07/06/2021
𝓢𝓪̀𝓲 𝓖𝓸̀𝓷 𝓫𝓪𝓸 𝓰𝓲𝓸̛̀ 𝓬𝓾̃𝓷𝓰 𝓽𝓱𝓮̂́!
Từ nơi xa anh mail cho tôi, sau những dòng chữ ngắn gọn và rõ ràng thông báo về công việc như thường lệ, chợt dòng cuối, một câu hỏi thảng thốt “Sài Gòn bây giờ thế nào hả em…?”.
Sài Gòn bây giờ thế nào ư?
Anh xa Sài Gòn đã rất lâu rồi, biết anh còn nhớ hay đã quên gì để có thể kể cho anh nghe nhỉ… Rồi bỗng giật mình tự hỏi, bao nhiêu năm sống ở thành phố phương Nam đầy nắng gió này, nhưng với tôi, Sài Gòn có những gì trong tâm tưởng?
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Sài Gòn là từ một câu ca dao về vùng đất còn đầy vẻ hoang sơ lạ lẫm:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định – Đồng Nai thì về
Cùng với tích chuyện xưa Thủ Hoằng dựng Nhà Bè ở ngã ba sông, để sẵn gạo củi giúp cho những người lỡ đường sông nước tạm dừng ghe xuống nghỉ ngơi, chờ con nước lớn mà ngược vào vùng bán sơn địa Gia Định Đồng Nai hay theo nước ròng mà xuôi ra cửa biển Cần Giờ… Trong tôi, Đất Sài Gòn hiện lên nơi ngã ba sông Sài Gòn và sông Đồng Nai nhập vào nhau để cùng đổ ra biển Đông, và Người Sài Gòn hiện ra như những con người rộng rãi sẵn sàng làm việc nghĩa.
Nằm trong lưu vực Đồng Nai, bao gồm cả lưu vực sông Bé, sông Sài Gòn với cửa sông/cảng thị Cần Giờ từ gần hai ngàn năm trước, Sài Gòn – Bến Nghé xưa vốn là một thị tứ sông nước với sông Đồng Nai – Sài Gòn phía Đông, sông Bến Cát phía Bắc, đôi dòng Vàm Cỏ phía tây và cửa Soài Rạp – Đồng Tranh – Cần Giờ phía đông nam.
Vị trí địa lý tự nhiên đã “quy định” cho Đất và Người Sài Gòn tính cách phóng khoáng, cởi mở, dễ dàng tiếp xúc và giao lưu, tiếp nhận những cái mới, những người mới… Nếu không/chưa kể đến thời tiền sử của vùng đất này từ khoảng 3.000 năm trước thì Sài Gòn thường được biết đến như vùng đất mới 300 năm, với cái mốc mùa xuân Mậu Dần 1698, khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu vào đất Gia Định lập nền hành chánh. Việc thiết lập chính quyền nhằm chính thức hóa đời sống của hàng chục ngàn lưu dân đã bằng đường biển, đường sông hay băng rừng vượt núi đến đây khai phá từ nhiều năm trước. Bản thân sự “khai sinh” Sài Gòn – Gia Định đã là quá trình những con người từ nhiều nguồn gốc, nhiều vùng miền trong cả nước, có cả những nhóm người Hoa từ lục địa Hoa Nam vượt biển xuống đây, hội nhập với các tộc người đã tụ cư lâu đời ở vùng này.
Trong dòng lưu dân khai phá Sài Gòn – Gia Định, phần đông là nông dân từ miền Bắc, miền Trung… nơi mà từ cuộc sống quá vất vả khó nhọc dường như cho ta hiểu thêm một tầng nghĩa khác – bên cạnh ý nghĩa “đồng bào” – của huyền thoại nguồn gốc Mẹ Âu Cơ và bọc Trăm trứng: Phải chăng đó là bóng dáng của bầy gà hiền lành quen thuộc, cần mẫn kiếm ăn trong sân nhà vườn nhà, nhường nhịn chia sẻ cho nhau từng hạt lúa con sâu, tuy đôi lúc cũng “đá nhau" nhưng lại sẵn sàng xù lông bảo vệ lẫn nhau khi có lũ quạ, lũ diều hâu xuất hiện…
Cũng những người nông dân ấy khi vào đến vùng đất thiên nhiên còn hoang sơ lạ lẫm, đất rộng người thưa, lại cùng cảnh ngộ, việc làm ăn không còn quá vất vả như trên cánh đồng ô trũng bị che chắn bởi đê điều ở châu thổ sông Hồng, hay dải ruộng hẹp sát núi liền biển ở miền Trung, mà đồng ruộng làng xóm đã mở rộng theo dòng chảy của sông ngòi, kênh rạch, theo đó có thể đến những miền đất mới… Vì vậy, sự sẻ chia bao bọc được nhân lên mà tính cách phóng khoáng, nghĩa hiệp cũng được nhân lên cùng với sự năng động, quyết đoán hơn: “Làm đại đi, ừ, làm đại nghen!” là một cách ứng xử rất Sài Gòn/Nam Bộ của người Việt phương Nam.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, cho đến bây giờ nếu làm một cuộc thống kê ở các thành phố lớn về Hội đồng hương của các tỉnh (chưa kể đến huyện, xã) thì chắc chắn, Sài Gòn là nơi có số lượng nhiều nhất! Ở Sài Gòn ta có thể nghe thấy tiếng nói, thưởng thức món ăn của nhiều vùng miền khác nhau, nhưng cách thức làm ăn của những người tứ xứ tại đây vẫn đậm nét Sài Gòn: Nhanh nhạy, “chịu chơi” (mà không chơi chịu), tín nghĩa “một là một, hai là hai”. Sài Gòn biết chấp nhận những khác biệt, không kỳ thị, không tự lấy mình “làm chuẩn” để mà so sánh hơn thua về bất cứ điều gì…
Nhờ vậy mà sâu thẳm trong người Sài Gòn là truyền thống văn hóa cội nguồn được gạn lọc rồi lắng đọng theo thời gian, để trong hoàn cảnh ngặt nghèo đến đâu Sài Gòn cũng luôn tìm được cách để vượt qua, để người Sài Gòn vẫn luôn là người Việt Nam dù hàng trăm năm thực dân cũ mới. Luôn thích nghi và dung nạp những điều mới lạ nhưng không đánh mất bản chất của mình, ấy là phẩm chất mà người Sài Gòn hôm nay luôn mang theo như một hành trang quan trọng trên con đường hội nhập.
Sài Gòn bây giờ thế nào ư?...
Thành phố những năm gần đây đã mở rộng và cảnh quan thay đổi từng ngày. Con kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè “nổi tiếng” kênh đen với những ngôi nhà chênh vênh cọc gỗ che kín mặt nước đọng đầy rác rưởi, bây giờ đang được nạo vét, kè bờ, không lâu nữa sẽ là những “con kênh xanh xanh” chảy giữa lòng thành phố, dọc hai bờ kè mát bóng cây xanh, vườn hoa. Một dự án con đường trên cao dọc theo hai con kênh này với hàng chục cây cầu bắc ngang sẽ trở thành “điểm nhấn” cho vùng trung tâm cũ của Sài Gòn.
Anh còn nhớ khu quận 4 bên kia cầu Khánh Hội nổi tiếng “xã hội đen” một thời… Giờ anh trở về có lẽ sẽ không nhận ra nơi này. Những xóm nhà lá lụp xụp trong những con hẻm nhỏ chằng chịt hầu như biến mất. Những con đường rộng rãi, những ngôi nhà khang trang đã hiện lên, và gương mặt những con người nơi đây dường như đã bớt đi nhiều vẻ lo toan khắc khổ. Anh còn nhớ vùng trũng Nhà Bè mênh mông dừa nước, đất vàng phèn mặn không? Giờ đã là đại lộ Đông Tây với 8 làn xe chạy giữa khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đẹp như mơ! Những làng xóm, ruộng vườn phía Gò Vấp, Tân Bình hay Hóc Môn, Củ Chi cũng đã thành đường, phố mới.
Tốc độ đô thị hóa ở Sài Gòn khá nhanh, trong khi việc quy hoạch thành phố còn chưa theo kịp sự phát triển, vì vậy không tránh khỏi sự lộn xộn và có phần chưa đẹp trong cảnh quan đô thị. Nhưng quan trọng là thành phố đã thực sự đổi mới từng ngày. Sự đổi mới ở từng con hẻm, từng tuyến đường, từng khu vực… và cuộc sống mới cũng đang đến với từng con người sống ở đây mà ít ai nghĩ rằng chính họ cũng đang làm nên một thành phố mới.
Nhưng gương mặt thành phố dù đổi thay đến đâu thì vị thế Địa – Văn hóa, Địa – Kinh tế của Sài Gòn vẫn không thay đổi. Đôi khi nghĩ vẩn vơ: giá như hình ảnh về cái ngã ba sông tại Nhà Bè được các nhà kiến trúc, nhà quy hoạch lấy làm biểu tượng cho thành phố thì hay biết mấy, vì đây chính là vị thế “trời cho” mà được “người chọn” để làm nên bản sắc Sài Gòn, cũng là tiêu biểu cho bản sắc Nam Bộ. Thành phố giờ đã hơn 7 triệu dân mà phần lớn là người tứ xứ, những người đã tạo nên sức sống trẻ trung năng động của thành phố, đồng thời cũng được mảnh đất nơi đây nuôi dưỡng, cưu mang. Qua nhiều năm khó nhọc, mưu sinh, nhiều người đã thầm hiểu, nơi ta được sinh ra là nơi để gửi nhớ gửi thương mỗi dịp năm hết Tết đến, còn Sài Gòn là nơi mỗi ngày ta có thể được sống hết mình trong suốt cuộc đời… Và nếu như ta đừng quá “thiên lệch” lòng yêu thương đối với nơi chôn nhau cắt rốn thì tình cảm của ta đối với Sài Gòn sẽ công bằng hơn, vì đó là thành phố của mình, vì ta cũng đã là người Sài Gòn!…
Anh à, nếu anh có về lại Sài Gòn, anh sẽ thấy Sài Gòn bây giờ vẫn thế. Đường Sài Gòn vẫn những dòng xe chạy không dứt đêm ngày, dường như Sài Gòn không bao giờ ngủ. Vậy mà mỗi sáng mai đi trên những con đường nắm sớm xiên xiên giữa hai hàng cây, vài cánh chim vụt bay từ vòm xanh cao, gác chuông nhà thờ như còn vương sương sớm… ta chợt nhận ra khoảng lặng hiếm hoi của Sài Gòn năng động. Hiểu Sài Gòn hơn ta sẽ thấy Sài Gòn không hiếm những khoảng lặng như thế trong lòng thành phố. Hiểu người Sài Gòn hơn, ta sẽ nhận ra khoảng lặng như thế trong tâm hồn những con người bộc trực phóng khoáng nơi đây…
Mong một ngày nào đó anh về lại Sài Gòn, đi trên những con đường hoa điệp vàng hay dưới hàng cây cao vút thả từng cánh hoa xoay xoay trong gió chiều, ngắm nhìn con người Sài Gòn, lắng nghe nhịp sống Sài Gòn, chắc hẳn anh sẽ đồng cảm hơn với suy nghĩ của tôi:
𝒮𝒶̀𝒾 𝒢ℴ̀𝓃 𝒷𝒶̂𝓎 ℊ𝒾ℴ̛̀ 𝓋𝒶̂̃𝓃 𝓉𝒽ℯ̂́, 𝓋𝒶̀ 𝒮𝒶̀𝒾 𝒢ℴ̀𝓃 𝒷𝒶ℴ ℊ𝒾ℴ̛̀ 𝒸𝓊̃𝓃ℊ 𝓉𝒽ℯ̂́...
|Nguyễn Thị Hậu