21/08/2023
Thông báo phát hành chuyên đề:
100 năm Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (1923-2023)
-------
Lời tòa soạn
Cùng quý độc giả thân mến!
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, tiền thân là Bảo tàng Khải Định (Musée Khai-Dinh) được thành lập theo đạo Dụ ngày 17/8/1923 và đến ngày 24/8/1923 Khâm sứ Trung Kỳ ra nghị định thi hành. Đến nay, bảo tàng đã trải qua hành trình tròn 100 năm (1923-2023). Qua nhiều lần thay đổi tên gọi, đến năm 2007, bảo tàng chính thức mang tên Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Bảo tàng CVCĐ Huế) thuộc quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Đã từng là bảo tàng nổi tiếng nhất ở Việt Nam và Đông Dương trước đây, Bảo tàng Khải Định nay là Bảo tàng CVCĐ Huế, là nơi bảo lưu đầy đủ nhất những hiện vật ghi dấu về cuộc sống cung đình triều Nguyễn với hơn 11.000 hiện vật gồm các tác phẩm nghệ thuật, đồ dùng sinh hoạt, lễ nghi, tín ngưỡng, quốc phòng của hoàng gia và triều đình nhà Nguyễn; các hiện vật Chămpa, những tặng phẩm, thương phẩm từ quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Việt Nam với các nước, với nhiều chất liệu như đồ sứ, đồ đồng, kim loại quý, vải, gỗ, mây tre, đá, ngà, pha lê… Bảo tàng CVCĐ Huế chính là linh hồn của “Huế - Thành phố di sản”, với kho tư liệu vô giá, sống động và hàng ngàn hiện vật nguyên bản “phản ánh đầy đủ đời sống chính trị, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ” của cung đình Nguyễn xưa.
Đối với một thiết chế văn hóa, 100 năm tuổi là con số không chỉ khẳng định lịch sử lâu đời mà còn là sự ghi nhận bề dày, chiều sâu và tầm quan trọng của thiết chế này trong lịch sử, văn hóa, mỹ thuật của vùng đất Huế nói riêng và trong ngành văn hóa nước nhà nói chung. Với hàng trăm cuộc triển lãm thường xuyên và triển lãm chuyên đề được tổ chức tại bảo tàng hay tại các điểm di tích thuộc quần thể di tích Huế, các điểm trưng bày khác ở trong và ngoài nước, Bảo tàng CVCĐ Huế đã trải qua một hành trình dài với sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn và truyền tải những nét tinh túy, đặc sắc của văn hóa, mỹ thuật Nguyễn đến với công chúng, góp phần “hình thành thị hiếu và cảm xúc nghệ thuật cho các thế hệ mai sau”.
Với mong muốn ghi nhận một chặng đường phát triển đầy ý nghĩa và ghi nhớ mốc kỷ niệm quan trọng này của Bảo tàng CVCĐ Huế, tạp chí Nghiên cứu & Phát triển xuất bản số chuyên đề 100 năm Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (1923-2023) nhằm cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng quan về lịch sử ra đời và các giai đoạn phát triển của bảo tàng, trên cơ sở nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn tư liệu ở các kho lưu trữ trong và ngoài nước, tác giả Mickaël Augeron (Nguyễn Thị Thúy Vi biên dịch), Huỳnh Thị Anh Vân, Võ Vinh Quang, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Quang Trung Tiến - Nguyễn Chí Ngàn, Đỗ Minh Điền,… đã đưa độc giả ngược về quá khứ để khám phá nhiều thông tin và tư liệu mới vô cùng quý giá về những ngày đầu thành lập của bảo tàng cũng như khám phá về điện Long An - điểm trưng bày chính của bảo tàng; vai trò và tầm quan trọng của bảo tàng trong đời sống văn hóa xã hội ở Kinh đô Huế đầu thế kỷ XX. Từ những ngày đầu mở cửa cho đến ngày nay, Bảo tàng CVCĐ Huế - “nơi lưu giữ những món đồ vô giá được trân tàng trong một kiến trúc tuyệt mỹ” - là điểm tham quan hấp dẫn được đưa vào các tuyến du lịch ở Huế, là điểm dừng chân không thể thiếu của các nguyên thủ quốc gia, các phái đoàn ngoại giao, các sĩ quan quân đội, những người nổi tiếng khi đến thăm Kinh đô Huế, ngày nay là Cố đô Huế, góp phần khẳng định dấu ấn và vị thế của Bảo tàng Khải Định, nay là Bảo tàng CVCĐ Huế trong 100 năm qua. Qua các bài viết có thể thấy bảo tàng đã trải qua không ít thăng trầm do biến động của thời cuộc ảnh hưởng đến các hiện vật và điểm trưng bày chính (điện Long An, một công trình kiến trúc gỗ xây dựng dưới thời Thiệu Trị vào năm 1845, Di sản Văn hóa thế giới).
“Ôn cố tri tân”, nhìn lại chặng đường đã qua là để định hình cho bước đi hiện tại và tương lai của bảo tàng, trong hệ thống bảo tàng của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được tác giả Phan Thanh Hải và Trần Văn Dũng nghiên cứu và giới thiệu. Bảo tàng CVCĐ Huế đã và đang có những bước chuyển mình đổi mới toàn diện, lấy công chúng làm mục tiêu, động lực để phát triển, phát huy nội lực cũng như thế mạnh của mình, góp phần xây dựng bảo tàng thành một địa chỉ văn hóa đặc sắc, là niềm tự hào của người dân Cố đô Huế và cả nước.
Trong giới hạn của số báo chuyên đề chắc chắn chưa thể bao quát hết diện mạo, chiều sâu và hành trình tròn một thế kỷ của viên ngọc quý Bảo tàng Khải Định nay là Bảo tàng CVCĐ Huế, tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng quý độc giả đón nhận số chuyên đề này như một món quà kỷ niệm ghi nhận một chặng đường vẻ vang nhưng không thiếu những thăng trầm của bảo tàng. Ấn phẩm này cũng là sự tri ân những con người thầm lặng đặt nền móng đầu tiên cho sự ra đời của bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam (1923) - Bảo tàng Khải Định và nhiều thế hệ cán bộ làm công tác bảo tàng đã vượt qua muôn vàn khó khăn và biến động của thời cuộc để chung tay gìn giữ, phát huy giá trị để “viên ngọc quý” của Huế vẫn mãi luôn tỏa sáng 100 năm qua.
Với tinh thần cầu thị, chúng tôi mong muốn được đón nhận các ý kiến đóng góp của quý độc giả. Hy vọng rằng chủ đề này sẽ tiếp tục được quan tâm và khai thác trong các số báo tiếp theo với sự cộng tác của các nhà nghiên cứu, cộng tác viên và quý độc giả xa gần.
Ban biên tập trân trọng cảm ơn lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng CVCĐ Huế đã tạo điều kiện để chúng tôi có thể phối hợp, trao đổi và hoàn thành chuyên đề này. Xin cảm tạ các tác giả, cộng tác viên đã tham gia thực hiện.
Trân trọng giới thiệu đến quý độc giả!
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển