17/12/2024
TP.HCM: SÁP NHẬP PHƯỜNG, THÔNG TIN NGƯỜI DÂN SẼ TỰ ĐIỀU CHỈNH TRÊN HỆ THỐNG
Đại diện Công an TP.HCM cho biết cơ quan công an sẽ điều chỉnh, tách, gộp thông tin lưu trú của người dân trực tiếp trên hệ thống và sẽ điều chỉnh đồng loạt ở các phường mới đi vào hoạt động.
Chiều 16-12, ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đã kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện sắp xếp các phường trên địa bàn quận 4, 5, 6, 10, 11.
Thông tin về việc điều chỉnh dữ liệu dân cư, thượng tá Nguyễn Ngọc Vũ Vương - phó Phòng PC06, Công an TP.HCM - khẳng định sẽ không phát sinh thủ tục hành chính khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Cơ quan công an sẽ điều chỉnh, tách, gộp thông tin lưu trú của người dân trực tiếp trên hệ thống và sẽ điều chỉnh đồng loạt các phường mới đi vào hoạt động.
Công an TP.HCM đã có văn bản triển khai cho công an các địa phương để rà soát, lập danh sách nhân khẩu ở các địa bàn hành chính thuộc diện sáp nhập để báo cáo Bộ Công an thực hiện, hỗ trợ và phối hợp điều chỉnh dữ liệu trên hệ thống.
Ông Vương đề nghị UBND các phường thuộc diện sắp xếp phối hợp với công an tuyên truyền về nội dung này.
"Để điều chỉnh dữ liệu trên hệ thống đồng loạt, phải ngưng tiếp nhận thủ tục hành chính mới và hoàn thành tất cả thủ tục hành chính đã tiếp nhận trước ngày 1-1-2025.
Đặc biệt, phải tuyên truyền cho người dân biết là những trường hợp cần thiết, gấp thì phải nộp trước một tuần trước khi nghị quyết có hiệu lực, còn trường hợp nào chưa cần thiết thì nộp sau ngày 1-1-2025", ông Vương nói.
Về việc này, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết cần khuyến nghị người dân làm thủ tục sớm hơn hoặc làm sau ngày 1-1-2025 để lực lượng công an tập trung chỉnh lý trên hệ thống.
Tuy nhiên, trường hợp người dân có những việc gấp, cần phải làm ngay thì cơ quan chức năng cũng phải sắp xếp để làm cho người dân.
Trong việc chuyển đổi thông tin của dân, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan đề nghị các cơ quan phải làm từ bên trong và sở ngành phải có hướng dẫn rõ ràng, để các cơ quan sẵn sàng, đến khi người dân có nhu cầu thì có thể xử lý ngay, không để người dân phiền hà, mất nhiều thời gian.
Ông Hoan yêu cầu khi người dân có nhu cầu nộp hồ sơ, các cơ quan nhà nước phải chuẩn bị trước xem cần cập nhật, bổ sung gì, có địa giới hành chính mới không, không để dân nộp hồ sơ, đợi mười mấy ngày xong mới phát hiện thay đổi phường rồi bảo dân bổ sung.
Ông Hoan cũng nhìn nhận việc sắp xếp 80 phường ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt trong đời sống người dân, nhất là về thủ tục, giấy tờ. Tuy nhiên việc này TP đã có kinh nghiệm sắp xếp trước đó, các địa phương làm tốt, làm nhẹ nhàng, không để ách tắc, không để ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân.
Ông Hoan đề nghị các sở ngành phải rõ ràng và phải hướng dẫn bằng văn bản cụ thể để địa phương thực hiện. Ông cũng đề nghị không gây phiền hà, không gây ách tắc trong mọi hoạt động của dân. Không để người dân bỏ chi phí, công sức.
"Ai làm khó dân, gây phiền hà cho dân thì coi chừng bị rầy", ông Hoan nói.
Các địa phương cần có chính sách riêng hỗ trợ nhân sự dôi dư
Về nhân sự dôi dư, ông Hoan cho biết việc sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chạm đến quyền, lợi ích, tâm tư, tình cảm của cán bộ bình thường lẫn cán bộ có chức vụ.
Ông đề nghị địa phương tiếp tục tìm kiếm cách bố trí, giải quyết chính sách cho cán bộ dôi dư. Theo ông, để hỗ trợ cán bộ dôi dư có chính sách của Trung ương lẫn TP, dù chưa thỏa mãn nhưng đa dạng; các địa phương tiếp tục nghiên cứu các chính sách riêng để hỗ trợ thêm cho cán bộ, nhất là những người không có điều kiện tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Ông Võ Văn Hoan cho rằng trong quá trình giải quyết cán bộ dôi dư, cần cân nhắc xem xét bố trí ở phường khác hoặc lĩnh vực đang có nhu cầu. Cố gắng linh hoạt để sử dụng cán bộ một cách tốt nhất.
Đối với trụ sở tài sản công, ông Hoan đề nghị sử dụng trụ sở, tài sản công dôi dư cho phù hợp, tận dụng hết sức phục vụ việc phát triển địa phương, không để bất kỳ tài sản công nào bị bỏ trống gây lãng phí.
Nguồn: Tuổi Trẻ Online