01/09/2021
♥️ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA NGÀY 2/9: NGÀY QUỐC KHÁNH VIỆT NAM.♥️
Từ trước đến nay, Quốc khánh luôn được xem là một trong những ngày quan trọng nhất trong năm đối với một quốc gia. Ở Việt Nam, ngày 2/9 hàng năm được chọn làm ngày Quốc khánh, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của đất nước. Vậy bạn đã thực sự hiểu ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày gì? Nguồn gốc từ đâu và ý nghĩa của nó như thế nào đối với dân tộc Việt Nam? Hãy cùng mình đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!
1. Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày gì?
1.1. Ngày Quốc khánh là gì?
Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày lễ chính thức của Việt Nam, rơi vào ngày 2 tháng 9 hằng năm, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
1.2. Ngày Quốc khánh 2/9 có từ bao giờ?
Với sự chỉ dẫn của Cục Văn thư lưu trữ nhà nước và Thư viện Quân đội, hiện có hai tư liệu có thể cung cấp câu trả lời cho chúng ta. Tư liệu thứ nhất là “Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9” trên báo Nhân dân năm 1954. Cũng năm đó, trên báo Nhân dân đã công bố một số khẩu hiệu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để “kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh 2/9”, trong đó khẩu hiệu số 20 có nội dung: “Nhiệt liệt chào mừng ngày kỷ niệm lần thứ 9 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9!”. Có thể nói, đây là lần đầu tiên ngày 2/9 xuất hiện trên trang thông tin chính thức của Chính phủ ta với tên gọi Ngày Quốc khánh. Mãi đến Hiến pháp năm 1992, điều 145 mới có quy định: “Ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945 là ngày Quốc khánh”.
2. Nguồn gốc và ý nghĩa lịch sử của ngày Quốc khánh Việt nam
2.1. Nguồn gốc
Theo các tài liệu lịch sử, sau khi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc kháng chiến thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chiến khu trở về căn gác 2, nhà số 8, phố Hàng Ngang, thủ đô Hà Nội để tiếp tục chỉ đạo phong trào kháng chiến. Ngày 25/8/1945, Bác đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về công tác đối nội và đối ngoại, đồng thời ra quyết định về việc khẩn trương ra mắt Chính phủ lâm thời Việt Nam Cộng Hòa.
Từ sớm ngày 2/9/1945, hơn 50 vạn người với cờ hoa khoe sắc, đại diện cho mọi tầng lớp trong nhân dân đã có mặt ở Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ai nấy vẻ mặt cũng đều hân hoan chờ đón giây phút khai sinh chế độ mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng nhiều thứ tiếng được treo quanh đường phố. Ý chí quật cường của nhân dân ta được biểu lộ qua các dòng chữ “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”,... Cũng trong thời gian này, ở nhiều thành phố lớn khác đã diễn ra các cuộc mít tinh, diễu hành, hàng triệu trái tim cùng hồi hộp hướng về Hà Nội, chờ đợi giây phút thiêng liêng nhất.
Đúng 14 giờ, Bác Hồ cùng các vị lãnh đạo trong Chính phủ lâm thời bước ra lễ đài uy nghiêm. Tại đây, Người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định nước Việt Nam là một dân tộc độc lập, tự do, bất kỳ ai cũng không có quyền xâm phạm; Bên cạnh đó, Bác cũng đã vạch trần tội ác man rợ của Thực dân Pháp và Phát xít Nhật gây ra với nhân dân ta bằng những lập luận đanh thép, mạnh mẽ, không thể chối cãi được. Ở dưới, hàng vạn người vỗ tay hoan hô, phấn khởi tạo nên một bầu không khí náo nhiệt, tràn ngập niềm vui của những ngày đầu độc lập. Từ đó, ngày 2/9 luôn được nhớ đến là ngày Quốc khánh của nước Việt Nam.
2.2. Ý nghĩa lịch sử
Quốc khánh 2/9 hàng năm luôn được xem là một ngày hội lớn của toàn dân tộc, đánh dấu một bước chuyển mình lớn của Cách mạng Việt Nam nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung. Đây cũng được xem là một dịp quan trọng để mỗi người dân Việt Nam tưởng nhớ lại thời khắc lịch sử trọng đất của đất nước, đồng thời ghi nhớ công ơn của những người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để chúng ta được sống dưới một bầu trời hòa bình như ngày hôm nay.