18/07/2022
Cách đây không lâu, VOV Giao thông từng đề cập tình trạng cư dân, người đi đường ám ảnh, sợ hãi vì công trình thi công chậm, kéo dài. Và nếu để nêu một ví dụ sinh động nhất trên đường phố Việt Nam ở thời điểm hiện tại, chắc hẳn sẽ có tên Quốc lộ 5, tuyến đường có lưu lượng giao thông cao nhất miền Bắc.
Trước đây, Quốc lộ 5 chưa từng được đại tu. Và lần sửa chữa mặt đường hiện tại đã được chờ đợi từ rất lâu, để tuyến đường này trở nên an toàn hơn. Tuy nhiên, có vẻ như công tác chuẩn bị chưa được tính toán kỹ lưỡng cho kịch bản số lượng xe vẫn duy trì ở mức 60 nghìn lượt/ngày đêm, trong khi diện tích thi công khiến mặt đường hẹp lại đáng kể, có đoạn bị thắt cổ chai.
Hậu quả có thể nhìn thấy rõ khi Quốc lộ 5 liên tục lâm vào cảnh ùn tắc triển miên vào các khung giờ cao điểm. Việc thi công chậm là việc đã đành, nhưng khả năng bố trí lực lượng phân luồng, hướng dẫn giao thông và tối ưu hóa diện tích thi công cũng đang khá bị động.
Việc rào chắn vẫn cố định, thiếu linh hoạt, dù có hay không có hoạt động thi công, gây cản trở lưu thông. Phương án thi công vào ban đêm, giờ thấp điểm đã được tính đến nhưng chưa triển khai có hiệu quả. Lực lượng phân luồng chủ yếu là tại chỗ, chưa tính việc phân luồng từ xa. Một số nơi dụng cụ thi công còn vương vãi, công tác vuốt nối trải thảm chưa êm thuận, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Công ty được giao quản lý và khai thác đường chưa phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các lực lượng chức năng như CSGT, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương. Trong khi về mặt chỉ đạo nhà nước, Tổng cục đường bộ, Sở GTVT địa phương lại chưa có được sự đôn đốc, giám sát sát sao.
Dù dự án đã được bắt đầu từ tháng 1/2022, nhưng đến nay, khi xuất hiện các điểm ùn tắc phức tạp, công tác tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể thời gian, lời khuyên đi lại an toàn cho người dân mới được các cơ quan hữu trách rục rịch tiến hành. Đường dây nóng phối hợp giữa các bên liên quan cũng mới được đề cập để thiết lập.
Có thể thấy tình trạng “đẽo cày giữa đường” đang xảy ra ở dự án trọng điểm này. Thông thường, khi phê duyệt biện pháp thi công, chủ đầu tư cũng cần phê duyệt kèm theo phương án phân luồng giao thông. Bởi lẽ, Quốc lộ 5 có ít tuyến đường thay thế, đặc biệt đối với xe kinh doanh vận tải nếu bị cấm, sẽ bị ép đi cao tốc với chi phí lớn hơn nhiều. Việc lựa chọn công nghệ để rút ngắn thi công, phối hợp nhịp nhàng để tổ chức giao thông hợp lý sẽ giúp dự án ít ảnh hưởng nhất tới việc đi lại của người dân, doanh nghiệp.
Người đi đường đã nhận được lời xin lỗi, mong thông cảm từ các đơn vị có liên quan. Nhưng có lẽ, họ cần nhiều hành động hơn là những lời chia sẻ. Ai có vai trò “nhạc trưởng” dẫn dắt tổng thể dự án? Ai có trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra ách tắc, tai nạn do dự án sửa đường gây ra?
Ai có nhiệm vụ giám sát, nghiệm thu đảm bảo giao thông êm thuận sau khi sửa đường xong? Và những chế tài với các vi phạm (nếu có) sẽ được thực hiện nghiêm túc, công minh?
Người đi đường đã phải trả phí bảo trì đường bộ, phí cầu đường qua trạm, họ xứng đáng được hưởng chất lượng giao thông một cách tốt nhất. Rất khó để họ thông cảm với các đơn vị thi công, lực lượng đảm bảo ATGT khi không biết phải sống chung với nguy cơ ùn tắc, mất an toàn tới bao giờ?
✅ Nội dung chi tiết vui lòng truy cập: https://vovgiaothong.vn/sua-duong-gay-un-tac-nhac-truong-o-dau-d27764.html