05/02/2024
TRONG NUÔI CÓ GÌ?
Nói vui chứ, việc nuôi dạy một đứa trẻ đôi khi giống như nuôi một con thú cưng, mình phải chăm sóc và yêu chiều nó một cách thật thiện xảo. Đôi lúc bị lấn cấn liên tục giữa hai chiều cương - nhu. Làm sao để chỉ dạy cho nó hiểu chuyện với tâm bi mẫn được đây?
Có con thì sẽ chóng nghe lời ngay, có con thì chưa vội nghe. Việc đó rất đúng với quy luật vận hành của tự nhiên. Điều này thử thách khả năng kham nhẫn, mức độ nhu hòa, sự can trường kiên định và mức độ từ ái - bao dung,... của người huấn luyện con vật, thậm chí là người nuôi dạy đứa trẻ.
Công việc nuôi dạy nó trắc nghiệm mình nhiều lúc như hành hạ, nó thử thách mọi giới hạn tốt đẹp nơi Tâm mình. Chính nó làm mình phát huy được vô số điều hay cùng phẩm chất tuyệt vời, nếu mình quan sát và nhận ra được. Còn không thì mình khó lòng thương và chỉ dạy được cho con vật, chứ đừng nói là một đứa trẻ. Nhiều khi tình thương của mình đối với nó cũng chỉ là tình thương có điều kiện nửa vời. Mình chỉ thương được nó khi nó tuyệt đối như ý mình thôi, nếu không thì các tâm bất thiện trong mình sẽ xuất hiện ngay. Điều đó làm cho những Tâm đại thiện, cao khiết nhất nơi mình bị giới hạn lại và dần bị che lấp đi.
Hồi lâu trước đây tôi có nuôi một con thú cưng. Tôi yêu chiều và chăm lo cho nó thật chu toàn mọi thứ, nhưng đâu tránh khỏi việc nó vẫn làm tôi thấy khó chịu vì sự nghịch ngợm của nó. Thật ra đến khi nhìn lại, tôi phát hiện ra chẳng phải nó làm tôi khó chịu. Nó đơn giản chỉ sống, hành động đúng với căn tính, cảm xúc và tình thức của một loài, ở lứa tuổi đó, ở thời điểm đó thôi. Trình độ tâm và nhận thức qua trải nghiệm đời sống được bao nhiêu thì sẽ sống ứng ra đúng với bấy nhiêu. Vậy thì nó sống không ra ngoài quy luật vận hành của nhân duyên - nghiệp quả nơi nó, sống rất đúng với tiến trình tâm thức đang diễn ra trên chính nó. Nó sống đúng như nó đang là, sống đúng với quy luật tự nhiên, đó là một sự thật rất hiển nhiên. Chỉ có tôi tự đi đặt ra cái “tự nhiên” như ý mình, rồi gán lên và chủ quan áp đặt nó phải chạy như con rối trong cái khuôn mẫu đầy hữu hạn đó thôi.
Huống hồ tôi còn chẳng hiểu rõ được mọi ngôn ngữ giao tiếp của nó, nhiều khi nó hành động chỉ để tôi chú ý, hoặc để bày tỏ sự gần gũi. Nhưng vì chẳng hiểu nên có khi tôi còn vô tình hất văng nó đi.
Nó không phải nguyên nhân thật sự gây khó chịu. Chẳng qua vì tôi đã bất giác quên mình, tạo duyên cho thái độ chống đối được dịp sinh khởi và dẫn dắt bản thân, hình thành nên tâm sân rồi mang ra để mà phản ứng lại đó thôi. Châm mồi lửa sân giận trong tay, tôi tự chuốc lấy sự khó chịu do chính cái Ngã ảo tưởng của mình mang lại. Thật ra trước khi quăng cục lửa vào nó thì chính tôi cũng đã bị cháy bỏng rát rồi.
Chỉ mới nuôi một con vật mà tôi ít nhiều thấy được Bản Ngã của mình bành trướng đến đâu. Tôi luôn muốn nó sống như ý mình, bắt nó phải thế này thế kia, tôi không cho nó cái quyền sai để rồi sửa. Tôi cấm việc nó sống đúng với những gì đang có ở nó. Nó sai một chút là tôi nhốt, đánh đập, đôi lúc còn bỏ đói nó ngay. Điều này giống như mình đang cố lấy một bánh răng nhỏ (vật nuôi còn bé) để ghép vào một khớp nối lớn (tôi). Mình phác họa những công trình thiết kế hoàn hảo như ý mình, cho dù là đúng tốt đi nữa, nhưng chưa đúng thời điểm, chưa đúng cách thức truyền đạt, chưa đúng khả năng và trình độ nhận thức của đối tượng,... Tại sao mình vẫn cứ cố ghép nối bất hợp lý bằng cái ta chủ quan, để rồi tự chuốc lấy cái khổ?