02/04/2024
🍀 Tháng 4: KHÉP LẠI để MỞ RA 🌻
HỌC- ĐỪNG THAM: Là chiếc tiêu đề đầu tiên Giang nghĩ đến khi viết những dòng này. Nó là lời nhắn nhủ, cũng chính là chút kinh nghiệm ít ỏi của Giang muốn chia sẻ tới các bạn sau khi đã trải qua trọn vẹn 01 tháng “bơi” trong các lớp học (T3/2024). Nếu Bạn quan tâm tới chủ đề này, hãy đọc tiếp nhé!
Ngay sau Tết Nguyên đán, Giang bị cảm cúm 1 trận cũng hơi to to, nó khiến Giang nghĩ đến khoảng thời gian cách đây 11 năm (vào 2013), Giang cũng có 1 trận cúm tương tự như vậy - sau Tết. Vận dụng hết mọi kỹ năng, vốn sống, kinh nghiệm và những điều ngẫm nghiệm được trong quá trình trưởng thành và quan sát mình qua lăng kính của bộ môn Nhân số học, Giang quyết định dừng lại mọi kế hoạch, dự định trước đó để HỌC và HỌC…
Bạn biết đấy, cơ thể và mọi thứ xung quanh chúng ta đều đang tồn tại dưới dạng năng lượng. Và khi sức khoẻ thể chất của chúng ta không tốt, năng lượng trong cơ thể của chúng ta sẽ bị giảm xuống, điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới công việc và các tương tác của chúng ta… Giang đã có kinh nghiệm và trải nghiệm về điều này khá nhiều, vì vậy, thay cho việc tự trách bản thân không chăm sóc, giữ gìn sức khoẻ, mải chơi, ham vui trong dịp Tết, G suy nghĩ tích cực và xem đây là 1 dấu hiệu cho biết mình cần phải chậm lại, phải lưu tâm và ưu tiên cho những điều khác - hơn là việc mau chóng thực hiện những dự định trước đó. Dĩ nhiên, có một lý do quan trọng để có thể trì hoãn lại tất cả các kế hoạch/dự định, chính là G vẫn đang trong giai đoạn thất nghiệp tạm thời. Có nghĩa là G hoàn toàn sẽ không bị thất hứa hay làm ảnh hưởng tới ai trong suốt thời gian G trì hoãn mọi việc.
Nhưng G cũng là một kẻ rất rất là tham công, tiếc việc; cũng không phải là mẫu thích ngồi yên, thụ động (cho dù có thể đó là lúc G đang ngồi yên 1 chỗ, thì đó chắc chắn cũng sẽ không phải là kiểu ngồi thụ động). Những ai từng làm việc với G, sẽ thấy điều này rõ nhất… Thêm vào đó, vào thời điểm trước Tết, G đã tìm ra được rất nhiều thứ hay ho, nhiều hướng đi có thể giúp G thực hiện được tâm nguyện bấy lâu của mình, nên G rất nôn nóng…
Việc có quá nhiều thứ có thể làm tưởng chừng là 1 lợi thế nhưng thực ra lại là 1 yếu điểm. Nó giống như kiểu bạn đang nắm giữ rất nhiều điều quan trọng trong tay và không nỡ lược bớt hay bỏ qua bất cứ thứ nào. Có những thời điểm, G cũng xác định được “quân nhíp" cho bàn cờ mà G tự vẽ ra, nhưng ngay cả khi đã xác định rõ được điều đó, liệt kê ra được những việc cần làm theo thứ tự ưu tiên rồi, G vẫn không cảm thấy thực sự hài lòng với những kế hoạch đó. Rất nhiều việc cần làm và tất cả chỉ có thể bắt đầu từ chính mình…
Bây giờ, sau khi đã trải qua trọn vẹn 1 tháng với các lớp/khoá học, Giang lại càng thêm tin rằng: Mọi thứ diễn ra, xảy đến đều có nguyên do. Tất cả đều cần được bắt đầu vào đúng thời điểm, cần diễn ra theo đúng trình tự, kiểu đứng trước số 2, là số 1 và bạn muốn chạm đến 2, phải qua bước qua và chạm vào số 1 vậy 🙂
Trở lại với chủ đề HỌC CŨNG PHẢI TIẾT KIỆM.
Tại sao HỌC cũng cần phải Tiết kiệm? Và Giang có thực hiện tốt điều này chưa?
Giang trả lời ngược từ dưới lên trên trước nhé:
Giang thực hiện chưa tốt điều này. Chính vì vậy mà G quyết định tổng hợp lại một chút thông tin để Bạn tham khảo, hy vọng qua những chia sẻ này, Bạn có thể tiết kiệm được một điều gì đó cho mình...
Hồi 2021, trong buổi học và phân tích về các con số trong NTNS của G, có chị bạn trong lớp hỏi cô Quỳnh: Tại sao bạn này (Giang) không có con số 3 nào trong NTNS mà bạn lại ham học và học nhanh như vậy? Trong lúc G còn đang nghĩ là hẳn do mình có tới 3 ngày sinh mà ngày sinh khai sinh của mình là số 3 nên mình ham học và tham học thì cô Quỳnh đã chỉ vào cái đỉnh KTT cuối cùng trong số 4 đỉnh KTT của G… Và những chỉ dạy/chia sẻ/lưu ý của cô khiến cho mình hiểu ra thêm vì sao mình lại thế… Rồi giờ thì sau hơn 3 năm mình còn hiểu sâu sắc hơn rất nhiều điều nữa về những bí mật đằng sau các con số của chính mình.
Trận cúm, cộng thêm sự khước từ của 1 Khách hàng cho chủ đề “Chia sẻ Truyền động lực” cho Đội nhóm của cô ấy chỉ bởi lý do: đội ngũ của bạn ấy chưa sẵn sàng cho sự thay đổi, nhân sự của bạn ấy hiện chỉ lo nghĩ đến chuyện kiếm sống và trả nợ,... khiến mình có đôi chút giật mình… Vốn dĩ, mình chưa từng định vị mình là Chuyên gia, mình đơn giản chỉ muốn là 1 người bình thường, 1 người mẹ say mê với bộ môn “HỌC LÀM MẸ", 1 người thích học hỏi và đam mê chia sẻ… thế mà khi gặp gỡ KH, bày tỏ mong muốn và nhiệt huyết muốn chia sẻ tới những CBNV là lao động phổ thông 1 chút động lực và nhiệt huyết vẫn bị từ chối,... thì mình phải xem lại xem có phải mình đang chưa đúng hướng?
Có phải nãy giờ Bạn đang nghĩ trong đầu là thật mất thời gian để đọc 1 bài viết với những nội dung chẳng liên quan đến tiêu đề đã nêu không?
Đúng, đúng vậy! Giang hoàn toàn có thể chỉ cần cắt đoạn dưới đây ra để bạn đọc ngay từ đầu, nhưng G đã không làm thế, không phải vì G muốn bạn mất thời gian, mà chỉ để bạn có thêm những cảm xúc khác nhau và nhận ra thêm những điều mà bấy lâu nay có thể bạn không lưu tâm. Nó hoàn toàn có thể chiếm nhiều hơn nữa số thời gian mà bạn đang dành để đọc những lời tự sự bên trên của Giang. Và bây giờ, chúng ta cùng đi vào các nội dung chính của chủ đề này nhé!
Đầu tiên, phải thừa nhận rằng: học (học tập/học hỏi, học hành,...) là một điều không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Nó có thể là quá trình tiếp thu thông tin, kiến thưc, thái độ, hành vi, kỹ năng, sở thích, hiểu biết, cảm xúc một cách chủ động (có chủ đích) hoặc thụ động (không có chủ đích), quá trình này diễn ra ở mọi hoàn cảnh, ngữ cảnh, không bó hẹp trong không gian trường học, lớp học… Có nghĩa là trong thời đại này, cho dù bạn đang ngồi ở nhà, bạn cũng có thể tham gia 1 cách chủ động hay thụ động vào các hoạt động học tập. Và việc tìm kiếm và lựa chọn các lớp học, chương trình đào tạo phù hợp là một kỹ năng quan trọng giúp Bạn thay đổi, hoàn thiện hơn mỗi ngày…
Dưới đây, G xin chia sẻ với Bạn một vài kinh nghiệm quan trọng trong việc lựa chọn các chương trình học tập phù hợp, giúp bạn tiết kiệm thời gian, chi phí và đạt được hiệu quả tối ưu.
🍀 Bước 1: Tìm ra ý nghĩa/mục tiêu của việc học tập
- Bằng cách trả lời những câu hỏi dưới đây, Bạn có thể tự tìm ra và xác định rõ mục tiêu học tập của mình. Bạn hãy đánh dấu vào danh sách các mục tiêu mình cần đạt được bên dưới (có thể thêm vào các mục tiêu riêng của Bạn):
1. Học để nâng cao kiến thức và kỹ năng;
2. Học để cải thiện hiệu suất làm việc;
3. Học để chuẩn bị lộ trình thăng tiến trong nghề nghiệp;
4. Học để mở rộng mạng lưới và tạo quan hệ;
5. Học để phát triển bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sốngg;
6. Học để giải trí và thư giãn;
7. Học để giải quyết vấn đề và vượt qua thách thức;
8. Học để đạt được mục tiêu cá nhân;
….
🍀 Bước 2: Xác định khoản đầu tư cho việc học:
- Hãy đọc và trả lời thật kỹ các câu hỏi dưới đây và nhiều hơn thế nữa để tìm ra và đánh giá mức độ đầu tư, quyết tâm theo đuổi sự nghiệp học hành của Bạn nhé:
1. Bạn có thể đầu tư bao nhiêu thời gian cho việc học?
2. Đâu là những khoảng thời gian/khung giờ để Bạn có thể học tập tốt nhất?
3. Bạn có thể học tập trực tiếp hay gián tiếp (online)
4. Bạn có thể đầu tư bao nhiêu tiền cho việc học? số tiền đó đến từ đâu?
5. Bạn có phải vay mượn hay có sẵn nguồn tài chính để đầu tư cho việc học?
6. Bạn có thực sự thấy thời gian, tiền bạc và công sức bạn đầu tư cho việc học này là cần thiết hay không?
7. Nếu đã đi được nửa đoạn đường, Bạn nhận ra việc học này không như kỳ vọng (không giúp Bạn nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra), Bạn có từ bỏ?
8. Nếu Bạn đã từng theo học 1 khoá học/lớp học nào đó và từ bỏ giữa chừng, Bạn có rút ra được kinh nghiệm nào cho mình không?
…
🍀 Bước 3: Lựa chọn nội dung học tập:
- Hiện nay có rất nhiều các khoá học được thiết kế với nhiều cấp độ nội dung và mức phí khác nhau (từ 0đ đến hàng trăm triệu đồng), do đó nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung các khoá học để đánh giá mức độ phù hợp trước khi đưa ra quyết định là điều cần thiết. Bạn có thể tìm đọc thông tin giới thiệu về khoá học thông qua các tài liệu do đơn vị đào tạo chuẩn bị, tìm hiểu qua sự giới thiệu của người thân, bạn bè - những người đã có trải nghiệm và quan trọng nhất xác minh được mức độ uy tín của chương trình học tập, đơn vị tổ chức. Sau khi tiếp cận với thông tin khoá học, Bạn hãy tập trung xem xét các yếu tố sauu:
1. Tính linh hoạt của khoá học:
- Hãy chọn những khóa học mà bạn có thể dễ dàng điều chỉnh lịch trình học tập sao cho phù hợp với các cam kết và yêu cầu cá nhân của bạn.
2. Người giảng dạy và phương pháp giảng dạy:
- Hãy xem xét chuyên môn và kinh nghiệm của giảng viên cũng như phương pháp giảng dạy được áp dụng trong khóa học để đảm bảo rằng nội dung học tập phù hợp với phong cách học của bạn.
3. Phương pháp học tập:
- Hãy xem xét phương pháp học tập mà khóa học cung cấp và xem xét xem liệu chúng có phù hợp với phong cách học của bạn hay không.
4. Xem xét chi phí:
- Hãy so sánh chi phí của các khóa học khác nhau và xem xét xem liệu mức chi phí đó có phù hợp với ngân sách của bạn hay không. Đừng quên xem xét các ưu đãi và hỗ trợ tài chính hiện có.
5. Liên hệ với cộng đồng học viên:
- Nếu có thể, tìm cách liên hệ/tham gia vào cộng đồng học viên hoặc các nhóm học tập trước khi đăng ký. Sự hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm từ cộng đồng có thể giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn. Lưu ý, tránh các nhóm "ảo".
6. Tận dụng các tài nguyên miễn phí:
- Hãy kiểm tra xem với nội dung Bạn đang quan tâm, hiện có các khóa học hoặc tài nguyên miễn phí nào có sẵn trên Internet mà bạn có thể tận dụng trước khi đăng ký các khóa học trả phí hay không?
7. Đảm bảo động lực và cam kết:
- Trước khi đăng ký, hãy đảm bảo rằng bạn có đủ động lực và cam kết để hoàn thành khóa học một cách hiệu quả. Điều này giúp đảm bảo rằng bạn sẽ tận dụng tối đa những gì mà khóa học cung cấp.
8. Hãy thực sự sẵn sàng:
- Sẵn sàng cho việc học và sẵn sàng cho cả việc dừng lại - nếu Bạn thấy rằng việc tham gia việc học là không phù hợp, lãng phí (tiền bạc và thời gian)...
Trên đây là một vài chia sẻ của cá nhân Giang, nếu các Bạn có thêm kinh nghiệm liên quan, hãy cmt để cùng chia sẻ nhé! Và nếu như cho tới bây giờ và kể cả sau khi đã đọc được những dòng chia sẻ này, Bạn vẫn đang và sẽ còn loay hoay với việc mình cần học gì, học như thế nào để đi đúng hướngg thì cũng đừng lo. "Thuyền tới đầu cầu ắt sẽ thẳng". Chỉ cần Bạn tiếp tục nỗ lực, bước đi, không dừng lại, cuối cùng mọi chuyện đều sẽ ổn.
🍀 Cũng giống như Giang vậy, cũng thử sức ở đủ mọi lĩnh vực, xoay đủ mọi chiều, học đủ mọi thứ… và loay hoay lựa chọn suốt hơn 1 năm qua..., rồi cuối cùng cũng khép lại được tất cả để mở ra một hành trang mới vào đúng ngày hôm nay: Thứ 2, ngày 02/04/2024. 🍀
🔥 "Vạn sự khởi đầu nan" - Giang viết bài chia sẻ này để chính thức khép lại 1 chặng đường 10 năm đã qua và đánh dấu lại ngày G bước vào 1 chặng đường mới với nhiều điều thú vị. Hãy dõi theo G nhé ❤️
Cảm ơn vì Bạn đã đọc đến đây và chúc các bạn luôn tìm được môi trường tốt để học hỏi tích cực và phát triển, hoàn thiện hơn mỗi ngày.
-----
P/s: Thời điểm G ngồi viết những dòng này, cũng là lúc con trai lớn thông báo cho G biết bạn ấy quyết định ngưng việc học năm cuối trong chương trình học CĐ của bạn ấy. Lý do là bởi bạn ấy thấy việc học hiện tại không có nhiều ý nghĩa, bạn ấy muốn đi làm luôn từ bây giờ để kiếm tiền, tích luỹ kinh nghiệm và sẽ tiếp tục theo học những thứ mà bạn ấy cho là cần thiếtt… Đối với một người mẹ, đây hẳn không phải là một thông tin vui vẻ gì, nhưng G cũng hiểu rằng, mình chỉ có thể định hướng, chia sẻ; không thể ép con phải học hết lộ trình đã đăng ký trước đó… Rồi sau giai đoạn này, con -cũng giống như mình vậy, sẽ tự tìm được lối đi cho mìnhh… Trong mọi hoàn cảnh, chỉ mong con sẽ luôn sáng suốt để dù có đi con đường nào, chọn lối nào cũng sẽ là con đường chính nghĩa, lương thiện.
🔥 Yêu thương & Biết ơn ❤️