21/07/2023
HẠT VI NHỰA - NỖI ÁM ẢNH VỚI SỨC KHOẺ CON NGƯỜI
Nhiều năm trước, khi các hạt vi nhựa bắt đầu xuất hiện trong ruột của cá và động vật có vỏ, mối quan tâm của các nhà nghiên cứu tập trung vào an toàn của hải sản. Động vật có vỏ được cho là nguồn ô nhiễm mang các hạt vi nhựa vào thẳng hệ tiêu hóa của con người. Bởi không giống như cá, khi ăn động vật có vỏ (như ốc, trai, hàu), chúng ta ăn toàn bộ những gì thuộc về chúng, trong đó có các hạt vi nhựa ở trong dạ dày của những động vật này.
VI NHỰA CÓ KHẮP MỌI NƠI
Vi nhựa được định nghĩa là các hạt có kích thước nhỏ hơn 5mm. Richard Thompson - nhà khoa học hàng hải tại Đại học Plymouth (Anh), đã đặt ra thuật ngữ này vào năm 2004 sau khi tìm thấy nhiều mảnh nhựa có kích thước bằng hạt gạo ở bề mặt cây cỏ phía trên một bãi biển ở Anh.
Trong những năm tiếp theo, các nhà khoa học đã xác định vị trí của các vi nhựa trên toàn cầu, từ bề mặt rãnh Mariana đến đỉnh Everest. Tức là rác thải nhựa đã xuất hiện ở những nơi thấp nhất lẫn cao nhất trên Trái đất.
Vi nhựa có trong muối, bia, trái cây tươi và rau quả và nước uống. Các hạt nhựa lơ lửng trong không khí trong vài ngày và có thể rơi từ trên trời xuống như mưa. Theo giới nghiên cứu, số lượng hạt vi nhựa tăng lên theo thời gian khi hàng năm có thêm nhiều tấn rác thải nhựa tràn ra đại dương và bị phân hủy.
Các nhà khoa học đến từ Đại học Kyushu (Nhật Bản) ước tính có 24,4 nghìn tỷ hạt vi nhựa đang tồn tại trong các đại dương trên thế giới, tương đương với khoảng 30 tỷ chai nước nửa lít.
THÁCH THỨC CỦA GIỚI KHOA HỌC
Công cuộc tìm kiếm tác hại tiềm ẩn từ nhựa bắt đầu từ các nghiên cứu trên động vật cách đây khoảng 40 năm, khi các nhà sinh vật biển nghiên cứu chế độ ăn của chim biển bắt đầu tìm thấy nhựa trong dạ dày của chúng.
Khi nhiều động vật hoang dã biển bắt đầu bị ảnh hưởng bởi nhựa do vướng hoặc nuốt phải, các nghiên cứu đã mở rộng ra ngoài các loài chim, đến các loài sinh vật biển khác.
Năm 2012, Công ước về Đa dạng Sinh học ở Montreal thông báo rằng tất cả 7 loài rùa biển, 45% các loài động vật có vú biển và 21% các loài chim biển đều bị ảnh hưởng do ăn hoặc bị vướng vào rác thải nhựa.
Trong một thập kỷ sau đó, số lượng và rủi ro của rác thải nhựa đối với động vật biển đã trở nên tồi tệ hơn, khi có hơn 700 loài động vật bị ảnh hưởng bởi nhựa.
Vi nhựa xâm nhập vào cơ thể người khi chúng ta hít thở, hoặc ăn các loại động vật đã nhiễm vi nhựa.
Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra sự phổ biến của rác thải nhựa và giúp cung cấp thông tin nghiên cứu về các tác động sinh lý và độc học tiềm ẩn của nó đối với con người.
Việc đo lường tác hại của nhựa đối với con người khó hơn nhiều so với động vật. Bởi không giống như chim và cá, con người không thể tiêu thụ một chế độ ăn uống bằng nhựa theo cách có chủ ý.
Con người hít phải nhiều loại hạt lạ mỗi ngày và kể từ buổi bình minh của cuộc Cách mạng Công nghiệp trên thế giới. Khi hạt lạ (trong đó có thể có vi nhựa) xâm nhập theo đường thở, phản ứng đầu tiên của cơ thể là tìm cách tống chúng ra ngoài.
Các hạt lớn trong đường thở thường được ho ra ngoài. Chất nhầy hình thành xung quanh các hạt sâu hơn xuống đường hô hấp, tạo ra một "thang máy" chất nhầy đẩy chúng trở lại đường hô hấp trên để được tống ra ngoài. Các tế bào miễn dịch bao quanh những tế bào còn lại để cô lập chúng.
Theo thời gian, những hạt đó có thể gây kích ứng dẫn đến một loạt các triệu chứng từ viêm, nhiễm trùng đến ung thư.
Theo: vtcNEWS