15/01/2023
[TẾT VIỆT #2: MAI VÀNG PHƯƠNG NAM]
Mỗi khi Tết đến xuân về, ta lại thấy người người về quê, và đặc biệt là trên tay họ là cành mai vàng gửi tặng những người thân quý. Điều đó đã gắn liền với hình ảnh ngày Tết trên mảnh đất hình chữ S, đặc biệt là với đất phương Nam. Thiếu đi hoa mai tựa như thiếu đi sắc vàng rực rỡ báo hiệu cho một mùa xuân nữa lại về trên đất Việt. Về đầu đó đã khẳng định rằng hoa mai là một thành phần quan trọng và không thể thiếu trong ngày Tết Việt Nam.
Ngày xưa, tổ tiên ta đã tìm thấy một loại hoa rừng có năm cánh, nở vào dịp Tết khi đi khai khẩn đất phương Nam. Thấy được giá trị thẩm mỹ của loài hoa này, ông cha ta đã đặt tên cho loài hoa này là hoa mai. Cũng như hoa đào ở miền Bắc, vào dịp Tết, ta cũng mang hoa mai về nhà để thờ cúng và trang trí trong nhà để tưởng nhớ cái Tết ấm áp nơi quê nhà.
Mai rất đa dạng, nhưng mai vàng là loài thường thấy và phổ biến nhất. Hoa mai mang một vẻ đạp ấm áp, nồng nàn của khí hậu miền Nam. Điều đó làm cho hoa mai rất đặc trưng trong ngày Tết ở miền Nam ta.
Để có Mai nở vào đúng dịp Tết người chăm cần phải có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề để nghiên cứu và giúp Mai nở đúng dịp, sau khi Mai nở chừng vài tháng, người chăm sóc bắt đầu phải bón thúc cho Mai, thứ phân bón hợp với Mai là khô dầu và phân bò khô, trước Tết độ ba bốn tháng phải bón thêm một lần như thế nữa để hoa nở to và thắm hơn. Vào những ngày rằm tháng chạp (trước Tết nửa tháng), người chơi Mai đều trảy hết tất cả lá trên thân cây Mai và bấm hết đọt để giúp Mai rực rỡ hơn khi nở rộ, với những vùng có thời tiết lạnh thì phải trảy lá trước một tháng để cây nở hoa đúng dịp. Mai không nở một lúc mà từ từ, ngày đầu thì chỉ một vài nụ, ngày sau tăng gấp đôi, rộ nhất là ngày thứ ba, tư, năm sau đó ít dần nhưng cũng kéo dài mỗi đợt phải đến nửa tháng.
Hoa mai nở rộ báo hiệu Tết đến Xuân về. Vì hoa mai có giá trị thẩm mỹ cao mà còn mang giá trị tinh thần sâu sắc của người Việt Nam, nên hoa mai thường được dùng để trang trí trong ngày Tết. Hoa mai không chỉ dùng để làm vật trang trí, làm cảnh trong nhà, chúng còn có thể làm một quà tặng vô cùng ý nghĩa cho người thân, bạn bè nhân dịp đầu năm mới. Con cháu xa quê về thăm ông bà cha mẹ không quên mang một cành mai về làm quà cho gia đình vào ngày xuân. Vì vậy, hoa mai được xem như là biểu tượng ngày Tết không thể thiếu của người dân Việt Nam.
Thường, cây mai vàng cắm rễ của mình sâu trong lòng đất, việc đó giúp cho cây mai chịu đựng gió mưa lụt bão để có thể nở hoa vào dịp Tết. Ví như là người dân Việt Nam vượt mọi gian khó để giữ gìn quê hương nòi giống, thể hiện ý chí kiên cường vè lòng yêu nước sâu đậm của người Việt Năm ta. Ở một khía cạnh khác, ông cha ta cũng đã lấy hình ảnh đó để nhắc nhở ta rằng dù ở đau cũng phải gìn giữ đạo lý ân nghĩa và cội nguồn văn hoá đẹp đẽ của tổ tiên mình. Trước thời tiết khắc nghiệt, cây mai vẫn đứng, vẫn sống bền bỉ theo năm tháng vươn mình ươm chồi nãy lộc, điều đó nói rằng người Việt Nam dù bất cứ ở đâu cũng nhẫn nại.
Cây mai đã trở thành biểu tượng cho cái Tết miền Nam với vẻ đẹp giản dị và màu vàng rực rỡ của nó. Vì vậy ta phải biết nâng niu và trân trọng cây mai để nó luôn điểm tô mùa xuân cho ngày nay, cho ngày mai và cho muôn đời sau. Ngày Tết cả nhà quây quần, đoàn tụ cùng nhau ăn mứt, bánh bên gốc cây Mai nở rộ thì có gì đẹp hơn, đầm ấm và hạnh phúc hơn.
• Nội dung: Hoàng Hải
• Hình ảnh: Yến Nhi
______________
Mọi thắc mắc và ý kiến đóng góp vui lòng liên hệ:
Facebook: CLB Phát Thanh Măng Non THCS Điện Biên
Email: [email protected]