15/12/2024
Nỗi đau này không thuộc về bạn - Di sản gia đình ngoài mong đợi
Nhiều người trong chúng ta đang bước đi với những triệu chứng chấn thương: trầm cảm, lo âu, chứng ám ảnh sợ hãi… mà không biết rằng có thể chúng ta đang thừa hưởng những tổn thương ấy từ các thế hệ trước, thậm chí là những người thân mà chúng ta chưa từng gặp mặt.
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học mới nhất đã cho thấy tác động của sang chấn tâm lý có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. “Di sản” này được gọi là “sang chấn gia đình liên thế hệ”. Những nỗi đau chưa được chữa lành trong quá khứ sẽ không nguôi ngoai theo thời gian, kể cả khi người chịu sang chấn ban đầu đã quan đời hay câu chuyện của họ đã bị vùi lấp nhiều năm, thì những trải nghiệm sống, ký ức và cảm giác cơ thể của họ có thể vẫn còn sống mãi và đang tìm cách được hóa giải thông qua tâm trí và cơ thể của những người đang sống ở hiện tại.
Những bước tiến gần đây trong ngành sinh học tế bào, khoa học thần kinh, di truyền học biểu sinh và tâm lý học phát triển đều cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu kỹ lưỡng ít nhất ba thế hệ trong một gia đình để hiểu thấu cơ chế ẩn đằng sau những khuôn mẫu sang chấn và nỗi đau lặp đi lặp lại.
Rachel Yehuda - giáo sư khoa Tâm thần học và Khoa học thần kinh tại Đại học Y khoa Mount Sinai ở New York - là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên chứng minh được rằng con cháu của những người từng trải qua sang chấn sẽ gặp phải các triệu chứng về mặt cảm xúc và thể chất đến từ những nỗi đau mà bản thân họ không trực tiếp nếm trải. Trong nhiều nghiên cứu, Yehuda đã xem xét đặc tính sinh học thần kinh của những người sống sót sau nạn diệt chủng Holocaust mắc chứng PTSD cũng như con cái của họ. Yehuda cùng nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng con cái của những người mắc chứng PTSD sau nạn diệt chủng Holocaust thường bẩm sinh có mức cortisol thấp giống cha mẹ mình, khiến họ gặp phải các triệu chứng của PTSD dù bản thân không mắc bệnh.
Nghiên cứu của bà đã chỉ ra rằng, nếu cha hoặc mẹ chúng ta mắc PTSD thì nguy cơ chúng ta mắc PTSD sẽ tăng cao gấp ba lần, hệ quả là có nhiều khả năng ta sẽ mắc chứng trầm cảm hoặc lo âu.
Các xu hướng trị liệu tâm lý gần đây đang bắt đầu tập trung không chỉ vào các sang chấn của một cá nhân mà còn tiến xa hơn, truy ngược về những sự kiện đau buồn trong lịch sử gia đình và xã hội, xem chúng như một phần của bức tranh tổng thể. Những bi kịch đa dạng về hình thức và mức độ tổn thương – như bị bỏ rơi, tự sát, chiến tranh hoặc sự ra đi quá sớm của một người con, cha, mẹ hoặc anh chị em ruột – có thể gây ra những cơn sóng trầm uất, lan từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Như tác giả Mark Wolynn đã chỉ ra trong cuốn sách “Nỗi đau này không thuộc về bạn”: “Các sang chấn không bao giờ ngủ yên, kể cả khi người ta đã qua đời, mà luôn tìm kiếm một mảnh đất màu mỡ để được hóa giải – những đứa trẻ thuộc các thế hệ sau. Nhưng may mắn thay, con người vốn dĩ linh hoạt và có khả năng chữa lành hầu như mọi loại sang chấn”.
Thông qua phương pháp Ngôn ngữ lõi – phương pháp dựa vào ngôn ngữ để phân tích và tìm kiếm các manh mối giúp lần về ngọn nguồn thật sự của sang chấn – Mark Wolynn sẽ giúp bạn xác định và hóa giải được nỗi đau nguyên gốc. Từ đó vạch ra một con đường chữa lành giúp hàn gắn đến tận gốc rễ những nỗi đau mà chúng ta đã vô thức mang theo từ trước đến nay. Toàn bộ hành trình này không chỉ giúp chữa lành hiện tại, mở ra những triển vọng tương lai tươi sáng, mà còn giúp ta thấu hiểu, yêu thương và trân trọng những con người, những nỗi tổn thương và dằn vặt trong quá khứ gia đình.