03/12/2024
BA BƯỚC TIẾP CẬN TRI THỨC TỪ CỔ NHÂN
Tôi đã hoài nghi các thánh nhân nên mỗi lần đọc sách của cổ nhân, không chỗ nào không nghi ngờ, bởi vậy bèn lập ra ba mẹo đọc sách, cố gắng tạo trình tự cho bản thân.
Ba mẹo đọc sách của LÝ TÔN NGÔ
Bước thứ nhất: Coi cổ nhân là địch. Khi đọc sách của cổ nhân, liền tưởng tượng rằng người đó là kình địch của mình, có hắn thì sẽ không có mình, không huyết chiến một phen với hắn không được. Tìm kiếm sở hở của hắn khắp nơi, phát hiện sơ hở, bèn lập tức tấn công, lại thay cổ nhân nghĩ cách chống cự, càng chiến càng khốc liệt, càng tấn công càng sâu. Phải như vậy, việc đọc sách mới lĩnh hội được đạo lý.
Bước thứ hai: Làm bạn với cổ nhân. Tôi đọc sách mà có ý kiến sẽ lập tức đưa ra một kiến giải, đối chọi lại với kiến giải của cổ nhân, coi cổ nhân như bạn, cọ xát, học hỏi lẫn nhau. Nếu kiến giải của tôi sai, tôi sẵn sàng sửa theo cổ nhân. Nếu kiến giải của cổ nhân sai thì cứ dựa theo kiến giải của tôi mà nghiên cứu tiếp.
Bước thứ ba: Coi cổ nhân là học trò. Cổ nhân viết sách, có rất nhiều học thức nông cạn. Nếu tôi tự tin học lực của mình vượt trội cổ nhân thì có thể đem sách của họ ra chấm như chấm bài văn của học sinh vậy. Nói đúng thì khoanh cho họ vài vòng tròn; nói sai thì cho họ vài cái gạch. Tôi nghĩ tiếng thôn quê, ngôn ngữ địa phương chứa đựng ý nghĩa dí dỏm trên đời này cũng không ít, huống hồ là sách của cổ nhân, trong đó tất nhiên có rất nhiều chỗ chí lý. Tôi chấm càng nhiều, kiến thức tự nhiên sẽ càng cao. Đây chính là “thầy trò cùng tiến bộ” vẫn thường được nói đến. Nếu gặp một cổ nhân có kiến thức ngang bằng với mình, tôi sẽ mời người đó ra, đối đãi như bạn cũ, giống như Chu Hối Am đối đãi với Sài Nguyên Định vậy. Nếu gặp người có kiến thức hơn mình, tôi lại coi hắn như kình địch, tìm kiếm sơ hở của hắn, để xem có tấn công được hay không.
Mặc dù tôi đặt ra ba bước trên, nhưng thực ra lại không làm được, bản thân cảm thấy hổ thẹn. Tôi hiện đang thực hiện bước đầu tiên, muốn đạt đến bước thứ hai nhưng vẫn chưa đạt được. Còn bước thứ ba, tự lượng chắc cả đời cũng không có ngày đạt được. Ví dụ như khi đi bộ, tuy đã tìm được tuyến đường, đáng tiếc đường quá dài, sức chân lại có hạn, chỉ đành cố gắng tiến về phía trước, đi được đoạn nào hay đoạn ấy.
—
Trích dẫn từ cuốn sách TÔI HOÀI NGHI CÁC THÁNH NHÂN của LÝ TÔN NGỘ.