 1 thị trấn, 12 xã
Bắc Quang 125.700 2 thị trấn, 21 xã
Đồng Văn 77.350 2 thị trấn, 17 xã
Hoàng Su Phì 71.080 1 thị trấn, 24 xã
Tên Dân số (người)2018 Hành chính
Mèo Vạc 82.000 1 thị trấn, 17 xã
Quản Bạ 56.840 1 thị trấn, 12 xã
Quang Bình 68.520 1 thị trấn, 14 xã
Vị Xuyên 122.350 2 thị trấn, 22 xã
Xín Mần 66.340 1 thị trấn, 18 xã
Yên Minh 90.200 1 thị trấn, 17 xã
Lễ hội
Hà Giang là nơi có nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc từ truyền thống lâu đời của hơn 20 dân tộc, một địa danh du lịch đáng nhớ bởi cảnh quan thiên nhiên và con người ở đây. Không giống với bất kỳ một nơi du lịch nào ở Việt Nam, đến Hà Giang, du khách có thể thấy được những sản phẩm kết tinh từ truyền thống văn hóa độc đáo của người miền núi, đó là các loại khăn thêu, túi vải, áo váy với các loại hoa văn rực rỡ. Du khách sẽ tham dự những phiên chợ vùng cao đầy thơ mộng.
Lễ mừng nhà mới dân tộc Lô Lô: Lễ mừng nhà mới kéo dài khoảng 2 ngày 2 đêm ở ngôi nhà mới của người dân tộc Lô Lô. Cả bản kéo tới ăn mừng cho ngôi nhà mới. Thầy cúng đi hát, sau đó cùng ăn uống vui chơi, hòa tấu kèn sáo và hát giao duyên nam nữ.
Lễ hội mùa xuân: Đây là lễ hội vui xuân của dân tộc H'mông và dân tộc Dao, thường được tổ chức vào những ngày sau Tết Nguyên Đán và kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Lễ hội mang tính chất tổng hợp mừng công, cầu mưa, cầu con trai. Lễ hội có thi bắn nỏ, hát giao duyên, ném pa páo, uống rượu, mở tiệc đãi khách.
Lễ hội vỗ mông của dân tộc Mông: Ngày mùng 5 Tết Nguyên Đán hằng năm, cái chàng trai, cô gái đổ về Mèo Vạc nhằm tìm cho mình vợ (chồng). Khi tham gia lễ hội, các chàng trai, cô gái tìm đối tượng mà họ cảm thấy phù hợp với mình rồi vỗ mông đối tượng và chờ "đối phương" đáp lại. Đáng buồn, tục lệ tảo hôn vẫn tiếp diễn trong lễ hội này.
Kinh tế
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2018 ước đạt 2.033 tỉ đồng.
Hà Giang là vùng miền núi nên dân số ít, mật độ dân số thấp, người Mông chiếm đa số, còn lại là các sắc dân gồm Thổ, La Chí, Tày, Dao, Mán, Nùng, Giáy và Lô Lô... Phần đông đều thờ cúng tổ tiên, thần linh; và đều có những sắc thái văn hóa đặc thù.
Cũng vì địa thế toàn rừng núi nên kinh tế Hà Giang tương đối kém phát triển. Lâm sản chính là vài loại gỗ quý như lát hoa, lát da đồng; và các loại gỗ cứng như lim, sến, trai, táu, đinh. Củ nâu, vầu, nứa ở đâu cũng có. Nông sản gồm lúa, ngô, khoai và các loại đậu đỗ. Vùng chân núi Tây Côn Lĩnh trồng nhiều trà. Dân chúng cũng trồng cây ăn trái, mận và lê ở vùng Đồng Văn, Hoàng Su Phì rất nổi tiếng. Nghề nuôi ong lấy mật khá thịnh hành. Rừng Hà Giang có nhiều động vật hoang dã như trăn, rắn, chim công, chim trĩ...
Khoáng sản có mỏ chì, đồng, thủy ngân và cát trộn vàng. Sông Năng và Bảo Lạc có các kỹ nghệ lọc vàng nhưng vẫn còn thô sơ, ngoài ra chỉ toàn những tiểu công nghệ sản xuất vật dụng hàng ngày. Nền thương mại Hà Giang chỉ giới hạn ở sự trao đổi lâm sản với miền xuôi và với Trung Quốc.
Các vùng núi thấp như Vị Xuyên, Bắc Quang có kinh tế phát triển hơn vùng núi. Dựa vào sông Lô và lượng mưa lớn, các ngành nông nghiệp ở khu vực này rất phát triển, không kém gì vùng núi trung du. Nơi đây có vùng trồng cam sành nổi tiếng, những cánh đồng phì nhiêu...
Rải rác từ Vĩnh Tuy lên đến Vị Xuyên là các nhà máy sản xuất trà, đặc sản của Hà Giang có trà Shan tuyết cổ thụ (xã Cao Bồ)[18]. Đặc điểm trà Shan Tuyết là sạch sẽ, không có thuốc trừ sâu và thuốc kích thích, các nhà máy sản xuất trà hiện nay còn khuyến khích nhân dân trong vùng trồng xen kẽ cây gừng giữa các luống trà. Trà Shan tuyết cổ thụ của Hà Giang thường được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản và một số nước Tây Âu[19], chưa thịnh hành trong thị trường nội địa như trà Tân Cương - Thái Nguyên.